Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

TQ không muốn Ấn Độ vào Biển Đông?

Bắc Kinh cảnh cáo các công ty dầu khí nước ngoài không được 'can dự vào cuộc tranh chấp Biển Đông' sau khi có tin trên báo Ấn Độ nêu ra chuyện tập đoàn ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ vào khai thác lô 127 và 128 ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra phản hồi hôm 15/9 vào lúc Ngoại trưởng Ấn Độ sang thăm Việt Nam và phái đoàn hai bên có hội đàm về quân sự cấp thứ trưởng tại Hà Nội.
Bà Khương Du, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại cuộc họp báo thứ Năm ở Bắc Kinh nói bà không rõ về tầm vóc vụ việc mà báo Hindustan Times nêu ra nhưng nhắc lại "chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp".
Theo bản tiếng Anh của các hãng thông tấn trích đăng, bà Khương Du nói: "Quan điểm của chúng tôi luôn nhất quán rằng Trung Quốc phản đối mọi quốc gia khai thác dầu khí tại vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Chúng tôi hy vọng các công ty nước ngoài không can dự vào tranh chấp biển Nam Trung Hoa".
Tờ báo Ấn Độ cũng chạy tin mà BBC chưa kiểm chứng được nói rằng chính phủ ở Dehli "bác bỏ phản đối của phía Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý".
Vẫn tờ báo này trích nguồn họ nói là của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói "Việt Nam có chủ quyền tại hai lô 127 và 128, căn cứ vào Luật biển 1982".
Dù một số hãng thông tấn đều chạy lại tin này ngày 15/9, chưa có nguồn chính thức nào từ Việt Nam hoặc Trung Quốc bình luận về chuyện về hoạt động của công ty Bấm ONGC Videsh vốn đã có từ lâu ở Việt Nam.
Tuy BBC chưa kiểm chứng được tin trên báo Ấn Độ, tờ Hindustan Times, nói rằng "Trung Quốc đã gửi lời phản đối chính thức" đến chính phủ Ấn Độ nhưng việc ONGC Videsh Ltd (OVL) khai thác khí tại Nam Côn Sơn không phải là mới.
Trang web của OVL, một tập đoàn nhà nước của Ấn Độ, nói họ đã cùng BP và PetroVietnam khai thác khí tại lô 06.1, bãi Lan Tây từ 2003, theo sau biên bản ghi nhớ ký với phía Việt Nam từ 1999.
Vào tháng 6/2007 có tin BP của Anh rút khỏi dự án khai thác gần Trường Sa vì tranh chấp Trung - Việt về vùng biển này.
Tại lô 128, OVL chiếm 100% cổ phần, với khoản đầu tư 46 triệu USD cho đến hết tháng 3/2011 và trang web của họ nói công ty này dự tính khoan trở lại tại lô 128 vào năm 2012.
Trên bản đồ của OVL, cả bãi Lan Tây và lô 128 nằm xa về phía Nam các mỏ Bạch Hổ và Đại Hùng mà Việt Nam đang khai thác.
Câu chuyện được chú ý trong bối cảnh quan hệ Ấn - Việt đang tiến triển mạnh và căng thẳng tại vùng biển Đông Nam Á chỉ tạm thời lắng xuống sau hai năm đầy biến động.
'Quan hệ nồng thắm'
Tuần này, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, ông S M Krishna có chuyến thăm Việt Nam bốn ngày, từ 15 đến 17/9.
Ông Krishna và người tương nhiệm Việt Nam, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dự kiến sẽ hội đàm về quan hệ kinh tế, an ninh và quân sự tại Hà Nội, theo các báo Ấn Độ.
Ngoài ra, họ cũng bàn về việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á vào tháng 11 năm nay với sự tham gia của 18 nước, gồm cả Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc.
Trong vòng những năm qua, Hà Nội và Dehli đã có năm cuộc Đối thoại Quốc phòng Chiến lược và cuộc họp lần thứ sáu đã diễn ra hôm qua 14/9.
Tại Hà Nội hôm thứ Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thứ trưởng Ấn Độ Shashi Kant Sharma đồng ý tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, hai bên nói đã đạt đồng thuận về một lộ trình, cơ chế và các biện pháp để hợp tác về không quân, hải quân, bộ binh và công nghệ quốc phòng.
Được biết ông Shashi Kant Sharma cũng đã thăm Tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trước khi có lịch thăm tư lệnh không quân và hải quân Việt Nam.
Ngoài tập trận chung, Ấn Độ đã giúp Việt Nam huấn luyện quân sự và cung cấp phụ tùng cho tàu chiến và tên lửa, loại do Nga sản xuất.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, Dehli và Hà Nội có quan hệ nồng thắm qua tình bạn giữa các lãnh đạo hai bên như các thủ tướng Jawaharlal Nehru, Indira Gandhi với các lãnh tụ Hồ Chí Minh và sau là Phạm Văn Đồng của Việt Nam.
Trong thời gian Hoa Kỳ và Trung Quốc lên án Việt Nam đóng quân tại Campuchia, Dehli vẫn ủng hộ Hà Nội bằng hai chuyến thăm cao cấp, của Thủ tướng Rajiv Gandhi, con trai bà Indira Gandhi, vào năm 1985 và 1987.
Sau Chiến tranh Lạnh, khi cả hai nước từ bỏ nền kinh tế kế hoạch kiểu Liên Xô và mở cửa thị trường, mối quan hệ ấm áp bao gồm cả những hợp tác về kinh tế và quân sự được thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao.
Thủ tướng Narasimha Rao của Ấn Độ sang thăm Việt Nam hồi năm 1994 và Thủ tướng Vajpayee tới Hà Nội năm 2001.
Giữa các chuyến thăm đó, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Delhi năm 1999 và hai nước đã ký kết một loạt hiệp định hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, khoa học và công nghệ cũng như sử dụng năng lượng hạt nhân vì cho mục tiêu dân sự.
Việt Nam cũng luôn ủng hộ việc Ấn Độ muốn có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an.
Trong chuyến thăm bốn ngày tới Việt Nam trong tuần này Ngoại trưởng Ấn Độ cũng sẽ khai trương Trung tâm Nguồn lực Tiên tiến chuyên về đào tạo công nghệ thông tin mà Ấn Độ giúp lập ra ở Hà Nội.

