Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Làm thế nào để sống sót trong đám đông chạy loạn?

Làm thế nào để sống sót trong đám đông chạy loạn?
Phải kiểm soát sự sợ hãi vì nghĩ mình sẽ chết; bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra; trong những phút đầu tiên tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông.
> Cảnh giẫm đạp kinh hoàng ở Campuchia

Bác sĩ Quản Hồng Đức, Công ty TNHH Dòng kẻ phân tích nguyên nhân thảm họa chết người từ những đám đông và cách tự bảo vệ mình an toàn nếu không may lâm vào tình trạng tương tự.

Từ đầu năm đến nay, thế giới đã chứng kiến 4 thảm họa chết người từ sự hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau khi tìm cách thoát khỏi đám đông, tại những sự kiện hoặc lễ hội tổ chức trên thế giới.

Bài viết cùng tác giả:

- 'Nhiều người chết oan vì bỏ quên văn hóa an toàn'

- Đáng lẽ họ đã không phải chết

Ngày 4/3 đánh dấu thảm họa đầu tiên khi ít nhất 71 người chết và hơn 200 người khác bị thương khi đang tham dự lễ hội tại ngôi đền Ram Janki, tỉnh Kunda, Ấn Độ. Đám đông trở nên hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau để thoát thân sau khi cửa của ngôi đền bị đổ sập.

Một thảm họa khác xảy ra vào ngày 6/6 làm 14 người bị thương tại sân vận động Makulong, khi vé vào cửa được phát miễn phí để xem trận đấu giao hữu giữa hai đội bóng Nigeria và Bắc Triều Tiên. Đám đông hâm mộ chen lấn, giẫm đạp lên nhau để giành cho được tấm vé vào cửa.

Sự kiện gần đây nhất xảy ra vào ngày 24/7 tại thành phố Duisburg, Đức, trong Liên hoan âm nhạc điện tử mang tên “Đám rước tình yêu”. 21 người chết và hơn 500 người bị thương trong đám đông hỗn loạn chưa từng thấy.

Và hôm qua, có ít nhất 349 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương tại lễ hội nước ở Phnom Penh, Campuchia. Đám đông người tham dự lễ hội chen lấn, xô đẩy và giẫm đạp lên nhau thoát ra ngoài sau khi có tin cây cầu hẹp nối thành phố với một hòn đảo nhỏ nơi diễn ra lễ hội bị yếu và có nguy cơ sập.

Đây cũng là một trong những thảm họa kinh hoàng làm chết nhiều người nhất trong thế kỷ 21 (Vụ tồi tệ nhất giết chết hơn 1.000 người xảy ra vào ngày 31/8/2005 trên cầu Baghdad, Iraq).

Rõ ràng trong thế giới và xã hội hôm nay, con người đã và đang phải đối mặt với một loại thảm họa mới xuất hiện thường xuyên hơn, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn: Thảm họa chết người từ những đám đông.
Giẫm đạp nhau kinh hoàng tại thảm họa ngày 22/11 ở lễ hội nước PhnomPenh khiến ít nhất 350 người chết. Ảnh:
Giẫm đạp nhau kinh hoàng tại thảm họa ngày 22/11 ở lễ hội nước PhnomPenh khiến ít nhất 375 (con số đến 18h chiều 23/11) người chết. Ảnh: AFP

Nhìn lại lịch sử, chúng ta dễ dàng nhận thấy mức độ thường xuyên và nghiêm trọng tăng lên rõ rệt. Nếu trong thế kỷ thứ 19 chỉ có 5 thảm họa tương tự thì con số này đã là 22 trong thế kỷ 20. Và tính đến ngày hôm nay của thế kỷ 21, số vụ giẫm đạp chết người đã lên tới 29.

Điều này thực ra không có gì khó hiểu khi mà ngày càng có nhiều lễ hội, sự kiện được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam, cho những mục đích khác nhau như âm nhạc, thể thao, chính trị hoặc tôn giáo… thu hút sự quan tâm của hàng triệu người. Hơn nữa, con người của ngày hôm nay dường như cũng nhạy cảm hơn trước đây, với những nguy cơ, rủi ro liên quan đến an toàn và an ninh của bản thân cùng những người xung quanh.

Dưới đây là một biểu đồ về số người chết trung bình trong một đám đông hỗn loạn từ những sự kiện khác nhau, để độc giả VnExpress.net có một cái nhìn khách quan về loại thảm họa mới này.

Thống kê này được tổng hợp và phân tích từ 215 thảm họa, trong đó có 49 vụ liên quan đến các sự kiện thể thao, 25 trường hợp xuất phát từ sự kiện âm nhạc, 38 từ chính trị và 41 bắt đầu bởi các sự kiện tôn giáo. 60 vụ còn lại liên quan đến những sự kiện và nguyên nhân khác nhau.
Biểu đồ số người chết trung bình trong đám đông hỗn loạn. Nguồn:
Biểu đồ số người chết trung bình trong đám đông hỗn loạn. Nguồn: epiphenom.fieldofscience.com

Qua phân tích trên biểu đồ chúng ta thấy rất rõ, số lượng người chết kỷ lục thuộc về các thảm họa có liên quan đến các sự kiện tôn giáo.

Điều này có thể giải thích rằng, số lượng người tham gia tại một sự kiện tôn giáo lớn hơn rất nhiều so với những sự kiện khác. Hơn nữa, khả năng nhận định và phân tích các tình huống nguy hiểm ở những người đang tham dự sự kiện tôn giáo cũng phần nào hạn chế bởi khung cảnh của sự kiện, bởi sự tập trung tinh thần và tín ngưỡng vào các hoạt động chính.

Sự tập trung này phần nào làm mất đi khả năng nhận thức những mối nguy và rủi ro xung quanh. Nên khi có một sự cố, thậm chí chỉ là một tin đồn thất thiệt về một sự cố, những người tham gia sự kiện dễ dàng rơi vào trạng thái của sự hoảng sợ quá mức. Họ như “bừng tỉnh” để trở về với thế giới thực và phản xạ bản năng với những nguy hiểm xung quanh.

Vậy điều gì thực sự đã diễn ra trong những đám đông hỗn loạn đó và nguyên nhân nào đã trực tiếp gây ra những cái chết cho những nạn nhân? Chúng tôi sẽ phân tích các nguyên nhân dưới góc độ chuyên môn và đưa ra những gợi ý giúp độc giả VnExpress.net có những giải pháp và hành động chính xác nếu không may ở trong những hoàn cảnh tương tự.

Có 3 nguyên nhân dẫn đến những cái chết trong đám đông hỗn loạn và giẫm đạp lên nhau. Đó là:

1. Sự ngạt thở (đây là nguyên nhân hàng đầu)

2. Sự chèn ép quá mức (khi đám đông xô đẩy nhau)

3. Sự giẫm đạp (khi nạn nhân bị ngã và bị người khác giẫm đạp lên người)

Qua phân tích những thảm họa xảy ra gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng hầu hết nạn nhân tử vong là do các nguyên nhân kể trên. Có rất ít số liệu và báo cáo cho thấy có nạn nhân tử vong vì những sự cố thực sự gây ra thảm họa như cháy, nổ…, vì thực tế nguyên nhân này sẽ được các nhà chức trách xử lý kịp thời trước khi có hậu quả. Nếu có thì thường con số thương vong không lớn.

Chúng tôi muốn các bạn lưu ý nguyên tắc đầu tiên để có thể tự cứu mình trong những hoàn cảnh tương tự: Đó là kiểm soát sự sợ hãi (vì nghĩ mình sẽ chết bởi sự cố trong sự kiện). Bạn nên nhớ rằng, nhà chức trách luôn chuẩn bị sẵn các phương án và phương tiện để đối phó với sự cố không mong muốn xảy ra trong một sự kiện. Đó là yêu cầu bắt buộc trong công tác chuẩn bị tổ chức một sự kiện có đông người tham gia.

Bạn nên nhớ rằng: Người ta thường chết vì hậu quả của sự sợ hãi, chứ ít người chết vì nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi

Để tăng khả năng kiểm soát sự sợ hãi trong một đám đông hỗn loạn tại một sự kiện, bạn cần chuẩn bị những điều sau đây khi quyết định tham gia sự kiện:

- Quyết định loại sự kiện bạn sẽ tham gia (bạn nên lưu ý đến những phân tích về số người chết liên quan đến sự kiện trong phần đầu bài viết).

- Xem xét yếu tố sức khỏe của bản thân. Ví dụ nếu bạn bị hen suyễn, bệnh tim mạch, hoặc đang có vấn đề về cơ, xương, khớp hay có vết thương đang được điều trị, thì tốt nhất là không nên tham gia sự kiện.

- Xem xét về địa điểm tổ chức sự kiện: trong nhà hay ngoài trời. Nếu sự kiện tổ chức trong nhà thì bạn nên quan tâm đến việc thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Nếu sự kiện tổ chức ngoài trời, nên quan tâm đến không gian cũng như định vị các vị trí (tòa nhà, công viên…) nơi bạn có thể thoát hiểm khỏi khu vực diễn ra sự kiện trong trường hợp khẩn cấp. Điều này giúp bạn dễ dàng nhận ra hướng thoát hiểm khi đang ở trong đám đông.

- Không nên mang những vật sắc nhọn trong người khi tham gia sự kiện. Những vật dụng sắc nhọn có thể làm bạn bị thương khi bị đám đông chen lấn, xô đẩy.

- Bạn nên mang theo điện thoại di động và cố gắng duy trì liên lạc với người thân, bạn bè qua điện thoại nếu đang bị kẹt trong đám đông. Cũng nên nhớ sạc pin điện thoại trước khi đi đến sự kiện.

- Không nên mang theo trẻ em khi tham dự những sự kiện có đông người tham gia.

Còn khi đang kẹt cứng trong một đám đông, và đám đông trở nên ngày một hỗn loạn hơn, khó kiểm soát hơn, bạn sẽ phải làm gì?

Bạn nên nhớ, nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết cho những nạn nhân là sự ngạt thở. Vì vậy, hãy bình tĩnh và kiểm soát sự sợ hãi. Hãy ngẩng đầu cao hơn để lấy thêm không khí.

Bạn cũng cần biết rằng, khi 6 hoặc 7 người cùng đẩy về một phía thì lực đẩy có thể lên đến gần 500 kg. Lực này đủ để bẻ cong một thanh sắt hoặc làm đổ một bức tường. Những nạn nhân tử vong thường được tìm thấy ở tư thế đứng. Thậm chí khi đám đông được giải tán, họ chết khi vẫn đang đứng như vậy. Những nạn nhân này thường chết vì bị gẫy xương sườn hoặc vỡ nội tạng bên trong cơ thể do bị chèn ép. Xương sườn gãy và vỡ nội tạng do lực ép trực tiếp lên cơ thể từ phía trước và phía sau. Vì vậy khi di chuyển trong đám đông, tư thế tốt nhất là di chuyển ngang để lực ép của đám đông lên cạnh bên cơ thể bạn.

Để tăng khả năng sống sót khi bị kẹt trong một đám đông bắt đầu hỗn loạn vì một sự cố nào đó, bạn cần lưu ý những điều sau đây:

- Bình tĩnh để xem xét thông tin về sự cố đang xảy ra (sự chính xác của thông tin, loại sự cố: cháy, nổ, sập công trình...)

- Trong những phút đầu tiên, tuyệt đối không chạy theo phần lớn đám đông. Khả năng bạn bị kẹt lại trong đám đông lớn hơn rất nhiều so với cơ hội thoát ra được khi có cùng lúc nhiều người chạy về một hướng.

- Quan sát xung quanh tìm những vị trí bạn đã định vị sẵn (như tòa nhà, công viên... hay cửa thoát hiểm gần nhất) và tìm cách di chuyển về hướng đã định vị.

- Quan sát xung quanh để tìm những nhân viên cứu hộ, cứu nạn hoặc những người tham gia sự kiện mà họ biết nhiều thông tin hơn bạn. Thông thường, trong đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì rất ít người chú ý xung quanh. Họ thường chỉ nhìn về hướng phía trước nơi họ sẽ chạy đến. Có rất nhiều người biết hướng thoát nạn tốt nhất nhưng không ai nghe họ trong những trường hợp như vậy. Cũng có khi những người này đang ở vị trí cao hơn bạn (trên cây, bờ tường…) và từ vị trí này họ quan sát tốt hơn và xa hơn. Hãy cố gắng nhìn họ và theo chỉ dẫn của họ.

- Hãy tìm cách liên lạc với người thân và yêu cầu cung cấp thêm thông tin nếu họ đang ở một vị trí khác.

- Lưu ý những hậu quả của sự cố trực tiếp (khói, khí độc từ vụ hỏa hoạn). Bạn hãy quan sát hướng bay lên của khói để xác định hướng đi cho mình.

Nếu bạn chắc chắn đang kẹt cứng trong một đám đông, bạn đừng cố gắng đi ngược lại dòng người. Điều này làm bạn mất sức và sẽ dễ bị tấn công bởi người khác và bạn sẽ bị ngã. Nếu bạn bị ngã trong một đám đông hỗn loạn, giẫm đạp lên nhau thì khả năng tử vong rất lớn.

Tốt nhất bạn hãy di chuyển cùng dòng người, hãy để lực của người khác đưa bạn đi, bạn đừng cố gắng cắt ngang hoặc đi ngược lại. Di chuyển ngang cùng dòng người và quan sát xung quanh tìm cơ hội thoát hiểm.

Cuối cùng, bạn hãy ghi nhớ rằng: Chỉ có một cách duy nhất giúp bạn thoát khỏi thảm họa, đó là: Sự bình tĩnh. Hãy để sự bình tĩnh đưa bạn đến sự phán đoán và hành động chính xác nhất.

Bác sĩ Quản Hồng Đức

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

Cậu bé "hồi sinh" kỳ lạ

Tiến cầm tay tôi lắc lắc và chỉ ra con sông gần nhà: "Ngày trước cháu chết ở kia kìa". Tuy nhiên, theo TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ - Tin học Ứng dụng (UIA), chuyện của Tiến không có gì lạ.
Chúng tôi tìm đến thị trấn Vụ Bản lúc trời đã gần chính ngọ. Không khó để hỏi thăm nhà anh Tân, chị Thuận, bởi dường như câu chuyện “hồi sinh” của cháu Tiến ở cái thị trấn nhỏ này ngay cả cháu bé lên 10 cũng kể rành mạch được.

Cổng nhà anh Tân có 3 cháu nhỏ khoảng 9-10 tuổi đang nô đùa. Thấy tôi cất lời hỏi thăm, một cháu bé nhìn trắng trẻo, khôi ngô nhất trong đám trẻ nhanh nhảu: “Cô hỏi bố cháu à! Bố cháu đang ở trong nhà. Cô vào uống nước để cháu gọi bố”. Trong lúc chúng tôi đang ngờ ngợ đoán chừng cậu bé lúc nãy chính là bé Tiến “nổi tiếng” tiêu tốn không ít giấy mực của báo chí, thì anh Tân bước ra.

Bên ấm trà nóng, lim dim nhả làn khói thuốc xám, anh Tân gật gù khi nghe chúng tôi dè dặt nói lý do đến thăm nhà.

Ngẫm nghĩ một lúc, anh Tân dụi tắt điếu thuốc đang cháy dở, thẳng thắn nói: “Nói thật với cô, tôi đã không có ý định tiếp phóng viên nữa. Một phần tôi cũng không muốn mọi người nhắc quá nhiều về chuyện của cháu, tôi muốn mọi người coi cháu như những đứa trẻ bình thường khác. Nhưng vì cô đã lặn lội đường xa đến đây tôi sẽ kể rành mạch không giấu giếm, cũng là để đính chính vài thông tin mà một số báo đã không nói chính xác hoàn toàn khiến tôi rất bức xúc”.

