Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Mua bán đôla thoáng hơn, vàng miếng kiên quyết siết chặt

Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho phép giao dịch ngoại hối kỳ hạn theo hướng cho phép ngân hàng thương mại và khách hàng tự thoả thuận tỷ giá. Còn với vàng miếng, sẽ bị cấm giao dịch tự do sau lộ trình hai bước.
> Vàng miếng chỉ có thể giao dịch một chiều
Đôla có thể được giao dịch kỳ hạn, thay vì chỉ mua bán giao ngay như hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà
Đôla có thể được giao dịch kỳ hạn, thay vì chỉ mua bán giao ngay như hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà

Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất những ý tưởng này lên Chính phủ tại hội nghị giao ban chiều 18/3.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là một trong những giải pháp quan trọng được cơ quan này dự kiến thức hiện triển khai trong thời gian tới nhằm quản lý và bình ổn thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng giải pháp này giúp đảm bảo ngoại tệ nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, giúp doanh nghiệp tự cân đối nhu cầu ngoại tệ qua ngân hàng, đồng thời bảo toàn được dự trữ ngoại hối.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước đề xuất cho phép ngân hàng thương mại và khách hàng tự thoả thuận tỷ giá giao dịch ngoại tệ với kỳ hạn từ 3 tháng đến một năm. Với mặt hàng xăng dầu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cho phép thực hiện theo hình thức này để tránh gánh nặng phải dùng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu thực hiện, Bộ Tài chính và Công Thương cũng cần có cơ chế phù hợp để doanh nghiệp có thể hạch toán được chi phí vào giá bán.

Về vấn đề cho vay ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiến hành thu hẹp đối tượng được phép vay trong thời gian tới. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này phải bán ngay số ngoại tệ này cho tổ chức cho vay để quay nhanh đồng vốn, nguồn ngoại tệ doanh nghiệp thu được cũng phải trả ngay cho tổ chức tín dụng cho vay. Các đối tượng nhập khẩu được vay ngoại tệ nếu chứng minh được doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thanh toán khi nợ đến hạn. Các nhu cầu ngoại tệ khác đều được chuyển sang hình thức mua – bán.

Liên quan đến nhu cầu ngoại tệ tiền mặt và kiều hối của cá nhân, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trước mắt, sẽ ban hành Thông tư cho phép các tổ chức tín dụng thu phí với việc bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân để chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ nhu cầu hợp pháp với mức phí tối đa là 2% so với tỷ giá niêm yết. Mức phí này nhằm bù đắp các chi phí nhập ngoại tệ tiền mặt từ nước ngoài và các khoản liên quan.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ ban hành quy định để cá nhân có thể mua, bán ngoại tệ tiền mặt và kiều hối với giá hợp lý, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, góp phần thu hút ngoại tệ vào ngân hàng, thu hẹp và tiến tới xoá bỏ thị trường tự do.

Một nội dung quan trọng khác cũng được đại diện Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ trong phiên họp chiều 18/3 là tinh thần của nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà cơ quan này đang dự thảo. Theo đó, lộ trình thực hiện siết chặt quản lý thị trường vàng dự kiến sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn.

Ở giai đoạn đầu, kéo dài từ 6 tháng đến một năm, Nhà nước vẫn thừa nhận quyền sở hữu vàng miếng của tổ chức, cá nhân nhưng không cho phép lưu thông trên thị trường tự do. Người nắm giữ vàng miếng chỉ được bán cho một số đầu mối thu mua mà Ngân hàng Nhà nước chỉ định và không được phép mua lại.

Những đầu mối thu mua nói trên là các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Các đầu mối này sẽ thực hiện mua vàng và bán lại cho Ngân hàng Nhà nước hoặc cho các đơn vị sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ làm nguyên liệu sản xuất.

Sau giai đoạn nói trên, Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi giấy phép sản xuất vàng miếng đã cấp cho doanh nghiệp. Các đầu mối thu mua chỉ được bán vàng cho Ngân hàng Nhà nước mà không được bán lại cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Các doanh nghiệp làm trang sức chỉ được dùng nguồn vàng thu mua tại chỗ để làm nguyên liệu sản xuất. Trong trường hợp làm gia công cho nước ngoài thì được xem xét cho tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân hàng Nhà nước khi đó, sẽ trực tiếp thực hiện việc nhập khẩu vàng hoặc thông qua các đầu mối chỉ định và bán lại cho doanh nghiệp gia công vàng trang sức.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng tán thành với chủ trương và yêu cầu kiên quyết thực hiện tốt việc quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc quản lý 2 thị trường có tính nhạy cảm cao này cần có lộ trình phù hợp theo kinh tế thị trường, bảo đảm lợi ích của người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm và ổn định kinh tế vĩ mô.

Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Dầu mỏ Ả rập – “nỗi buồn phiền” của Trung Quốc

Trung Quốc - quốc gia vừa mới vươn lên ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, năm 2009, nước này còn vượt qua Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ Ả rập lớn nhất, nhưng dầu thô Ả rập lại trở thành nhân tố ngày càng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Trước vai trò quan trọng của Trung Đông đối với toàn bộ kinh tế châu Á, Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn chưa thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển của tình hình thế giới Ả Rập, hay nói cách khác, những quốc gia này còn là những nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi sự thay đổi tình hình ở Trung Đông.

Theo Cục tình báo năng lượng Mỹ (EIA), bất chấp Trung Quốc đã nỗ lực hết sức để đa dạng hóa nguồn dầu thô, nhưng phần lớn số dầu thô nhập khẩu cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đều xuất phát từ Ả rập, mà các tỉnh phía đông phái Shiite – nơi có nguồn năng lượng dồi dào ở Ả rập lại đóng vai trò quan trọng trong sản xuất dầu thô của nước này. Trung Đông cung ứng khoảng 2,9 triệu thùng/ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng số lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc, trong đó lượng cung ứng của Ả rập đạt xấp xỉ 1,1 triệu thùng/ngày.

Các quan chức Trung Quốc cho biết, họ hy vọng đến năm 2015, thương mại giữa Trung Quốc và Ả rập có thể tăng trưởng khoảng 50%, đạt 60 tỷ USD, nhưng điều này sẽ từng bước gia tăng sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Ả rập.

Tuy nhiên, không chỉ riêng Trung Quốc. Nhật Bản cũng phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu từ Trung Đông trong một thời gian dài. Hàn Quốc là một trong những nước nhập khẩu khí hóa lỏng lớn nhất của khu vực vùng Vịnh, nhưng các hãng xây dựng Hàn Quốc cũng đã xây dựng đa số các nhà máy lọc dầu và mạng lưới đường ống trên các sa mạc Trung Đông. Ngay cả Úc – một nước có nguồn năng lượng phong phú nhất ở khu vực châu Á Thái Bình Dương cũng phụ thuộc vào dầu thô Trung Đông.

Trong khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào Trung Đông, kinh tế Mỹ đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nơi có nhiều bất ổn chính trị này. Các chính sách khuyến khích thăm dò và sản xuất dầu mỏ trong nước như thăm dò vùng biển sâu trên vịnh Mêxicô, mặc dù khiến Mỹ phải đối mặt với rủi ro môi trường, nhưng cũng giúp làm giảm mức độ chịu ảnh hưởng của biến động Trung Đông. Bên cạnh đó người tiêu dùng Mỹ cũng đã phát huy được một số tác dụng. Kể từ khi giá dầu vượt ngưỡng lên mức cao kỷ lục 146,65USD/thùng đến nay, người Mỹ ngày càng chấp nhận những chiếc xe tiết kiệm năng lượng hơn. Lượng tiêu hao dầu thô Bắc Mỹ có phần giảm bớt, đồng thời lượng sử dụng khí đốt lại tăng lên.

Tuy nhiên, trong khi châu Á tăng cường quan hệ thương mại với khu vực Trung Đông, ảnh hưởng chính trị của họ tại khu vực này vẫn còn rất nhỏ. Xét về sức mạnh quân sự của Mỹ tại Trung Đông, cũng như mối quan hệ ngoại giao sâu sắc và lâu đời giữa Washington và thế giới Ả rập, Trung Quốc càng không thể bì được. Mặc dù mối quan hệ này đang bị thử thách bởi biến động chính trị ở các nơi tại Trung Đông, nhưng Trung Quốc chưa thể thay thế được vị trí của Mỹ trong khu vực này. Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy (Úc) – ông Andrew Shearer cho biết, xét theo ý nghĩa nào đó, châu Á luôn “đứng ngoài cuộc” tại Trung Đông, hơn nữa điều quan trọng đó là, đối với Trung Quốc, nước này cũng chỉ là người ngoài cuộc với nhiều nỗi buồn phiền mà thôi.

Nỗi buồn phiền của Trung Quốc đó là, nếu nguồn cung ứng năng lượng ở eo biển Hormuz tại vịnh Ba Tư bị gián đoạn nặng nề, sẽ gây ảnh hưởng nặng nền cho kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, theo ông Shearer, nếu việc cung ứng dầu mỏ Trung Đông bị đe dọa, Mỹ có thể sẽ can thiệp quân sự.

Trong trường hợp xấu nhất, quân đội Mỹ có thể sẽ khống chế các cơ sở dầu mỏ tại khu vực này, bằng cách này, Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á phải tự bảo đảm nguồn cung ứng cho mình.