Khả năng vỡ nợ của Hy Lạp lên tới 98%

Chi phí để đảm bảo 10 triệu USD nợ Hy Lạp bằng hợp đồng hoán đổi tín dụng tăng lên mức kỷ lục 5,8 triệu USD, từ 5,5 triệu USD ngày 9/9.
Khả năng Hy Lạp vỡ nợ trong 5 năm tới lên 98% khi Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou không thuyết phục được giới đầu tư nước ngoài tin rằng quốc gia này có thể vượt qua khủng khoảng nợ khu vực đồng euro.
Theo CMA, hiện giờ chi phí để đảm bảo cho 10 triệu USD nợ Hy Lạp bằng các hợp đồng hoán đổi tín dụng tăng lên mức kỷ lục 5,8 triệu USD thanh toán ngay và 100.000 USD thanh toán theo năm, tăng từ mức 5,5 triệu USD ngày 9/9.
Những hứa hẹn sẽ tuân thủ các mục tiêu thâm hụt, theo điều kiện của gói cứu trợ mà Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), của ông Papandreou đang yếu dần bởi các số liệu cho thấy thâm hụt ngân sách Hy Lạp tăng 22% trong 8 tháng đầu năm nay.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm của Hy Lạp tăng 70%, trong khi thị trường chứng khoán giảm 1/3 trong 7 tuần qua.
Khả năng vỡ nợ của Hy Lạp được dựa theo mô hình giá cơ sở, giả định rằng nhà đầu tư sẽ phục hồi được 40% giá trị trái phiếu nếu Hy Lạp vỡ nợ.
Chính phủ nước này hiện dự báo nền kinh tế sẽ giảm hơn 5% trong năm nay, lớn hơn so với dự báo 3,8% của Ủy ban châu Âu, khi các biện pháp thắt lưng buộc buộc làm tồi tệ hơn suy thoái kéo dài 3 năm qua.
Đồng euro giảm xuống thấp nhất so với đồng yên kể từ năm 2001 do lo ngại về tương lai của khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2011

Phương Đông đã mọc lên từ "Ground Zero"