Câu chuyện “tái sinh” kỳ lạ

Anh Tân và chị Thuận cưới nhau được 6 năm mới sinh được cháu Nguyễn Phú Quyết Tiến (28/2/1992). Cháu Tiến lớn lên bụ bẫm, xinh xắn, trong sự yêu chiều hết mực của cả gia đình. Thế nhưng, đến năm cháu 5 tuổi, tai họa bất ngờ ập xuống.

Hôm đó vào buổi chiều tháng Giêng, anh Tân đang nằm đọc báo bỗng giật nảy mình chồm dậy, ruột gan như lửa đốt. Anh gọi chị Thuận bảo: “Thằng Tiến đâu, tìm nó về đi”. Chị Thuận tìm gọi mãi nhưng không thấy Tiến đáp lại, ra phía bờ sông gần nhà chị chỉ nhìn thấy đôi dép cháu để trên bờ. Dưới dòng nước xanh ngắt nhìn thấu tận đáy, không thấy điều gì bất thường. Chị chạy về báo anh Tân. Bỏ tờ báo, anh hớt hải ra phía bờ sông thì nhìn thấy xác cháu Tiến nổi cách bờ 3m.

“Tôi lao xuống dòng nước, ôm chặt lấy con nhấc lên bờ. Nhưng tất cả đã quá muộn!”, giọng anh lạc đi, không giấu vẻ kinh hoàng khi nhớ về cái ngày đau thương ấy.
Cháu Tiến mất đi khiến cả anh Tân, chị Thuận đều như kẻ mất hồn. Nỗi đau càng nhân lên gấp bội khi chị Thuận do vấn đề sức khỏe đã “không còn khả năng làm mẹ” nữa. Trong cơn vật vã, bà cụ hàng xóm mà sau này anh Tân mới biết là “bà mế” có sang vỗ vai anh và bảo: “Con yên tâm, sớm muộn gì nó cũng tìm về với con thôi!”. Khi ấy vì quá đau buồn anh cũng coi lời bà như lời an ủi của những người hàng xóm tốt bụng khác.

Vắng tiếng cười trẻ thơ, căn nhà chỉ còn hai người lớn trở nên hoang lạnh hơn bao giờ hết. Là con một, phải chịu áp lực từ phía gia đình, anh Tân buồn bã chả thiết làm gì, suốt ngày ngơ ngẩn gần như người hóa dại.

Năm 2006, cả hai vợ chồng vẫn chưa nguôi nỗi đau mất con thì nghe có người rỉ tai ở Xóm Cọi, xã Yên Phú, Lạc Sơn, cách nhà anh chị chừng 3km có cháu bé nghi là “con lộn” của Tiến. Cháu tên Bùi Lạc Bình (sinh ngày 6/10/2002) là con một gia đình người Mường nhưng ngay từ khi biết nói đã khăng khăng bảo mình là con người Kinh, nhà trên thị trấn Vụ Bản.

Vốn chưa bao giờ tin có chuyện “đầu thai” như kiếp luân hồi của nhà Phật, nhưng hai anh chị vẫn đánh bạo tìm đến nhà cháu bé nọ. Thật bất ngờ khi anh chị đến nơi cháu không hề thấy lạ mà gọi bố mẹ xưng con và quấn quít không rời. Anh chị ngỏ lời mời chị Dự, người sinh cháu Bình, tên bố mẹ “mới” đặt, đến nhà chơi. Nghe thấy thế, Bình vui lắm, trèo phắt lên xe hào hứng như đứa trẻ lâu ngày được về nhà.

Vừa vào nhà, Bình đã chạy quanh nhà tìm đồ chơi mà Tiến trước kia thích. Cháu còn tự nhiên vào giường anh Tân, chị Thuận nằm lên đó rồi bi bô: “Ngày xưa con thường ngủ chỗ này nhỉ bố nhỉ?”. “Ngay khi nhìn thấy cháu, nghe cháu nói, và thấy những hành động của cháu vợ chồng tôi như chết đứng. Tất cả đều giống hệt như cháu Tiến thủa trước, có khác chỉ là khác về hình hài mà thôi”, anh Tân kể.
Kể từ ngày gặp cháu Bình thì ăn ngủ chẳng yên bởi giữa hai người với đứa trẻ xa lạ dường như có mối thâm tình gì đó day dứt lắm. Nhớ cháu, thương cháu nhưng lại sợ người ngoài bảo muốn cướp con. Vợ chồng anh hiếm muộn, nhưng vợ chồng chị Dự-anh Hoan cũng chỉ có duy nhất cháu Bình là con.

Về phần chị Dự, sau lần đến chơi nhà ấy, cháu Bình cứ nằng nặc đòi về “nhà bố mẹ”. Thấy con nhèo nhẹo khóc, chị Dự cũng không biết phải làm sao. Đưa cháu về nhà anh Tân, chị Thuận chơi thì sợ người ta dị nghị là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Nhưng sau một lần Bình bị ốm nặng, sốt cao, cháu cứ luôn miệng “dọa”: “Mẹ không cho con về, con lại chết lần nữa!”. Hoảng quá, lần này chị đánh liều gọi cho anh Tân đưa cháu về nhà chơi. Cháu Bình về nhà anh thì khỏe khoắn, vui vẻ, không còn đau ốm nữa.

“Thấy cháu tha thiết quá, sau bao đắn đo chúng tôi dè dặt đề nghị gia đình anh Hoan, chị Dự cho cháu về ở với chúng tôi. Thật bất ngờ là cả vợ chồng anh chị và bà nội cháu đều gật đầu đồng ý. Chính bà nội cháu cũng bảo rằng: Ngay từ lúc thằng bé biết nói tôi đã biết nó không phải người Mường rồi”, anh Tân nói.

Theo lời anh Tân, kể từ ngày cháu về với anh chị, hết lần này đến lần khác hai người “thử” cháu. Thậm chí, nhiều người hàng xóm cũng sang nhà để “hỏi chuyện ngày xưa”. Tất cả cháu đều trả lời vanh vách. Từ tên bác hàng xóm, đến cô giáo mẫu giáo rồi bạn bè thân của cháu, cháu đều nhớ tên. Đường về nhà, hay những câu chuyện nhỏ nhặt như ngày xưa bà nội cho cháu uống bia ở đầu làng cháu cũng nhắc lại, ngay cả việc, “cháu đã từng chết như thế nào, bị ngã xuống nước ra sao”…

“Dù trước đó, chưa một lần tin có chuyện “hoang đường” như thế, nhưng đến lúc ấy cả vợ chồng tôi đều hoàn toàn tin rằng Bình chính là cháu Tiến, con chúng tôi 10 năm về trước”, anh Tân kể.

Từ ngày về ở với anh chị Tân, Thuận, Bình nằng nặc đòi gọi tên là Tiến, ngay cả tên đệm cháu cũng đòi giữ.

“Hãy coi cháu như những đứa trẻ bình thường”

Bé Tiến bây giờ đã bước sang tuổi thứ 9. Cháu trắng trẻo, khôi ngô, ngoan và lễ phép nhưng cũng hiếu động hệt như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Khi chúng tôi ngồi nghe anh Tân kể chuyện thì Tiến không ngừng nô đùa trước sân, chọc tổ ong khiến anh Tân mấy bận phải đứng dậy nạt cháu.

Câu chuyện dang dở thì chị Thuận mẹ cháu về, thoáng qua những dè dặt ban đầu, nhắc đến con chị cười nói xởi lởi lắm. Lần dở từng trang sách của cháu, đôi mắt chị vẫn ánh lên niềm hạnh phúc vô hạn: “Cháu đi học mấy năm liền đều đạt học sinh giỏi…”. Rồi chuyện trường, chuyện lớp, chuyện nghịch ngợm của trẻ nhỏ làm bầu không khí rộn ràng hẳn lên.

Mải chuyện đã quá trưa tự lúc nào, chị Thuận giữ chúng tôi ở lại ăn cơm, chúng tôi cũng vui vẻ đồng ý. Khi mâm cơm đã dọn tinh tươm, Tiến vẫn đứng ngoài sân mê mải đọc cuốn Hương Hiếu Hạnh của nhà sư Thích Tâm Hiệp viết về trường hợp “đầu thai” của Tiến. Nghe anh Tân bảo, nhà sư sau khi nghe câu chuyện của Tiến đã viết một bài in trong tập sách Hương Hiếu Hạnh và tặng anh chị một cuốn. Từ lúc rõ mặt chữ, Tiến lúc nào cũng cầm cuốn sách và đọc đi đọc lại câu chuyện kể về mình. Những câu chuyện ngày xưa cháu cũng dần quên.
Tôi đứng dậy gọi Tiến vào ăn cơm thì bất chợt cậu bé nắm tay tôi lắc lắc, chỉ ra phía con sông sau nhà: “Cô ơi, ngày xưa cháu chết ở kia kìa”. Dù đã nghe câu chuyện của cháu nhưng câu nói bất chợt của Tiến vẫn khiến tôi lạnh sống lưng.

Sau bữa cơm đầm ấm, chúng tôi xin phép hai anh chị tiếp tục lên đường. Trước khi đi, anh Tân trầm ngâm: “Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm tiềm năng con người đã nhiều lần điện thoại gặp nhưng tôi đều từ chối. Hiện giờ, tôi chỉ muốn mọi người hãy coi cháu như những đứa trẻ bình thường khác. Cháu Tiến giờ ở nhà tôi với tư cách là "con nuôi". Cháu vẫn thường xuyên qua lại nhà mẹ đẻ...".

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân về Vinashin

Trả lời chất vấn trực tiếp của ĐB sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần nhận trách nhiệm cá nhân với sự đổ vỡ của Vinashin và hứa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân các thành viên CP, không làm xuê xoa.

Sau một tiếng báo cáo giải trình, từ 9h sáng, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội.

VietNamNet tường thuật trực tiếp.

>> Thủ tướng báo cáo giải trình trước Quốc hội
>> Toàn văn giải trình của Thủ tướng trước Quốc hội
>> Chất vấn đâu phải chỉ cho xong vai diễn


Vinashin tự vay tự trả thế nào?

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội): Những ngày gần đây nhân dân chăm chú theo dõi nỗ lực Chính phủ đang tái cơ cấu Vinashin, Tập đoàn cũng tuyên bố nỗ lực làm ăn tự vay, tự trả, tái cơ cấu. Làm được như vậy dân mừng.

Nhưng với số nợ trên 86 ngàn tỷ đồng, thì Tập đoàn sẽ tự vay tự trả lãi thế nào? Vì mỗi năm sẽ phải trả tiền nợ lãi cho ngân hàng 15 ngàn tỷ Và chỉ sau 5 năm, số tiền nợ 86 ngàn tỷ đồng sẽ tăng gấp đôi 160 ngàn - 170 ngàn tỷ đồng.

Trong khi đó, kinh doanh với doanh thu năm 2010 chỉ là 13, 5ngàn tỷ đồng. Và số lỗ hoạt động kinh doanh là 1.100 tỷ đồng.

Theo tính toán của chúng tôi, kể cả sau tái cơ cấu, Vinashin không thể tự trả được nợ nếu không được bơm vốn từ bên ngoài và bán bất động sản. Xin hỏi Thủ tướng có cách nào để tự vay tự trả món nợ này? Nếu không trả được món nợ trên thì Thủ tướng sẽ làm thế nào?

Nếu Chính phủ khoanh nợ mà không tính lãi thì ai chịu trách nhiệm về việc ngân hàng thua thiệt số tiền 15 ngàn tỷ đồng, số tiền đóng băng ảnh hưởng đến hệ thống tài chính cả nước?


ĐB Phạm Thi Loan mở đầu phiên chất vấn trực tiếp Thủ tướng. Ảnh LAD
Thứ hai, với cương vị đại diện chủ sở hữu quản lý tập đoàn, Thủ tướng sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước tình hình Vinashin?

Thứ ba, sau Vinashin có chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn khác không, đặc biệt Tập đoàn Dầu khí. Vì hiện nay Tập đoàn dầu khí đang đầu tư dàn trải ngoài ngành cốt lõi như bảo hiểm, bất động sản, tài chính, gas và cả taxi. Bây giờ còn được giao thêm đóng tàu.
Chỉ khác là Vinashin phải đi vay tiền để đầu tư còn dầu khí thì được nhà nước cấp tiền để làm và đang rộng tay sử dụng ở nhiều lĩnh vực. Tôi xin hỏi Thủ tướng vì lý do gì mà 50% đại biểu QH không muốn để lại 3.500 tỷ đồng cho tập đoàn dầu khí nhưng Chính phủ vẫn quyết định cấp số tiền đó cho họ. Thủ tướng kiểm soát việc sử dụng vốn của tập đoàn này thế nào?

Việc dầu khí đầu tư 3,2 tỷ USD sang Venezuela thời điểm đất nước đang thiếu ngoại tệ là như thế nào?

Thủ tướng nghĩ gì về việc thành lập các tập đoàn kinh tế đa sở hữu, đầu tư dàn trải để rồi vỡ nợ là lại tái cơ cấu như Vinashin.

Tôi cũng đề nghị Quốc hội cần có nghị quyết về sử dụng vốn ở Tập đoàn Dầu khí?

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Tôi xin gửi tới 2 câu hỏi xung quanh chủ đề: tầm nhìn và chất lượng quy hoạch.

Giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội và 2 ngày chất vấn vừa qua, nhiều Bộ trưởng thừa nhận những bất cập trong quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, khu công nghiệp, khu dân cư, quy hoạch đô thị...

Với cương vị người đừng đầu Chính phủ, người được pháp luật giao thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch, xin Thủ tướng cho biết vai trò trách nhiệm của Thủ tướng và thường trực Chính phủ nói chung trong việc phê chuẩn các quy hoạch, chỉ đạo liên ngành triển khai các quy hoạch, và trong việc rà soát điều chỉnh các quy hoạch thiếu tính dự báo, kém hiệu quả, chậm tiến độ hiện nay?

Cho đến thời điểm này, rất tiếc là đất nước ta chưa có một quy hoạch đặc biệt quan trọng, là quy hoạch cái, quy hoạch rường cột, quyết định chất lượng các quy hoạch khác. Đó là quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, vì con người là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Xin thủ tướng cho biết bao giờ có quy hoạch nguôn nhân lực quốc gia 2011 - 2020, và tầm nhìn xa hơn. Thủ tướng chỉ đạo xây dựng quy hoạch này thế nào?

Đã kiểm điểm nghiêm túc chưa?

ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Về trách nhiệm trong vụ việc Vinashin, trong báo cáo đọc trước Quốc hội sáng 19/10 vừa qua, Thủ tướng có xác định thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan và Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm. Tiếp sau, Chính phủ đã gửi hai báo cáo liên tiếp cho Quốc hội.

Các thành viên Chính phủ đã lần lượt giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng chúng tôi thấy, thứ nhất là cả hai báo cáo đều không chỉ rõ ngoài lãnh đạo Vinashin, những ai chịu trách nhiệm cụ thể về việc đổ vỡ của Vinashin.

ĐB Nguyễn Minh Thuyết đề nghị làm rõ trách nhiệm cá nhân Thủ tướng với Vinashin, không chỉ với tư cách người đứng đầu Chính phủ.
Thứ hai, tất cả các thành viên Chính phủ trong giải trình và trả lời chất vấn đều không thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ việc này.

Hôm nay, Thủ tướng nói "Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế, yếu kém nêu trên của Chính phủ". Tôi thấy, tôi không hiểu là Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm như thế nào vì cả những dẫn chứng mà chúng tôi đã nêu ra?

Riêng hôm nay tôi không nói về trách nhiệm của các Bộ nữa, tôi chỉ nói trách nhiệm của Thủ tướng. Thủ tướng có nhận trách nhiệm cá nhân nhưng với tư cách người đứng đầu Chính phủ. Nhưng theo tôi hiểu ở đây chủ yếu là trách nhiệm của người được pháp luật giao thực hiện quyền chủ sở hữu ở các Tập đoàn và Tổng công ty 91 của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện quyền hành có rất nhiều sai phạm xảy ra.