Thế giới Anglo-Saxon hợp lực triệt hạ Trung Quốc

Nhiều tác giả kể lể về những thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, xây dựng quân đội, những thành tựu chinh phục khoảng không vũ trụ, nhưng ít nói đến sự dễ bị tổn thương chiến lược của Trung Quốc.

Bài viết trình bày quan điểm của tác giả Nga, có tính tham khảo, không nhất thiết là quan điểm của VietnamDefence.

Trung Quốc rất giống với đế quốc Đức thời Đệ nhị và Đệ tam đế chế - kinh tế và sức mạnh quân sự cất cánh nhanh chóng, đi kèm đồng thời với tính dễ bị tổn thương. Kẻ thù tiềm tàng của Bắc Kinh là những quốc gia Anglo-Saxon - họ đã thiết lập xung quanh Trung Quốc một vành đai bao vây thật sự.

Click this bar to view the full image.



“Vòng vây” đối với Trung Quốc

- Từ hướng Tây, một “lò lửa” bất ổn được tạo ra - đó là sự hỗn loạn ở Afghanistan mà nay đang lan sang cả Pakistan. Giáp giới với vùng này là những khu vực bất ổn nhất của Trung Quốc là khu tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ của người Hồi giáo và Tây Tạng.

Ở Kirgyzya cũng không bình yên, mới chỉ trong năm 2010 đã xảy ra một cuộc cách mạng và cuộc tàn sát giữa người Uzbek và người Kirgiz.

Với Ấn Độ, Trung Quốc có những tranh chấp biên giới, từng 2 lần leo thang thành những cuộc chiến tranh cục bộ, ngoài ra Delhi còn là kẻ thù của Islamabad, đồng minh của Bắc Kinh. Cả hai nước đang tăng cường lực lượng quân sự và hạ tầng ở biên giới.

Tình hình ở biên giới phía Tây của Trung Quốc còn thêm phần tồi tệ do sự hiện diện của các lực lượng tiến công của NATO và Mỹ ở Afghanistan, và Washington rõ ràng chẳng định rời khỏi đây.

- Biên giới phía Bắc Trung Quốc hiện thời là yên bình nhất. Trung Quốc thực hiện thành công quá trình bành trướng kinh tế ở Kazakhstan, Mông Cổ và Liên bang Nga. Giới tinh hoa chính trị của các nước này dù có lo ngại sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, nhưng lại không muốn cắt đứt sự quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi. Trung Quốc là thị trường lớn nhất đối với nguyên liệu từ các nước này - Con rồng vàng đang nuốt một số lượng lớn gỗ, nguồn năng lượng, kim loại...

Khối Anglo-Saxon cũng chẳng phản đối những chuyện làm phức tạp tình hình ở phía Bắc Trung Quốc - một cuộc cách mạng ở Kazakhstan, Liên bang Nga sẽ rất có lợi cho họ. Ngoài ra, họ còn muốn biến Moskva thành “sức mạnh xung kích” chống Trung Quốc, giống như chống Đức trong Thế chiến I và Thế chiến II.

Bắc Kinh hiểu rất rõ rằng, người ta muốn biến Moskva thành kẻ thù của họ, hơn nữa họ cũng không muốn đối đầu với Nga vì chẳng cần chiến tranh họ vẫn đang nhật được tất cả những nguồn tài nguyên từ Nga, cộng thêm là họ trút bỏ được một phần dân số “thừa”. Trung Quốc cần một “hậu phương” bình yên.

- Biên giới phía Đông: Nhật Bản, Hàn Quốc là những đồng minh quân sự của Mỹ, ở đó bố trí những căn cứ quân sự lớn của quân đội Mỹ.

Ngoài ra, người Anglo-Saxon đang nỗ lực thổi bùng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên (Bắc Triều Tiên là đồng minh của Trung Quốc), điều sẽ gây khó khăn rất lớn cho vị thế của Trung Quốc. Thậm chí, họ có thể bị lôi cuốn vào cuộc chiến và chiếm đóng phía Bắc bán đảo Triều Tiên để ngăn Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân ở ngay sát biên giới của họ.

Xung đột Nhật-Nga do quần đảo Kurils có khả năng nhỏ biến thành cuộc chiến tranh, điều cũng làm Washington vui mừng, nhưng sẽ không có lợi cho Trung Quốc, quốc gia đang cần sự bình yên ở miền Đông của Liên bang Nga, nơi cung cấp các nguồn tài nguyên.

Với Nhật, Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaky (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) mà Nhật Bản chiếm từ tay Trung Quốc năm 1895.

Vấn đề Đài Loan - Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở để coi Đài Loan là đất của Trung Quốc, và muốn tái thống nhất lãnh thổ Trung Quốc. Nhưng Đài Bắc là đồng minh quân sự của Mỹ và Nhật Bản, nên Trung Quốc hiện chưa thể giải quyết vấn đề bằng con đường quân sự. Giới tinh hoa Đài Loan là kẻ thù từ lâu của Bắc Kinh.

