Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

Ai đang giữ nhiều vàng nhất thế giới?

Theo Hội đồng vàng thế giới, các ngân hàng trung ương, các tổ chức quốc tế và chính phủ đang giữ xấp xỉ 16,5% lượng vàng thế giới, khoảng 30.160 tấn.
Báo cáo tháng 7 của Hội đồng vàng thế giới cho thấy, những quốc gia dưới đây đang giữ nhiều vàng nhất thế giới.

Mỹ
Giá trị dự trữ: 459,04 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 8.965,6 tấn
Kho chứa vàng của Mỹ nằm ở Kentucky, còn gọi là Fort Knox. Đây là kho chứa vàng nổi tiếng nhất thế giới, nó giữ phần lớn lượng vàng dự trữ quốc gia của Mỹ và phần còn lại được giữ ở xưởng đúc tiền Philadelphia, Denver, kho chứa vàng West Point và cơ quan phân tích kim loại quý San Francisco.

Đức
Giá trị dự trữ: : 191,89 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 3.747,9 tấn

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF)
Giá trị dự trữ: 158,77 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 3.101,3 tons
Quỹ tiền tệ quốc tế giám sát các hoạt động kinh tế quốc tế của 185 nước thành viên. Chính sách vàng của IMF đã có nhiều thay đổi trong 25 năm qua song lượng dự trữ vàng vẫn bình ổn để ổn định thị trường quốc tế và trợ giúp các nền kinh tế.

Italy
Giá trị dự trữ: 138,33 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 2.701,9 tấn
Theo hội đồng vàng thế giới, Italia hiện là nước nắm giữ vàng lớn thứ 4 thế giới.

Pháp
Giá trị dự trữ: 137,4 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 2.683,8 tons

Trung Quốc
Giá trị dự trữ: 59,47 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 1.161,6 tấn

Với 1.161,6 tấn vàng, quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đứng thứ 6 thế giới về dự trữ vàng. Với số dân 1,34 tỷ người, tính trung bình mỗi người dân nắm giữ số vàng trị giá 44,38 USD.

Thụy Sĩ
Giá trị dự trữ: 58,68 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 1.146,2 tấn

Nga
Giá trị dự trữ: 46,85 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 915,2 tấn
Năm 2009, Nga tăng sản lượng vàng thêm 21%, một phần là do việc mở thêm vài mỏ mới. Năm ngoái, Nga vượt Nhật về số lượng vàng đang sở hữu, chỉ riêng năm 2010 nước này bổ sung thêm 140 tấn vàng vào kho chứa.

Nhật
Giá trị dự trữ: 43,17 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 843,3 tấn

Hà Lan
Giá trị dự trữ: 34,56 tỷ USD
Tổng lượng vàng nắm giữ: 674,9 tấn

Hoài Linh (Theo CNBC)

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

9 kênh đầu tư an toàn nếu Mỹ vỡ nợ

Với cuộc đàm phán trần nợ của Washington vẫn trong thế bế tắc, ít ai dám chắc nước Mỹ sẽ không vỡ nợ công. Nếu điều này xảy ra, thị trường tài chính toàn cầu có thể chao đảo và các tài sản Mỹ như đồng USD và trái phiếu kho bạc sẽ rớt giá thảm hại.

Hạn chót 2/8 cho các nhà làm luật Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ công đang tới gần, trang tin Business Insider đã điểm qua 9 kênh đầu tư an toàn để đề phòng kịch bản không ai muốn này.

1. Vàng

Giá vàng quốc tế thời gian này đang ở mức cao kỷ lục, nhưng vẫn được xem là “chuẩn mực vàng” của hoạt động đầu tư an toàn. Nếu Mỹ vỡ nợ, toàn bộ những tài sản “giấy” như tiền mặt, cổ phiếu, trái phiếu… sẽ bốc hơi giá trị chóng mặt. Giới đầu tư khi đó sẽ càng khát vàng, loại tài sản đã được cả thế giới dùng để cất trữ giá trị suốt hàng ngàn năm qua.

2. Đồng Franc Thụy Sỹ

Tương tự như vàng, đồng Franc Thụy Sỹ cũng đang ở mức tỷ giá gần cao nhất mọi thời đại. Thụy Sỹ là quốc gia có nền tài khóa lành mạnh, được điều hành bởi những chính trị gia đáng tin cậy. Hệ thống ngân hàng của nước này cũng hùng mạnh và tương đối độc lập với châu Âu. Sự ổn định tài khóa là một niềm tự hào của Thụy Sỹ, đồng thời cũng nhờ đó mà các nhà băng nước này thu hút được những dòng vốn khổng lồ từ phần còn lại của châu Âu đổ vào.

3. Đồng Krone Na Uy

Na Uy thậm chí còn được coi là một “ốc đảo” bình yên hơn cả Thụy Sỹ trong bối cảnh nhiều quốc gia khác ở châu Âu quay cuồng với khủng hoảng nợ. Thế mạnh của Na Uy là cán cân tài khóa lành mạnh, ngoài ra nước này được ưu đãi một nguồn tài nguyên dầu lửa dồi dào.

4. Đồng Yên Nhật

Từ lâu, cả đồng Yên và trái phiếu kho bạc Nhật luôn được giới đầu tư đánh giá cao. Nhật Bản có thặng dư thương mại lớn, hệ thống ngân hàng lại không có ràng buộc quá chặt chẽ với Mỹ. Thêm vào đó, hệ thống chính trị của Nhật không cho phép các nhà lãnh đạo nước này có những động thái mà Business Insider bình luận là mang tính “tự công phá” như ở Mỹ.

5. Đồng Real Brazil

Brazil là một nền kinh tế mạnh nữa có độ độc lập tương đối so với các nền kinh tế khác.

6. Đôla Singapore

Với triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực của các nền kinh tế châu Á, đồng đôla Singapore đã trở thành một “tài sản phải có” trong danh mục của giới đầu tư quốc tế. Kinh tế Singapore có nhiều điểm tương đồng với Thụy Sỹ, khi mà quốc gia này đang phấn đấu trở thành một trung tâm của lĩnh vực ngân hàng phục vụ tư nhân, thu hút một lượng tài sản lớn đổ vào.

7. Đất nông nghiệp

Giới đầu tư Mỹ đã đổ xô mua đất nông nghiệp, và nếu trên thế giới xảy ra bất ổn, chẳng hạn chiến tranh, giá tài sản này sẽ tăng bùng nổ. Một số nhà đầu tư lớn như Barton M. Biggs thuộc quỹ đầu cơ Traxis Partners hay Marc Faber đều khuyến nghị mua đất nông nghiệp trong bối cảnh kinh tế bấp bênh.

8. Bạc

Bạc được coi là “vàng” của người nghèo. Vừa qua, bạc cũng đã có một đợt tăng giá mạnh trước khi hạ nhiệt hồi tháng 5. Khi kinh tế ổn định, bạc thậm chí còn có lợi thế hơn vàng, vì được sử dụng nhiều trong công nghiệp.

9. Đô la Canada

Đồng tiền này giống như một “con dao hai lưỡi”. Một mặt, nền kinh tế Canada có quan hệ mật thiết với kinh tế Mỹ, nên kinh tế Mỹ có vấn đề thì kinh tế Canada và đồng tiền của nước này cũng “mệt” theo. Nhưng mặt khác, Canada có nền tài khóa và hệ thống nhà băng lành mạnh, đồng thời cũng là một quốc gia giàu tài nguyên.

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Trung Quốc mua vàng để ổn định dự trữ ngoại hối

Lo ngại đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá và cuộc khủng hoảng nợ lây lan khắp Khu vực đồng euro, các quan chức tài chính-ngân hàng Trung Quốc đang cân nhắc dùng vàng để giữ cho khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ không bị teo đi như “miếng da lừa”

Vốn chỉ trích mạnh mẽ trái phiếu kho bạc Mỹ - một loại tài sản mà Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ USD để mua, ông Yu Yongding, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, kêu gọi giới chức Trung Quốc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và tránh bám lấy đồng USD đang ngày càng suy yếu.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế toàn cầu tại Bắc Kinh trong tháng 7/2011, ông Yu Yongding nhận định tất cả các tài sản của Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu sẽ gặp vấn đề. Cùng các ngân hàng lớn như Goldman Sachs (Mỹ), ông Yu dự đoán giá trị đồng USD sẽ sụt giảm đều đặn trong thời gian tới. Theo ông, sức mua đối với đồng USD từ năm 1929-2009 đã giảm 94%. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo “đồng bạc xanh” sẽ mất giá tới 15% so với đồng bảng Anh trong vòng 12 tháng tới.

Các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã bắt đầu chuyển những khoản dự trữ tiền mặt sang các đồng tiền khác nhằm hạn chế những tác động của đồng USD, do họ tin rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục bị mất giá.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước đã lên tiếng bảo vệ nền kinh tế Mỹ vốn đang ngập trong nợ nần, với việc nhấn mạnh rằng Mỹ không ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Trong khi đó, Standard & Poor's và Moody's, hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn đã đe dọa hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, giữa lúc các mối lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc liệu Washington có thể tiếp tục trả lãi cho các chủ nợ của họ, chủ yếu là Trung Quốc, hay không.

Khi mà đồng USD đang dần mất đi địa vị độc tôn, trong ba năm qua Trung Quốc đã hướng sự chú ý sang đồng euro - một trụ cột khác của hệ thống tiền tệ quốc tế. Thế nhưng, đồng euro cũng đang chao đảo. Năm ngoái, Bắc Kinh đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng của đồng euro bằng cách mua trái phiếu của Hy Lạp. Đổi lại, Trung Quốc giành được hợp đồng thuê cảng Piraeus ở Athen trong vòng 35 năm. Sau đó, Trung Quốc cũng đã mua 1,4 tỷ USD trái phiếu Tây Ban Nha, giúp ổn định tâm lý của thị trường đối với nước này.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến ba nước châu Âu hồi tháng trước, các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm can dự vào quỹ giải cứu đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). Hội đồng Đối ngoại châu Âu, một nhóm nghiên cứu đầy ảnh hưởng, cảnh báo sự hào có nguy phương hại đến các giá trị của EU, mặc dù đổi lại là các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc coi việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu là “hành động mạo hiểm cần thiết”. Chuyên gia bình luận tài chính Ming Jinwei viết trên tờ “Nhà quan sát kinh tế: "Dùng tiền để cứu châu Âu rốt cuộc không phải là một điều xấu. Bằng cách tiến gần hơn đến châu Âu, Trung Quốc đang thực hiện một bước đi nhằm giải phóng bản thân và hệ thống tài chính toàn cầu khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và đồng USD".