TT - Từ sau vụ tấn công khủng bố 11-9, phương Tây đã mất cả chục năm để tập trung đối phó với mối đe dọa khủng bố cùng hai cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Và phương Tây cũng đã nhắm mắt trước một sự thay đổi toàn cầu: sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trên báo Guardian (Anh), nhà phân tích chính trị Timothy Garton Ash cho rằng Trung Quốc là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất trong 10 năm qua từ cuộc chiến chống khủng bố mà nước Mỹ tiến hành sau khi bị những tên khủng bố Hồi giáo “điểm huyệt” ngay trái tim mình.
“Vào ngày 11-9-2031, khi nhìn lại 30 năm qua các sử gia sẽ đánh giá 30 năm cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo như thế nào? Chắc chắn trong mắt họ, giai đoạn kéo dài này sẽ được mô tả là bước chuyển giao trọng tâm quyền lực từ phương Tây sang phương Đông, với một Trung Quốc hùng mạnh hơn nhiều và một nước Mỹ kém hùng mạnh hơn, một Ấn Độ mạnh mẽ hơn và một Liên minh châu Âu (EU) suy yếu hơn” - Garton Ash viết.
11-9 mở đầu “thập kỷ vàng”
Theo nghiên cứu “Các chi phí của chiến tranh” do Đại học Brown thực hiện, trong 10 năm qua chi phí kinh tế về dài hạn do các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Pakistan và những cuộc can thiệp chống khủng bố khác của Mỹ khoảng 3.200-4.000 tỉ USD. Dự báo con số này có thể tăng lên đến 4.400 tỉ USD vào năm 2020. Giới chuyên gia có thể sẽ còn tranh cãi về con số này, nhưng quả là một con số khổng lồ. Nó gần bằng 1/4 khoản nợ công của Mỹ mà vốn sẽ tiếp tục còn tăng lên và chiếm đến 100% GDP. Đây lẽ ra là một khoản đầu tư khổng lồ cho nguồn nhân lực, cho đào tạo lao động có trình độ cao, cho hạ tầng cơ sở cùng những cải tiến của nước Mỹ thì lại đã bị mất đi.
Trong khi đó, 10 năm qua lại đánh dấu sự trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, năm 2001 GDP của nước này chỉ khoảng 1.160 tỉ USD, nhưng đến năm 2010 đã tăng lên tới 6.040 tỉ USD. Cùng khoảng thời gian này, ngoại thương Trung Quốc đã tăng sáu lần, từ 500 tỉ USD lên 3.000 tỉ USD, dự trữ ngoại hối tăng hơn gấp 10 lần, từ 212 tỉ USD lên 3.200 tỉ USD.
Tốc độ phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa Bắc Kinh và Washington. Năm 2001, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 10% GDP của Mỹ, nhưng đến năm 2010 đã tăng lên ngang bằng 45% GDP của Mỹ. 10 năm trước, Washington đạt thặng dư ngân sách cao, nhưng hiện nay mức thâm hụt tương đương 10% GDP. Trong một thập niên qua, Trung Quốc đã trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Năm 2001, Bắc Kinh chỉ nắm giữ khoảng 160 tỉ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, nhưng đến nay con số này đã tăng lên đến hơn 1.500 tỉ USD trong tổng nợ công 14.000 tỉ USD của Washington.
Nhà phân tích Lionel Barber của báo Financial Times cho rằng cụm từ quan trọng nhất của thập niên qua không phải là “cuộc chiến chống khủng bố”, mà là “made in China (sản xuất tại Trung Quốc)”. Các sử gia quốc tế nhìn nhận thập niên 2001-2011 là “thập kỷ vàng” của Trung Quốc. Người Trung Quốc có thể nói rằng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ là thành quả lao động của họ. Nhưng liệu Trung Quốc có thể thu lợi được nhiều đến như vậy, nếu không có sự kiện 11-9? Trên báo India Express, giáo sư chính trị Minxin Pei thuộc Đại học Claremont McKenna (Mỹ) trả lời là: không. Bởi biến cố 11-9 đã làm thay đổi hoàn toàn các chính sách chiến lược của Mỹ.
“Thời kỳ thuận lợi không kéo dài”
Trước 11-9, chính quyền tổng thống Bush xác định Trung Quốc là “mối đe dọa chiến lược” đối với Mỹ. Nếu không có vụ 11-9, chính quyền Washington sẽ tiếp tục con đường kiềm chế “đối thủ” Trung Quốc. Nhưng sau 11-9, các ưu tiên chiến lược của Mỹ lập tức thay đổi hoàn toàn. Chính quyền Washington dồn mọi nguồn lực vào cuộc chiến chống khủng bố và hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Chính sách tài khóa mở rộng của chính quyền Bush để hỗ trợ cuộc chiến Iraq và chi phí chiến tranh đã làm nước Mỹ suy yếu nghiêm trọng.
Tuy nhiên, như giáo sư Minxin Pei nhận định, “thời kỳ thuận lợi” của Trung Quốc cũng chỉ kéo dài 10 năm. Đối với Bắc Kinh, các cơ hội chiến lược mà sự kiện 11-9 tạo ra đã dần kết thúc. Một tổng thống Mỹ mới ở Washington đã điều chỉnh chiến lược sai lầm của người tiền nhiệm và tập trung hơn vào khu vực châu Á. Những diễn biến tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giúp Mỹ điều chỉnh chiến lược ở khu vực này một cách hiệu quả hơn.
“Có một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ rất nhớ môi trường thuận lợi mà sự kiện 11-9 tạo ra và có những đóng góp to lớn vào sự trỗi dậy kinh tế của nước này” - giáo sư Minxin Pei khẳng định.