Việt Nam là địch thủ lâu đời của Trung Quốc mà họ từng giao chiến nhiều lần. Hiện nay, giới tinh hoa Việt Nam, sau khi mất đi đồng minh Liên Xô, đang xây dựng liên minh chiến lược với Ấn Độ. Hải quân Ấn Độ và Việt Nam từ năm 2000 tiến hành tập trân chung thường niên ở Biển Đông. Với sự giúp đỡ của Ấn Độ, Việt Nam đã khởi động chương trình hạt nhân.

Vì mục đích thực tế, người Việt Nam đã quên đi thù hận cũ để tìm kiếm liên minh với Mỹ, thậm chí đề nghị Mỹ hay các lực lượng quốc tế sử dụng căn cứ Cam Ranh, căn cứ cũ của Hải quân Liên Xô/Nga. Ngoài ra, Việt Nam cũng có tranh chấp lãnh thổ liên quan đến chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, dính líu đến tranh chấp lãnh thổ này không chỉ có Việt Nam và Trung Quốc mà cả Đài Loan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei.

Nghĩa là ở phía Đông, Trung Quốc hầu như không có bạn bè tin cậy, còn kẻ thù thì lùa đi không hết. Thậm chí, đồng minh của Bắc Kinh là CHDCND Triều Tiên cũng gây khó khăn cho Trung Quốc, vì Trung Quốc không cần một cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên.

Washington đã thiết lập cả một mặt trận ở phía Đông Trung Quốc - gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam - hơn nữa tất cả các cường quốc này đều đang tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang thực sự.

- Biên giới phía Nam cũng có thể đem đến cho Bắc Kinh cả đống vấn đề. Từ giữa thế kỷ XX, không hề có ổn định ở Myanmar, các bộ lạc thượng võ của người Karen đã lập ra ở phía Đông nước này “quốc gia” của mình (không được chính phủ trung ương Myanmar và cộng đồng thế giới công nhận), ở biên giới phía Bắc (với Trung Quốc) thêm 2 bộ tộc nữa là Shan và Kachin cũng đã lập ra các “quốc gia” của mình. Hiện nay, đang có sự trung lập giữa các “quốc gia” tự phong này và chính phủ trung ương, nhưng nếu khôn khéo kích động (Người Anglo-Saxon là bậc thầy có tiếng trong việc này với nhiều thế kỷ kinh nghiệm) có thể gây ra một đám cháy “ngon lành”.

Đang có nguy cơ nổ ra cuộc chiến tranh lớn giữa Thái Lan và Campuchia, mới trong tháng 2.2011, đã xảy ra đụng độ vũ trang vì tổ hợp đền thờ Preah Vihear. Ngoài ra, ở tỉnh miền Nam Thái Lan Pattani cũng tồn tại nguy cơ ly khai Hồi giáo và chiến tranh du kích. Mà vùng này nằm ngay sát eo biển Malacca, nơi có tới 70% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc đi qua.

Indonesia, quần đảo gồm khoảng 17.000 hòn đảo, hàng chục dân tộc, nhưng toàn bộ quyền lực nắm trong tay “đảng Java” cũng ó nguy cơ mất ổn định. Indonesia có nguy cơ tan vỡ: ở tỉnh Aceh, Phong trào Tự do cho Aceh đòi hỏi chính quyền trung ương để lại cho tỉnh này 95% nguồn thu từ khai thác dầu lửa và khí đốt (hiện họ để lại 70%) hay là nền độc lập; các phần tử ly khai ở Tây Papua đòi sự độc lập lớn hơn - đi qua hải phận Indonesia là cả eo biển Malacca và tuyến đường biển từ Australia (than, quặng sắt) sang Trung Quốc.

Vì thế, Indonesia có nguy cơ phân rã thành hàng chục “quốc gia” nữa với cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn mà nó sẽ làm tê liệt giao thông đường biển tại khu vực có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc này.

Nguy cơ của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo đụng chạm không chỉ Thái Lan, Indonesia, mà cả Malaysia (hận thù dân tộc giữa người Hoa và người Malay ở Malaysia cũng làm tình hình trầm trọng thêm), Philippines. Thậm chí còn có cả kịch bản thành lập một “Tân Khaliphat Hồi giáo” trên lãnh thổ Indonesia, Malaysia, Brunei, Singapore, miền Nam Philippines, Thái Lan và Myanmar.

Tất cả những điều đó đang tạo ra mối đe dọa đối với Trung Quốc từ các đường biên giới phía Nam, tạo ra nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và thế giới Hồi giáo.

Xung đột của Trung Quốc với thế giới Hồi giáo sẽ buộc Trung Quốc phải chiến đấu trên cả 2 mặt trận phía Tây và phía Nam.