Trung Quốc đang ráo riết biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế và đang tìm cách thuyết phục nhiều nước gia nhập Câu lạc bộ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Hai năm qua, Brazil và Trung Quốc đã tiến hành một phương hình thức hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương để cho phép các hoạt động thương mại không cần đến đồng USD. Những thỏa thuận tương tự cũng đã đạt được với Ấn Độ, Argentina, Nga, Nam Phi và một loạt các quốc gia khác. Trong quý I/2011, khoảng 7% kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã được giai dịch bằng đồng nhân dân tệ, tăng 20 lần so với năm ngoái.

Nhưng theo cựu cố vấn Yu Yongding, thay vì giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng USD, việc quốc tế hóa nhanh chóng đồng nhân dân tệ lại có một tác động ngược. Với niềm tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá, đối tác nước ngoài muốn được thanh toán bằng đồng tiền này trong khi lại miễn cưỡng trả nó để mua hàng hoá Trung Quốc. Quá trình này khiến Trung Quốc phải dùng đồng nội tệ để chi trả cho lượng hàng nhập khẩu vốn ngày càng gia tăng và phải gánh một số lượng ngoại hối ngày càng nhiều.

Tháng 6/2011, cố vấn Xia Bin của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết chiến lược dự trữ của nước này cần được “ khẩn cấp xem xét lại”. Theo ông, thay vì mua các khoản nợ chính phủ của các nước phương Tây, Trung Quốc nên đầu tư vào các tài sản chiến lược và tích lũy vàng bằng cách "mua giá xuống". Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận đã tăng gấp đôi lượng vàng dự trữ, lên đến 1.054 tấn, đồng thời cho biết có kế hoạch nâng con số này lên 8.000 tấn trong thời gian tới.

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Các mốc lịch sử của giá vàng từ 1970 tới nay

Giá vàng thế giới chính thức vượt 1.600 USD/ounce trong ngày hôm nay bởi nỗi lo nợ công lan rộng ở châu Âu và Mỹ. Năm 1971, giá vàng chỉ 35 USD/ounce.

Dưới đây là các mốc lịch sử của giá vàng trong 4 thập kỷ qua và bối cảnh thị trường.

Tháng 8/1971: Tổng thống Mỹ Richard Nixon chấm dứt việc neo chặt đồng USD với tiêu chuẩn vàng, vốn được duy trì từ khi có Hiệp ước Bretton Woods năm 1944 cố định giá vàng ở mức 35 USD/ounce.

Tháng 8/1972: Mỹ định giá lại đồng USD lên 38 USD/ounce vàng.

Tháng 3/1973: Hầu hết các nước lớn thông qua hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi.

Tháng 5/1973: Đồng USD giảm giá xuống 42,22 USD/ounce vàng.

Tháng 1/1980: Giá vàng lập kỷ lục 850 USD/ounce. Lạm phát tăng mạnh bởi giá dầu cao, sự can thiệp của Liên Xô ở Afghanistan và tác động của cuộc cách mạng Iran nhắc nhở nhà đầu tư tìm về kim loại quý.

Tháng 8/1999: Giá vàng rơi xuống 251,7 USD/ounce bởi nỗi lo các ngân hàng trung ương giảm dự trữ vàng và các công ty khai mỏ đẩy mạnh bán vàng trên thị trường kỳ hạn để bảo vệ tài sản khỏi sự lao dốc của giá.

Tháng 10/1999: Giá vàng lên mức cao nhất 2 năm ở 338 USD/ounce sau khi 15 ngân hàng trung ương châu Âu đưa ra thỏa thuận hạn chế bán vàng.

Tháng 2/2003: Giá vàng cao nhất 4 năm rưỡi bởi nhu cầu đầu tư an toàn trong bối cảnh chiến tranh ở Irắc.

Tháng 12/2003 – tháng 1/2004: Giá vàng vượt qua ngưỡng 400 USD/ounce, đạt mức cao nhất kể từ năm 1988. Nhà đầu tư tăng mua vàng để bảo hiểm rủi ro cho danh mục đầu tư của họ.

Tháng 11/2005: Giá vàng giao ngay lên 500 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 12/1987.

11/4/2006: Giá vàng vượt 600 USD/ounce – cao nhất từ tháng 12/1980 bởi các nhà đầu tư và các quỹ đổ tiền vào hàng hóa khi đồng USD suy yếu, giá dầu mỏ tăng mạnh và nỗi lo căng thẳng địa chính trị.

12/5/2006: Giá vàng lên 730 USD/ounce vì nhà đầu tư và các quỹ mua mạnh khi USD yếu, giá dầu cao và tham vọng hạt nhân của Iran.

14/6/2006: Giá vàng mất 26% từ mức đỉnh của 26 năm, xuống 543 USD/ounce bởi nhà đầu tư và đầu cơ bán tháo hàng hóa.

7/11/2007: Giá vàng giao ngay lên mức cao nhất 28 năm là 845,4 USD/ounce.

1/2/2008: Giá vàng phá mốc 850 USD/ounce.

13/3/2008: Giá vàng đứng trên 1.000 USD/ounce lần đầu tiên trên thị trường vàng kỳ hạn Mỹ.

17/3/2008: Giá vàng giao ngay lập kỷ lục mới 1.030,8 USD/ounce và vàng kỳ hạn đạt 1.033,9 USD/ounce.

17/9/2008: Giá vàng giao ngay tăng gần 90 USD, ngày tăng mạnh nhất trong lịch sử, bởi nhà đầu tư tìm đến nơi ẩn náu an toàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán xảy ra hỗn loạn.

Tháng 1 – tháng 3/2009: Các quỹ đầu tư tín thác bằng vàng báo cáo lượng vàng chảy về các quỹ ở mức kỷ lục bởi nhu cầu đầu tư an toàn. Nắm giữ vàng của SPDR Gold Trust tăng 45% lên 1.127,44 tấn.

20/2/2009: Giá vàng về lại 1.000 USD/ounce rồi lên 1.005,4 USD/ounce bởi nhà đầu tư mua vào khi một loạt các nền kinh tế quan trọng đối mặt với khủng hoảng và thị trường chứng khoán lao dốc.

24/4/2009: Trung Quốc tuyên bố đã tăng lượng vàng nắm giữ trong kho dự trữ ngoại hối thêm 1/3 kể từ năm 2003 và con số ở thời điểm đó là 1.054 tấn, khiến thị trường đầu cơ rằng nhu cầu của Trung Quốc chưa dừng lại.

7/8/2009: Các ngân hàng trung ương châu Âu gia hạn thỏa thuận hạn chế bán vàng thêm 5 năm, xuống mức 400 tấn/năm.

8/9/2009: Giá vàng một lần nữa phá vỡ mốc 1.000 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng 2/2009 vì USD yếu và nỗi lo về sự hồi phục của nền kinh tế.

1/12/2009: Giá vàng vượt 1.200 USD lần đầu tiên trong lịch sử vì USD mất giá.

3/12/2009: Giá vàng lập kỷ lục mới 1.226,1 USD/ounce vì USD yếu và hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ tăng dự trữ kim loại quý, đẩy giá lên nữa.

11/5/2010: Giá vàng lên mức cao 1.230 USD/ounce bởi lo ngại nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu.

21/6/2010: Giá vàng lập kỷ lục mới 1.264,9 USD/ounce bởi e ngại về thể trạng yếu kém của nền tài chính toàn cầu và nợ công cùng với đồng USD yếu.

14/9/2010: Giá vàng lại lên kỷ lục mới 1.274,75 USD/ounce vì triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu.

16 – 22/9/2010: Giá vàng lập kỷ lục 5 phiên liên tiếp, với đỉnh là 1.296,1 USD/ounce vì nhà đầu tư mua vàng sau khi Fed phát đi tín hiệu sẽ xem xét nới lỏng định lượng, đồng USD yếu và nỗi lo lạm phát.

27/9/2010: Giá vàng giao ngay lập kỷ lục 1.300 USD/ounce.

7/10/2010: Giá vàng lên mức đỉnh mới 1.360 USD/ounce vì USD yếu khi Fed quyết định giữ lãi suất thấp kỷ lục thêm thời gian nữa và sẽ tung ra biện pháp hỗ trợ nền kinh tế mới.

13/10/2010: Giá vàng lập kỷ lục 1.375 USD/ounce vì USD tiếp tục mất giá sau biên bản cuộc họp tháng 9 của Fed cho thấy kinh tế Mỹ cần thiết phải được hỗ trợ.

8/11/2010: Giá vàng lên 1.400 USD/ounce lần đầu tiên trong lịch sử vì nhu cầu đầu tư an toàn trong bối cảnh vấn đề thâm hụt ngân sách trầm trọng ở Ireland và USD giảm.

7/12/2010: Giá vàng lên 1.425 USD/ounce, bởi nhà đầu tư và các quỹ mua vào trước cuối năm cùng nỗi lo nợ công ở châu Âu.

Tháng 1/2011: Giá vàng mất 6% và có tháng giảm tệ nhất trong hơn 1 năm vì nhà đầu tư chuyển hướng kinh doanh sang các tài sản có lợi nhuận cao hơn.

1/3/2011: Giá vàng lập kỷ lục mới 1.434,65 USD/ounce do bất ổn ở Tunisia và Ai Cập, cùng với bạo lực leo thang ở Trung Đông và Bắc Phi đẩy tăng giá dầu.

7/3/2011: Giá vàng lên mức mới 1.444,4 USD/ounce vì dầu mỏ cao nhất 2 năm rưỡi bởi biểu tình ở Ả Rập Xê Út và bạo lực leo thang ở Libya.

24/3/2011: Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates từ chức đẩy tăng nỗi lo về khủng hoảng nợ ở châu Âu, giá vàng lên 1.447 USD/ounce.

7/4/2011: Giá vàng lập kỷ lục 1.465 USD/ounce bởi dự đoán Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ nâng lãi suất trong khi căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu đầu tư an toàn.

18/7/2011: Giá vàng lập kỷ lục 1.600 USD/ounce – phiên tăng thứ 11 liên tiếp vì lo ngại khủng hoảng nợ công ở châu Âu sẽ lan rộng và khả năng vỡ nợ ngày càng lớn ở Mỹ.

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2011

'Cơn bão' vàng sắp đổ bộ?

Sau một thời gian trầm lắng, thị trường kim loại quý bỗng sôi sục trở lại với những lần "lên đỉnh" ấn tượng. Chuyên gia phân tích của CBS Money Watch cho rằng, đây chỉ là giai đoạn đầu của "cơn sốt" mới.

Theo CBS Money Watch, nếu vàng phát huy hết công dụng chống lạm phát của mình thì từ giờ đến cuối năm, giá vàng chắc chắn sẽ leo lên 2.300 USD.

