Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Vàng tăng vọt: Lung lay mục tiêu bình ổn

Giá vàng tăng mạnh trên thị trường thế giới, cộng với quyết định tăng tỷ giá liên tục của Ngân hàng Nhà nước khiến cho không ít DN kinh doanh vàng cho rằng, đang đến một giai đoạn căng thẳng của giá vàng. Với diễn biến này, chính sách bình ổn sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khó nói thành công vì tỷ giá
Trong một thông báo gần đây, Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, thị trường ngoại hối diễn biến chưa thực sự ổn định, tỷ giá giao dịch có xu hướng tăng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tâm lý trên thị trường vàng đã tác động đến thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia thì phải nói đúng hơn là do tác động từ thị trường vàng chứ không phải vì yếu tố tâm lý. Vì nếu chỉ do tâm lý, chắc cơ quan quản lý đã không phải liên tiếp tăng tỷ giá trong những ngày qua. Và tỷ giá không chỉ đang chịu sức ép từ vàng mà đang là điểm vướng để có thể khẳng định bình ổn giá vàng thành công hay không.
Tính toán về giá vàng tăng trong ngày 26/10, đại diện Công ty vàng bạc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, quy đổi theo tỷ giá USD hiện tại, giá vàng thế giới hiện khoảng 43,22 triệu đồng/lượng. Tính cả thuế và các chi phí khác, giá vàng trong nước vẫn đắt hơn vàng thế giới trên 800.000 đồng/lượng. Tỷ giá mà DN này nhắc đến là tỷ giá giao dịch thực - hiện khoảng 21.800 đồng/USD, cao gần 1.000 đồng so với giá công bố.
Câu chuyện này đã từng lộ ra khi dư luận kháo rằng các DN kinh doanh vàng lãi lớn và khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới còn cao. Tuy nhiên, trong rất nhiều phản pháo từ phía các ngân hàng và SJC, chính đơn vị chủ lực này đã hé ra chuyện họ không thể mua USD theo giá niêm yết mà phải mua USD tương đương với giá tự do. Do vậy, giá vàng chẳng rẻ như tính toán theo giá chính thức công bố và DN không thể có lãi như thế.
Trong khi Ngân hàng Nhà nước liên tục "gào thét" siết chặt kỷ luật, chấn chỉnh thị trường ngoại hối và cho biết chưa phát hiện ra chuyện hai tỷ giá trong ngân hàng thì câu chuyện trên cũng không được xác thực. Thế là, cho đến thời điểm này, bình ổn giá vàng thật khó nói là thành công.
Bởi vì, nếu theo các DN, khoảng cách 800.000 đồng có thể xem là một kết quả rất tích cực, song thừa nhận điều đó chẳng khác nào cơ quan quản lý thừa nhận chuyện hai tỷ giá - hay đúng hơn bất lực trong trị "chợ đen" tỷ giá. Còn nếu cứ bám theo các tỷ giá chính thức thì khó mà nói thành công khi khoảng cách vẫn giữ ở mức trên 2 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều DN kinh doanh vàng, đây chỉ vấn đề nhỏ, bề nổi của câu chuyện. Vấn đề đáng lo hơn chính là áp lực từ vàng đang dồn tỷ giá tăng lên. Khi các nguồn cân đối USD đang tốt lên, nhập siêu giảm mà tỷ giá lại được đẩy căng lên ngoài các yếu tố chu kỳ bình thường thì nhân tố vàng đang được nhấn mạnh.
Đại diện một ngân hàng quốc doanh cho biết, SJC không có nguồn ngoại tệ, các ngân hàng bình ổn vàng cũng không phải là mạnh nhất về nguồn ngoại tệ, trong khi họ lại đang cần một lượng để cân đối vàng trên tài khoản. Vì thế, DN buộc phải đi mua ngoài, nên khi nhu cầu tăng thì giá USD tăng. Đồng tình với điều này, một thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ quốc gia phân tích, bên cạnh các lý do như nhu cầu thanh toán hàng nhập khẩu tăng cao dịp cuối năm, các hợp đồng vay đôla đến hạn trả nợ, thì lý do chủ yếu xuất phát từ vàng.