Australia cũng là chư hầu trung thành của London và Washington.

Click this bar to view the full image.


Sự tương đồng tình thế của đế quốc Đức và Trung Quốc

Trung Quốc, giống như nước Đức, bị bao vây và buộc phải chuẩn bị cho chiến tranh trên mấy mặt trận.

Từ hướng biển, hải quân của Trung Quốc, cũng như của đế chế Đức, có thể bị phong tỏa. Nếu như hạm đội đế chế Đức đã bị phong tỏa ở biển Baltic và biển Bắc, thì hạm đội Trung Quốc bị hạn chế ở “phòng tuyến thứ nhất” của Washington: Hàn Quốc - quần đảo Nhật Bản - Đài Loan - Philippines - Việt Nam.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung nguyên liệu và lương thực giống như đế chế Đức. Trung Quốc nhập gần 1/2 nhu cầu dầu mỏ, là nước đứng thứ 4 trên thế giới về khối lượng lương thực nhập khẩu - người Trung Quốc nay không còn hài lòng chỉ với một bát cơm và một cốc nước nữa, họ đang chuyển sang ăn uống thịt, sữa. Trung Quốc đang nhập khoảng 20% lương thực và nhập khẩu đang tăng nhanh, sau vài năm nữa, họ sẽ nhập 1/3 lương thực.

Trung Quốc cũng phụ thuộc vào nhập khẩu quặng sắt, kim loại màu và gỗ. Nếu cắt đứt các kênh cung cấp lương thực và nguồn năng lượng, người Trung Quốc sẽ phải quay về với chế độ khẩu phần chết đói, điện năng sẽ chỉ có cho các xí nghiệp chiến lược và quân đội, người Trung Quốc bình thường sẽ phải quên đi điện chiếu sáng. Điều đó sẽ gây ra sự bùng nổ xã hội: cả đống những vấn đề xã hội chưa được giải quyết là mối đe dọa nữa đối với Trung Quốc.

Một điểm yếu chiến lược nữa là mối đe dọa đối với các tuyến đường biển. Washington có thể khóa chặt eo biển Malacca cực kỳ trọng yếu và con đường đi qua hải phận Indonesia sang Australia (lương thực, quặng sắt, than), bằng cách “làm nổ tung” từ bên trong Indonesia, Malaysia, Thái Lan, còn nếu như xung đột chuyển lên giai đoạn đối đầu trực tiếp thì bằng Hải quân Mỹ. Cũng có thể “tạo ra” vấn đề hải tặc “Indonesia”.

Sự phụ thuộc về kỹ thuật của Trung Quốc vào phương Tây và Nga - Bắc Kinh đang có những nỗ lực to lớn để xây dựng nền khoa học cơ bản của họ không phụ thuộc vào những vay mượn từ bên ngoài. Người Trung Quốc vẫn còn xa mới là “thiên tài hoang tưởng”, hiện thời họ chỉ học được cách làm nhái, chẳng hạn máy bay Nga nhưng với chất lượng rất tồi tệ.

Lập trường của Moskva

Nga không được trở thành “đồ chơi” của phương Tây khi mà họ đang mong biến người Nga thành “bia thịt” trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc và thế giới Hồi giáo. Nga cần phải tiến hành Trò chơi của riêng mình.

Trung Quốc có lợi cho Nga với tư cách một quốc gia toàn vẹn và một đối tác kinh tế-thương mại, Bắc Kinh phải thấy ở Nga một “hậu phương” vững chắc. Nga có thể hỗ trợ Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Đài Loan.

Không được nghĩ rằng, Bắc Kinh không manh tâm toan tính chiến lược đánh chiếm vùng Viễn Đông và Siberia của Nga một khi xảy ra tình hình bất ổn ở Nga hoặc khi cần cho sự sống còn của họ. Bởi vậy, cần phải duy trì quân đội Nga ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu để đẩy lùi cuộc tiến công của con rồng “đang giãy chết”. Nhưng chủ yếu là không tạo ra cho Bắc Kinh ấn tượng là Nga (và phía Băcs) là mặt trận chính của cuộc chiến tranh tương lai.

Về phương diện dự án toàn cầu hóa của Nga, một cuộc xung đột giữa Trung Quốc và phe Anglo-Saxon là có lợi cho Nga: đối với phương Tây, cần giữ thế trung lập; còn đối với Trung Quốc, cần giữ thế trung lập hữu hảo: vẫn cung cấp nguyên liệu, lương thực, và nếu cần thì bán cả vũ khí.
Bài này được, ae tán phét nào :sexy:

Link

http://thanhhoa.megafun.vn/channel/1346/201103/Thu-gian-cuoi-tuan-2011-Tuan-12-3-2011-122228/

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Đề xuất lập sàn giao dịch quốc gia để 'cứu' thị trường vàng