Chuyên gia phân tích của CBS Money Watch giải thích, trong bối cảnh lạm phát leo thang hồi năm 1980, vàng đạt mức giá cao kỷ lục 850 USD một ounce. Nếu tính theo tỷ giá hiện nay, mức giá này sẽ rơi vào khoảng 2.300 USD một ounce.

Như vậy, ngưỡng 1.600 USD một ounce mà vàng đang hướng tới sẽ không thực sự đáng kể. Nói cách khác, vàng có nhiều khả năng tiếp bước để đạt mức 2.300 USD và có thể cao hơn thế bởi xét về tốc độ lạm phát thì tình trạng hiện nay nghiêm trọng hơn thời điểm năm 1980.

CBS Money Watch nhận định, nếu không xét đến yếu tố lạm phát thì vàng vẫn có lý do để tăng giá bởi trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đứng trước nguy cơ lan sang các nền kinh tế lớn thứ 3, thứ 4 của khu vực như Italy, Tây Ban Nha và thậm chí là ra toàn thế giới, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại tiếp tục "dội" một gáo nước vào niềm tin của giới đầu tư khi cho rằng, kinh tế Mỹ hiện rất yếu ớt.


CBS Money Watch lạc quan về xu hướng tăng giá của vàng.

Theo ông Bernanke, khả năng hồi phục kinh tế Mỹ vẫn khá bấp bênh và cắt giảm mạnh mẽ thâm hụt có thể tác động xấu tới hồi phục. Giới phân tích nhìn nhận tuyên bố tiêu cực về nền kinh tế của lãnh đạo FED này như một cơ sở để giới đầu tư tiếp tục phải tìm đến nơi trú ẩn an toàn như vàng.

Bên cạnh đó, chứng khoán liên tục sụt giảm cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng. Từ mức đỉnh 12.811 điểm xác lập hồi cuối tháng 4, tới nay chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ sụt gần 6%. Chỉ số S&P 500 cùng thời kỳ giảm hơn 6,5% từ mức đỉnh 1.364 điểm. Những phiên trượt dài thời gian gần đây của các sàn có lẽ quá đủ để khiến nhà đầu tư gợi lại quá khứ đau buồn về một cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó thúc đẩy họ mua vàng nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho dòng tiền.


Chứng khoán ảm đạm khiến giới đầu tư dồn tiền vào vàng.

Hơn nữa, vàng còn được nâng đỡ bởi nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng cao. Các nhà đầu tư cá thể ở các quốc gia từ lâu tích trữ vàng và họ có khả năng sẽ duy trì mua vào một số lượng lớn. Trung Quốc là một ví dụ. Theo hãng tin Reuters, nhu cầu vàng vật chất và đầu tư liên quan tới vàng ở Trung Quốc đang tăng trưởng "bùng nổ". Tiêu thụ vàng tại Trung Quốc tăng trưởng hai con số trong 10 năm qua và dự kiến tăng 10 - 15% trong năm 2011. Các chuyên gia phân tích ước tính, Trung Quốc có thể vượt qua Ấn Độ trở thành nhà mua vàng lớn nhất thế giới trong năm nay.

Ngoài ra, xu hướng "gom" vàng của Ngân hàng Trung ương các nước cũng không có dấu hiệu suy giảm. Theo thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các Ngân hàng Trung ương đã mua vào lượng vàng nhiều hơn cả năm 2010 bởi tốc độ chuyển đổi nhanh chóng sang hình thức dự trữ ngoại hối được xem là chính thức này.

WGC cho hay, một số Ngân hàng Trung ương vốn là nhà bán ròng kim loại vàng cách đây một thập niên thì giờ trở thành nhà mua ròng. Hội đồng này không đưa ra con số chi tiết nhưng cho biết hiện tượng mua ròng kim loại quý này sẽ còn kéo dài bởi các Ngân hàng Trung ương đang muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD dự trữ vốn đang suy yếu.

"Đây sẽ là dấu hiệu đầy khích lệ cho thị trường vàng", Juan Carlos Artigas, giám đốc nghiên cứu đầu tư tại WGC nhấn mạnh.

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Tổng thống Obama "phớt lờ" cảnh báo của Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay (16/7) sẽ có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma bất chấp những lời cảnh báo từ phía Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng đã được thông báo từ chiều muộn ngày hôm qua (15/7) sau một thời gian dài chính quyền Obama im lặng không cho biết về việc liệu Tổng thống có gặp ông Đạt Lai Lạt Ma hay không.
Đạt Lai Lạt Ma được cho sẽ rời Washington vào chiều ngày hôm nay sau gần 2 tuần đến đây để chủ trì một buổi lễ Phật giáo.
"Cuộc họp này chứng tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Mỹ đối với việc duy trì bản sắc văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của người Tây Tạng cũng như bảo vệ nhân quyền cho người dân Tây Tạng”, một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
"Tổng thống sẽ khẳng định sự ủng hộ lâu dài cho các cuộc đối thoại giữa đại diện của Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ Trung Quốc để giải quyết những bất đồng”, tuyên bố trên viết thêm.
Cũng giống như cuộc gặp hồi năm ngoái với Đạt Lai Lạt Ma, Tổng thống Obama sẽ không cho phép phóng viên được vào đưa tin và Đạt Lai Lạt Ma sẽ được tiếp đón tại Phòng Bản đồ của Nhà Trắng chứ không phải phòng Bầu Dục. Theo giải thích của Nhà Trắng, Đại Lai Lạt Ma là một lãnh tụ tinh thần chứ không phải là lãnh tụ chính trị nên cuộc gặp sẽ không diễn ra ở phòng Bầu Dục. Phòng Bầu Dục là nơi Tổng thống Mỹ tiếp đón các nguyên thủ quốc gia.
Việc ông Obama gặp gỡ Đạt Lai Lạt chắc chắn sẽ lại làm Trung Quốc tức giận. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn kịch liệt phản đối những chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma đến Mỹ. Trung Quốc coi Đạt Lai Lạt Ma là người muốn chia cắt đất nước bằng việc đòi độc lập cho người Tây Tạng. Tuy nhiên, Đạt Lai Lạt Ma phủ nhận cáo buộc này, khẳng định ông chỉ đang tìm kiếm quyền tự trị cho người dân Tây Tạng và chấp nhận sự lãnh đạo của Trung Quốc.
Vấn đề Đạt Lai Lạt Ma chính là một trong những “cái rằm” gây khó chịu nhất trong quan hệ Mỹ - Trung, ngoài việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan và một số vấn đề khác.

Kiệt Linh - (theo Reuters)

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

KIẾN NGHỊ VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

KIẾN NGHỊ
VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY

Kính gửi: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chúng tôi, ký tên dưới đây, xin trân trọng gửi đến quý vị bản kiến nghị của chúng tôi trước tình hình hiện nay của Tổ quốc.