DN vàng và ngân hàng bán vàng bình ổn sẽ ngay lập tức mua vàng trên tài khoản để cân đối. Việc này cần một lượng tiền để đặt cọc khoảng 10%. Số lượng vàng bán ra đã trên 15 tấn, tức là các ngân hàng và DN cũng phải mua qua tài khoản 15 tấn và đặt cọc số tiền cả trăm triệu USD. Bên cạnh đó, bán được vàng, họ cũng không dại giữ tiền mặt, mà đa số sẽ chuyển qua USD đồng thời chuẩn bị sẵn để khi được cấp phép nhập khẩu vàng vật chất. Nguồn cầu tăng lên, lập tức giá tăng theo.
Đặc biệt, theo chính các DN, khi tỷ giá tăng liên tục, và nhất là giá vàng đảo chiểu tăng mạnh như mấy ngày nay, các DN và ngân hàng này càng phải gom sẵn nhiều USD hơn để thủ thế. Thậm chí, nếu vàng còn tiếp tục tăng giá thì số tiền ký quỹ và tiền chuẩn bị để nhập vàng sẽ ép các đơn vị này vào thế khó, còn các ngân hàng khác có nguồn USD sẽ tranh thủ tăng giá kiếm lợi từ nhưng người được ở trong nhóm "lợi ích vàng".
Tất cả đều sẽ khiến USD thêm căng thẳng, và một khi tỷ giá chịu sức ép lớn từ vàng thì khó mà nói đến thành công của bình ổn, bên cạnh chuyện giá cả chưa thông, lợi ích trong nhón "bình ổn vàng" chưa minh bạch.
Bao giờ phải nhập vàng?
Tối 25/10, nhiều DN đứng ngoài nhóm "bình ổn vàng" lên tiếng kêu ca đòi hỏi sự minh bạch và bình đẳng quyền lợi. Đến sáng 26/10, sau cú đảo chiều tăng giá trên thị trường vàng thế giới, lên 60-70 USD và đà tăng còn tiếp diễn, nhiều người đã tỏ ra "hả hê" khi cho rằng những thuận lợi của bình ổn vàng sẽ không còn được như thời gian qua. Thực tế đã cho thấy, giá vàng trong nước đã tăng phi mã theo giá thế giới, USD cũng theo đó mà tăng lên.
Các nhà kinh doanh vàng cho biết, một lượng vàng lớn bình ổn được bán ra theo giá thấp. Đây là số vàng vay của người gửi. Chuyện đau đầu là, nay giá vàng tăng, họ buộc phải mua vào để trả lại với giá cao hơn. Hơn thế, với một lượng bán ra khá lớn nhưng nhu cầu chưa giảm, cơ hội mua lại vàng trong nước đang xa vời, trong khi giá thế giới đang tăng... Vấn đề đặt ra lúc này là bao giờ sẽ được nhập vàng?
Đến nay, lượng vàng bình ổn bán ra là hơn 15 tấn. Kể cả lúc giá vàng tăng hay giảm, người dân vẫn một chiều mua vào mà không có dấu hiệu bán ra. Số lượng này không quá nhiều so với lượng vàng người dân gửi trong các ngân hàng, nhưng điều đáng nói là vay vàng để bán thì phải mua để trả.
Việc mua để trả theo kịch bản là mua trong nước khi giá xuống nhưng việc này rất khó khi người dân chỉ mua mà ít bán, nhất là khi giá thế giới còn tăng thì dân còn mua vào. Một câu hỏi không được trả lời xuất hiện: Bao nhiêu vàng bán ra sẽ đủ bình ổn? Đây chính là nhân tố "tích trữ và găm giữ" của dân trong nước chưa được tính đủ khi thực hiện chính sách bình ổn. Và đến thời điểm này, khi giá vàng tăng mạnh điều này càng trở thành sức ép lớn.