Những vấn đề về cấp vốn .v.v tôi không bàn nữa. Tôi chỉ nói một sai phạm, vi phạm luật đó là điều 33 Luật Doanh nghiệp Nhà nước quy định: "Chủ tịch HĐQT không kiêm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc công ty". Nhưng Thủ tướng là người ký quyết định để cho ông Phạm Thanh Bình vừa là Chủ tịch HĐQT, vừa là Tổng giám đốc công ty thì giải thích chuyện này như thế nào?

Nghị định 132 năm 2005 quy định cho người đại diện chủ sở hữu thực hiện tới 10 quyền tại các Tập đoàn, Tổng công ty. Nhưng khoản 4, điều 4 Nghị định trên cũng quy định chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi quyết định dự án đầu tư phê duyệt chủ trương mua bán, vay, cho vay, thuê, cho thuê theo thẩm quyền. Tôi nghĩ Thủ tướng nên dựa vào các quyết định của pháp luật để xác định trách nhiệm cụ thể của mình.

Tôi được biết hiện nay, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên khác của Chính phủ đang kiểm điểm trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương như Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nói hôm qua. Nhưng đây là Quốc, hội trả lời trực tiếp trước dân, chúng tôi mong đợi sự tự phê bình mạnh mẽ hơn của Chính phủ.

Chúng ta đang học Bác Hồ, tôi xin phép dẫn một câu của Bác Hồ: "Một Đảng mà dấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng, một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó rồi tìm mọi cách sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Tôi chỉ mong các đồng chí trong Chính phủ kiểm điểm nghiêm túc theo đúng tinh thần của Bác Hồ, theo đúng pháp luật của Nhà nước.

Ai chỉ đạo đăng bài công kích đại biểu?

Câu hỏi 2: Xin Thủ tướng cho biết ai đã chỉ đạo đăng tải một số bài công kích, chụp mũ đại biểu Quốc hội ở trên website Chính phủ? Là cơ quan chấp hành của Quốc hội, việc Chính phủ để đăng tải những ý kiến như vậy ở trên website của mình có phải là hành động khôn ngoan không, có để cho dân thắc mắc về thái độ tự phê bình của Chính phủ? Có để người ngoài lợi dụng không?

Để khỏi hiểu lầm, tôi xin khẳng định như thế này: Tôi cũng như các đại biểu QH khác rất hoan nghênh ý kiến phê bình của cử tri đối với chúng tôi, sự giám sát của cử tri đối với chúng tôi. Nhưng mà những sự phê bình đó phải dựa trên sự hiểu biết pháp luật, hiểu biết chức năng của Quốc hội, chức năng của đại biểu Quốc hội, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và nó phải tranh luận cụ thể vào các vấn đề, chứ không thể phát biểu theo kiểu chụp mũ và tôi cho rằng, việc đăng những bài như thế trên website Chính phủ là không đúng chỗ. Xin cảm ơn Thủ tướng.

Tái cơ cấu đúng luật

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin lần lượt trả lời những câu hỏi chất vấn của các đồng chí, các vị đại biểu.

Trước hết là đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin. Chúng tôi đã thực hiện thành lập Ban chỉ đạo liên ngành nhiều cơ quan để cùng Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam xây dựng đề án tái cơ cấu. Qua nhiều lần thảo luận Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án đó.

Chúng tôi thấy rằng đề án đó là khả thi nhưng từ đề án đến thực hiện trở thành hiện thực là còn một quá trình đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt cụ thể.

Trong quá trình thực hiện đề án này, một nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng, chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện theo quy trình đó.

Chúng tôi đã nói rõ trên phần trình bày của mình là thực hiện đề án này còn rất khó khăn, rất mong các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ, ủng hộ, giám sát, rất mong nhân dân ủng hộ, giám sát.

Dù khó khăn nhưng đề án là khả thi và triển vọng, thực hiện nó là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nội dung cụ thể như thế nào để trả được nợ, chúng tôi sẵn sàng trình bày, Ban chỉ đạo, Hội đồng quản trị Tập đoàn sẽ sẵn sàng trình bày để đại biểu Loan góp ý kiến. Ở đây tôi không thể trình bày cụ thể làm chiếc tàu nào, lãi bao nhiêu, trả nợ năm nào bao nhiêu. Tôi không làm được điều đó, xin các đồng chí thông cảm cho.

Tóm lại, chúng tôi xây dựng đề án tái cơ cấu này với các mục tiêu đã trình bày với Quốc hội là thực hiện nghiêm túc theo Kết luận của Bộ Chính trị và chúng tôi thấy là khả thi. Nhưng từ đề án cho tới hiện thực là một quá trình, một sự nỗ lực cố gắng còn rất nhiều khó khăn và chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng pháp luật.

Thủ tướng nhận trách nhiệm cá nhân với Vinashin

Câu hỏi thứ hai, xung quanh ý kiến của đại biểu Thuyết và ĐB Loan đã nêu về trách nhiệm như thế nào trong vấn đề này.Như tôi đã trình bày, theo tôi là nghiêm túc trước Quốc hội. Tôi xin được nói lại: Việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại tập đoàn, cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý và quản lý của sở hữu đã nói rõ trong Báo cáo của mình.

Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó.

Tôi cũng nói rõ hơn, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm.

Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai.

Quản lý với DNNN còn kẽ hở

ĐB Thuyết có nói là trách nhiệm của Thủ tướng là người được giao tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu. Đúng là luật có giao như thế, giao Chính phủ và Thủ tướng là người đứng đầu, quy định tổ chức để thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế, đối với các Tổng công ty nhà nước. Trong đó, đặc điểm mới của việc tổ chức quyền đại diện chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Cái mới đó là tổ chức thực hiện không có bộ chủ quản như trước và đã phân công, đã làm rõ là hội đồng quản trị là cơ quan, là tổ chức đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.

Các bộ, bộ quản lý ngành và bộ quản lý tổng hợp được phân công, được giao một số nhiệm vụ cụ thể để thực hiện quyền chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm đối với mấy việc.

Một là ra quyết định thành lập doanh nghiệp, ra quyết định thành lập Tập đoàn, thành lập các Tổng công ty theo đề nghị của các cơ quan chức năng với chức năng, nhiệm vụ rõ ràng.

Thứ hai là phê duyệt chiến lược quy hoạch phát triển.

Thứ ba quyết định Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hội đồng quản trị với tư cách là cử cán bộ công chức để thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp trong nhiều năm qua thì Chính phủ đã triển khai thực hiện theo tinh thần đó.

Ngay trong Báo cáo chúng tôi cũng nói là tuy đã có nhiều cố gắng để hoàn thiện thể chế.

Như vậy từ năm 2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 nghị quyết, 69 nghị định, 27 quyết định, 13 chỉ thị và nhiều văn bản điều hành liên quan đến quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước.

Đã có nhiều cố gắng cũng có bước tiến, nhưng cũng nghiêm túc nhìn nhận là thể chế, cơ chế quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với đầu tư, đối với sử dụng vốn, đối với thanh tra, đối với giám sát, kiểm tra, thanh tra còn nhiều bất cập, lúng túng, có những kẽ hở.

Chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận trách nhiệm đó. Chúng tôi đã thấy vấn đề và sẽ tiếp tục hoàn thiện.

Thể chế mô hình Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình hoàn thiện, một mô hình chưa có sẵn. Dù đã hết sức cố gắng nhưng tới giờ này chúng tôi vẫn còn thấy những bất cập lúng túng.

Ví dụ ở đây có một số đại biểu nói với tôi rằng tại sao Thủ tướng không lập bộ quản lý đi, một bộ quản lý chuyên doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn này. Tôi có thảo luận trong thường trực Chính phủ, trong Chính phủ và nhiều ý kiến thấy rằng lập một bộ như thế này không biết quản lý như thế nào.

Đương nhiên chúng tôi cũng đang tìm tòi thảo luận tiếp để ngày càng hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước.

Sẽ kiểm điểm trách nhiệm việc bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình

Về việc bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng quản trị. Đúng là với chức năng của mình tôi có quyết định Chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng sự việc là từ năm 1996 khi lập Tổng công ty tàu thủy Việt Nam thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định anh Phạm Thanh Bình làm Tổng giám đốc Tổng công ty tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty 91.

Từ năm 1996 đến năm 1999, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy anh Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty tàu thủy Vinashin từ năm 1999.

Đến khi hình thành tập đoàn Vinashin trên cơ sở Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam này, lúc đó chính tôi cũng nhắc bằng công văn và có chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng và tập đoàn phải tìm Tổng giám đốc để thực hiện theo đúng quy định. Nhưng đến khi thành lập Tập đoàn rồi thì phải bổ nhiệm Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc mà chưa tìm được người.

Chúng ta đã dự định thí điểm thuê Tổng GĐ nên xin với Thủ tướng là nên tiếp tục bổ nhiệm anh này làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đến khi có thực hiện được Tổng giám đốc mới.

Việc này chính tôi và Ban cán sự Đảng, Chính phủ đồng ý (lúc đó tôi còn làm Phó Thủ tướng).

Đó là một việc, một thí điểm kéo dài, bắt đầu từ năm 1999. Chúng tôi sẽ kiểm điểm rõ việc này, trách nhiệm như thế nào, tôi xin trình bày rõ với các đồng chí như vậy.

Làm đúng chủ trương, pháp luật

Về việc có tái cơ cấu các tập đoàn khác hay không, tôi không dùng từ là tái cơ cấu tất cả các tập đoàn. Tôi có nêu là quyết tâm của Chính phủ là thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, đồng thời Chính phủ quyết tâm không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin. Chúng tôi sẽ có những việc làm của mình để không còn những việc đó.

Đối với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ chức năng là đang hoạt động có hiệu quả, hoạt động tốt.

Đương nhiên chúng tôi cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, hội đồng quản trị rà soát lại, điều chỉnh lại sau khi có sự việc của Vinashin, sau khi có đánh giá chung về những mặt được, chưa được của các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước và có kết luận chỉ đạo chung của Bộ Chính trị.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đang rà soát để chấn chỉnh, làm sao tiếp tục phát huy tốt, hiệu quả ngăn ngừa những yếu kém có thể xảy ra.

Việc 50% để lại cho dầu khí, tôi xin nói ngắn gọn, việc này Chính phủ làm đúng theo chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước



Vấn đề Tập đoàn dầu khí có liên doanh với một Tập đoàn dầu khí của quốc gia Venezuala, đây có chủ trương của Chính phủ và đồng chí Tổng Bí thư, đồng chí Chủ tịch nước cũng đã có thảo luận với Tổng thống Venezuela về chủ trương này.

Chúng ta thiếu năng lực, chúng ta phải tìm kiếm các nguồn năng lượng, để cùng với năng lượng của chúng ta để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Ta chủ trương để Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam tìm kiếm ra nước ngoài đầu tư để có thêm nguồn dầu, có thêm nguồn năng lượng. Đó là một chủ trương đúng.

Gếng dầu đầu tiên mà chúng ta liên doanh đã có dầu đó là ở Liên bang Nga, khi có dòng dầu thì đồng chí Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đến đó, đến tận bên giếng dầu để chúc mừng và Tổng thống Medvedev sang thăm gặp tôi khi trao đổi ý kiến cũng đánh giá cao việc này.

Chính phủ sẽ làm hết sức để cho có hiệu quả. Chúng tôi sẽ làm đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Có lẽ tôi nói như thế là tôi nghiêm túc không có cách nào khác phải làm nhưng mà làm đúng pháp luật, đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thí điểm có thể không thành công

Còn việc đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 về đổi mới phát triển doanh nghiệp Nhà nước thì trong đó Trung ương 3 và Đại hội X cũng có nêu là thí điểm một số tập đoàn kinh tế thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực trong đó có ngành kinh doanh chính thì Chính phủ cũng triển khai thực hiện mô hình này.

Thí điểm thì cũng có thể thành công, cũng có thể không thành công. Khi nói thí điểm là chúng tôi đã nghĩ ra, đã thấy điều đó. Như vậy 8 tập đoàn kinh tế và nhiều tổng công ty đã thực hiện theo mô hình này hầu hết là thành công.

Đương nhiên trong mô hình này có cái cần phải điều chỉnh, chúng tôi đã sơ kết, báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Chính trị đã có kết luận chỉ đạo phát huy cái tốt, cái hiệu quả, chấn chỉnh, khắc phục những cái bộc lộ sơ hở, yếu kém để chúng ta làm tốt hơn. Chúng tôi đã có sơ kết và đã có báo cáo và đang triển khai, hoàn thiện.

Tôi xin nói rõ là đa ngành, đa lĩnh vực, nhưng có ngành chính. Ngoài cái ngành đó, đa lĩnh vực đó cũng chính là những ngành gắn kết, phục vụ cho ngành chính thì đang chấn chỉnh theo hướng này.

"Không chỉ đạo, quản lý trực tiếp tờ báo nào"
Về câu hỏi của ĐB Thuyết liên quan đến bài viết trên website Chính phủ, là Thủ tướng Chính phủ, tôi thường xuyên quan tâm chỉ đạo báo chí, chỉ đạo qua các cơ quan chủ quản, qua các cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về báo chí với tinh thần báo chí VN thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, làm tốt vai trò của báo chí cách mạng. Mỗi tờ báo phải là một ngọn cờ chiến đấu để xây dựng đất nước VN XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn mình. Phải làm đúng tôn chỉ mục đích, làm đúng pháp luật. Tôi thường xuyên chỉ đạo tinh thần đó.

Tôi không có chỉ đạo trực tiếp hay quản lý trực tiếp một tờ báo nào.

Website Chính phủ có chức năng là một tờ báo điện tử, thuộc văn phòng Chính phủ, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo. Website là tờ báo điện tử Chính phủ phải thực hiện đúng quy định của pháp luật Nhà nước, đúng chủ trương của Đảng. Cũng như mọi tờ báo khác, nếu đăng tải sai pháp pháp luật, sai chủ trương của Đảng thì phải chịu trách nhiệm về việc đăng tải của mình.

Việc nói khôn ngoan hay không khôn ngoan tôi không biết nên nói thế nào. Từ tiêu chí yêu cầu, làm đúng pháp luật, tôi cũng đề nghị ĐB Thuyết xem xét theo đúng pháp luật hay không, đúng chủ trương của Đảng hay không.

Quy hoạch yếu kém có trách nhiệm của Thủ tướng

Về câu hỏi của ĐB Tiến, công tác quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch chuyên ngành của ta đều đã có bước tiến dài, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đúng là chất lượng, hiệu quả, tính pháp lý của quy hoạch còn nhiều điểm phải nâng lên. Chính phủ hết sức quan tâm và cố gắng làm tốt hơn công tác quy hoạch.

Còn về quy hoạch nguồn nhân lực, tôi có chỉ đạo việc này. Nhưng để quy hoạch nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn xây dựng nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì chưa làm được.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có đề xuất với tôi là sẽ chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực rồi tổng hợp lại. Hiện cũng đang thực hiện theo hướng đó, và đã làm quy hoạch một số ngành.

ĐB Tiến có hỏi trách nhiệm quy hoạch yếu kém thuộc về ai, thì tôi xin trả lời là theo phân công chức năng nhiệm vụ, có trách nhiệm người đứng đầu chính phủ.

9h30 Quốc hội nghỉ giải lao. Đến 10h, Quốc hội tiếp tục làm việc.

Đầu tư cho vùng sâu: Lực bất tòng tâm

ĐB Đinh Mươk (Quảng Nam): Đời sống vật chất tinh thần bà con vùng sâu vùng xa mấy năm nay nhờ Đảng, Chính phủ quan tâm nên đã được cải thiện nhưng chênh lệch giàu nghèo vẫn đang ngày càng lớn, tỷ lệ hộ nghèo đang cao.

Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng trong đó có tình trạng đầu tư thiếu trọng tâm trọng điểm, việc phân bổ vốn nhỏ giọt.