I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng
1. Từ khát vọng trở thành siêu cường, với vai trò là “công xưởng thế giới” và chủ nợ lớn nhất của thế giới, dưới chiêu bài “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đang ra sức phát huy quyền lực dưới mọi hình thức, nhằm thâm nhập và lũng đoạn nhiều quốc gia trên khắp các châu lục. Một số nhà nghiên cứu trên thế giới cho rằng đến nay Trung Quốc đã vượt tất cả những gì chủ nghĩa thực dân mới làm được sau Chiến tranh thế giới II.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước leo thang nghiêm trọng trong việc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông với nhiều hành động bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của các quốc gia giáp Biển Đông. Trung Quốc tự ý vạch ra cái gọi là “đường chữ U 9 đoạn”, thường được gọi là “đường lưỡi bò”, chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, nhiều lần tuyên bố trước thế giới toàn bộ vùng “lưỡi bò” này thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc và đã liên tục tiến hành nhiều hoạt động bất hợp pháp trên Biển Đông để khẳng định yêu sách trái luật quốc tế này.
Hiện nay Trung Quốc đang ráo riết tăng cường lực lượng hải quân, chuẩn bị giàn khoan lớn, tiến hành nhiều hoạt động quân sự hoặc phi quân sự ngày càng sâu vào vùng biển các quốc gia trong vùng này, gắn liền với những hoạt động chia rẽ các nước ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc.
2. Trên vùng Biển Đông thuộc lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc đã tấn công chiếm nốt các đảo ở Hoàng Sa, năm 1988 đánh chiếm thêm 7 đảo và bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của ta; từ đó đến nay thường xuyên tiến hành các hoạt động uy hiếp và xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của nước ta, như tự ý ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, xua đuổi, bắt giữ, cướp tài sản của các tàu đánh cá trên vùng này, gây sức ép để ngăn chặn hoặc đòi hủy bỏ các hợp đồng mà các tập đoàn kinh doanh dầu khí của nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, liên tục cho các tàu chiến hải giám đi tuần tra như đi trên biển riêng của nước mình. Gần đây nhất, tàu Trung Quốc cắt cáp quang và thực hiện nhiều hành động phá hoại khác đối với tàu Bình Minh 02 và tàu Viking II của ta đang hoạt động trong vùng thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam; đó là những bước leo thang nghiêm trọng trong các chuỗi hoạt động uy hiếp, lấn chiếm vùng biển của nước ta.
Vị trí địa lý tự nhiên, vị thế địa chính trị và địa kinh tế trong bối cảnh quốc tế hiện nay khiến cho Việt Nam bị Trung Quốc coi là chướng ngại vật trên con đường tiến ra biển phía Nam để vươn lên thành siêu cường. Bằng mọi phương tiện và nhiều thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn, Trung Quốc tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp nội bộ, lấn chiếm, và đã từng dùng hành động quân sự - tất cả đều trong mưu đồ lâu dài nhằm khiến cho Việt Nam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc.
Về phía ta, mặc dù đã có nhiều cố gắng và nhân nhượng để bình thường hóa và phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước, song cho đến nay cục diện cơ bản diễn ra trong quan hệ hai nước là: Việt Nam càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới.
3. Xem xét cục diện quan hệ hai nước, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong việc thực hiện ý đồ chiến lược của họ.
Dưới đây xin điểm những nét chính:
Về kinh tế, nhập siêu của ta từ Trung Quốc mấy năm qua tăng rất nhanh (năm 2010 gấp 2,8 lần năm 2006) và từ năm 2009 xấp xỉ bằng kim ngạch xuất siêu của nước ta với toàn thế giới. Hiện nay, nước ta phải nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 80-90% nguyên vật liệu cho công nghiệp gia công của ta, một khối lượng khá lớn xăng dầu, điện, nguyên liệu và thiết bị cho những ngành kinh tế khác; khoảng 1/5 kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, chưa kể một khối lượng tương đương như thế vào nước ta theo đường nhập lậu. Đặc biệt nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác ti-tan... được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều hệ quả khôn lường. Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng vơ vét nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng giáp biên giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của nền kinh tế trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn hai con sông lớn chảy qua nước ta. Cũng không thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung quanh ta. Nếu Trung Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Việt Nam coi như bị bịt đường đi ra thế giới bên ngoài.
Về chính trị, những hiện tượng thâm nhập của Trung Quốc về kinh tế kéo dài nhiều năm, có nhiều sự việc nghiêm trọng và còn đang tiếp diễn, đặt ra câu hỏi: Phía Trung Quốc đã làm gì, bàn tay của quyền lực mềm của họ đã thọc sâu đến đâu? Nạn tham nhũng tràn lan và nhiều tha hóa khác ở nước ta hiện nay có sự tham gia như thế nào của bàn tay Trung Quốc?
Lãnh đạo nước ta đã quá dè dặt, không công khai minh bạch thực trạng nghiêm trọng trong quan hệ Việt - Trung để nhân dân ta biết và có thái độ ứng phó cần thiết. Thực trạng hiện nay làm cho dân bất bình, khó hiểu lãnh đạo nước mình trong quan hệ với Trung Quốc; về phía Đảng và Nhà nước thì lúng túng, không dựa vào sức mạnh của dân; còn bè bạn quốc tế thì lo lắng, thậm chí ngại ngùng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam.
Về quan hệ đối ngoại Việt - Trung, cách ứng xử của phía ta gần đây nhất được thể hiện trong Thông tin báo chí chung (TTBCC) Việt Nam và Trung Quốc về cuộc gặp giữa hai thứ trưởng ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc do Bộ Ngoại giao ta công bố ngày 26-06-2011. Thông tin này có những nội dung mập mờ, khó hiểu, gây ra nhiều điều băn khoăn, lo lắng cho dư luận trong nước và thế giới; ví dụ:
- TTBCC hoàn toàn bỏ qua không nói gì tới những hành động gây hấn của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, lại nêu “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt - Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt - Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”. Nếu câu này là nhận định thực trạng quan hệ hai nước hiện nay thì nguy hiểm và không đúng với sự thực đang diễn ra ngược lại. Phương châm “16 chữ” và tinh thần “bốn tốt” do chính lãnh đạo Trung Quốc đề ra; vì vậy ta đòi lãnh đạo Trung Quốc thực hiện đúng, chứ không thể xuê xoa bằng câu “hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác theo đúng phương châm 16 chữ và tinh thần bốn tốt”
- TTBCC viết: “Hai bên khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của Lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị”. Nội dung của “nhận thức chung” này giữa lãnh đạo hai nước là gì, phía ta chưa nói rõ mà chỉ có những giải thích một chiều của phía Trung Quốc theo cách có lợi cho Trung Quốc, như người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 29-06-2011 nhấn mạnh “phía Việt Nam cần thực hiện thỏa thuận chung của lãnh đạo hai nước về giải quyết những vấn đề Biển Đông” và nói rằng “Cả hai nước chống lại sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài vào các vấn đề Biển Đông”. Trung Quốc liên tục có những phát ngôn từ chính khách và báo chí, coi nguyên nhân những căng thẳng mới trên Biển Đông hiện nay là do ta và các nước trong khu vực khiêu khích. Trong những phát ngôn đó, không ít ý kiến cho rằng về cơ bản đã chuẩn bị xong dư luận trong nhân dân Trung Quốc cho việc đánh Việt Nam và giành lại chuỗi ngọc “liên châu” (chỉ quần đảo Trường Sa)... Cách viết mập mờ, khó hiểu của TTBCC rất bất lợi và nguy hiểm cho nước ta, kể cả trên phương diện quan hệ quốc tế có liên quan đến những nước thứ ba.
- TTBCC nêu “(Hai bên...) tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước...”. Phía Trung Quốc dựa vào điều này để gây thêm sức ép kiềm chế dư luận nước ta trong khi báo chí Trung Quốc vẫn tiếp tục đăng những bài vu cáo, miệt thị nhân dân ta. Trước các hành vi trái luật pháp quốc tế do phía Trung Quốc gây ra trên Biển Đông, cần khẳng định việc dư luận nhân dân ta vạch ra và có những hoạt động biểu thị thái độ lên án các hành động đó, làm hậu thuẫn cho các hoạt động chính trị, ngoại giao của Nhà nước ta, không thể coi là những “lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước...” Nhân dân ta có truyền thống lịch sử và bản lĩnh kiên cường, thời nào cũng không tiếc sức mình chủ động tìm mọi cách xây dựng, gìn giữ, bảo vệ mối quan hệ hữu nghị với nước láng giềng này; cho đến nay không bao giờ tự mình gây hấn với Trung Quốc, mà chỉ có đứng lên chống Trung Quốc khi Tổ quốc bị xâm lược.
II- Trong khi đó tình hình đất nước lại có nhiều khó khăn và mối nguy lớn
1. Nền kinh tế nước ta đang ở trong tình trạng phát triển kém chất lượng, kém hiệu quả, và lâm vào khủng hoảng kéo dài.
Tất cả những cố gắng từ vài năm nay là tập trung “chữa cháy”, cố cứu vãn nền kinh tế ra khỏi khó khăn trước mắt, trước hết là chống lạm phát. Từ 2007 đến nay (trừ năm 2009) lạm phát liên tục ở mức 2 con số; dự báo năm 2011 vẫn là hai con số ở mức cao. Nguồn lực huy động được trong nước và từ bên ngoài cho nền kinh tế nước ta trong mấy năm qua cao chưa từng có, song hiệu quả kinh tế lại thấp kém với chỉ số ICOR (tỷ lệ nghịch với hiệu quả đầu tư) tăng nhanh, lên mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là cao nhất trong khu vực. Nhập siêu đang ở mức cao. Thâm hụt ngân sách vượt quá ngưỡng báo động (5% GDP theo kinh nghiệm thế giới). Nền kinh tế vẫn trong tình trạng cơ cấu lạc hậu, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh đều thấp, tăng trưởng chủ yếu nhờ vào vốn đầu tư, lao động trình độ thấp và khai thác đất đai, tài nguyên đến cạn kiệt. Môi trường tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng. Khoảng cách giàu nghèo bị nới rộng, phân phối thu nhập ngày càng trở nên bất công. Các vấn đề kinh tế lớn như: sự tích tụ / phân bổ của cải; tình hình chiếm hữu và sử dụng đất đai; trạng thái thực thi pháp luật; sự hình thành các nhóm đặc quyền, đặc lợi và các nhóm quyền lực mới, sự xuất hiện các giai tầng mới đi liền với những bất công mới..., đang diễn biến ngược lại với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Kết quả cuối cùng là thu nhập danh nghĩa bình quân đầu người có tăng lên nhưng chất lượng cuộc sống xuống cấp trên nhiều mặt; sự bất an của người dân tăng lên; mức sống thực tế của phần lớn nông dân, của số đông công nhân và những người làm công ăn lương hiện nay giảm sút nhiều so với mấy năm trước.
2. Thực trạng văn hóa - xã hội của đất nước có quá nhiều mặt xuống cấp, cái mới và tiến bộ không đi kịp yêu cầu phát triển của đất nước và không đủ sức lấn át những cái hủ bại và tiêu cực; công bằng xã hội bị vi phạm nghiêm trọng, nguồn lực quý báu nhất của đất nước là con người chưa thực sự được giải phóng.
Trong nhiều vấn đề bức xúc, phải nói tới vấn đề hàng đầu là nền giáo dục của nước ta cho đến nay có nhiều mặt lạc hậu so với phần đông các nước trong khu vực, mặc dù nước ta thuộc số nước có tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục so với thu nhập (của cả nhà nước và nhân dân) ở mức cao nhất khu vực. Nội dung, cách dạy và học, cách quản lý trong nền giáo dục của nước ta quá lạc hậu, thậm chí có nhiều sai trái. Nguồn nhân lực nước ta có trình độ giáo dục phổ cập ở mức khá cao, tỷ lệ bằng cấp các loại trên số dân và số người lao động đều ở mức cao hay rất cao so với nhiều nước có mức thu nhập tương đương. Song trên thực tế chất lượng nguồn lực con người và năng suất lao động của nước ta vẫn thua kém nhiều nước, thấp xa so với yêu cầu đưa đất nước đi lên phát triển hiện đại. Nguyên nhân cơ bản là nền giáo dục trong môi trường chính trị - xã hội hiện nay của nước ta không nhằm đào tạo ra con người tự do và sáng tạo, con người làm chủ đất nước, mà là một nền giáo dục phát triển chạy theo thành tích và số lượng.
Trong đời sống văn hóa - tinh thần của đất nước, nhân dân thấy rõ và lên án hiện tượng giả dối và tình trạng tha hóa trong lối sống và trong đạo đức xã hội. Những cái xấu này, cùng với nạn tham nhũng tạo ra những bất công mới, đồng thời làm băng hoại nhiều giá trị truyền thống của dân tộc ta. Tình trạng thiếu vắng sự công khai minh bạch trong mọi mặt của đời sống xã hội đang làm cho mảnh đất nuôi dưỡng tham nhũng và tiêu cực ngày càng màu mỡ. Thực tế này cản trở nghiêm trọng việc xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh, đồng thời tạo ra một môi trường xói mòn luật pháp, rất thuận lợi cho việc dung dưỡng những yếu kém của chế độ chính trị.
3. Chế độ chính trị còn nhiều bất cập, cản trở sự phát triển của đất nước:
Thực trạng kinh tế - văn hóa - xã hội hiện nay của đất nước phản ánh rõ nét sự bất cập và xuống cấp ngày càng gia tăng của hệ thống chính trị - xã hội và bộ máy nhà nước ta. Nền kinh tế nước ta đứng trước yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi cơ cấu và mô hình phát triển (chuyển từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang phát triển dựa nhiều vào các yếu tố chiều sâu) để đi vào thời kỳ phát triển bền vững với chất lượng cao hơn. Giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải cải cách hệ thống chính trị để xóa bỏ mọi trở ngại, phát huy và sử dụng tốt mọi nguồn lực nhằm đổi mới và phát triển nền kinh tế. Nhiệm vụ đổi mới chính trị tuy đã được đặt ra nhưng chưa có mục tiêu, biện pháp và hành động thiết thực.
Đặc biệt nghiêm trọng là tệ quan liêu tham nhũng, tình trạng tha hóa phẩm chất, đạo đức đang tiếp tục gia tăng trong bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức và viên chức của hệ thống chính trị và nhà nước. Bộ máy này ngày càng phình to, tình trạng bất cập và nạn tham nhũng nặng nề hơn, gây tổn thất ngày càng lớn hơn cho đất nước. Thực trạng này cùng với những sai lầm trong cơ cấu tổ chức và trong cơ cấu đội ngũ cán bộ khiến cho các nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị không đem lại kết quả thực tế, mặc dù tốn kém nhiều tiền của, công sức. Trong những việc đã làm có quá nhiều cái phô diễn, mang tính hình thức, giả dối. Trong đời sống thực tế, nhiều quyền dân chủ của dân tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ứng cử, bầu cử các cơ quan quyền lực chưa bảo đảm dân chủ thực chất. Nhiều quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình...
Có thể đánh giá tổng quát rằng đất nước ta đang đứng trước mâu thuẫn giữa một bên là khát vọng của dân tộc ta muốn sống trong một quốc gia “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”, cùng đi với trào lưu tiến bộ của cả nhân loại, và một bên là sự tha hóa và bất cập ngày càng trầm trọng của hệ thống chính trị. Mâu thuẫn nguy hiểm này đang ngày càng trở nên gay gắt do sự uy hiếp của Trung Quốc đối với nước ta và kích thích thêm khát vọng bành trướng của Trung Quốc.
Vị trí địa lý nước ta không thể chuyển dịch đi nơi khác, nên toàn bộ thực tế hiện nay buộc dân tộc ta phải tạo được bước ngoặt có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước: Là nước láng giềng bên cạnh Trung Quốc đầy tham vọng đang trên đường trở thành siêu cường, Việt Nam phải bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, trở thành một đối tác được Trung Quốc tôn trọng, tạo ra một mối quan hệ song phương thật sự vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Mặt trận gìn giữ lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển đảo, vùng trời của nước ta trong Biển Đông đang rất nóng do các bước leo thang lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, thậm chí những cuộc tấn công quân sự trực tiếp đang được để ngỏ. Tuy nhiên, mặt trận nguy hiểm nhất đối với nước ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là: thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta. Đó là mặt trận vừa uy hiếp vừa dụ dỗ nước ta nhân danh cùng nhau gìn giữ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ giữa nhân dân ta và chế độ chính trị của đất nước, vừa lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đoàn kết thống nhất của dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta. Đánh thắng nước ta trên mặt trận nguy hiểm nhất này, Trung Quốc sẽ đánh thắng tất cả!
Sự xuất hiện một Trung Quốc đang cố trở thành siêu cường với nhiều mưu đồ và hành động trái luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý, gây nhiều tác động xáo trộn thế giới, tạo ra một cục diện mới đối với nước ta trong quan hệ quốc tế: Hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Trung Quốc, đều mong muốn có một Việt Nam độc lập tự chủ, giàu mạnh, phát triển, có khả năng góp phần xứng đáng vào gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, thúc đẩy những mối quan hệ hữu nghị, hợp tác vì sự bình yên và phồn vinh của tất các các nước hữu quan trong khu vực và trên thế giới. Có thể nói cục diện thế giới mới này là cơ hội lớn, mở ra cho đất nước ta khả năng chưa từng có trong công cuộc phát triển và bảo vệ Tổ quốc, qua đó giành được cho nước ta vị thế quốc tế xứng đáng trong thế giới văn minh ngày nay. Để vươn lên giành thời cơ, thoát hiểm họa, cả dân tộc ta, từ người lãnh đạo, cầm quyền đến người dân thường phải dấn thân cùng với cả nhân loại tiến bộ đấu tranh cho những giá trị đang là nền tảng cho một thế giới tiến bộ, đó là hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường
III- Kiến nghị của chúng tôi
Trước tình hình đó, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với Quốc hội và Bộ Chính trị:
1. Công bố trước toàn thể nhân dân ta và nhân dân toàn thế giới thực trạng quan hệ Việt - Trung; nêu rõ những căn cứ phù hợp với luật pháp quốc tế, có sức thuyết phục về chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo ở vùng Biển Đông để làm sáng tỏ chính nghĩa của nước ta; khẳng định thiện chí trước sau như một của nước ta xây dựng, gìn giữ quan hệ hữu nghị, hợp tác láng giềng tốt với Trung Quốc, nhưng quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của mình. Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc. Chúng ta luôn phân biệt những mưu đồ và hành động phi đạo lý và trái luật pháp quốc tế của một bộ phận giới lãnh đạo Trung quốc, khác với tình cảm và thái độ thân thiện của đông đảo nhân dân Trung quốc đối với nhân dân Việt Nam. Chúng ta sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước, đặc biệt coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và các nước lớn, cùng với các nước có liên quan giải quyết hoà bình các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
2. Trình bày rõ với toàn dân thực trạng đất nước hiện nay, thức tỉnh mọi người về những nguy cơ đang đe dọa vận mệnh của Tổ quốc, dấy lên sự đồng lòng và quyết tâm của toàn dân đem hết sức mạnh vật chất, tinh thần, trí tuệ để bảo vệ và phát triển đất nước. Cải cách sâu sắc, toàn diện về giáo dục và kinh tế ngày càng trở thành yêu cầu cấp thiết, là kế sâu rễ bền gốc để nâng cao dân trí, dân tâm, dân sinh làm cơ sở cho quá trình tự cường dân tộc và nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Muốn vậy, trước hết phải khắc phục tình trạng nền giáo dục và kinh tế của đất nước bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều. Cải cách chính trị, vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác.
3. Tìm mọi cách thực hiện đầy đủ các quyền tự do, dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp quy định, nhằm giải phóng và phát huy ý chí và năng lực của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tận dụng được cơ hội mới, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức mới của tình hình khu vực và thế giới hiện nay. Trong thực hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân đã ghi trong Hiến pháp, cần đặc biệt thực hiện nghiêm túc quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền được tự do bày tỏ thái độ chính trị thông qua các cuộc biểu tình ôn hòa, quyền lập hội, quyền đòi hỏi công khai minh bạch trong mọi lĩnh vực của cuộc sống đất nước.
4. Ra lời kêu gọi toàn thể quốc dân đồng bào, mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt chính kiến, tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, hãy cùng nhau thực hiện hòa hợp, hòa giải, đoàn kết dân tộc với lòng yêu nước, tinh thần vị tha và khoan dung. Tất cả hãy cùng nhau khép lại quá khứ, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, để từ nay tất cả mọi người đều một lòng một dạ cùng nắm tay nhau đứng chung trên một trận tuyến vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau dốc lòng đem hết trí tuệ, nghị lực sáng tạo và nhiệt tình yêu nước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta.
5. Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam với tính cách là đảng cầm quyền duy nhất và cũng là người chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình đất nước hiện nay, hãy đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ đẩy mạnh cuộc cải cách chính trị, giải phóng mọi tiềm năng của nhân dân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy lùi mọi tệ nạn tham nhũng và tha hóa, đưa đất nước thoát ra khỏi tình trạng yếu kém và lệ thuộc hiện nay, chuyển sang thời kỳ phát triển bền vững, đưa dân tộc ta đồng hành với cả nhân loại tiến bộ vì hòa bình, tự do dân chủ, quyền con người, bảo vệ môi trường.
Cuối cùng, chúng tôi thiết tha mong đồng bào sống trong nước và ở nước ngoài hưởng ứng và ký tên vào bản kiến nghị này. Bằng việc đó và bằng những hành động thiết thực, mọi người Việt Nam biểu thị ý chí sắt đá của dân tộc ta, quyết ngăn chặn, đẩy lùi mọi âm mưu và hành động xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước ta, xóa bỏ bất công, nghèo nàn, lạc hậu trong nước mình, xây dựng và gìn giữ non sông đất nước xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc, không hổ thẹn với các thế hệ mai sau và với các dân tộc khác trên thế giới.
Giành thời cơ, đưa Tổ quốc chúng ta thoát khỏi hiểm họa, phát triển bền vững trong hòa bình là trách nhiệm thiêng liêng của mọi người Việt Nam ta.
Làm tại Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2011