Dường như các đơn vị bình ổn đang cảm thấy oải vì giá vàng tăng mà cơ hội mua vàng cân đối trong nước vẫn rất thấp. Điều mong chờ nhất chính là được nhập số vàng họ đã cân đối đầu tư qua tài khoản. Tuy nhiên, nếu vàng được nhập, tỷ giá sẽ chịu thêm thêm sức ép và khi sử dụng bài cũ nhập vàng để bán thì không nói là phá sản nhưng gói chính sách bình ổn đã không có nhiều tác dụng. Và có vẻ như, chuyện nhập khẩu sẽ buộc phải thực hiện vì các đơn vị bình ổn sẽ khó chấp nhận chịu rủi ro.
Theo một chuyên gia đến từ Hiệp hội Kinh doanh vàng, đến thời điểm này, sau hơn 20 ngày, có vẻ như mọi việc đang có thêm nhiều rắc rối hơn dự báo khi đưa ra chính sách bình ổn giá. Những ngày trước đây, khi giá vàng bình ổn, các DN trong nước đã không thể hạ giá vàng ngang bằng giá thế giới mà vẫn giữ giá với khoảng cách 2 triệu đồng. Dù họ có nhiều lý giải thì đây vẫn là một khoảng cách mang lại lợi nhuận lớn. Và điều này, đến nay vẫn chưa được minh bạch hóa và "lợi ích" hay "trách nhiệm" vẫn đang là một mối nghi ngờ lớn.
Nhưng bây giờ, khi giá vàng tăng, các đơn vị bình ổn đòi nhập vàng thì mọi chuyện đã có vẻ sáng rõ hơn. Khi họ bắt tay giữ giá thì lý giải là hạ từ từ và dự phòng các rủi ro từ giá thế giới. Nhưng giá tăng họ lập tức tăng rất mạnh và muốn nhập vàng càng sớm càng tốt để bảo vệ lợi ích cho mình trước xu thế vàng tăng giá. Xem ra, đằng nào DN cũng muốn an toàn và thu lợi còn những hậu quả lại dồn vào nhà nước.
15 tấn vàng đã được bán ra với giá cao hơn thế giới, lợi nhuận có thể đã được tính được. Không những thế, với "thẻ bài" bình ổn, chính các đơn vị này đang thực hiện thêm nhiều chiêu thức khác như tăng huy động vàng để bán ra thu lợi, chuyển hóa vàng qua tiền để tăng lợi nhuận... Và nay, nếu vàng được nhập khẩu, các đơn vị này lại có thêm nguồn để tiếp tục quay vòng và thu lợi lớn. Khi nào còn chênh lệch này còn thì các đơn vị bình ổn còn có cơ hội thu lợi từ... trách nhiệm bình ổn thị trường vàng. Trong khi, sức ép lên tỷ giá, giá vàng chênh lệch cao so với thế giới và còn xa với mục tiêu bình ổn... thì chưa thấy ai nói và ai truy trách nhiệm.

Exxon 'tìm thấy dầu ngoài khơi Việt Nam'

Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ loan báo đã tìm thấy dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam, gần đường yêu sách chủ quyền chín đoạn của Trung Quốc.
Báo Wall Street Journal (WSJ) trong bản tin gửi từ Houston, Texas, nơi Exxon Mobil đặt đại bản doanh, cho hay hãng này đã tìm thấy dầu sau mũi khoan thứ hai hồi tháng Tám ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam.
Mũi khoan đầu tiên đã được thực hiện hồi tháng Tư nhưng không có kết quả.
WSJ dẫn lời một người phát ngôn của Exxon nói hôm thứ Ba 25/10 rằng các thông số thu được từ giếng khoan số hai nằm trong lô 119 ngoài khơi Đà Nẵng đã được chuyển đi phân tích tiếp.
Lô 119 nằm ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Nam, rất gần đường chín đoạn mà Trung Quốc lập ra để đòi hỏi chủ quyền Biển Đông. Đường yêu sách này còn được gọi là đường 'lưỡi bò', bao quanh tới 80% diện tích Biển Đông.