Thu hẹp các hoạt động mua bán vàng miếng tự do, thống nhất quản lý ở sàn giao dịch quốc gia là giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra tại một hội thảo về thị trường vàng sáng 15/3.
Theo Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, việc hạn chế hay cấm huy động, cho vay vàng là không nên vì điều này đồng nghĩa với lãng phí một nguồn lực lớn của xã hội. Chuyên gia này dẫn một số liệu số thống kê cho rằng, 45% tiền để dành của cư dân Việt Nam, nhất là ở nông thôn, nằm dưới dạng vàng. Chỉ có 24% là tiền mặt gửi ngân hàng, số còn lại đầu tư vào ngoại tệ và bất động sản…
Các chuyên gia đều cho rằng, không nên cấm kinh doanh vàng miếng, mà nên siết chặt quản lý. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Các chuyên gia đều cho rằng, không nên cấm kinh doanh vàng miếng, mà nên siết chặt quản lý. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank cũng cho rằng rất khó cấm mua bán loại hàng hóa đặc biệt này. Nguyên nhân là càng cấm thì càng tạo điều kiện cho thị trường "chui", gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân.

Ông Trúc nhận định, nhu cầu mua và tích trữ vàng của người dân tương tự như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Nếu vàng miếng bị cấm mua bán, người dân sẽ chuyển sang mua vàng hạt, vàng bột. Chuyên gia này cho rằng, ở Việt Nam, vàng miếng nên có chính sách quản lý nhất định thay vì cấm đoán.

Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Phí Đăng Minh thông tin, hiện nay, số vàng dự trữ trong dân tại Việt Nam rất lớn nhưng chưa thống kê được con số cụ thể. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty SJC, từ năm 1994 đến tháng 4/2008, đơn vị này đã sản xuất 10 triệu lượng vàng miếng với tổng trị giá khoảng 10,539 tỷ USD (theo tỷ giá năm 2008). Còn theo số liệu của Tổng cục hải quan và Ngân hàng Nhà nước, từ năm 1998 đến tháng 9/2010, số vàng nhập khẩu về Việt Nam là 339,86 tấn, xuất khẩu 268,86 tấn. Nhập cao hơn xuất 71 tấn.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
"Nên quản lý thị trường vàng miếng chặt chẽ, thay vì cấm đoán", ông Phí Đăng Minh, đại diện Hiệp hội ngân hàng. Ảnh: Tuệ Minh

Theo ông Minh, nhu cầu tích trữ vàng trong dân đang có chiều hướng gia tăng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng từ sự kiện Lybia và động đất, sóng thần tại Nhật Bản. Vì vậy, Nhà nước nên đưa ra các giải pháp quản lý thị trường vàng miếng một cách chặt chẽ, thay vì cấm đoán.

Giải pháp quản lý thị trường vàng miếng được nhiều chuyên gia tham dự hội thảo đưa ra là thành lập một trung tâm giao dịch vàng quốc gia. Các đại biểu đều cho rằng việc thành lập một sàn giao dịch vàng tập trung sẽ khơi thông kênh đầu tư vàng, đồng thời tạo dòng chảy cho thị trường dưới sự kiểm soát của Nhà nước. Đây cũng là bước điều chuyển tất yếu của thị trường tài chính.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì bổ sung, nếu thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia thì sẽ phải là một hệ thống đồng bộ chứ không đơn thuần là nơi mua bán. Theo ông này, mô hình sàn giao dịch, cần thiết phải đáp ứng tiêu chí để cung - cầu quyết định giá tại sàn. Đây sẽ là giải pháp ngăn chặn tình trạng đầu cơ, thổi hoặc ghìm giá.

Giám đốc Trung tâm Vàng ACB - Trần Trọng Quốc Khanh cho rằng, ngoài xây dựng sàn giao dịch vàng quốc gia, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ như xây dựng trung tâm giám định vàng quốc gia, lập quy cách cho sản phẩm vàng miếng đồng thời tiến hành thống kê số vàng tích trữ trong dân, tăng cường quản lý xuất nhập khẩu vàng... Theo ông Khanh, đây sẽ là những giải pháp cốt cán trong quản lý và phát triển thị trường vàng Việt Nam.

Vàng miếng có thể chỉ giao dịch một chiều

Quyền nắm giữ vàng miếng vẫn được pháp luật thừa nhận, tuy nhiên người dân chỉ có thể bán cho Ngân hàng Nhà nước hoặc các đầu mối do cơ quan này chỉ định, mà không được phép mua lại.