Chiều 13.7.2011, xác nhận của Bưu điện nhận chuyển Văn bản và chữ ký
tới 14 vị trong Bộ Chính trị và 18 vị Ủy viên Thường vụ Quốc hội

Cuộc gặp của giới trí thức với Bộ Ngoại giao bất thành

Cuộc gặp giữa nhóm nhân sỹ trí thức yêu cầu cung cấp thông tin về quan hệ với Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Việt Nam, dự tính diễn ra vào lúc 9 giờ sáng thứ tư 13/07, đã không thành.http://www.blogger.com/img/blank.gif
Đáp lại kiến nghị của các nhân sỹ trí thức về thông tin cuộc gặp giữa thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và đồng nhiệm Trung Quốc hôm 25/06, Bộ Ngoại giao đã sắp xếp cuộc gặp vào sáng thứ tư.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một trong số 18 nhân sỹ trí thức hàng đầu Việt Nam ký tên trong kiến nghị yêu cầu 'cung cấp thông tin liên quan đến quan hệ với Trung Quốc', nói với BBC từ Hà Nội rằng chỉ có một mình ông có mặt trong cuộc gặp.
Chỉ mình ông là cựu đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh nhận được lời mời qua điện thoại và được Bộ Ngoại giao điều xe tới nhà riêng đón vào lúc 8:30 sáng. Những người còn lại được chuyển lời hẹn gặp qua đại diện nhóm là luật sư Trần Vũ Hải.
Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho hay ông cùng 7-8 người khác đã có mặt tại một quán cà phê đối diện Bộ Ngoại Giao trên phố Tôn Thất Đàm từ đầu giờ sáng để chờ lời mời sang làm việc."Thế nhưng họ không mời một cách đàng hoàng, nên tất cả đã quyết định bỏ về." Trong số các nhân sỹ chờ đợi trong quán cà phê, ngoài luật sư Hải và tiến sỹ Quang A, có giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư Phạm Duy Hiển, nhà văn Trần Nhương, nhà văn Phạm Xuân Nguyên và tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện.
'Công dân có quyền chất vấn'
Kiến nghị yêu cầu cung cấp thông tin của các nhân sỹ trí thức được ký ngày 02/07 và được chuyển tới Bộ Ngoại giao hôm 04/07. Cũng những người này một tuần trước đó đã ký tên vào bản Tuyên cáo về 'các hành động gây hấn của Trung Quốc' ở Biển Đông, hiện được hàng nghìn người hưởng ứng. Nói về cuộc gặp bất thành sáng 13/07,t hiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh giải thích: "Tôi ra về, vì không thể nghe thay cho cả 17 vị kia được".
Ý nguyện của các vị nhân sỹ trí thức là được tiếp xúc với bản thân thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, người đã có tiếp xúc và hội đàm trong tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cao cấp Việt Nam với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân về vấn đề Biển Đông tại Bắc Kinh. Người được Bộ Ngoại giao phân công tiếp họ vào sáng thứ tư lại là ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới.
Tướng Vĩnh cho hay yêu cầu của các nhân sỹ ký tên trong kiến nghị rất đơn giản: "Thứ nhất là họ có thể trả lời bằng văn bản". "Thứ hai, nếu họ muốn mời gặp, thì mời tất cả chúng tôi. Còn thứ ba, họ có thể không trả lời."
Theo ông Nguyễn Trọng Vĩnh, công dân hoàn toàn "có quyền chất vấn chính quyền, có quyền kiến nghị cơ quan nhà nước", bởi vậy yêu cầu của các nhân sỹ trí thức là "chuyện hoàn toàn bình thường". Hiện chưa rõ nhóm nhân sỹ trí thức có tiếp tục theo đuổi kiến nghị của mình hay không.
Công khai minh bạch
Hôm 25/06, trong cuộc gặp với phía Trung Quốc của thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, hai bên đã thống nhất đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Kiến nghị của các trí thức viết "theo các thông tin báo chí, chúng tôi được biết" về các cuộc gặp trên, cũng như tường thuật của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) về hai cuộc gặp. Những thông tin trên chúng tôi không thấy đăng trên báo chí của Việt Nam." Qua kiến nghị, họ yêu cầu Bộ Ngoại giao xác nhận tính chính xác của thông tin mà Tân Hoa Xã đưa ra, nếu không đúng "yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi".
Họ cũng kiến nghị bộ này giải thích quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi người đồng nhiệm Trung Quốc năm 1958 về chủ quyền ở Biển Đông. Bản kiến nghị còn yêu cầu cung cấp "thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc" hôm 25/06.