ĐB Nguyễn Minh Thuyết trong vòng vây báo chí vào giờ giải lao. Ảnh LAD
Chẳng hạn, chương trình 30a xoá đói giảm nghèo. Một số chương trình khác mức đầu tư rất thấp. Một số chương trình đầu tư trái phiếu Chính phủ vẫn đang thấp.

Theo kết quả giám sát của Hội đồng dân tộc ở một số tỉnh, mới thực hiện cấp kinh phí 8 - 10%, rất ít tỉnh được cấp trên 10%. Vốn được cấp cho từng dự án rất thấp, gây nhiều trở ngại cho quá trình triển khai thực hiện. Nếu không cải thiện thì không biết bao giờ mới thực hiện được.

Vì sao có tình trạng đầu tư nhỏ giọt như vậy? Vì sao có việc các bộ ngành phê duyệt vốn thấp như vậy? Xin hỏi thẩm quyền Thủ tướng như thế nào trong vấn đề này?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việc đầu tư nhỏ giọt không đạt mục tiêu dự án, như tôi đã trình bày, thì Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu vùng xa, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số.
Chủ trương đó đã đem lại những thành tựu đáng trân trọng. Việc đầu tư có tăng như thế để đáp ứng Nghị quyết TƯ 7, so với mong muốn và yêu cầu thì vẫn chưa đạt, vẫn còn khoảng cách.

Có dự án bố trí vốn ít. Đồng bào cũng phải chia sẻ với Chính phủ. Cái bánh có như thế, chúng tôi cũng hết sức ưu tiên, để phân bổ vùng sâu vùng xa.

Nhưng gốc vấn đề là ngân sách còn ít quá. Chúng tôi sẽ thực hiện cố gắng. Nhưng có chương trình, dự án còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Với trách nhiệm của mình, Chính phủ sẽ làm hết sức để huy động nguồn lực, thực hiện đầu tư cho phát triển, ví dụ chương trình 30a, các chương trình mục tiêu phát triển.
Có chuyện lực bất tòng tâm, mong đồng bào và nhân dân cả nước thông cảm.

Không kiểm điểm qua loa

ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định): Tôi có 2 câu hỏi:

Một là, tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm diễn biến bất lợi, như Thủ tướng đã nêu, nhưng điều đáng nói là các nước xung quanh ta suy thoái còn nặng nề hơn ta nhưng họ vẫn phát triển một cách ổn định.

Như vậy, ngoài yếu tố khách quan, trong việc quản lý và điều hành vĩ mô của Chính phủ có những vấn đề gì sai sót để tình hình như vậy. Chúng ta không thể đổ khách quan, giá vàng nhảy múa trong một ngày 3, 4 lần, đô la cũng đôi ba lần nhảy múa.

Chỉ số lạm phát chắc chán không thể thực hiện đúng theo nghị quyết QH. Xin hỏi Thủ tướng có giải pháp cấp bách, cú hích nào để chỉ còn 1 tháng thực hiện thắng lợi chỉ tiêu mà QH đã nêu.

Câu thứ hai là xung quanh vấn đề Vinashin, chúng tôi mừng là CP đã phê duyệt đè án tái cấu trúc Vinashin, Thủ tướng cũng đã nói phê duyệt nhưng thực hiện khó khăn. Tôi theo dõi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng hôm qua có trình bày đề án này, chúng tôi thấy đề án xây dựng một chiều, lệ thuộc hoàn toàn vào thị trường bên ngoài. Nếu thị trường bên ngoài thay đổi, có khó khăn, thì liệu đề án của chúng ta có khả thi không? Trong khi chúng ta không đưa ra phương án thị trường bên ngoài xấu nhất.



Ý thứ 2, tại nghị quyết tháng 10/2010 của CP có nêu một đoạn, phải tập trung xử lý một cách nghiêm minh, minh bạch, công khai những tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc sai phạm của Vinashin, công việc đó hoàn tất trước ngày HNTW lần thứ 14 khai mạc. Mà Hội nghị sắp tới khai mạc rồi, liệu Thủ tướng điều hành nghị quyết này có đảm bảo đúng theo tinh thần nghị quyết không?

Về việc này tôi xin phép nói thêm. Vì sự việc xảy ra trong thời điểm nhạy cảm, nếu chúng ta làm qua loa cho có, báo cáo thì tôi e sự việc sẽ phức tạp hơn. Còn nếu làm thật nghiêm túc như Thủ tướng, Phó Thủ tướng thường trực nói, các thành viên CP kiểm điểm, tôi e rằng việc kiểm điểm không nghiêm túc. Trong khi Thủ tướng nhận trách nhiệm về phần mình, các thành viên CP trả lời trước QH không thành viên nào nhận thiếu sót, trả lời "vô can".

Thái độ Thủ tướng với các thành viên CP thế nào, để khi chúng tôi về báo cáo với cử tri, nếu họ bảo tôi nghe thành viên CP không nhận, ít ra chúng tôi cũng phải trả lời thái độ của Thủ tướng với thành viên CP thế nào?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về kinh tế xã hội, khủng hoảng tài chính suy thoái toàn cầu vừa qua tác động nặng nề vào nền kinh tế nước ta. Những mặt được, làm tốt chúng tôi đã trình bày với đồng bào, những mặt yếu kém trong quản lý điều hành cũng đã trình bày trong báo cáo trước QH.

Những trình bày nghiêm túc, đầy đủ, có thành tựu kết quả đáng vui mừng, nhưng có mặt chưa được, chưa tốt, phải tiếp tục phát huy thành tựu, ra sức khắc phục hạn chế yếu kém, để đưa nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, trong đó có ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Không biết lấy tài liệu nào để so với các nước thì tôi chưa biết, nhưng tôi đã được đi nhiều cuộc hội nghị khu vực và quốc tế, xin nói chân thành là bạn bè trong khu vực và quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế xã hội của VN trong thời gian qua

Đương nhiên, tôi không cho đó là tuyệt vời, mà luôn luôn thấy còn khiếm khuyết, hạn chế yếu kém trong đó có trách nhiệm, năng lực điều hành quản lý của chính phủ. Tôi xin không nhắc lại 6 thành tựu, 6 yếu kém, nhiệm vụ mà Chính phủ trình bày.

Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ chính phủ đề ra, chỉ tiêu, giải pháp QH đề ra để thực hiện.

Về Vinashin, tôi cũng đã trình bày vừa rồi, nguyên nhân trách nhiệm của CP, hạn chế yếu kém của CP, là người đứng đầu tôi nhận trách nhiệm. Tôi đã nói rõ Thủ tướng, PTT, các bộ trưởng có liên quan về trách nhiệm trong quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu, đang tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm cụ thể.

Xin báo cáo là sẽ làm không qua loa, làm nghiêm túc, theo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, tôi khẳng định điều đó.

Khi chủ trì phiên họp chíng phủ vừa rồi, thay mặt CP tôi đã kết luận điều này, rằng sẽ báo cáo trung ương trước Hội nghị trung ương 14. Tôi khẳng định việc này, ra kết quả thế nào sẽ công khai.

Đối với trách nhiệm của các bộ trưởng đã có phát biểu trước QH, chúng tôi đang tiến hành kiểm điểm, làm rõ. Bộ trưởng nào liên quan đến đâu, trách nhiệm đến đâu có kết luận nghiêm túc, đúng với thực tế.
Không đủ điện nói gì đến tăng trưởng

ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu): Vấn đề mà nhiều cử tri, nhất là các chuyên gia kinh tế và ĐBQH đã được đặt ra trong phiên thảo luận kinh tế xã hội và qua nghe chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, tôi thấy còn nhiều vấn đề lo lắng và nhiều bức xúc của cử tri, chắc sẽ còn bức xúc dài dài. Do đó, tôi xin chất vấn Thủ tướng hai câu.

Thứ nhất, về điện: Phải công nhận trong những năm qua có rất nhiều cố gắng trong đầu tư phát triển nhưng so với yêu cầu còn thiếu. Điện hiện nay đang thiếu do 3 điểm nghẽn, chủ yếu là chậm tiến độ các dự án đầu tư và chưa huy động được nguồn lực trong nước cũng như nước ngoài đầu tư sản xuất điện, nhất là nhiệt điện, huy động nguồn năng lượng mới như gió, nắng khi nguồn nước cho làm thủy điện không có dồi dào và thuận lợi nữa. Đó là điểm nghẽn về vốn, cơ chế tài chính, quản lý, giải phóng mặt bằng chậm thì hiện còn gần 10 dự án chủ đầu tư không thu xếp được vốn tự có mà phải sử dụng vốn vay thương mại.



Nhưng ngân hàng từ chối cho vay hay cả các nhà máy đang xây dựng thì việc giải phóng mặt bằng cũng thực hiện đầu tư còn vướng mắc, không có đơn giản chút nào, đặc biệt giá sản xuất ra 1KW điện trung bình từ 7 đến 12 cent nhưng giá bán chỉ có 5-6 cent, không bù đắp được chi phí thì làm sao nói đến có lãi. Thử hỏi nhà đầu tư nào dám đầu tư vào sản xuất điện?. Những giải pháp Thủ tướng đưa ra tôi thấy phù hợp nhưng thực hiện trong cuộc sống không phải đơn giản.

Tôi xin hỏi Thủ tướng bao giờ Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực? Trong khi Quốc hội chưa sửa đổi Luật Điện lực thì QH cần vào cuộc để cùng giúp tháo những điểm nghẽn cho phát triển điện năng trong trước mắt là gì? Ý thứ hai: Làm thế nào đến năm 2015 đảm bảo huy động được 50 ngàn MW công suất điện phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà hiện nay chỉ huy động được 20.900 MW.

Câu hỏi 2: Về chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế, khi mà tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 40%, nông nghiệp chiếm 21% GDP nhưng được đánh giá là sản phẩm hàng hóa có hàm lượng chất chất xám và giá trị gia tăng thấp. Vậy thì đồng nghĩa với công nghiệp chế biến xuất khẩu, sản phẩm thô và một số mặt hàng công nghiệp tỷ trọng xuất khẩu công nghiệp cao chủ yếu làm gia công là một thực tế.

Thủ tướng đã đưa ra giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, trong đó đáng lưu ý đến yếu tố khoa học công nghệ. Vậy Thủ tướng có nghĩ đến việc đặt hàng các nhà khoa học trong nước, nước ngoài để thực hiện một số lĩnh vực cần thiết, cụ thể nào không nhằm tạo độ phát tích cực để ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế nước ta phát triển thực sự ổn định và hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2015 và những năm tiếp theo?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi xin được trình bày thế này. Về điện, khi chuẩn bị tôi cũng sợ dài và tốn thời gian của đại biểu nhưng tôi thấy đây là vấn đề rất quan trọng nên tôi cố gắng xin với đại biểu Quốc hội được trình bày tương đối có đầu có đuôi một chút: phát triển điện, rồi thiếu điện, nguyên nhân của nó và chủ trương sắp tới, trước mắt cũng như lâu dài.

Với tinh thần là Chính phủ làm hết sức bằng mọi giải pháp để đảm bảo đủ điện cho sự phát triển của đất nước. Không đủ điện thì đừng nói tăng trưởng bao nhiêu GDP, đừng nói cái gì nữa..

Chúng tôi hiểu tinh thần đó và hết sức cố gắng. Với những giải pháp mà chúng tôi trình bày hôm nay chúng tôi cho rằng những giải pháp có ý nghĩa tổng hợp, rất mong các vị ĐBQH, QH ủng hộ để chúng tôi có thể triển khai thực hiện các giải pháp mà chúng tôi vừa trình bày.

Còn làm thế nào để đạt 50 ngàn MWm, làm thế nào được bình quân 6 tỷ USD/năm, Chính phủ rất trăn trở và tính toán cách làm, khi cần đồng chí Thoại có thể tìm hiểu với Bộ trưởng Công thương sẽ trình bày với đồng chí. Đồng chí Hoàng Trung Hải sẽ trình bày với đồng chí.

Đồng chí có nói đặt hàng khoa học, đối với những sản phẩm có tính chất công nghiệp có hàm lượng khoa học cao. Thưa với ĐB, QH, Chính phủ đã có chương trình này. Chương trình phát triển khoa học công nghệ, chương trình sản phẩm trọng điểm quốc gia, lựa chọn một số sản phẩm trọng điểm quốc gia, rồi đặt hàng, đấu thầu, lựa chọn để chúng ta tập trung phát triển để làm sao góp phần đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Và đây, lĩnh vực này không chỉ là Nhà nước phải làm. Nhà nước tạo cơ chế chính sách để doanh nghiệp, để mọi thành phần kinh tế, để người dân quan tâm tới ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế.

Chưa thu xếp được việc thảo luận về Quy hoạch Hà Nội

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội): Tiếp theo câu hỏi của ĐB Lê Như Tiến tôi xin hỏi thêm về quy hoạch. Xin hỏi đến giờ phút này Thủ tướng có kế hoạch phê duyệt quy hoạch chung cả nước, các vùng chưa, như thế nào? Riêng với Hà Nội, quy hoạch HN đã được lấy ý kiến ĐBQH, vậy bao giờ Thủ tướng mới phê duyệt?

Tại kỳ họp thứ năm, khi tiếp xúc cử tri ở thị xã Sơn Tây, ĐB Nguyễn Văn Chi khi đó đã nêu ý kiến bức xúc về việc công nhận liệt sĩ cho một liệt sĩ ở thị xã Sơn Tây.

Ngày 18/5, đoàn ĐBQH Hà Nội đã gửi báo cáo trân trọng đề nghị giải quyết rốt ráo tình hình trên. Xin Thủ tướng cho ý kiến?

Thứ hai, gần 80% khiếu nại liên quan Luật đất đai, mà việc sửa Luật Đất đai vẫn cứ bị lùi? Thủ tướng có ý kiến gì?

Thứ ba, trách nhiệm phân công trong tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật để văn bản đi vào cuộc sống thế nào? Bởi như qua tờ trình của Chính phủ về sửa Luật lưu trữ, chúng tôi thấy pháp lệnh đã ban hành 9 năm vậy mà vẫn đang tồn tại hai cơ quan lưu trữ ở Trung ương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi đã trình bày ngắn về quy hoạch. Một trong các chức năng quản lý nhà nước là xây dựng quy hoạch, quản lý, và thực hiện quy hoạch.

Việc này được Chính phủ quan tâm, đã đang và tiếp tục chỉ đạo để làm sao có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chuyên ngành sát hơn với yêu cầu cuộc sống. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện. Vì có quy hoạch tốt mới có đầu tư, phát triển tốt.



Hôm nay, tất cả các ngành, địa phương đều có quy hoạch. Nhưng, để phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020 mà Chính phủ, Ban cán sự Đảng Chính phủ trình và Trung ương đã thông qua. Khi ĐH XI thông qua sẽ chỉ đạo thực hiện.

Thủ tướng đã đôn đốc các ngành, địa phương tiến hành đánh giá tình hình ngành, địa phương để hoàn thiện quy hoạch. Việc này đang được làm khẩn trương.

Thứ hai, quy hoạch Hà Nội được xây dựng để phù hợp điều kiện thủ đô mở rộng, hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, có thêm Mê Linh - Vĩnh Phúc.

Chính phủ đã lập Ban chỉ đạo để cùng Hà Nội xây dựng quy hoạch, tạo mọi điều kiện tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân để có một quy hoạch HN xứng tầm thủ đô một nước VN công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Là thủ đô và trung tâm chính trị tương xứng mục tiêu phát triển và mong muốn, yêu cầu của chúng ta.

Hiện, tôi được báo cáo là Hà Nội, Bộ xây dựng đã tiếp thu ý kiến, đã trình ra Chính phủ. Tôi chưa thu xếp được, nên sắp tới sẽ phải đưa ra Chính phủ thảo luận.

Chúng tôi đã đăng ký Bộ Chính trị rồi, nhưng xin ĐBQH thông cảm là tôi chưa thu xếp được để đưa ra báo cáo với Chính phủ, chúng tôi sẽ thu xếp.