Ý tưởng giao dịch một chiều này đã được đưa vào dự thảo nghị định kinh doanh vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất, một nguồn tin thân cận với ban soạn thảo cho VnExpress.net biết.
Theo nguồn tin này, đối tượng cần quản lý và siết chặt chính là hoạt động kinh doanh vàng miếng tự do, chứ không phải vàng miếng. Nếu nghị định được thông qua với ý tưởng quản lý theo kiểu giao dịch một chiều nói trên, hoạt động kinh doanh vàng miếng sẽ dần bị thu hẹp và tiến tới ngừng hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống dập đúc vàng miếng của doanh nghiệp hiện nay cũng không tồn tại. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ đứng ra mua vàng của người dân, doanh nghiệp, hoặc chỉ định đại lý hỗ trợ mình.

"Giá thu mua vàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước ấn định theo giá quốc tế, đảm bảo lợi ích và công bằng cho người dân. Điều này đương nhiên phải thực hiện, nếu không người dân lại bán vàng ra bên ngoài, thậm chí xuất lậu và thị trường lại méo mó không thể quản lý được", nguồn tin trên nói.
Cũng theo nguồn tin này, ý tưởng quản lý vàng miếng nói trên sẽ được đưa ra bàn thảo trong cuộc họp gần nhất của Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia. Vấn đề lớn nhất cần cân nhắc là lộ trình cũng như thời điểm bắt đầu thực hiện.

Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI Đỗ Minh Phú cho rằng nên siết chặt tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng tự do, bởi lâu nay, thị trường vàng miếng đang bị thả nổi. Hiện cả nước có khoảng 10.000 doanh nghiệp, cửa hàng và hộ kinh doanh vàng trên cả nước. Việc thành lập một doanh nghiệp hay một cửa hàng kinh doanh vàng rất đơn giản, chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp hoạt động mà không cần phải có thêm bất cứ giấy phép con nào. Và đây cũng không phải là một ngành kinh doanh có điều kiện.

"Để thị trường hoạt động một cách có tổ chức là rất nên, nhưng quản lý thế nào tổ chức thế nào cần cân nhắc vì còn ảnh hưởng nhiều tới thói quen tiêu dùng, đầu tư", ông Phú khuyến cáo.

Theo ông Phú, việc xây dựng nghị định quản lý phải đảm bảo làm sao để thị trường vàng vận hành đúng theo cơ chế thị trường, thu hút được lượng vàng lớn đang tồn tại trong dân. Theo ước tính của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, lượng vàng trong dân hiện vào khoảng 300-400 tấn, tương đương 16-20 tỷ USD.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vàng Agribank Nguyễn Thanh Trúc cũng tán đồng quan điểm này. Ông đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên quản lý theo hướng gom lại các đầu mối nhập khẩu và kinh doanh trong nước.

Ông cho biết Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (do ông là phó chủ tịch) chưa được tham gia ý kiến vào nghị định mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng. Tuy nhiên, sẽ khó thành hiện thực nếu quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng theo hướng Ngân hàng Nhà nước chỉ mua vào mà không bán ra.

"Vàng miếng là một kênh tích trữ tài sản được người dân Việt Nam ưa chuộng. Quản lý một chiều như vậy sẽ khuyến khích người dân mua vàng lậu, còn doanh nghiệp cũng sẽ tìm cách đối phó", ông Trúc lo ngại.

Với kinh nghiệm hàng chục năm nghiên cứu và kinh doanh vàng miếng, ông Trúc cho rằng chưa có nước nào trên thế giới quản lý vàng miếng kiểu như vậy. Thậm chí Trung Quốc hiện còn khuyến khích người dân tích trữ vàng. Số liệu mà ông Trúc có được từ nguồn Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy, Ngân hàng Công thương Trung Quốc vừa qua đã tăng cường bán vàng miếng cho người dân, trung bình mỗi tuần 5 tấn, thậm chí có tuần cao nhất tới 15 tấn.

"Hiệp hội Kinh doanh Vàng rất mong muốn được góp ý kiến cho nghị định này. Và nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Hiệp hội sẵn sàng mời các chuyên gia giỏi của nước ngoài tư vấn về quản lý thị trường cũng như hoạt động kinh doanh vàng miếng", ông Trúc nói.

Việt Nam hiện có trên dưới 10 thương hiệu vàng miếng, trong đó chiếm thị phần lớn nhất là SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Tại thị trường Hà Nội, người dân cũng chuộng loại vàng Bảo Tín Minh Châu. Ngoài ra còn có một số thương hiệu do các ngân hàng kết hợp với doanh nghiệp triển khai như vàng miếng 3 chữ A của Tổng công ty Vàng Agribank, SBJ hay PNJ...