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Liệu Trung Quốc có tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai không?

Việc Trung Quốc gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến tình hình biển Đông trở nên căng thẳng. Báo chí Trung Quốc (thậm chí như tờ thời báo Hoàn Cầu-một phụ trương của Nhân Dân nhật báo) cùng với các trang Web lên tiếng hù dọa, xúc phạm dân tộc Việt Nam, gây thù hằn dân tộc, đe dọa chiến tranh… Với những dấu hiệu đó, liệu Trung Quốc có tấn công xâm lược Việt Nam lần thứ hai nữa không? Nếu có thì quy mô đến như thế nào, xảy ra ở đâu, trên biển hay đất liền???… Với tư cách từng là một sỹ quan Hải quân xin có một vài điều để bạn đọc tham khảo.



Ý tưởng đó của nhà cầm quyền Trung Quốc không thể là không có

Trước hết bắt nguồn từ dã tâm của họ. Dã tâm của nhà cầm quyền Trung Quốc thế hệ trước cho đến thế hệ sau là bành trướng, bá quyền, nước lớn. Việt Nam không bao giờ là nước chư hầu của Trung Quốc, là nước luôn cản trở dã tâm đó. Muốn có chuỗi đảo thứ nhất, thứ hai rồi thì chuỗi ngọc trai… thì phải chinh phục được Việt Nam. Vì vậy, bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu, hễ thấy Việt Nam sơ hở, khó khăn… là cái dã tâm đó nổi lên y như thằng nghiện ngửi được mùi hêroin. Lịch sử chống giặc ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta đã chứng minh hùng hồn điều đó. Gần đây nhất là xâm chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974; gây chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979; gây xung đột ở Trường Sa 1988… càng chứng minh điều đó.

Trong 3 thập kỷ qua Trung Quốc tăng trưởng kinh tế cao và liên tục. Tính đến nay GDP của họ gần xấp xỉ Mỹ, vượt Nhật. Điều đáng nói là cái giá phải trả cho sự tăng trưởng “nóng” này là quá đắt. Hệ lụy của nó là gì, đó là sự phát triển kinh tế với tốc độ nhanh của một đất nước có nền kinh tế tư bản nửa vời, một chế độ chính trị “mang màu sắc Trung Quốc” “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” qua 3 thập kỷ giờ đã trở thành Đế quốc – Một đế quốc non trẻ “mang màu sắc Trung Quốc” rồi (để cho gọn ta gọi là Đế quốc Trung Quốc). Bản chất của chủ nghĩa đế quốc là gì, ai cũng biết. Tham vọng của Trung Quốc là muốn chia lại thế giới, thậm chí muốn bá chủ thế giới nhưng nhiều tiền mà không mạnh. GDP nhì thế giới và có thể đứng đầu thế giới nhưng chất lượng GDP của Trung Quốc thấp. (Đang còn phải mua động cơ máy bay của Nga thì cái ngày “mở mày mở mặt” “nói gì làm nấy” với thế giới là không biết bao giờ). Tuy nhiên với khu vực, các láng giềng bé nhỏ đặc biệt là Việt Nam thì nguy cơ bị Đế quốcTrung Quốc gây hấn, thôn tính là điều có thể. Hãy xem để biết một chút gan ruột của họ: “Hiện nay,Việt nam là mối đe dọa chủ yếu nhất đối với an ninh lãnh thổ Trung Quốc, là trở ngại lớn nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhìn từ góc độ khác cho thấy Việt Nam cũng là đầu mối và trung tâm chiến lược của toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Muốn kiểm soát Đông Nam Á cần chinh phục Việt Nam. Chinh phục Việt Nam là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để Trung Quốc mở rộng về phía Nam” (Báo mạng Trung Quốc ngày 19/6/2011)



Trung Quốc sẽ đánh chiếm quần đảo Trường Sa???

Trước hết phải khẳng định rằng nếu biển Đông bị một nước nào khống chế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích an ninh, chính trị, kinh tế của cả khu vực. Còn nước nào kiểm soát được quần đảo Trường Sa thì sẽ khống chế được biển Đông. Vì vậy Trung Quốc muốn có “đường lưỡi bò” hay gì gì đi nữa thì phải có quần đảo Trường Sa.

Đánh chiếm quần đảo này chỉ có hai phương án thông thường mà thôi. Thứ nhất là bí mật, bất ngờ, nhanh chóng dùng người nhái đổ bộ đánh chiếm đảo, khi đất liền biết thì đã muộn. Thứ hai là sử dụng hỏa lực của hải quân, không quân, tên lửa…vừa dọn bãi, vừa tiêu diệt lực lượng phòng vệ trên đảo, sau đó đổ bộ quân lên chiếm đảo.(Y như tập trận.)

Phương án thứ nhất thực hiện hơi bị khó, chỉ đem quân đi nướng thôi. Lính đảo Trường Sa của Việt Nam không đơn giản, họ bắn đêm, bắn ngày là bách phát bách trúng. Bộ tham mưu Hải quân Việt Nam cũng không ngu ngơ gì mà không chuẩn bị, bố trí kỹ để chống loại đột nhập này. Đây cũng là bài tủ của lính Trường Sa.

Phương án thứ hai với Trung Quốc là tối ưu vì họ có các lợi thế, đó là vũ khí, trang bị nhiều và mạnh, quân đổ bộ đông, tuy nhiên không có tính bất ngờ, lực lượng bị bộc lộ toàn bộ vì Trường Sa cách khu vực tập kết của họ quá xa.

Thực hiện phương án này Trung Quốc sẽ dùng hỏa lực để làm sạch bãi đổ bộ và sạch các lực lượng phòng thủ trên đảo. Nhưng hiệu suất, hiệu quả không xác định. Lính Trường Sa dại gì đưa lưng ra chịu tên lửa, pháo tầu của Trung Quốc giã vào. Họ biết cách tránh, chẳng hạn xuống hầm ngầm, để sau đó tiếp đón lính đổ bộ của Trung Quốc đến. Đó là mới nói đến sự đối đầu trực tiếp giữa toàn bộ lực lượng đánh chiếm đảo của Trung Quốc với lính đảo Việt Nam, còn thực ra đối đầu với lực lượng bảo vệ đảo chủ yếu từ đất liền của Việt Nam mới đáng kể. Như trên đã nói Trung Quốc cách đảo Trường Sa - khu vực tác chiến quá xa, gấp ba lần so với từ đất liền Việt Nam đến đó. Đây chính là điểm bất lợi chết người của Trung Quốc. Bộ tham mưu Hải quân Việt Nam sẽ biết lực lượng của Hải quân Trung Quốc đến từ đâu, hành quân ra sao, có bao nhiêu tầu, chủng loại gì, thời gian đến địa điểm tập kết, không quân tác chiến bao lâu thì phải quay về (vì hết nhiên liệu) vv…vv. Chắc với vũ khí trang bị hiện có của Việt Nam như hệ thống Bastion, SU30, các tàu phóng lôi, tên lửa loại nhỏ tốc độ cao… thì việc lực lượng đánh chiếm đến được vị trí tập kết đã khó bảo toàn. Giới quân sự Trung Quốc biết điều này không? Họ thừa biết vì đó không phải là những cuộc tập trận diễu võ dương oai hù dọa những nước chưa từng chiến tranh. Họ – giới quân sự chứ không phải như bọn choai choai đeo kính cận trên mạng internet lúc nào cũng hô hào chiến tranh, cướp Trường Sa đâu. Nếu như dễ dàng thì họ xơi lâu rồi, từ năm 1988 cơ.

Suy cho cùng một cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự nếu như xảy ra trên biển giữa Trung Quốc và Việt Nam mà Trung Quốc không chiếm được Trường Sa thì không giải quyết được điều gì về mặt quân sự, ngược lại tổn thất rất lớn về chính trị, ngoại giao. Vì vậy, để đạt được mục đích của mình Trung Quốc sẵn sàng mở cuộc chiến tranh xâm lược lớn, tổng lực cả trên biển và đất liền. Lý do ư? Không có lý do gì hết. Đức tấn công Liên Xô có lý do gì đâu mặc dù hai nước đã ký với nhau Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau. Việt Nam phải hết sức cảnh giác và chuẩn bị chu đáo mà “đón tiếp” họ. Họ gây căng thẳng trên biển nhưng xung đột chắc chắn sẽ xảy ra trên đất liền. Khi đảo không còn điểm tựa đất liền thì việc chiếm đảo Trường Sa cũng dễ như chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 vậy thôi. Trung Quốc không muốn chiếm đóng lãnh thổ đất liền làm gì vì họ không muốn như các vương triều ngày trước. Họ chỉ muốn Trường Sa và biển Đông.

Trên đất liền Trung Quốc có rất nhiều lợi thế và đặc biệt họ có nhiều căn cứ quân sự trong lãnh thổ của Việt Nam (có bao nhiêu thì hỏi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi trường, chủ tịch các tỉnh cho Trung Quốc thuê đất trồng rừng và các khu có hàng ngàn lao động lực lưỡng người Hán cư trú là biết. Còn có thật là căn cứ quân sự hay không thì cứ thử vào mà xem, như tướng Đồng Sỹ Nguyên còn chưa vào được nữa là…).



Trung Quốc có gây chiến tranh xâm lược Việt Nam lần hai không?