Về 1 liệt sĩ ở Sơn Tây, tôi biết vì qua hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng. Đây là vấn đề dai dẳng từ thời ông Đỗ Mười làm chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Đây cũng là vấn đề bàn cãi lâu nay, đã yêu cầu các bộ ngành, Sơn Tây nghiên cứu tìm hiểu giải quyết.

Cuộc chiến lùi quá xa, nhiều người đã không còn, chúng tôi đang chỉ đạo để xem xét có lý, có tình.

Về việc đang có hai cơ quan lưu trữ Trung ương, chúng tôi cũng chỉ đạo để xem xét.

Sửa Luật đất đai cho phù hợp là vấn đề lớn, chúng tôi đang xem xét. Bộ TN&MT cũng đang thảo luận và tổ chức nhiều hội thảo.

Vấn đề nào khúc mắc phải giải quyết, vấn đề nào bất cập. Nếu vấn đề nào có liên quan đến Hiến pháp thì phải xem xét Hiến pháp. Việc sửa đổi là để đáp ứng yêu cầu cuộc sống và giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Cúng là nội dung mà Chính phủ đã đăng ký với Bộ Chính trị để xem xét giải quyết.

Không kỷ luật cũng không được!

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh): Tôi rất hoan nghênh và chia sẻ với phần nhận trách nhiệm về hạn chế, yếu kém của CP, thành viên CP trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, trong sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo tập đoàn Vinashin vừa qua.

Trong kỳ họp thứ 6 QH khóa 12, trong phần trả lời chất vấn tại hội trường, khi trả lời ĐBQH về trách nhiệm Thủ tướng trong kỷ luật hành chính, Thủ tướng đã phát biểu, "trong hơn 3 năm qua tôi làm Thủ tướng nhưng chưa xử lý kỷ luật đồng chí nào". Thủ tướng mong muốn bộ máy chính quyền các cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để không bị kỷ luật, không bị xử lý pháp luật.


Bài học từ sự buông lỏng quản lý nhà nước với tập đoàn Vinashin, trong đó có việc không chấp hành nghiêm túc kỷ luật hành chính. Chẳng hạn Thủ tướng không cho mua tàu cũ, nhưng lãnh đạo tiếp tục mua tàu cũ là sai phạm nghiêm trọng trong kỷ luật hành chính.

Là người đứng đầu CP, trong thời gian tới Thủ tướng đã rút kinh nghiệm gì về việc Vinashin để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính nhà nước với bộ máy.

Hai là, UB giám sát tài chính quốc gia do Thủ tướng thành lập, về nguyên tắc UB này không làm thay nhiệm vụ nhà nước, mà chỉ phối hợp thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

Trong báo cáo giải trình sáng nay về kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả, Thủ tướng có nói phải tăng cường công tác thông tin, xử lý nghiêm việc đưa thông tin không chính xác, tạo bất ổn trên thị trường.

Ngày 4/11 ở HN, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, cơ quan có chức năng giám sát, tư vấn lại được giao nhiệm vụ công bố các quy định tỷ giá, lãi suất. Việc này lẽ ra phải là trách nhiệm phát ngôn của Thống đốc ngân hàng nhà nước.

Ý kiến tuyên bố chủ trương để lãi suất vận hành theo cơ chế thị trường, nói cách khác là thả nổi lãi suất. Tuyên bố trên đã khiến giá vàng, đô la không hạ nhiệt, có biểu hiện bất thường, mặc dù ngân hàng nhà nước đã bơm ngoại tệ và cho nhập vàng để bình ổn thị trường.

Với vai trò của Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng có ý kiến về tình hình trên, đối với những phát ngôn, thông tin cần được công khai, có trách nhiệm về những chính sách vĩ mô, không mang lại hiệu ứng tiêu cực trong mục tiêu ổn định thị trường.

Ba là, tiếp theo ý kiến của ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định), trong phiên trả lời chất vấn các bộ trưởng hầu hết không thấy trách nhiệm trong việc Vinashin, có bộ trưởng khẳng định đã làm hết chức năng trách nhiệm được giao, có người cho rằng đây làsự khiếm khuyết phaspt luật của QH.

Đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm của mình về việc này, đặc biệt nguyên nhân Vinashin có phải lỗ hổng của pháp luật, hay là tắc trách trong quản lý nhà nước?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai. Không kỷ luật cũng không được. Vì theo quy định của pháp luật thì Thủ tướng phải hành động theo quy định của pháp luật.

Tôi trình bày chất vấn tại kỳ họp sáu là như vậy nhưng có lẽ diễn đạt chưa đầy đủ. Khi phát hiện sai phạm thì lãnh đạo phải có kiểm tra. Không có kiểm tra không có quản lý.

Mà khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý. Nhưng không thể xử lý theo ý muốn cá nhân được mà phải theo quy định của pháp luật, của Đảng, có lý có tình và đúng bản chất sự việc.

Thủ tướng đã nhận thức và làm như vậy, cũng yêu cầu các cấp chính quyền, hệ thống hành chính nhà nước thực hiện.

Còn đối với Vinashin, có những lãnh đạo không chấp hành quy định của Đảng và đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng. Tôi nghĩ rằng như vậy là nghiêm minh.

Xin trình bày là không thể, với một vụ việc mà mới nghe một thông tin mà Thủ tướng đã ra quyết định kỷ luật được. Luật không cho phép làm như thế.

Thủ tướng đã làm đúng theo quy định của pháp luật, đúng nghị quyết của Đảng trong đề bạt hay bổ nhiệm hay khen thưởng, xử lý cán bộ theo đúng thẩm quyền của mình.

Về lỗ hổng cơ chế, chưa đủ chặt chẽ, rồi lúng túng vì mô hình tập đoàn chưa có trong thực tế của nước ta. Học kinh nghiệm của các nước thì mỗi nước có một mô hình khác nhau. Cuộc sống đặt ra, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Qua vụ việc này, vừa có kẽ hở của cơ chế, vừa có trách nhiệm đến đâu thì tôi đã trình bày. Mức độ tới đâu, xử lý thế nào thì sẽ công khai.

Không phải Tập đoàn hoạt động không có khung pháp luật

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM): Tôi có hai câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất gồm hai ý liên quan đến tôi tạm gọi là những vấn đề liên quan đến hậu Vinashin. Câu hỏi thứ hai liên quan đến vấn đề kinh tế vĩ mô nhiều hơn.

Về câu hỏi thứ nhất, tạm gọi là hậu Vinashin: Trước hết tôi bày tỏ đồng tình ủng hộ việc tái cấu trúc Vinashin. Không có con đường nào khác. Nó không chỉ giải quyết cho tập đoàn Vinashin mà mục tiêu lớn hơn là vực dậy ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ bài học Vinashin Thủ tướng đã trình bày rồi.

Tại buổi thảo luận kinh tế xã hội, tôi có đề nghị giải pháp trước mắt có thể làm ngay được đó là Thủ tướng có quyền hạn của mình, có thể bắt buộc các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn phải công bố thông tin như là những doanh nghiệp của khu vực tư nhân niêm yết trên thị trường chứng khoán, phải công bố, để tạo công cụ cho người dân giám sát.

Thưa Thủ tướng, hiện nay vì không công bố như vậy, một số Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hiện nay như sáng nay trình bày là những thông tin xì xào về vấn đề đầu tư. Giá như chúng ta công bố công khai như thị trường chứng khoán thì sẽ không có xì xào, minh bạch.

Hồi nãy Thủ tướng có nêu vấn đề sẽ công bố nhưng tôi muốn nói quan điểm khẳng định phải công bố những điều kiện như là những doanh nghiệp, bởi vì đây là nhiệm vụ niêm yết thị trường chứng khoán vì đây là doanh nghiệp thuộc khu vực công. Khu vực công thì mang tính công cộng. Đề nghị Thủ tướng khẳng định vấn đề này?

Hai là về cơ chế, trách nhiệm hay lỗ hổng pháp luật, chiều qua, tại hội trường này cũng chưa rõ. Các cơ quan, các bộ có liên quan trách nhiệm hay không còn tranh luận. Sáng nay tôi rất hoan nghênh. Thủ tướng xác nhận với ý chí trách nhiệm cao nhất của Thủ tướng và các bộ liên quan về trách nhiệm. Nhưng hình như cảm thấy đây có một cái gì đó chưa ổn giữa quyền của các bộ đối với những doanh nghiệp Nhà nước, kể cả doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ, Thủ tướng và trách nhiệm nếu xảy ra vụ việc.

Và Thủ tướng khẳng định là sớm có luật quản lý vốn kinh doanh Nhà nước. Tuy nhiên, trong lúc chờ luật đó mà Quốc hội và bản thân tôi đề nghị từ đầu nhiệm kỳ nhưng vì nhiều lý do nhiệm kỳ này chưa làm được, tôi đề nghị, bây giờ, 1/7 năm nay Luật Doanh nghiệp Nhà nước hết hiệu lực rồi, còn luật Doanh nghiệp chung thì không điều chỉnh, mối quan hệ giữa chủ sở hữu với người quản lý, tức Hội đồng quản trị, tức là giữa Nhà nước với Hội đồng quản trị. Bây giờ Thủ tướng xem chúng ta bàn những văn bản quy định gì mà bên trên không có luật hay bên dưới cái gì một giải pháp để chúng ta bàn.



Vừa rồi, Thủ tướng có đề nghị vấn đề liên quan, ý kiến liên quan lập Bộ hay ngang bộ để quản lý với tư cách chủ quản. Quan điểm của tôi là cần thiết để tất cả không còn một bộ nào liên quan chuyện vừa hai chân, tức vừa quản lý Nhà nước, vừa đại diện chủ sở hữu. Tôi đề nghị Thủ tướng làm rõ vấn đề này hơn.

Riêng tái cấu trúc Vinashin là cần thiết, đáng lý cái này hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thì tốt hơn. Hiện nay lo lắng ở chỗ này, vấn đề chuyển một số dự án, số nợ, một số dự án cho 2 đơn vị cho Petro Vietnam và Vinalines là cần thiết.

Việc mua lại doanh nghiệp, mua lại nợ để tái cấu trúc làm lại thì đó là vấn đề bình thường của nền kinh tế thị trường. Một dự án có thể doanh nghiệp này làm không lời, doanh nghiệp khác có thể có lời.

Riêng Vinashin với Vinalines có ý kiến đề nghị Thủ tướng nói rõ hơn, có dự án nào nợ quá xấu mà chuyển qua bên kia thì lại làm xấu hơn không, để cho người ta yên tâm rằng việc chuyển đó là cần thiết và không mang xấu hơn cho doanh nghiệp.

Vấn đề thứ hai liên quan đến vấn đề vĩ mô. Hôm đầu tiên tôi có chất vấn Bộ trưởng Công thương liên quan công nghiệp phụ trợ và đã nghe ý kiến Bộ trưởng. Nhưng vấn đề tôi quan tâm là, Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương soạn thảo Nghị định liên quan đến vấn đề công nghiệp phụ trợ, cái gốc vấn đề để phát triển nhưng tới nay không biết lý do gì chưa ban hành được.

Để phát triển công nghiệp phụ trợ, tôi nghĩ một Nghị định chưa đủ vì nó liên quan chính sách thuế, chính sách đầu tư công... Phải chăng nó lên cái tầm lớn hơn. Không biết hiện nay Chính phủ chuẩn bị vấn đề thế nào? Đây là vấn đề rất căn cơ để chuyển sản xuất, từ gia công sản xuất và giải quyết vấn đề rất cơ bản đó là chống từ gốc vấn đề nhập siêu.

Việc chuẩn bị thế nào? Và Chính phủ có dự kiến kể cả trình Quốc hội những liên quan đến luật thuế, đầu tư công như thế nào để phát triển công nghiệp phụ trợ? Xin cảm ơn Thủ tướng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đúng là chúng tôi sẽ trình Quốc hội Luật. Chúng tôi đã nghĩ tới điều đó, luật về tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu. Nhưng hiện nay như thế là không phải Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước hoạt động không có hệ thống, khuôn khổ pháp luật, đó là những nghị định.

Trong khi mô hình mới chúng ta vừa làm, đây là thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm cũng đã có nghị định.

Nghị định tổ chức quyền chủ sở hữu đã bổ sung, sửa đổi 2-3 lần rồi. Mới đây chúng tôi ban hành Nghị định quản lý thí điểm các tập đoàn kinh tế.

Quá trình từ thực tiễn như thế hoàn thiện dần và chúng tôi cũng sẽ cố gắng là nâng cao hiệu lực của khuôn khổ pháp lý này bằng luật để rồi làm sao chúng ta quản lý nó tốt hơn, chặt chẽ hơn nhưng vừa bảo đảm, tạo điều kiện cho các Tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước này năng động, sáng tạo, làm ăn hiệu quả trong cơ chế thị trường, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Về việc trong chuyển tài sản sang Vinalines có cái nào xấu không, như tôi vừa trình bày, trong số tổng giá trị tài sản là như thế, từng món tài sản cũng có thể món này nó cao hơn, món này nó bằng với giá trị trên sổ sách, món khác nó thấp hơn, thực tế nó sẽ có như thế, nhưng nó làm ở đâu, cao, thấp thế nào thì đang làm việc đánh giá lại này, trong trình bày tôi cũng đã nêu điều đó.

Thí dụ như hai mươi mấy con tàu mà giao cho Vinalines thì cũng có thể có tàu đó là giá trị so trên sổ sách thấp hơn, nhưng có thể có tàu nào đó là giá trị cao hơn. Tôi mới nghe Bộ trưởng nói là trong số tàu chuyển sang tất cả là hơn hai mươi con tàu, còn 3 cái nữa, đang hoạt động, có cái người ta đặt mua giá cao hơn mấy triệu đã đồng ý bán, lời mấy triệu đôla.

Ban chỉ đạo, Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục chỉ đạo với tinh thần khai thác tối đa hiệu quả những tài sản, cơ sở vật chất đã có, hạn chế thấp nhất thiệt hại và thu hồi được vốn trả nợ.

Tôi xin trình bày thêm như vậy vì tôi không nắm cụ thể được như các Bộ trưởng phụ trách.

Về Nghị định về công nghiệp phụ trợ: Phát triển công nghiệp phụ trợ để công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế là một chủ trương rất quyết tâm của đất nước ta, của Chính phủ.

Ngay sau khi tôi nhận nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tôi đã đến Bộ Công nghiệp dự hội nghị và đã nêu vấn đề này, giờ các đồng chí cứ nói là công nghiệp phụ trợ nhưng thể chế, cơ chế để cho phát triển là gì, phải ủng hộ như thế nào, phải ưu đãi như thế nào? Tôi giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì soạn thảo, trước hết làm Nghị định, Khi Nghị định chưa xử lý được, lúc đó chúng ta kiến nghị sửa luật hay làm gì đó.

Bộ cũng tích cực soạn thảo, đi tham khảo ở Hàn Quốc, đi tham khảo ở Nhật Bản nhưng đến nay ý kiến cũng còn khác nhau chưa ban hành được. Tôi cũng đang thúc giục việc này.

Tôi cũng rất sốt ruột như anh Du Lịch, phải có hành lang pháp lý để làm sao tạo thuận lợi thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển.

Lúc 11h, Thủ tướng kết thúc phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường. 30 phút cuối phiên chất vấn là phần tổng kết của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng về hai ngày rưỡi chất vấn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tổng kết: Tôi được giao nhiệm vụ làm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã làm hết sức mình theo Hiến pháp, pháp luật, vì đất nước, vì nhân dân.

Bên cạnh thành công, kết quả, làm được, chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận còn nhiều việc, nhiều lần, nhiều yếu kém chưa làm được, làm chưa tốt.

Lúc nào chúng tôi cũng nhìn nhận yếu kém của mình để thực hiện chức trách của mình tốt hơn. Chúng tôi hoan ngênh và trân trọng lắng nghe những góp ý chân tình, trách nhiệm của đồng bào, đồng chí.