Nếu ý tưởng giao dịch một chiều nói trên được thông qua, theo thời gian toàn bộ các thương hiệu vàng miếng này sẽ không còn tồn tại, hệ thống nhà xưởng dập đúc cũng sẽ không còn hoạt động. SJC với thị phần trên dưới 90% hiện nay sẽ là đơn vị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chia sẻ các doanh nghiệp rất mơ hồ về chủ trương cấm bán vàng miếng tự do. Ông Long cho biết SJC là doanh nghiệp cung cấp nguồn vàng miếng lớn nhất ra thị trường qua việc bán buôn, bán lẻ. Đồng thời cũng là doanh nghiệp gia công vàng cho rất nhiều đơn vị, nhất là các ngân hàng thương mại. Doanh số chính hằng năm của công ty đều từ 2 hoạt động này. Còn nữ trang chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu, giám định và các dịch vụ khác cũng khoảng vài phần trăm.

"Vì vậy, nếu không sản xuất và kinh doanh vàng miếng nữa, doanh thu của công ty chắc chắn bị ảnh hưởng. Hiện tại, lượng giao dịch vàng miếng tại SJC đã bị sụt giảm 5-10%", ông nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Sacombank-SBJ, cũng cho biết, vàng miếng SBJ thời gian gần đây mua bán sụt giảm hơn 50%, sau khi xuất hiện thông tin có thể cấm bán vàng miếng tự do.

Tổng công ty vàng Agribank cũng có thể thiệt hại hàng tỷ đồng nếu phải ngừng hoạt động hệ thống nhà xưởng sản xuất vàng miếng. Hai nhà máy dập đúc của tổng công ty ở TP HCM và Hà Nội với số vốn đầu tư ban đầu hàng triệu đôla, giờ mới khấu hao được hai phần ba.

"Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghĩ cách tận dụng, các nhà máy đó sẽ chuyển sang làm trang sức chất lượng cao", ông Trúc cho biết.

Lường trước khả năng kinh doanh vàng miếng có thể bị thu hẹp, từ cuối 2010, khi lập kế hoạch cho năm 2011, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI đã điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh của mình, theo hướng giảm dần lệ thuộc vào mảng vàng miếng. Ông Đỗ Minh Phú cho biết năm 2010, vàng miếng đóng góp 80% vào doanh thu của toàn tập đoàn.

Từ 3 năm trước, DOJI đã đẩy mạnh phát triển thương hiệu trong mảng trang sức, đá quý. Giờ đây, khi kinh doanh vàng miếng khó khăn hơn, công việc này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

Theo phân tích của ông Phú, nhu cầu trang sức rất nhỏ bé so với nhu cầu đầu tư vàng miếng, vì thế doanh thu của mảng này không cao. Tuy nhiên, nếu vàng miếng bị ngừng giao dịch hoặc thu hẹp giao dịch, doanh nghiệp phải chuyển hướng. Mặt khác, tỷ suất lợi nhuận của kinh doanh trang sức lớn hơn rất nhiều so với vàng miếng. Nếu như tỷ suất lợi nhuận trên kinh doanh vàng miếng chỉ là một phần nghìn thì tỷ lệ này ở trang sức là 10%.

"Vì vậy, chúng tôi xác định là con đường đầu tư đích thực của các doanh nghiệp kinh doanh vàng chính là trang sức", ông Phú nói.

Ông Phú tiết lộ, khi phát triển mảng trang sức, DOJI sẽ đẩy mạnh chiến lược hai trong một, tức là đầu tư cho dòng sản phẩm có hàm lượng vàng cao, vừa phục vụ nhu cầu làm đẹp nhưng vẫn đảm bảo làm quà tặng có giá trị, và giải quyết nhu cầu bảo toàn, tích trữ tài sản của nhân dân.

Tổng giám đốc SJC Nguyễn Thành Long cũng cho biết, nếu chủ trương của nhà nước nhằm thu hẹp thị trường vàng miếng, công ty cũng sẽ chú trọng sản xuất, kinh doanh mặt hàng nữ trang, cố gắng đẩy nhanh tiến độ xây dựng xưởng gia công nữ trang quy mô lớn và tìm hướng mới để bỏ vốn kinh doanh.

Tổng giám đốc một đầu mối kinh doanh vàng miếng thậm chí còn lên kế hoạch thu hẹp hoạt động kinh doanh cả vàng miếng lẫn trang sức, thay vào đó sẽ bỏ vốn sang các mảng khác như bất động sản. Công ty ông vừa được cấp phép xây dựng đô thị mới với quy mô 1ha. Ngoài ra, sẽ đầu tư vào nhiều dự án khác.

"Doanh nghiệp kiểu gì cũng sống được và họ sẽ tìm mọi cách đối phó. Không được dập vàng miếng thì họ sẽ làm táo vàng, trâu vàng để bán. Kiềng cổ ngày xưa làm rỗng, thì nay làm đặc. Nhưng người dân lâu nay có thói quen tích trữ tài sản bằng vàng. Nghị định mới ra đời cần lưu ý tới điểm này nếu không muốn tạo sự bất bình trong dân chúng", vị tổng giám đốc này nói.

Song Linh - Lệ Chi