Nguy cơ luôn tiềm ẩn nhưng khó xảy ra vì mấy lẽ sau:

Thế giới ngày nay khác xưa. Nhân dân Trung Quốc cũng khác xưa, họ không để cho những cái đầu nóng đại Hán muốn làm gì thì làm. Họ quá hiểu họ là ai, họ được gì…, họ cũng như nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh.

Hai là nhà cầm quyền Trung Quốc thừa hiểu một dân tộc mà vì “muốn hòa bình nên đã nhân nhượng nhưng càng nhân nhượng thì địch càng lấn tới”… lúc ấy sức mạnh và lòng căm thù của dân tộc đó như chiếc lò xo bị nén đến tận cùng nên khi bật ra thì sẽ giải phóng một năng lượng khủng khiếp: “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đánh nhau với một dân tộc như vậy hoặc là bị trắng tay hoặc bị sa lầy. Với dân tộc Việt Nam thì lịch sử còn chưa ráo mực.

Ba là, đành rằng Trung Quốc bây giờ không phải như Trung Quốc năm 1979 thì Việt Nam càng không phải như năm 1979. Năm 1979 Việt Nam không sẵn sàng và bị bất ngờ thì nay yếu tố đó không còn. Vì thế chiến tranh xảy ra là khốc liệt. Việt Nam và Trung Quốc kề nhau nếu Trung Quốc gây chiến thì không gian của cuộc chiến không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà lãnh thổ của Trung Quốc cũng không loại trừ. Người dân vô tội của Việt Nam và Trung Quốc sẽ mất mạng vì đạn lạc, bom rơi của chiến tranh sẽ căm thù tột độ kẻ nào đã gây chiến. Mầm đại loạn nổi lên, là “giọt nước cuối cùng” sẽ làm cho Trung Quốc lung lay, bất ổn. Chưa biết chừng Trung Quốc lúc đó không còn là Trung Hoa vĩ đại nữa mà bị chia thành nước nhỏ như đã từng trước đó.

Không đời nào Trung Quốc muốn các nước khác như Nhật, Nga, Ấn Độ và Mỹ “tọa sơn quan hổ đấu”. Vì nuốt gọn Việt Nam không dễ và nhanh như tờ “Hoàn Cầu thời báo” tưởng.

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Trò chơi bi-a ở Biển Đông

Mỹ cần tăng tốc và chơi trò chơi của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ở Biển Đông, Trung Quốc đang chơi bi-a, còn Mỹ thì chơi phiên bản trò Cướp Cờ (Capture the Flag). Với Bắc Kinh, mục tiêu là đánh những quả bóng bi-a khác ra khỏi bàn, còn Washington, thì cố gắng “giữ chân” Bắc Kinh khỏi việc nắm lấy lá cờ bá quyền khu vực.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nhận ra rằng, họ đang chơi một trò chơi khác so với Trung Quốc, vì thế cần điều chỉnh chiến lược. Trong khi chuyển sang bi-a là quá khiêu khích với Washington, nếu xu thế này tiếp tục, họ có thể tự lâm vào cảnh có quá ít chọn lựa để duy trì ổn định vai trò của mình trong khu vực.
Giới quan sát có hai giải thích khác nhau về những gì thực sự là thách thức Trung Quốc. Nhiều người ở Washington tin rằng, Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông – vì thế có thể gây hại cho các lợi ích quốc gia Mỹ, bao gồm cả chuyện tự do qua lại không bị cản trở của các tàu Hải quân Mỹ, dòng chảy tự do của thương mại kinh tế toàn cầu và những huyết mạch hàng hải của các đồng minh Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, rất nhiều người ở Đông Nam Á tin rằng, vấn đề là chuyện kiểm soát tài nguyên lãnh thổ. Như một số ước tính đưa ra, khu vực này nắm giữ khoảng 30 tỉ thùng dầu và hàng trăm nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên. Trong khi hàng chục mỏ dầu đã được khám phá, thì khả năng kiểm soát việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên khổng lồ này đang dẫn dắt cách hành xử của Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh đưa ra tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông đã đặt họ vào vị trí gây tranh cãi về chủ quyền với các vùng lãnh thổ chứa đựng những tài nguyên đã được chứng minh. Điểm nóng nhất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với những tuyên bố chủ quyền khác nhau của nhiều nước gồm Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Cũng có trò chơi tương tự diễn ra trong tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku (tiếng Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Phép thử bằng cách dùng tàu quấy nhiễu
Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có thể cách thức thực hành hiệu quả nhất bởi có khả năng vừa khuấy động bất kỳ nơi nào đó trong vùng biển của khu vực, lại vừa ngăn chặn quốc gia khác trong tự do đi lại. Vì vậy, quấy nhiễu các tàu hải quân và thăm dò hàng hải của các nước khác giống như một phép thử thực tế về sức mạnh và ảnh hưởng của Bắc Kinh. Khi hạm đội trên biển hải quân nước này phát triển, nó có khả năng được triển khai và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn. Thực tế này có nghĩa nghĩa bổ sung cho sự thể hiện ngày một quả quyết hơn của Trung Quốc trong những năm qua.
Có ít lý do để tin rằng, Bắc Kinh có bất kỳ suy nghĩ nào (chưa nói đến khả năng) để gây bất lợi nghiêm trọng cho hàng hải khu vực; như kiểu các động thái gây hấn rõ ràng thách thức trực tiếp Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, họ có thể gây áp lực chính trị với các quốc gia nhỏ hơn để khiến những nước này phải từ bỏ hay giảm bớt tuyên bố chủ quyền và hạn chế các hành động hàng hải hợp pháp.
Có thể tất cả những điều này không hẳn là một chiến lược, nhưng chắc chắn nó tuonwg tự như những chiến thuật của bàn bi-a. Mục tiêu của Bắc Kinh là các quả bóng bi-a balls của các nước láng giềng và cố gắng loại chúng khỏi bàn lần lượt từng quả một.
Đáp trả lại, các quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu kêu gọi sự can thiệp của Mỹ. Tuần trước, Philippines nói rằng, hiệp ước phòng thủ năm 1951 mà họ ký kết với Mỹ sẽ bao gồm những mối đe dọa Trung Quốc.
Nhưng, câu trả lời với Mỹ thật không dễ dàng. Nếu Washington quá cứng rắn và yêu cầu các quốc gia Đông Nam Á gia tăng các hoạt động hàng hải chung một cách đáng kể, thì sẽ giống như kiểu Hà Nội, Manila, Jakarta và những phần còn lại sợ hãi kẻ thù Trung Quốc hơn là sợ hãi vì bị Trung Quốc chèn ép. Nhưng dù sao, quá ít phản ứng từ người Mỹ sẽ khiến các quốc gia nhỏ hơn tin rằng, họ có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những mong muốn của Trung Quốc.
Con đường của Washington
Để cân bằng những quan ngại này, Washington đã chấm dứt một trò chơi hoàn toàn khác biệt. Với hiện trạng một cường quốc, Washington đã phản ứng trước những phép thử Trung Quốc với những giới hạn chuẩn mực khu vực. Thay vì trừng phạt Trung Quốc bởi sự khiêu khích, chính sách Mỹ đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh về thiện ý của Mỹ và thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng, họ không gây ra mối đe dọa nào với ảnh hưởng đang trỗi dậy của Trung Quốc. Hy vọng điều này sẽ khiến Trung Quốc phải hành động có trách nhiệm, kể các với những nước nhỏ hơn.
Con đường tốt nhất phía trước là công nhận trò chơi của Trung Quốc, bắt đầu chơi trò chơi ấy và sau đó sắp lại bàn chơi. Washington nên tìm cách mở rộng bàn bi-a bằng cách đưa thêm nhiều bóng vào cuộc chơi. Ấn Độ vừa tuyên bố kế hoạch gia tăng tuần tra hải quân ở quần đảo Andaman và Nicobar, nằm ở lối vào Ấn Độ Dương tới Eo biển Malacca. Nhật bản thực hiện sự thay đổi chiến lược khi tập trung vào “che chắn đảo tây nam”, kéo dài từ Kyushu tới phía bắc Đài Loan. Australia sẽ hiện đại hóa và tăng gấp đôi hạm đội tàu ngầm trong thập niên tới.
Sau đó, Washington cần tạo ra vai trò lớn hơn cho các đối tác này ở gần những vùng biển tranh chấp thông qua nhiều cam kết lớn hơn với các nước Đông Nam Á. Hơn thế nữa, các tàu của Mỹ và đồng minh nên dõi theo các tàu Trung Quốc khi chúng bắt đầu tiếp cận vùng tranh chấp và di chuyển nhanh chóng tới các khu vực này nếu có sự cố xảy ra.
Nói rộng hơn, mục tiêu của Washington, được thực hiện thông qua - Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương đóng tại Hawaii, nên tạo ra một cộng đồng lợi ích hàng hải tích cực hơn trong vòng cung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối phó với những động thái Trung Quốc khi chúng xảy ra. Chia sẻ lớn hơn các tài nguyên tình báo, cùng đào tạo, phối hợp tuần tra (nếu không phải là tuần tra chung) sẽ cung cấp biện pháp an ninh cần thiết để đảm bảo với những quốc gia nhỏ hơn rằng, những quyền quốc tế của họ đang được bảo vệ. Các tàu của Mỹ và đồng minh không nên chần chừ khi dõi theo hành động của các tàu hải quân Trung Quốc khi những tàu này bắt đầu tiếp cận vùng lãnh thổ tranh chấp trên biển.
Cuối cùng, các nhà chính trị thẳng tính, như Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, đã cảnh báo về một “thời khắc Munich” đang đến ở châu Á, sẽ làm rõ các vấn đề đang đe dọa. Dù muốn hay không, Mỹ sẽ phải bắt đầu dịch chuyển một số quả bóng bi-a xung quanh bàn.
* Tác giả Auslin là giám đốc phụ trách nghiên cứu Nhật Bản tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là một nhà bình luận của Nhật báo phố Wall.

Thái An (Theo WSJ)

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Nếu khai chiến trên biển Đông, khả năng Trung Quốc sẽ thua Việt Nam

Một số tờ báo của Hồng Kông gần đây như “Đại công báo”, “Văn Hối”, “Đông phương” và nguyệt san “Phòng vệ Hán Hoà” dẫn lời các nhà quan sát quân sự Bắc Kinh cho rằng tuy từ đầu năm 2009 đến nay, các bước chuẩn bị đấu tranh quân sự của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông (Trung Quốc gọi là biển Hoa Nam) vô cùng rầm rộ.
Thế nhưng trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều rào cản khiến Trung Quốc chưa thể áp dụng hành động quân sự thực tế trong tranh chấp chủ quyền biển Đông. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh Trung áp dụng hành động quân sự, cái giá phải trả sẽ rất đắt, thậm chí ảnh hưởng quốc tế tiêu cực của hành động này đối với Trung Quốc còn lớn hơn cả phát động một cuộc chiến tranh tại Eo biển Đài Loan.
Dưới đây là tổng hợp nội dung cơ bản của các bài viết này.