Thông tin mới loan ra mang tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ trong lĩnh vực dầu khí mà còn trong khía cạnh khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại khu vực.
Nó cũng cho thấy thái độ mạnh bạo của công ty Hoa Kỳ trong việc tiếp tục theo đuổi các dự án làm ăn với Việt Nam cho dù bị áp lực từ Trung Quốc.
Hồi tháng 7/2008, Trung Quốc đã gây sức ép buộc ExxonMobil ngừng dự án với Việt Nam tại khu vực mà Bắc Kinh nói là thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Dự án bị Trung Quốc phản đối lúc đó nằm trên thềm lục địa phía Nam, gồm các lô 135 và 136, khu vực Tư Chính - Vũng Mây của bồn trũng Nam Côn Sơn. Exxon lúc đó không tuyên bố rút lui, nhưng sau đó cũng không có thêm thông tin gì về tiến độ dự án.
Trữ lượng dầu khí
WSJ nhận xét rằng nếu lượng dầu khí mà ExxonMobil tìm thấy quả thực có khả năng thương mại, thì đây là tin mừng cho Việt Nam, quốc gia trông chờ nhiều vào thu nhập từ dầu thô.
Tờ báo này nói đa số các mỏ dầu mà Việt Nam đang khai thác đều đã quá lâu năm và khó có thể thỏa mãn nhu cầu năng lượng và xuất khẩu ngày càng tăng.
Việt Nam đang là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba Đông Nam Á.
Tuy nhiên giới phân tích nói cần phải chờ xem trữ lượng tiềm năng của giếng khoan này là bao nhiêu.
WSJ dẫn lời phân tích gia Phil Weiss từ công ty Argus Research nói: "Khó có thể bình luận tầm quan trọng của phát hiện mới này khi chúng ta chưa biết trữ lượng, nhưng chắc chắn đây là tin tốt đối với Exxon vì khu vực khoan dầu được nhiều người cho là giàu tiềm năng".
Nhiều công ty nước ngoài đã tìm thấy dầu tại khu vực này, như Petroliam Nasional Bhd. của Malaysia, Premier Oil Plc. của Anh, Gazprom OAO của Nga và Total SA của Pháp.
Giếng khoan của ExxonMobil ở lô 119, nếu nhìn trên bản đồ trực tuyến mà chính Trung Quốc đưa ra, nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam, nhưng cận kề một trong chín đoạn của 'đường lưỡi bò'.
Gần lô 119 là lô 120, mà Công ty thăm dò - khai thác dầu khí Neon Energy của Úc đã cùng đối tác Việt Nam thăm dò địa chấn hồi tháng Năm năm ngoái.
Lúc đó phía Việt Nam đã phải cử tàu hải quân ra hộ tống công việc thăm dò của Neon vì sợ phản ứng của Trung Quốc.
Ngoài lô 119, ExxonMobil còn có dự án thăm dò ở hai lô kế cận là 117 và 118, đều nằm trong vùng thềm lục địa miền Trung Việt Nam.
Tiềm năng dầu khí nếu được chứng thực ở các lô trên thềm lục địa Việt Nam có khả năng sẽ làm tranh chấp chủ quyền tại khu vực thêm gay gắt.
Bằng nhiều cách, Trung Quốc đã gây áp lực buộc nhiều công ty nước ngoài muốn làm ăn với Việt Nam phải rút lui.
Thế nhưng trong khi các hãng dầu như BP của Anh chấp nhận ngừng dự án, thì các công ty Mỹ, được tin là có hậu thuẫn của Washington, giữ thái độ kiên quyết hơn.

Jeffrey Nichols: Giá vàng sẽ về mức cao kỷ lục vào cuối năm

Ông là người có 2 dự báo cực kỳ chính xác về xu hướng giá vàng trong năm nay: Mốc 1.700 USD/ounce được chinh phục; và mất 300 USD/ounce từ mức đỉnh.