Rất mong được ĐBQH và nhân dân tiếp tục chia sẻ để gánh chịu trách nhiệm.

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Các cuộc chiến sắp xảy ra...

Trước mắt, nhìn chung sẽ không có sự thay đổi ghê gớm quy mô nào. Tuy nhiên, các nền kinh tế sẽ nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để chỉnh sửa và sáng tạo. Quá trình này có thể mất 5-10 năm.



Sau nhiều năm gây sức ép buộc Trung Quốc phải tăng tỷ giá đồng nhân dân tệ, Chính phủ Mỹ quyết định bỏ cuộc và thay vào đó bằng chính sách tự mình hạ giá đồng USD. Giải pháp nới lỏng định lượng (QE2 - in tiền mua trái phiếu) trị giá 600 tỷ USD mới chỉ là bước đầu; các nước khác sẽ tiếp tục nối đuôi. Các nhà mua bán tiền tệ dự báo USD sẽ giảm ít nhất 12% giá trị từ nay đến tháng 6/2011.

Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng Trung Quốc và các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu khác sẽ vì để yên chuyện này. Các biện pháp đối phó hoặc trả đũa thẳng thừng sẽ được áp dụng và sự bắt đầu của một loạt các cuộc chiến thương mại và chiến tranh tiền tệ sẽ không còn xa.

Tổng thống Obama không có nhiều lựa chọn. Ông đang cố gắng bắt chước mô hình kinh doanh thành công của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức bằng việc tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp Mỹ trên thị trường toàn cầu. Ông hy vọng xuất khẩu của Mỹ sẽ giúp giải quyết được phần nào vấn đề thất nghiệp; ông nghĩ rằng đồng tiền giảm giá sẽ giúp giảm thâm hụt cánh cân thương mại và ngân sách; cũng như sẽ giảm gánh nặng nợ ngoài của Mỹ.

Điều này có thể khả thi nếu ông thực hiện trong một phòng thí nghiệm, nhưng trên thực tế, sẽ có nhiều hành động và phản ứng, và sự phức tạp của chính trị và kinh tế ở từng nước cho thấy không ai có thể đoán trước kết quả.

Có một điều chắc chắn là với việc liên tục tìm cách phá lợi thế cạnh tranh của nhau bởi các nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, thì những ngày hưng phấn của chủ nghĩa thương mại tự do toàn cầu với các thỏa thuận của WTO sẽ không còn nữa. Các nước, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, sẽ bắt đầu bảo vệ thị phần của mình và tung ra mọi dạng cơ chế phòng thủ nhằm hạ gục đối thủ cạnh tranh.

Các cuộc tranh cãi, những vụ kiện cáo, những rào cản không chính thức, những thao túng tỷ giá tiền tệ sẽ trở thành một điều bình thường mới. Thương mại tự do không chết, nhưng nó sẽ đi giật lùi vài bước. Phải có đột phá mạnh về công nghệ mới giúp tránh hoặc giảm nhẹ thách thức này.

Thực tế mới sẽ không giúp Mỹ hay châu Âu giành lại chiếc vương miện siêu cường kinh tế của mình. Các yếu kém cố hữu trong cấu trúc xã hội của họ quá lớn nên khó có thể giải quyết (sự phát triển chín muồi của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng lãng phí, chi tiêu chính phủ quá cao, các chương trình phúc lợi xã hội quá nhiều...). Tuy nhiên, kết quả của các cuộc chiến tranh trong tương lai cũng sẽ làm chậm lại sự phát triển của nhóm các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRICs), đặc biệt là Trung Quốc và khiến họ phải quay lại với giải pháp hướng nội.

Trong khi đó, có một dòng tiền cực lớn được tích tụ trong thời gian thịnh vượng đã qua đang tìm kiếm một lợi nhuận tốt. Chúng sẽ đổ vào đâu? Vàng và kim loại quý sẽ được lợi, vì truyền thống tích trữ vàng trong những thời điểm bấp bệnh. Giá bất động sản quá rẻ tại các nước đã phát triển ổn định sẽ là một đầu tư hấp dẫn.

Trong khi thị trường chứng khoán và trái phiếu sẽ trì trệ, các công ty có công nghệ triển vọng hay năng lực marketing cao sẽ là những viên ngọc hiếm. Nguyên liệu (commodities) và nông hải sản sẽ ổn định: lượng cầu chậm lại nhưng tăng trưởng về thu nhập và dân số thế giới sẽ tiếp tục. Các cổ phiếu của thị trường mới nổi sẽ sinh lời tốt trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ kết thúc bằng sự nổ tung của bong bóng.

Trước mắt, nhìn chung sẽ không có sự thay đổi ghê gớm quy mô nào. Tuy nhiên, các nền kinh tế sẽ nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để chỉnh sửa và sáng tạo. Quá trình này có thể mất 5-10 năm. Trong khi đó, với sự sụt giảm tăng trưởng và những thay đổi toàn cầu, mọi người sẽ có nhiều thời gian cho mình hơn, cho người khác, để làm những điều tốt cần đến lòng kiên nhẫn và sự tận tụy.

Sau bữa tiệc và cuộc vui, chúng ta sẽ đều cần ở một mình vào một buổi sáng chủ nhật yên tĩnh để tận hưởng niềm vui và thưởng thức một tách cà phê; hoặc nghe tiếng cười con trẻ hay tiếng chim hót. Cuộc sống chẳng phải tuyệt vời đó sao?

* Bài viết bằng Anh ngữ của TS Alan Phan đăng trên The Daily Reckoning và Financial Armageddon hôm 11/11/2010.



(Theo VNN)

Thứ Bảy, 23 tháng 10, 2010

Nhiều nhân sĩ kiến nghị dừng dự án bô xít

Nhiều nhân sĩ kiến nghị dừng dự án bô xít
Một văn thư hội tụ chữ ký của nhiều nguyên lãnh đạo cao cấp, chuyên gia kinh tế vừa được gửi tới các cấp lãnh đạo cao nhất đề nghị dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên. Quốc hội, một lần nữa được kêu gọi "thể hiện thái độ rõ ràng".
>Sự cố bùn đỏ Hungary là cảnh báo với bô xít Tây Nguyên
Công trường tại dự án Nhân Cơ, Đăc Nông. Ảnh: SGTT.

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế như Phạm Chi Lan, nhà nghiên cứu Trần Đức Nguyên, Giáo sư Hoàng Tụy... cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác, đã ký vào văn thư kiến nghị này. Nội dung khẩn thiết yêu cầu các vị lãnh đạo cao nhất ra quyết định ngừng việc xây dựng nhà máy chế biến alumina ở Tân Rai, Lâm Đồng để nghiên cứu tiếp cách xử lý.

Bên cạnh đó, trong thư còn có kiến nghị tạm hủy dự án đang đàm phán với đối tác nước ngoài về Nhà máy Nhân Cơ ở Đắc Nông và đình chỉ việc triển khai toàn bộ dự án hiện thời liên quan đến khai thác bô xít ở Tây Nguyên.

Những người cùng ký tên vào lá thư này còn đề nghị lập nhóm nghiên cứu độc lập để tiến hành nghiên cứu lại toàn bộ vấn đề bô xít Tây Nguyên. "Kết quả nghiên cứu cần được trình bày trước Quốc hội, đồng thời đem ra trưng cầu ý kiến nhân dân cả nước để đưa ra quyết định".

Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary ngày 4/10 với nhiều hậu quả nặng nề cho nước này là nguyên nhân quan trọng khiến khiến nhiều nhân vật có tiếng tăm kể trên cùng ký vào thư kiến nghị. Theo bức thư này, sự cố bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên.
Toàn văn bức thư kiến nghị

Sau khi có bức thư kiến nghị nói trên, đại biểu Dương Trung Quốc có văn bản gửi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kiến nghị về vấn đề cũng liên quan đến bô xít Tây Nguyên. Ông Quốc cho rằng, Chủ tịch Quốc hội "cần bày tỏ một thái độ rõ ràng đối với những ý kiến quan ngại của nhân dân về vấn đề bô xít Tây Nguyên; các ủy ban của Quốc hội có liên quan cần có những hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật và bày tỏ ý kiến rõ ràng".

Trao đổi với VnExpress.net, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, ông không có kiến thức chuyên môn về vấn đề bô xít Tây Nguyên nên không vội vã đề nghị ngừng ngay dự án. "Việc dừng hay tiếp tục phải dựa trên các quyết định, đánh giá mang tính khoa học, nhưng đây là một vấn đề cần phải bàn ngay tại Quốc hội để có được sự lựa chọn tối ưu", đại biểu này nói.
Khu đất sẽ triển khai dự án Bo
Khu vực sẽ được xây dựng hồ chứa bùn đỏ sau này. Ảnh: Chinhphu.vn.

Trong khi đó, trả lời báo chí tại Quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên khẳng định, hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên trong dự án bô xít là "an toàn". Tuy nhiên, do chưa vận hành, và để an toàn về mặt lý thuyết, Việt Nam sẽ "tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài về hệ số an toàn để xem xét kỹ lại 2 hồ bùn đỏ".

Về mô hình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thẩm định cẩn thận và sang khảo sát tại Brasil và Australia. Khu vực bùn đỏ của 2 nước này đã trồng cây được 20 năm, cây trên bùn đỏ sống tốt. Việt Nam đang làm theo mô hình của Brasil và Australia chứ không phải của Hungary.

Người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường quốc gia cho hay, mức độ an toàn cho hồ bùn đỏ đã được hội đồng thẩm định quốc gia tăng lên gấp đôi. Khu động đất ở Tây Nguyên dự kiến tối đa là cấp 7 nhưng hồ đã được thiết kế an toàn cho cấp 9.

Hoàng Lan - Khánh Linh

Thứ Năm, 7 tháng 10, 2010

Thú chơi đá cảnh

Sơn vô thạch bất kỳ (núi không có đá không kỳ vĩ)
Thủy vô thạch bất thanh (nước không có đá ko sạch)
Lộ vô thạch bất hoa (đường ko có đá thì không đẹp)
Viên vô thạch bất tú (vườn không có đá không đẹp)
Thất vô thạch bất nhã (nhà không có đá không sang trọng)
Nhân vô thạch bất khang (người không chơi đá không khỏe mạnh)

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

10 điều “đồn thổi” về vàng

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Nhưng một vài hình thức đầu tư dường như thu hút sự chú ý của nhiều người hơn là vàng và các kim loại quý khác. Điều này xuất phát từ những lời đồn thổi về vàng trên nhiều phương diện. Dưới đây là 10 điều hay gặp nhất.

1. Vàng được định giá quá cao

Làm sao có thể biết được điều này? Thậm chí không ai có thể biết được giá trị của vàng là gì vì thế không thể tự tin nói rằng nó được định giá quá cao (hay quá thấp hoặc chẳng là gì cả).

Chỉ có một vài người thông minh, như Dylan Grice - chiến lược gia tại SG Securities chỉ ra rằng so sánh với cung ứng tiền tệ đang phình to ra thì vàng vẫn thấp với tiêu chuẩn lịch sử. Thậm chí khi vàng đang ở trong giai đoạn bong bóng ngày nay thì nó có thể phải đi một chặng đường dài rồi. “Như tôi đã chỉ ra hồi đầu năm nay, trước khi Nasdaq Composite Index ($ COMPX) và bất động sản bùng nổ lần lượt vào năm 1998 và 2003 thì nó vẫn có một vài năm để tích lũy trước đó.

2. Dòng tiền “thông minh” đã rút ra khỏi vàng cách đây lâu rồi

Thật vậy không? Chắc câu nói này được phát ra ít nhất là đã 5 năm. Thực tế cho thấy quỹ phòng hộ của John Paulson có gần 4 tỷ USD đầu tư vào cổ phiếu vàng SPDR tại quỹ giao dịch chuyển đổi. George Soros có 650 tỷ USD tại ETF.

Mỗi tháng, Merrill Lynch tiến hành một cuộc điều tra về những nhà quản lý quỹ hàng đầu thế giới. Khoảng sáu năm trước, khi vàng khoảng 400 USD /ounce, tôi đề nghị họ bắt đầu quản lý dòng tiền đổ vào vàng. Ban đầu, họ có vài câu trả lời nhưng khá hời hợt. Cách đây hai năm rưỡi, các nhà quản lý tiền tệ luôn nói với giới truyền thông rằng vàng được định giá quá cao. Trong thời gian đó, vàng tăng từ khoảng 850 USD/ounce lên 1.300 USD.

3. Vàng là thiên đường

Hãy nhắc tôi đừng bao giờ mua bảo hiểm nhân thọ hay bất kỳ hệ thống bảo đảm an toàn nào khác từ những người cho rằng kim loại này là “an toàn” nhé!

Từ năm 1980 đến 2000, vàng đã mất hơn 4/5 sức mua. Suốt giai đoạn 2008, vàng giảm gần 1/3. Nếu nó an toàn, thì đã không có sự mất ổn định này. Vàng vẫn chỉ là một thứ tài sản như bất kỳ thứ tài sản nào khác.

4. Vàng là tiền thật, trong khi tiền được tạo ra bởi chính phủ chỉ là giấy

Phát ngôn này thật vô nghĩa. Điều duy nhất khiến bất kỳ “loại tiền” nào có ý nghĩa là được xã hội chấp nhận nó.

Một nhà quản lý quỹ mới đây đã kể tôi nghe trong cuộc khủng hoảng ở châu Phi, người ta đi hối lộ bằng chai rượu. Cô ấy nhận xét rằng nếu xã hội thật sự bị đổ vỡ thì “tiền” tốt nhất lúc này là cái gì đó mà người ta cần, như là thực phẩm, thuốc là và rượu.

5. Đầu tư vào cổ phiếu vàng là hình thức tạo ra nhiều lợi nhuận hơn các cổ phiếu kim loại

Những căng thẳng, nguy hiểm luôn tồn tại trên thị trường phố Wall. Và thực tế là cổ phiếu vàng thỉnh thoảng mang đến nhiều lợi nhuận và thỉnh thoảng cũng chẳng là bao. Tất cả đều phụ thuộc vào giá bạn mua.

Trong nhiều năm, cổ phiếu khai thác mỏ của những doanh nghiệp lớn đã được định giá quá cao. Do đó, cổ phiếu vàng được lợi thế tốt hơn. Nhưng suốt năm 2008, cổ phiếu vàng giảm mạnh so với kim loại. Lợi nhuận kiếm được từ nó lần lượt bốc hơi. Bất kỳ ai mua cổ phiếu mỏ của các doanh nghiệp lớn ở mức thấp lại có lợi nhuận gấp đôi trong vòng 2 năm và những người mua cổ phiếu mỏ của doanh nghiệp nhỏ đã tăng gấp bốn lần.

6. Cổ phiếu khai thác mỏ vàng nhỏ khá rủi ro

Chắc chắn, bất kỳ cổ phiếu khai thác cũng đều rủi ro. Nhưng một giỏ với nhiều cổ phiếu khai thác mỏ nhỏ được theo dõi bởi Market Vectors Junior Gold Miners (GDXJ) ETF, sẽ ít rủi ro hơn nhiều.

Thêm vào đó, còn phụ thuộc vào giá bạn mua, cổ phiếu mỏ nhỏ nếu mua vào đúng thời điểm sẽ có lợi nhuận tốt hơn nhiều so với các công ty lớn.

7. Đầu tư vào vàng tốt hơn những kim loại quý hiếm khác

Thật vậy không? Tại sao? Một lần nữa, tất cả phụ thuộc vào giá cả. Một thời gian dài, bạc và bạch kim có vẻ như song hành cùng vàng. Nhưng hơn 20 năm qua, bạc đã bị vàng qua mặt tới 25% và bạch kim 5%.