1. Rào cản chính trị:
- Tại khu vực Biển Đông, hiện nay có ba nước tồn tại bất đồng lớn nhất với Trung Quốc về lãnh hải và hải đảo là Việt Nam, Philippin và Malaixia, trong đó Việt Nam là hàng đầu. Vì thế, khả năng bùng nổ xung đột quân sự tại khu vực biển Đông chỉ có thể là Trung Quốc tấn công quân sự chiếm các đảo, bãi mà Việt Nam đang kiểm soát tại quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọil à Nam Sa). Còn khả năng Trung Quốc và Malaixia nổ ra xung đột quân sự do tranh chấp đảo Layan Layan (đá Hoa Lau) trong tương lai gần, cơ bản bằng không. Thế nhưng, vấn đề quan trọng là Trung Quốc áp dụng hành động quân sự quy mô lớn với Việt Nam, thế tất sẽ thiêu huỷ hoàn toàn hình tượng quốc tế “hoà bình phát triển” mà Trung Quốc tạo dựng trong gần 20 năm qua. Hệ quả là sự cảnh giác của Ôxtrâylia, Mỹ, Nhật Bản và cả Hiệp hội các nước Đông Nam á (ASEAN) đối với Trung Quốc sẽ tăng cao.
- Gần đây, hợp tác và trao đổi quân sự giữa Mỹ với ASEAN và Việt Nam đã có những bước tiến lớn, một khi Trung Quốc áp dụng hành động quân sự, dư luận và báo chí chính thức của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước phương Tây khác sẽ đứng về phía Việt Nam. Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản thậm chí còn cung cấp cho Việt Nam chi viện về tình báo và hậu cần quân sự cho Việt Nam . Bên cạnh đó, “Học thuyết quân sự mới” của Ôxtrâylia cho rằng biển Đông chính là “biên cương lợi ích” của Ôxtrâylia sẽ có cớ phát triển.
- Một khi chiến tranh bùng nổ, sẽ thúc đẩy nhanh hơn sự thành lập chính thức của tập đoàn “NATO biển Đông”, bước đi Nam tiến của Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cũng sẽ trở thành hiện thực và tạo ra căn cứ hợp pháp để Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp. Hơn thế, tại khu vực này, tồn tại “Hiệp ước đồng minh Mỹ – Xinhgapo – Ôxtrâylia” và từ sau năm 1995, Mỹ cùng với 6 nước ASEAN là Philippin, Thái Lan, Xinhgapo, Malaixia, Inđônêxia và Bruney tổ chức cuộc diễn tập quân sự hàng năm mang tên “Karat”, được mệnh danh là “Tập đoàn Karat” và trên thực tế đã trở thành quan hệ “chuẩn đồng minh”.
- Quần đảo Trường Sa hiện nay, có một số đảo nằm sát bờ biển Malaixia, có một số đảo gần đường trung tuyến Việt Nam – Malaixia, cách Trung Quốc xa như vậy, nói là của Trung Quốc thật khó có sức thuyết phục. Do vậy, khi Trung Quốc áp dụng hành động quân sự, hình tượng quốc tế của các nước hữu quan, nhất là Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều so với Trung Quốc, theo đó các nước lớn châu Âu, thậm chí cả Mỹ và Ấn Độ sẽ cùng đưa ra đề nghị cung cấp vũ khí cho Việt Nam, khiến cho nhân tố thiên thời và nhân hòa là bất lợi đối với Trung Quốc.

2. Rào cản về quân sự
- Các nhà quan sát quân sự Bắc Kinh nêu rõ nhìn bề ngoài, so sánh sức mạnh quân sự giữa Trung Quốc với Việt Nam, phía Trung Quốc có vũ khí hiện đại mang tính áp đảo, nhất là ưu thế về số lượng và chất lượng tàu mặt nước, tàu ngầm cỡ lớn. Thế nhưng, phân tích sâu về học thuyết địa – quân sự, thực sự bùng nổ chiến tranh trên không và trên biển với Việt Nam , ưu thế sức mạnh quân sự không hẳn nghiêng về Trung Quốc. Bởi vì đặc điểm mới của chiến tranh kỹ thuật công nghệ cao với vũ khí tên lửa là không có khái niệm so sánh sức mạnh của nước mạnh, nước yếu. Theo đó, nước yếu có một số ít tên lửa hiện đại, trong chiến tranh trên biển và trên không, vẫn có thể dựa vào ưu thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa v.v.
- So sánh cụ thể hơn, về hải quân và không quân của Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh này sẽ chủ yếu là Hạm đội Nam Hải (Bộ Tư lệnh đặt tại Trạm Giang, Quảng Châu). Còn Việt Nam lực lượng không quân được trang máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” và “Su- 27SK/UBK”. Hải quân Việt Nam được trang tàu tên lửa tốc độ cao “ Molniya- 12418 ” và tới đây có cả tàu ngầm “KILO- 636”. Như vậy, xu thế so sánh sức mạnh tại biển Đông đang phát triển theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.
- Trong tương lai gần, khi Hải quân Việt Nam đưa tàu ngầm “KILO- 636” vào sử dụng, quyền kiểm soát cục bộ dưới nước có thể sẽ nghiêng về phía Hải quân Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc phải tính đến nhân tố máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của không quân Việt Nam có thể sẽ được trang bị tên lửa siêu âm không đối hạm “BRAHMOS” (của Ấn Độ) và “YAKHONT” (của Nga) với tầm bắn đạt 300 km.
- Về năng lực phòng không, Trung Quốc và Việt Nam đều được trang bị tên lửa đất đối không hiện đại “S- 300PMU1”. Lực lượng phòng không của Việt Nam có 2 tiểu đoàn, còn con số này của Trung Quốc là 20. Thế nhưng, lực lượng này (của Trung Quốc) chủ yếu bố trí trên đất liền, do vậy vai trò có thể phát huy trong chiến tranh trên biển và không phận trên biển khá hạn chế.

3. Rào cản về địa lý
- Toàn bộ 29 đảo, bãi mà Việt Nam kiểm soát hiện nay tại Trường Sa, cách đất liền từ 400 – 600 km. Tại khu vực này, Việt Nam có các căn cứ không quân tại vịnh Cam Ranh (Nha Trang), Đà Lạt (Lâm Đồng) và ở Thành phố Hồ Chí Minh, đa số không phận tại khu vực tranh chấp này đều nằm trong tầm tác chiến của máy bay tấn công “Su- 22” của không quân Việt Nam, chưa kể đến máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” và “Su- 27SK” với bán kính tác chiến lên đến 1.500 km. Từ đó cho thấy cả Trung Quốc và Việt Nam đều có đủ năng lực tấn công tầm xa đối với các căn cứ hải quân tung thâm của đối phương.
- Việt Nam đã xây dựng sân bay tại đảo Trường Sa. Nếu so sánh, không quân Trung Quốc kể cả cất cánh từ sân bay tại đảo Hải Nam, khoảng cách đường thẳng đối với 29 đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát đã lên đến từ 1.200 – 1.300 km, còn cất cánh từ khu vực quần đảo Hoàng Sa, khoảng cách đến Trường Sa cũng lên đến từ 900 – 1.000 km… Điều này buộc máy bay chiến đấu “J- 10” và “J- 8D” và cả “Su- 30MKK” và “Su- 27SK” của Không quân Trung Quốc đều cần được tiếp dầu trên không mới có thể tham chiến. Tuy vậy, thời gian tác chiến trên vùng trời biển Đông so với máy bay chiến đấu cùng loại của không quân Việt Nam cũng ngắn hơn khoảng 50%.
- Khi chiến tranh bùng nổ, sân bay trên đảo Vĩnh Hưng (Hoàng Sa) và thậm chí cả sân bay trên đảo Hải Nam của không quân Trung Quốc nhiều khả năng trước tiên sẽ bị máy bay chiến đấu “Su- 22” của không quân Việt Nam thực hiện tấn công phủ đầu. Căn cứ Toại Khê, Căn cứ Quế Lâm (Quảng Tây) của Sư đoàn không quân số 2 cũng nằm trong phạm vi bán kính tác chiến tấn công của máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của Không quân Việt Nam . Ngoài ra, còn một yếu tố quan trọng khác là xung đột không chỉ hạn chế ở khu vực biển Đông, toàn bộ các mục tiêu chiến lược tại đảo Hải Nam, Hồng Kông, Côn Minh (Vân Nam) và Nam Ninh (Quảng Tây) đều nằm trong phạm vi bán kính tác chiến của máy bay chiến đấu “Su- 30MKV” của Không quân Việt Nam.
- Địa hình lãnh thổ của Việt Nam dài hẹp, máy bay “Su- 27SK” và “J- 10A” của Trung Quốc, sau khi tham chiến, trên đường bay trở về căn cứ tại đảo Hải Nam hay căn cứ Toại Khê, Quế Lâm (Quảng Tây), đều nằm trong tầm tác chiến của máy bay chiến đấu “MiG- 21Bis” của Không quân Việt Nam cất cánh từ các căn cứ không quân miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Do vậy, MiG- 21Bis của Việt Nam có thể cất cánh đánh chặn máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã hết vũ khí và thiếu nhiên liệu vào bất cứ lúc nào.

4. Rào cản về chiến thuật
- Máy bay chiến đấu “Su- 22” của không quân Việt Nam có thể sẽ áp dụng chiến thuật không kích siêu thấp và có được sự yểm hộ hoả lực trong tấn công đảo, bãi. Vì thế, ngay cả khi Trung Quốc chiếm lĩnh được các đảo bãi Việt Nam đang kiểm soát hiện nay, bảo vệ lâu dài là vấn đề cực kỳ khó khăn. Ngoài ra, Không quân Việt Nam áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp, sẽ tránh được sự theo dõi của các loại rada trên tàu mặt nước của Trung Quốc và trực tiếp tấn công các tàu mặt nước cỡ lớn của hải quân Trung Quốc.
- Hải quân Việt Nam không có tàu mặt nước cỡ lớn, cho nên không ngại Trung Quốc áp dụng chiến thuật không kích tầm siêu thấp. Hơn thế, như vậy còn khiến cho tàu ngầm hiện đại của Trung Quốc không thể phát huy sức mạnh, chỉ có thể tấn công tàu vận tải của hải quân Việt Nam
Nhưng phán đoán từ loại tàu đổ bộ từ đất liền tiến ra đảo, bãi quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện nay, đa số là tàu vận tải cỡ nhỏ lớp từ 300 – 500 tấn trở xuống, hơn thế phần nhiều là được đóng bằng gỗ, cho nên điều động tàu ngầm hiện đại để tiêu diệt là không cần thiết./.

Nguồn: Phạm Viết Đào