SƠN HÀ

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Mỹ ưu tiên phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam

Tân đại sứ Mỹ David Shear cho biết các ưu tiên cao nhất của ông trong nhiệm kỳ là gia tăng hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực kinh tế, thúc đẩy tiến trình xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
"Chúng ta có mối quan hệ vững mạnh trên nhiều lĩnh vực, quan hệ quốc phòng của chúng ta cũng rất mạnh", tân đại sứ nói và cho biết thêm rằng trong thời gian tới, một phần công việc của ông sẽ là xác định rõ hơn quan hệ đối tác chiến lược sẽ là gì và hai nước muốn gì trong mối quan hệ này, tốc độ tiến triển trong mối quan hệ đó.

"Chúng ta sẽ xem hai nước đi với nhịp độ như thế nào trong mối quan hệ này", ông Shear phát biểu trong buổi họp ra mắt tại Hà Nội hôm nay.

Ồng Shear bình luận rằng những tiến bộ đạt được trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được xây dựng trên cở sở những hiểu biết về quá khứ. Ông cho rằng để xây dựng được một mối quan hệ chiến lược giữa các đối tác, thì điều quan trọng nhất là xây dựng lòng tin.

"Nền tảng cho một mối quan hệ tốt, tích cực và có hiệu quả là lòng tin", Shear nói. "Tôi sẽ làm mọi việc có thể để xây dựng lòng tin với đối tác Việt Nam".

Tháng 10/2010, khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tới thăm Hà Nội, bà đã đề xuất với lãnh đạo Việt Nam về việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược và nhận được sự đồng tình. Kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1995, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã có những bước tiến triển dài và nhanh chóng. Đặc biệt, mối quan hệ quân sự đã "có cải thiện đáng kể trong hai năm trở lại đây", ông Shear nhận xét.

Năm ngoái khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó Robert Gates gặp người đồng nhiệm Phùng Quang Thanh của Việt Nam, hai vị bộ trưởng đã nhất trí rằng quan hệ quốc phòng được thực hiện trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, cứu trợ và nhân đạo, tìm kiếm cứu nạn và một số trao đổi khác.

Ca ngợi sự phát triển trong quan hệ quân sự giữa hai nước, nhưng ông Shear cho biết Mỹ vẫn chưa có chính sách cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam.

"Hai nước đang ở giai đoạn đầu trong quan hệ quốc phòng", ông Shear nói khi được hỏi về chính sách cung cấp khí tài cho Việt Nam. "Chúng tôi hiện nay bán vũ khí không sát thương và phòng thủ cho Việt Nam trên cơ sở xét từng trường hợp cụ thể".

Nói về các tranh chấp hiện nay trên Biển Đông, tân đại sứ Mỹ nhắc lại quan điểm mà lãnh đạo nước này từng nhiều lần đưa ra, đó là Mỹ ủng hộ tiến trình ngoại giao hòa bình và hợp tác của tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền; phản đối sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ chia sẻ lợi ích quốc gia cùng với các nước khác trong việc đảm bảo tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và phát triển kinh tế không bị cản trở.

"Mỹ ủng hộ tuyên bố của các bên liên quan về quy tắc ứng xử trên South China Sea (Biển Đông)", ông nói, "và khuyến khích các bên đạt được một bộ quy tắc cụ thể hơn".