Nhưng giá cả không phải khi nào cũng di chuyển ổn định. Tại các thời điểm khác nhau, một kim loại đã tăng cao hơn nhiều trong khi các kim loại khác đã bị bỏ lại phía sau. Vì thế bạn có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách nắm bắt những thời điểm thuận lợi.



8. Vàng đã giữ sức mua của nó qua hàng ngàn năm

Thật khó mà tin được khi người ta quá nghiêm trọng về vấn đề này. Hãy quay về thành Rome để xem có nên tin điều này hay không? Không lẽ cái áo choàng của Caesar có giá 1 ounce vàng cũng giống như bộ đồ mà người ta mặc ngày hôm nay? Chúng ta có thể bỏ 300 USD để mua một bộ đồ?

Hơn nữa, nếu vàng "giữ sức mua của hơn 3.000 năm" thì thực sự cần điều chỉnh lạm phát xuống bằng 0%.

9. Các quỹ tương hỗ đang giữ khá nhiều vàng

Cần nhìn bề chìm của vấn đề. Quỹ Vanguard Precious Metals and Mining (VGPMX) thậm chí không có bất kỳ quỹ vàng nào, quỹ Morningstar di chuyển dòng tiền của nó đến các loại tài nguyên thiên nhiên, vì đầu tư vào khai thác mỏ nói chung và hoạt động liên quan đều tốt.

Hầu hết các quỹ tương hỗ vàng thậm chí không đầu tư vào cổ phiếu vàng của chính họ mà chỉ mua cổ phiếu của các công ty khai thác mỏ - bằng chứng thêm rằng vàng khá hiếm để sở hữu vượt mức.

10. Nên luôn dành 7% cho vàng trong danh mục của bạn

Điều này đã trở thành một khẩu hiệu. Nhưng tại sao 7%? Nếu 93% còn lại của danh mục bị thua lỗ thì 7% là sẽ không giúp được gì nhiều, thậm chí nếu nó có mức tăng gấp đôi.

Như thường lệ, lời khuyên ở đây là mọi thứ đều phụ thuộc vào giá mua. Với tư cách cá nhân, nếu sự bùng nổ của giá vàng có chiều hướng tiếp tục, tôi thích đánh cược đồng tiền của mình bằng cách chọn hình thức đầu tư quyền chọn mua (call option). Nếu có giảm giá, chỉ bị mất khá ít. Nhưng nếu giá cả tăng vọt, bạn có thể làm nhiều lần đặt cược của bạn.



TH (Theo Brett Arends, The Wall Street Journal)

Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

Việt Nam thay đổi chiến lược quốc phòng

Diễn đàn Trung Hoa võng (China.com) ngày 11/12/2009 có bài tựa đề 'Việt Nam điều chỉnh gấp chính sách –chuẩn bị dùng vũ lực chiếm Nam Hải' phản ánh một quan điểm về chủ đề này.

Bài trên Trung Hoa võng viết: "Trung Quốc và Việt Nam vừa giải quyết xong vấn đề phân định biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ, Trung Quốc như cất được nỗi lo âu, cuối cùng thì cuộc đàm phán đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn".

Tuy nhiên, dù vất vả nỗ lực như thế, "Việt Nam: một mặt cả nước tỏ ra vui mừng, mặt khác lại mài dao xoèn xoẹt trước các vùng tranh chấp khác".

Bài báo lược qua các sự kiện chính trong lĩnh vực quốc phòng-quân sự của Việt Nam như:

1. Ngày 08/12/2009, Việt Nam công bố Sách Trắng quốc phòng, trong đó nêu bật trọng tâm vấn đề chủ quyền ở Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông), chỉ thiếu nước về câu chữ chưa nói rõ là tranh chấp lãnh thổ với nước lớn phương Bắc nào đó;

2. Ngày 23/11/2009, Việt Nam thông qua Luật dân quân tự vệ, quy định 86 triệu dân toàn quốc, nam từ 18-45 tuổi, nữ từ 18-40 tuổi phải tham gia nghĩa vụ dân quân ;

3. Ngày 01/12/2009, vùng 2 hải quân Việt Nam và 7 tỉnh thành phía Nam ký hiệp ước bảo vệ biển đảo và khu vực phụ cận Nam Sa (Trường Sa), huấn luyện ngư dân phối hợp với hải quân ngăn chặn tàu thuyền nước ngoài xâm nhập lãnh hải;

4. Truyền thông Việt Nam gần đây cho biết, Việt Nam đã động viên toàn dân tham gia xây dựng quốc phòng, phát huy tính tích cực của vùng biển rộng lớn đặc biệt là của dân chúng vùng phụ cận Tây Sa và Nam Sa (Hoàng Sa và Trường Sa);

5. Việt Nam mua của Nga 12 chiếc SU-30MK2 và 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo, xây sân bay ở Nam Sa và bố trí thêm 1 trung đoàn tăng cường, đồng thời điều 4 binh đoàn chiến lược tới biên giới Trung-Việt.

Mạng Trung Quốc đặt câu hỏi: "Một đường biên giới Trung-Việt vừa mới phân định xong, tại sao trong chớp mắt lại trở nên nhạy cảm và nguy hiểm như vậy?"

Và kết luận: "Xem ra sau khi nếm của ngọt, Việt Nam muốn tiện tay giành thêm quyền lợi hải dương ở Nam Hải."
Chiến lược của Việt Nam với Trung Quốc

Bài báo trên Trung Hoa võng nhận định rằng nhân dân Việt Nam, kinh qua mấy chục năm chiến tranh, là "một lực lượng không thể xem thường".
Tàu hải quân của Việt Nam

Việt Nam đang củng cố quốc phòng

"Nếu thông qua thao túng chủ nghĩa dân tộc hoặc kích động được lòng hận thù dân tộc, chính phủ Việt Nam hoàn toàn có thể trong thời gian ngắn động viên được 40 triệu dân quân và nhân viên dự bị chiến đấu, đồng thời có thể tổ chức được 1 triệu bộ đội tác chiến chính quy và 500 nghìn quân dã chiến."

Tác giả viết bài cho rằng kế thừa tư tưởng của Mao Trạch Đông, trong hơn 60 năm vừa qua, Việt Nam luôn theo đường lối quốc phòng toàn dân.

"Một khi chiến tranh giữa chúng ta (Trung Quốc) và Việt Nam nổ ra, liệu chúng ta có đảm bảo chắc thắng?"

"Một khi Trung Quốc cứng rắn trong vấn đề Nam Hải, Việt Nam có dám xé bỏ hiệp ước biên giới để không tuyên chiến mà đánh hay không?"

Mạng Trung Quốc cho rằng, nếu Việt Nam đột kích phòng tuyến trên đất liền của Trung Quốc, tất sẽ tạo ra sự biến động lớn và những tranh chấp lãnh thổ mới.

Tuy Trung Quốc tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với Nam Hải, song với vị trí địa lý đặc thù ở đây, "các đảo nhỏ ở Nam Hải dễ công khó giữ".

Trung Quốc, theo tác giả bài báo, hoàn toàn có thể sử dụng tên lửa và máy bay thẳng tay tiêu diệt quân địch, nhưng tổn thất cũng sẽ rất lớn.

Còn Việt Nam đứng trên thế “địa lợi”, có thể liên tục quấy rối quân ta trên đảo.

"Do vậy, chỉ có tiến hành cuộc chiến tranh đồng thời trên cả đất liền và trên biển, thì mới có thể chiếm giữ vĩnh viễn toàn bộ Nam Hải và khống chế được Việt Nam."

Thương lái chiến tranh

Bài trên Trung Hoa võng cho rằng, trong trường hợp nổ ra chiến tranh tại Biển Đông, nhất định nhiều nước khác cũng sẽ "dây máu ăn phần".

"Tính chất nhạy cảm của Nam Hải không chỉ ở chỗ nó liên quan tới nhiều quốc gia, mà quan trọng là một số lái buôn chiến tranh cũng muốn thọc tay vào."

Trung Quốc đã ở vào ranh giới chiến tranh, đánh hay không đánh đều có khả năng. Vấn đề là đã lâu Trung Quốc không có chiến tranh. Chỉ cần Trung Quốc phân tâm một chút là sẽ xảy ra tranh chấp biên giới trên diện rộng.

"Mỹ, Ấn Độ, thậm chí Nga đều ngầm ủng hộ VN phát động chiến tranh trên Nam Hải. Và một số nước phương Tây như Anh, Pháp cũng muốn được chia phần ở Nam Hải."

Bài báo phân tích nếu Trung Quốc và Việt Nam có xung đột tại Nam Hải, các quốc gia này này nhất định nhảy ngay vào.

"Thậm chí, Việt Nam và Mỹ còn câu kết với nhau, mỗi nước dựa vào nhu cầu của mình mà tuyên chiến với Trung Quốc."

Tác giả cảnh tỉnh người Trung Quốc phải có chuẩn bị tâm lý, "củng cố lại lòng tin và quyết tâm" cho khả năng chiến tranh xảy ra.

"Trung Quốc đã ở vào ranh giới chiến tranh, đánh hay không đánh đều có khả năng. Vấn đề là đã lâu Trung Quốc không có chiến tranh."

"Chỉ cần Trung Quốc phân tâm một chút là sẽ xảy ra tranh chấp biên giới trên diện rộng."

Kết luận trên trang mạng bán chính thức của Trung Quốc là: "Việt Nam điều chỉnh gấp chính sách, Trung Quốc phải đối phó".

"Chỉ có thay đổi chính sách ngoại giao, thực hiện chiến tranh toàn dân mới có thể nắm chắc chiếc cung chiến tranh, buộc kẻ địch không ra tay hoặc ra tay muộn hơn."

Bắc Kinh học làm siêu cường

Năm 2009 sẽ đi vào lịch sử như là một bước ngoặt trong sự mở mang ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới có thể đã giáng một đòn vào kinh tế Trung Quốc nhưng khó mà cản được giới lãnh đạo Trung Quốc phóng chiếu một cách hăng hái cả quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm. Họ có thể làm được điều đó không chỉ nhờ sức mạnh kinh tế và quân sự tăng nhanh của Trung Quốc mà còn nhờ sự suy giảm ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ thời kỳ sau chiến tranh Iraq và sự tan rã của các định chế tài chính của Mỹ.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đang đẩy mạnh “nền ngoại giao gần-như-siêu-cường” (quasi-superpower diplomacy) nhằm củng cố sự nổi trội của Trung Quốc trong một trật tự thế giới mới. Mặc dù Tổng thống Barack Obama vừa khởi động chiến dịch thu hút ở châu Âu và châu Mỹ Latin, không thể phủ nhận rằng ông Hồ đã đánh cắp được một ít sự chú ý mà theo truyền thống vẫn dành cho người lãnh đạo của Thế giới Tự do.

Ví dụ, tại buổi chụp ảnh chung của hội nghị G20 ở Luân Đôn mới đây, lãnh tụ Trung Quốc được xếp ngồi cạnh Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị và Thủ tướng Gordon Brown, người chủ trì hội nghị. Truyền thông chính thống Trung Quốc đã đăng tải rất nhiều lời bình luận của các quan sát viên phương Tây rằng hội nghị G20 đã biến dạng thành G2, nghĩa là hội nghị tay đôi giữa siêu cường duy nhất của thế giới và một gần-như-siêu-cường đang nổi lên. Cũng đã có những lời bàn tán về Thời đại Hòa bình kiểu Mỹ-Trung (Pax Americhina / Chinamerica) thống trị địa chính trị của thế kỷ 21.

Hình ảnh Trung Quốc như một con rồng phun lửa cũng đã hiện rõ trên màn ảnh truyền hình khắp thế giới khi Hải quân Trung Quốc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 ở thành phố cảng Thanh Đảo cuối tháng trước. Đại diện quân đội của 29 quốc gia đã chứng kiến tận mắt Hải quân Trung Quốc phô diễn những chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do chính họ chế tạo và những khí tài quân sự tiên tiến. Một tháng trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt (Liang Guanglie) đã nói với người tương nhiệm Nhật Bản đang viếng thăm Trung Quốc Yasukazu Hamada rằng Quân Giải phóng Nhân dân (People's Liberation Army - PLA) đang xúc tiến chương trình xây dựng tàu chở máy bay. Các chuyên gia phương Tây nghĩ rằng PLA có kế hoạch xây dựng bốn tàu chở máy bay trong một thập niên sắp tới. Bắc Kinh cũng đang tháo gỡ các chướng ngại để đưa một phi hành gia Trung Quốc đổ bộ lên mặt trăng vào năm 2015. Tất cả những chuyện này thêm vào một sự phóng chiếu sức mạnh không-gì-cản-nổi rất hiếm hoi trong lịch sử 5000 năm của Trung Hoa.

Ông Hồ, người đồng thời là Chủ tịch Quân Ủy Trung Ương – tương đương với chức tổng tư lệnh, đã thực hiện những sự điều chỉnh quan trọng đối với các chính sách an ninh và ngoại giao của những người tiền nhiệm. Ông Đặng Tiểu Bình, vị trưởng lão đã quá cố, từng đặt ra một loạt phương châm từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990: trong chính sách đối ngoại, “giữ tư thế thấp và không bao giờ lãnh đạo”; đối với Hoa Kỳ thì “tránh đối đầu, tìm cơ hội hợp tác”. Những phương châm này đã thay đổi một chút vào giữa thập niên 1990; từ giữa thập niên 1990 trở về sau, cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân đi tiên phong trong cái gọi là “chính sách ngoại giao cường quốc trong bầu không khí toàn cầu có một siêu cường và vài cường quốc”; điều đó có nghĩa là Trung Quốc nên hợp tác với các cường quốc khác như Nga, Nhật Bản, Liên hiệp châu Âu để chuyển hóa “trật tự thế giới đơn cực” do Hoa Kỳ thống trị thành một “trật tự thế giới đa cực”.

Tuy nhiên dưới thời ông Giang, Trung Quốc tiếp tục tránh né những xung đột trực tiếp với siêu cường duy nhất. Và mối quan hệ giữa ban lãnh đạo của ông Giang và chính quyền Bill Clinton nói chung là ổn định. Cũng trong thời gian đó, ông Giang cố gắng thuyết phục các nước láng giềng của Trung Quốc rằng Bắc Kinh gắn bó với chiến lược “trỗi dậy hòa bình”, nghĩa là sự nổi lên của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với các nước khác.

Ảnh hưởng kinh tế, quân sự và ngoại giao của Trung Quốc đã mở rộng một cách ngoạn mục dưới thời ông Hồ, lên cầm quyền từ cuối năm 2002. Tự coi mình là một gần-như-siêu-cường, Bắc Kinh đã không còn e thẹn lảng tránh những cuộc ganh đua trực diện với Hoa Kỳ, đối thủ cạnh tranh chiến lược của Trung Quốc. Đối với Bộ Chính trị do ông Hồ lãnh đạo, nền ngoại giao gần-như-siêu-cường có nghĩa là Trung Quốc sẽ mở rộng ảnh hưởng ở tất cả các khu vực, từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho đến châu Phi và châu Mỹ Latin, và trong các tổ chức toàn cầu như Liên hiệp quốc, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Chê trách Washington đã không điều hành được các công ty tài chính đa quốc gia của mình, Bắc Kinh đang ráo riết vận động cho một “cơ cấu tài chính toàn cầu mới”, cắt gọt bớt sự thống trị của Mỹ. Điều có ý nghĩa nhất là Bắc Kinh đang cố ngăn cản không quân và hải quân Mỹ thống lĩnh vùng châu Á-Thái Bình Dương. Và PLA đang phát triển hỏa lực đủ mạnh để vượt qua “một chính sách kiềm chế chống Trung Quốc”, giả định là do Mỹ dẫn đầu và bị xúi giục bởi các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Úc.