Jeffrey Nichols, chuyên gia phân tích kim loại quý kiêm giám đốc của American Precious Metals Advisors cho rằng giá vàng, hiện giao dịch quanh 1.700 USD/ounce sau khi rơi xuống đáy 1.540 USD/ounce hồi đầu tháng 10, có thể thiết lập đợt tăng mới và trở về mức kỷ lục trên 1.920 USD/ounce vào cuối năm nay.
Nichols là người có 2 dự báo chính xác về giá vàng mà đến nay thị trường rất trân trọng. Hồi cuối tháng 7, khi giá vàng vừa vượt 1.600 USD/ounce, ông dự báo thị trường có lực để vượt qua mốc 1.700 USD. Và cuối tháng 8, khi giá đạt đỉnh cao 1.900 USD/ounce, ông dự báo thị trường sẽ rớt 300 USD.
Trả lời phỏng vấn báo chí, Nichols cho biết: “Nợ công ở châu Âu sẽ tiếp diễn, là căn nguyên của mọi nỗi sợ hãi và hướng về nhu cầu vàng. Ngoài ra, sự đảo ngược về vị thế đầu tư của nhà đầu cơ trên thị trường phái sinh, cộng với những củng cố của giá trong tháng qua sẽ giúp vàng có lực đi tiếp”.
Nichols cho biết thêm ông không nghi ngờ sự sụt giảm gần đây của vàng là phát sinh từ sức mạnh của đồng USD, nhưng đồng thời nhấn mạnh sự điều chỉnh đó chỉ là tạm thời. “Nhu cầu đầu tư vàng thỏi và chứng chỉ của các quỹ ETF vàng vài ngày gần đây tăng mạnh. Có vẻ như vai trò an toàn và là nơi trú ẩn cuối cùng trong vàng vẫn được chọn, ngay cả khi dòng vốn đổ vào USD vẫn tiếp tục”, ông nói.
Jeff Nichols chỉ ra rằng, trong trường hợp cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu tìm được giải pháp, thì sức mạnh của đồng USD sẽ bị xói mòn và các nhà đầu tư châu Âu sẽ vội vàng tìm về kim loại quý.
Mặt khác, nhu cầu vàng vật chất tiếp tục mạnh ở châu Á và người tiêu dùng nơi đây vẫn sẵn sàng mua vàng ở mức giá cao hơn. Mùa cưới, mùa lễ hội và lo ngại lạm phát sẽ chèo lái nhu cầu ở Ấn Độ, trong khi thu nhập cao hơn và sự giàu có cùng áp lực lạm phát tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy người dân sở hữu vàng nhiều hơn.
Bạn muốn liên hệ với chúng tôi để được tư vấn xin vui lòng click here
Bạn muốn tham dự khóa học www.forex.edu.vn đăng kí tại đây
Theo Cafef - www.taichinhthegioi.net
Sofia@tpj.com.vn
Tag : Thế giới vàng , the gioi vang , chien luoc vang , chiến lược vàng , nhan dinh vang , nhận định vàng , forex , giao dịch vàng , giao dich vang , học forex ở đâu , hoc forex o dau , khóa học đầu tư , khoa hoc dau tu , học forex , hoc forex , forex là gì , forex la gi , forex việt nam , forex viet nam , vàng thế giới , vang the gioi , học cách giao dịch vàng , hoc cach giao dich vang , khoa hoc dau tu , khóa học đầu tư .
Thế giới vàng , the gioi vang , chiến lược vàng , nhan dinh vang , nhận định vàng ,forex , giao dịch vàng , giao dich vang , học forex ở đâu , hoc forex o dau ,khóa học đầu tư , khoa hoc dau tu , học forex , hoc forex , forex là gì , forex la gi ,forex việt nam , forex viet nam , vàng thế giới , vang the gioi , học cách giao dịch vàng, hoc cach giao dich vang , khoa hoc dau tu , khóa học đầu tư