Là chuyên gia về Đông Á, tân đại sứ Mỹ nhìn nhận rằng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc với Mỹ, điều căn bản nhất là làm sao xây dựng được hòa bình và quan hệ tích cực. "Không gì quan trọng hơn hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Không gì quan trọng hơn là mối quan hệ tốt giữa các nước với nhau", ông nói.

Về phát triển hợp tác kinh tế song phương, đại sứ Shear khẳng định đây là một trong những ưu tiên quan trọng nhất của ông. Kể từ khi hai nước ký hiệp định thương mại song phương cách đây 10 năm, tổng kim ngạch tăng từ 1,5 tỷ lên 18,6 tỷ USD tính đến năm 2010. Shear cho biết ông sẽ nỗ lực để tăng xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam, phù hợp với chương trình mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu của tổng thống Mỹ trong 5 năm tới.

Một minh chứng cho sự phát triển quan hệ thương mại và đầu tư là sự kiện đoàn gồm 39 công ty trong đó có nhiều công ty lớn thuộc danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới vừa đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ngoài những tiến triển ở nhiều mặt trong mối quan hệ tổng thể, đại sứ Shear cũng đề cập một số bất đồng còn tồn tại. Trong lĩnh vực nhân quyền, tân đại sứ đề cập những điều mà phía Mỹ đánh giá là tiến triển ở Việt Nam như việc chống nạn buôn người qua biên giới, và khẳng định Mỹ sẽ gia tăng đối thoại với đối tác Việt Nam như trong những năm qua.

Ông Shear tiết lộ ông đang học tiếng Việt và đã nhận "lời thách" của chủ tịch Trương Tấn Sang - "người nói tiếng Anh rất tốt", rằng sẽ có thể nói chuyện bằng tiếng Việt vào cuối nhiệm kỳ.

Nói về ấn tượng khi đến Việt Nam lần đầu năm 2007 cùng vợ và con gái, Shear chia sẻ rằng gia đình ông đã rất vui vì sự thân thiện và hiếu khách của người Việt Nam, thích thú các món ăn Việt.

"Chúng tôi đã bị Việt Nam quyến rũ", ông Shear nói.

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Đỉnh của giá vàng sẽ là 6.000 USD/ounce?