Trong một sự điều chỉnh rõ ràng “học thuyết trỗi dậy hòa bình”, các sĩ quan quân đội và nhà phân tích quân sự Trung Quốc nói rằng, để giành được quy chế toàn cầu tương xứng với sức mạnh toàn diện của Trung Quốc, PLA không nên chỉ tìm kiếm những vũ khí tinh xảo mà còn phải thường xuyên chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Theo tướng Zhang Zhaoyin, PLA phải từ bỏ học thuyết lỗi thời “xây dựng một quân đội hướng tới hòa bình trong một thời đại hòa bình”. Viết trên tờ nhật báo chính thức Quân Giải phóng, tướng Zhang lập luận rằng “chuẩn bị tác chiến, đánh trận và chiến thắng luôn luôn là nhiệm vụ cơ bản của quân đội”. “Quân Giải phóng PLA phải không bao giờ đi chệch khỏi học thuyết ‘tích cực chuẩn bị chiến tranh, tìm cách chiến thắng mọi cuộc chiến’”, tướng Zhang – đang là Phó tư lệnh quân đoàn ở Quân khu Thành Đô, nói thêm.

Nhà chiến lược Jin Yinan thừa nhận lý thuyết rằng “Trung Quốc không thể trỗi dậy giữa tiếng hót của chim sơn ca và vũ điệu của bầy chim én”, đề cập tới những thú vui bình lặng của thời hòa bình. Ông Jin, giảng dạy tại Đại học Quốc phòng quốc gia Trung Quốc (National Defense University - NDU) chỉ ra rằng trong cuộc tìm kiếm sự vĩ đại, Trung Quốc phải “dò tìm một con đường qua gai góc và cỏ rậm”. “Khi một quốc gia và một dân tộc đã đi tới một khoảnh khắc quyết định, các lực lượng vũ trang thường giữ vai trò rường cột, then chốt” trong việc bảo đảm sẽ đạt được những mục tiêu của quốc gia”, ông Jin nói.

Điều đặc biệt làm các nước láng giềng của Trung Quốc phải cảnh giác là một số sĩ quan diều hâu trong PLA muốn chỉnh đốn lại một học thuyết khác của Đặng Tiểu Bình về cách thức xử lý những vụ tranh chấp chủ quyền với các lân bang. Ông Đặng yêu cầu “gác sự tranh chấp chủ quyền và tập trung vào liên kết phát triển”. Theo Thiếu tướng hải quân Yang Yi, một giáo sư khác của NDU, phương châm của ông Đặng “phải dựa trên tiền đề rằng chủ quyền thuộc về Trung Quốc”. Ông ta cảnh cáo các nước mà ông ta không nêu tên rằng, sẽ là rất “nguy hiểm” nếu nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ không dùng vũ lực đơn giản chỉ vì muốn nuôi dưỡng sự phát triển hòa bình và đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế. “Lực lượng quân sự mạnh là một bức tường thành nâng cao quyền lợi quốc gia”, ông Yang chỉ ra. “Hải quân Trung Quốc là một lực lượng ngăn chặn hùng hậu sẽ cản trở các nước khác vô cớ xâm phạm quyền lợi của Trung Quốc trên mặt biển”.

Đáng chú ý hơn nữa, bình luận viên Huang Kunlun của nhật báo Quân Giải phóng còn nêu lên ý niệm về “biên giới quyền lợi quốc gia”. Ông Huang lập luận rằng, quyền lợi quốc gia của Trung Quốc vượt xa ra ngoài lãnh thổ, lãnh hải và không phận để bao gồm cả những khu vực như các đại dương mênh mông mà các tàu chở dầu của Trung Quốc qua lại, cũng như khoảng không vũ trụ. “Các quyền lợi quốc gia của chúng ta mở rộng tới đâu thì đó là nhiệm vụ của lực lượng vũ trang”, ông Huang viết. “Do nhiệm vụ lịch sử mới của chúng ta, các lực lượng sẽ không chỉ bảo vệ ‘biên giới lãnh thổ’ mà con bảo vệ cả ‘biên giới quyền lợi quốc gia’”. “Chúng ta cần phải bảo vệ không chỉ các quyền lợi về an ninh quốc gia mà cả những quyền lợi liên quan tới sự phát triển quốc gia [trong tương lai]”, ông ta viết thêm. Cái quan niệm lạ lùng này sẽ làm gia tăng đáng kể phạm vi “hợp pháp” mà quân PLA có thể hoạt động.

Có vẻ hiển nhiên rằng thái độ diều hâu mà các sĩ quan PLA này thể hiện chủ yếu nhắm vào Hoa Kỳ, nước được coi là sự kiềm chế nghiêm trọng nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Và chiến lược của ông Hồ chính xác là bước vào khoảng trống trong ảnh hưởng toàn cầu gây ra do sự cạn kiệt sức mạnh của Mỹ. Quân đội Mỹ đã bị trói chân tại Iraq và Afghanistan, ở một mức độ nào đó đã triệt tiêu khả năng của Washington trong vai trò cảnh sát toàn cầu.

Tệ hơn nữa, Hoa Kỳ đã đánh mất phần lớn cơ sở đạo đức – cũng như quyền lực mềm – mà đất nước này từng có. Sự sụp đổ hàng loạt các ngân hàng, công ty tài chính và tập đoàn công nghiệp Mỹ đã thể hiện sự yếu kém trong “mô hình Mỹ về chủ nghĩa tư bản tự do kinh doanh”. Trái lại, “mô hình Trung Quốc” – một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đi kèm với sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước nhiều phương diện của xã hội – đã giành được sự kính nể ở nhiều phần khác nhau của thế giới.

Quan trọng hơn nữa, sự thay đổi cán cân quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ đã khích lệ ban lãnh đạo của ông Hồ trong những tính toán địa chính trị của họ. Vào đầu thập niên 1990, chủ tịch lúc ấy là ông Giang Trạch Dân đã nêu cho các cố vấn đối ngoại của mình câu hỏi sau đây: có phải Trung Quốc cần Hoa Kỳ nhiều hơn Hoa Kỳ cần Trung Quốc hay không, và bao nhiêu? Theo định lượng, nếu mức độ cân bằng của sự phụ thuộc lẫn nhau được xác định là 50-50 thì “tỷ lệ phụ thuộc lẫn nhau” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ vào đầu tới giữa thập niên 1990 được các chuyên gia Trung Quốc xác định trong khoảng 70-30. Tỷ lệ này thay đổi thành 65-35 vào điểm giao thời giữa hai thế kỷ. Sau cuộc chiến tranh Iraq và đặc biệt sau cơn sóng thần tài chính, một số nhà chiến lược ở Bắc Kinh nghĩ rằng tỷ lệ này hiện thay đổi trong khoảng 60-40 hoặc 55-45.

Những diễn biến gần đây chứng tỏ một thực tế rằng ít nhất trong lĩnh vực kinh tế, một tỷ lệ cân bằng nào đó đã đạt được giữa hai quốc gia. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc thì Trung Quốc cũng là người mua nhiều nhất công trái của chính phủ Mỹ và các loại cổ phiếu khác. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã công khai đặt nghi vấn về “sự an toàn” của những tài sản Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ. Chính vì một phần các thực tế này mà chính quyền Obama đã hạ giọng khi phê phán chính sách tỷ giá của Trung Quốc và những cung cách buôn bán gây tranh cãi khác. Washington cũng đã bỏ bớt những lời bình phẩm tiêu cực về thành tích nhân quyền của Bắc Kinh cũng như chính sách của Trung Quốc đối với Tây Tạng và Tân Cương.

Theo ông Chen Xiangyang, nhà chiến lược cao cấp của Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations), Bắc Kinh muốn “chiếm thế thượng phong, giành quyền chủ động” trong cuộc ganh đua địa chính trị toàn cầu. “Chúng tôi muốn quảng bá tiếng nói của Trung Quốc, bảo vệ hình ảnh của Trung Quốc và mở rộng quyền lợi quốc gia của Trung Quốc”, ông ta chỉ ra. Một ví dụ là thái độ chủ động “tiên hạ thủ” mà Trung Quốc thể hiện tại hội nghị G20.

Vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh tại Luân Đôn vào đầu tháng Tư, Bắc Kinh đã thu hút sự chú ý của thế giới bằng cách đưa ra đề nghị nên dùng “quyền rút vốn đặc biệt” (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thay cho đồng đô la Mỹ làm “đồng tiền toàn cầu mới” mà các quốc gia giữ làm dự trữ. Ban lãnh đạo của ông Hồ còn muốn thúc đẩy tiếng nói của các nước đang phát triển trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Trong lúc đề nghị của Trung Quốc về đồng tiền toàn cầu mới không được thảo luận một cách nghiêm chỉnh tại hội nghị Luân Đôn, tư thế của nước này như là một người khởi xướng những sáng kiến toàn cầu được nâng lên rất nhiều.

Một ví dụ khác về sự quyết đoán mới tìm thấy ở Bắc Kinh là cái gọi là “ngoại giao đường đỏ” (red-line diplomacy). Trong các hồ sơ nội bộ, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập tới việc “vẽ những đường đỏ” chung quanh các khu vực và các vấn đề được coi là sinh tử đối với quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc mà các thế lực nước ngoài không được phép đụng vào. Ngoại giao đường đỏ đã được triển khai, chẳng hạn, nhằm cô lập đức Đạt Lai Lạt Ma, chủ nhân giải Nobel Hòa bình đang lãnh đạo phong trào Tây Tạng lưu vong. Hồi tháng Ba, chính phủ Nam Phi quyết định ngăn cản Đạt Lai Lạt Ma tham dự một hội nghị hòa bình quốc tế ở Johannesburg. Sau quyết định bất ngờ của Pretoria, một số người được giải Nobel và đã được chính thức mời tham dự hội nghị đã tẩy chay sự kiện này, về sau thì sự kiện cũng bị hủy bỏ.

Trước đó, Bắc Kinh từng “treo” quan hệ bình thường với Pháp sau khi Tổng thống Nicolas Sarkozy gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma tháng 11 năm ngoái. Quan hệ đã được phục hồi – và các ông Hồ và Sarkozy đã có một “hội nghị thượng đỉnh mini” ở Luân Đôn – chỉ sau khi Paris đưa ra một tuyên bố nói rằng Pháp không ủng hộ sự độc lập của Tây Tạng.

Cùng thời gian này, chính phủ Trung Quốc rủng rẻng tiền bạc đã cam kết dành ra khoảng 6,62 tỉ đô la Mỹ để khuếch trương “tuyên truyền hải ngoại”, nhằm mở rộng quyền lực mềm ra toàn cầu. Những phương tiện truyền thông nổi bật của nhà nước Trung Quốc, nhất là Đài truyền hình trung ương và thông tấn xã Tân Hoa, sẽ nâng cấp đáng kể các chương trình và cung cấp tin tức theo nhiều ngôn ngữ cho công chúng châu Âu và châu Á. Cũng đã đặt lên bàn thiết kế một kênh thời sự bằng tiếng Anh, rập theo khuôn của đài Al Jazeera nhằm cho phép thế giới nắm được lập trường của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề từ chính trị, tài chính tới văn hóa và tôn giáo.

Mũi tấn công chủ yếu của chiến dịch tự tán dương và cưỡng ép của Bắc Kinh là nhằm thuyết phục thế giới về tính ưu việt của “mô hình Trung Quốc’ trong cách cai trị. Như ông Yu Keping, một nhà khoa học chính trị của Đại học Bắc Kinh chỉ ra, mô hình Trung Quớc đã “làm phong phú kiến thức của chúng ta về luật pháp và con đường tiến tới sự phát triển xã hội và thúc đẩy sự phát triển nhiều giai đoạn của nền văn minh nhân loại trong thời đại toàn cầu hóa”. Còn theo ông Zhao Yao, giáo sư trường Đảng trung ương, mô hình Trung Quốc đáng được xiển dương tối đa bởi vì “nó đã cứu vớt phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới”. “Thông qua chính sách cải cách và mở cửa của Trung Quốc, những triển vọng mới đã mở ra cho chủ nghĩa xã hội”, ông Zhao viết.

Liệu ban lãnh đạo của ông Hồ sẽ thành công trong cuộc cách mạng quyền lực toàn cầu của họ hay không? Phần lớn còn tùy thuộc vào việc liệu Bắc Kinh có muốn và có khả năng hành động như một thành viên tuân thủ luật pháp – cái mà Washington có lần gọi là một ‘cổ đông có trách nhiệm’ – của cộng đồng quốc tế hay không. Tuy nhiên, hình ảnh của Trung Quốc đã bị giáng một đòn nặng nề trong vụ phóng tên lửa liên lục địa gần đây của một nhà nước đồng minh và khách hàng của Trung Quốc: Bắc Hàn. Ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ không chê trách Bình Nhưỡng mà còn cố ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt sự cấm vận mới lên chế độ của Kim Jong-il. Hành vi vô trách nhiệm của Bắc Kinh đã gợi cho thế giới nhớ lại những quan hệ tương tự mà Bắc Kinh duy trì với một loạt nhà nước hạ đẳng như Miến Điện, Sudan, Angola và Zimbabuê.

Một lý do tại sao Bắc Kinh có vẻ chịu đựng chính sách bên miệng hố chiến tranh của Bình Nhưỡng là Trung Quốc muốn dùng “con bài Bắc Hàn” trong bang giao với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn. Tuy nhiên, lập trường bất cần đạo lý của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm cho các nước này và nhiều nước khác xa lánh. Dẫu sao, mặt tiêu cực của chính sách ngoại giao gần-như-siêu-cường của Bắc Kinh nằm ở chỗ nó sẽ trao thêm vũ khí chi những người phê phán Trung Quốc – và tạo lòng tin cho “học thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc”. Học thuyết này hiện đã phổ biến rộng rãi ở một số quốc gia châu Á theo sau thái độ ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh trong những cuộc tranh chấp lãnh thổ gần đây với Nhật Bản (chung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) và với Philippines (chung quanh bãi san hô Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Huang Yan). Nếu những cuộc xung đột này leo thang, có thể nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, Philippines và Nam Hàn sẽ tìm cách liên kết với Mỹ để tái khởi động một “chính sách kiềm chế” chống lại một nước có thể gần-như-siêu-cường.

Một yếu tố quan trọng cản trở “bước đại nhảy vọt” của Trung Quốc là sự trì trệ của công cuộc cải cách chính trị bên trong nước này. Từ năm ngoái, Chủ tịch Hồ đã khoái trá phục hồi những định chế Mao-ít chẳng hạn như “tập trung dân chủ”, một uyển ngữ chỉ sự khuếch đại quyền lực của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tự do hóa chính trị đã bị đóng băng. Trong khi đó quyền lực của PLA cũng gia tăng bởi vì vai trò của nó không chỉ là để khuếch trương sự vươn ra toàn cầu của Trung Quốc mà còn để đàn áp khoảng 100.000 vụ phản kháng, bạo loạn và xáo trộn bùng ra mỗi năm ở đất nước Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nó chỉ trả lời cho một nhóm các cán bộ chóp bu của Đảng Cộng sản như ông Hồ, người cũng đòi hỏi sự ủng hộ của giới quan chức cấp cao để duy trì thế độc tôn của phe nhóm của chính ông ta trong Đảng Cộng sản.

Việc các lực lượng vũ trang Trung Quốc không phải chịu sự kiểm tra và cân bằng đáng kể nào đã làm dấy lên mối quan ngại trong các nước láng giềng của Trung Quốc rằng các tướng lĩnh, có thể vì quyền lợi của riêng họ mà đẩy đất nước vào một chính sách ngoại giao phiêu lưu, theo chủ nghĩa bành trướng. Việc ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc từ chối bãi bỏ những tín điều của Mao Trạch Đông như “sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với các lực lượng vũ trang” và “sự tổng hợp những yêu cầu hòa bình và chiến tranh” đã làm sứt mẻ sức hấp dẫn toàn cầu của mô hình Trung Quốc và làm suy giảm khả năng sống sót của chính sách ngoại giao gần-như-siêu-cường của Bắc Kinh.

* Willy Lam là giáo sư về Trung Quốc học tại Đại học quốc tế Akiat, Nhật Bản và phụ tá giáo sư về lịch sử tại Đại học Trung Hoa, Hồng Kông.