Giá vàng tuần qua có thời điểm vượt ngưỡng 1.900 USD/ounce, sau đó điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chưa có dấu hiệu cho thấy giá vàng "bong bóng" và sẽ sụt giảm mạnh, khi nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cung tiền. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang bắt đầu mua vào trái phiếu khi sự hồi phục kinh tế yếu đi.
"Tôi không cho rằng giá vàng đã bong bóng. Khi bạn mua vàng, đó là công cụ bảo hiểm tuyệt vời đối với các vấn đề và thất bại mang tính hệ thống trong các thị trường tài chính", Marc Faber, một nhà đầu tư vàng nổi tiếng trả lời phỏng vấn của Bloomberg.
Vàng đã bước vào năm thứ 11 tăng giá liên tiếp, mức tăng dài nhất kể từ năm 1920, trước các dấu hiệu bất ổn từ khủng hoảng nợ công và hồi phục kinh tế ốm yếu. Chỉ riêng trong năm 2011, giá vàng đã tăng hơn 33%.
Urs Gmuer, nhà quản lý tài sản tại Công ty tư vấn đầu tư Dolefin cho rằng, vàng có thể tăng tiếp và đạt đỉnh 6.000 - 6.200 USD/ounce, vượt xa tất cả các thị trường tăng điểm khác. Dự báo của Gmuer dựa trên phân tích đợt bùng nổ giá vàng gần đây trong thập kỷ 1970, khi mà giá vàng tăng từ 35 USD/ounce năm 1971 lên 850 USD/ounce năm 1980.
Gmuer nói rằng, trong đợt tăng giá vàng hiện nay, giá vàng có thể được đẩy lên cao trong một giai đoạn kinh tế đầy khó khăn, có thể kéo dài nhiều năm và nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm cái gọi là nơi trú ẩn an toàn. Vàng đã bước vào "siêu chu kỳ" tăng giá như đã từng xảy ra với bong bóng công nghệ trong giai đoạn 1998 - 2000.
"Giá vàng đã tăng trong vài năm qua, khi bức tranh kinh tế đang tệ đi và tình hình hiện tại thậm chí còn tệ hơn. Sức mua của nhà đầu tư vàng sẽ là sự hoảng sợ trước các rủi ro hệ thống về các cú sốc ngân hàng", Gmuer nói.
Hiện tại, không có gì là an toàn, nhà đầu tư thận trọng không có lựa chọn nào khác ngoài việc đổ xô vào kim loại quý. "Đồng tiền duy nhất, vốn đã vượt qua thời gian, chính là vàng. Không ai có thể in vàng như máy in tiền", Gmuer nhấn mạnh.
Ngoài ra, một số tính toán khác cho thấy, mức đỉnh của giá vàng sẽ nằm trong khoảng 3.500 - 4.000 USD/ounce, dựa trên dữ liệu lịch sử trong dài hạn giữa giá vàng và nguồn cung tiền.
Tháng 1/1980, giá vàng đạt đỉnh 850 USD/ounce, tương đương 2.430 USD/ounce dựa trên giá trị đồng USD ngày nay. Giá vàng đã tăng 2.400% từ 35 USD/ounce năm 1971 lên 850 USD/ounce năm 1980, liệu giá vàng có lập lại kỳ tích như vậy để tăng từ 250 USD/ounce năm 2000 lên 6.000 USD/ounce trong thời gian tới?
Sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, đồng USD được cho là có thể hoán đổi với vàng ở mức giá 35 USD/ounce. Nhưng người Pháp lo lắng rằng, để chi trả cho phúc lợi xã hội và các chi phí khác, nước Mỹ sẽ phải in thêm USD và Pháp quyết định bán USD để giữ vàng. Các Ngân hàng Trung ương Bỉ, Hà Lan, Đức và thậm chí cả Anh cũng đều làm như vậy và giá vàng đã bị đẩy lên mức 850 USD/ounce vào năm 1980, từ mức 35 USD/ounce năm 1971.
Ngày nay, Trung Quốc là nước đầu tiên lo lắng về đồng USD và gia tăng dự trữ vàng. Nước Nga tiếp bước Trung Quốc và Ấn Độ cũng mua 200 tấn vàng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
"Vàng đang 'sủi bọt', nhưng việc Ấn Độ mua vàng của IMF ngày nay cũng giống như Pháp mua vàng cuối thập kỷ 1960. Khi mà các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục là người mua ròng vàng trở lại từ năm 1988, liệu Ấn Độ đã 'bắn phát súng' đầu tiên như Pháp từng làm năm 1965?", Dylan Grice, một nhà phân tích của Société Générale nói.
Với việc các ngân hàng trung ương ngày nay in tiền quá mức, họ đang tạo ra rủi ro phá hoại niềm tin tương tự như thập niên 1980. Do đó, nếu vàng buộc phải tăng lên mức phản ánh số lượng USD, giá vàng bao nhiêu là hợp lý?
Grice cho rằng, mức giá 6.300 USD/ounce là hợp lý. Với 260 triệu ounce vàng nước Mỹ đang nắm giữ và cơ sở tiền của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là khoảng 1.700 tỷ USD và vẫn đang tiếp tục in, rất có thể giá vàng sẽ đạt 6.538 USD/ounce.
Mặc dù không ít người đang nghĩ về mức giá đó, nhưng không có gì đảm bảo là điều đó sẽ xảy ra hoặc nó sẽ xảy ra khi nào. Có thể sẽ mất nhiều năm nữa, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, bây giờ không phải là lúc giá vàng bong bóng và sẽ vỡ.

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

Fed đã ngầm cứu trợ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu

FED đã bí mật sử dụng tới 16.000 tỷ USD để cứu trợ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Các thanh tra tài chính độc lập của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) đã phát hiện Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bí mật sử dụng tới 16.000 tỷ USD để cứu trợ các ngân hàng ở Mỹ và châu Âu trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới đây.

Phát hiện này đã làm tăng nghi ngờ về các hoạt động không minh bạch của hệ thống ngân hàng Trung ương của Mỹ.

Đa số các khoản cho vay khẩn cấp này được lấy từ FED bang New York. Quy mô và tính chất của sự trợ giúp này cho thấy sự mở rộng chưa từng thấy vai trò truyền thống của hệ thống FED như là người cứu trợ cuối cùng các thể chế tài chính đang trong tình trạng nguy hiểm.