Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Vàng - đô: Cặp đôi hoàn hảo?

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố gần như bất động suốt một thời gian dài. Điều đó không có nghĩa thị trường ngoại hối đang bình yên. Đứng ở mức 20.803 đồng/USD vào cuối tháng 10/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố được điều chỉnh gần đây nhất là vào hồi tháng 1/2012, lên 20.828 đồng/USD. Con số này được "chốt" cứng đến tận bây giờ. Nếu vẽ đồ thị có thể thấy tỷ giá bình quân liên ngân hàng là một đường nằm ngang từ đầu năm đến nay. Trên thị trường tự do, tỷ giá có nhích nhẹ một chút vào trung tuần tháng 3; đầu tháng 6 (21.036 đồng/USD) và 23/8 (20.910 đồng/USD). Hiện tỷ giá đang được các NHTM niêm yết ở mức mua vào, bán ra 20.803 - 20.807 đồng/USD. Cây muốn lặng... Tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện để NHNN mua vào USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 19 tỷ USD (con số được chính thức công bố vào tháng 7/2012). Còn theo Bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV đưa ra tháng 9/2012, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng lên khoảng 22 - 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Thị trường ngoại hối lặng sóng đã hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ, mà điển hình là liên tục giảm lãi suất tiền đồng để kích cầu tín dụng. Có nhiều lý do khiến tín dụng không tăng như mong muốn. Và tính chung thì tín dụng không tăng nhiều nên tín dụng ngoại tệ cũng không tăng nhiều. Chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD không còn lớn như những năm trước, nhưng vẫn ở mức đáng kể nên không ít doanh nghiệp vẫn muốn vay bằng USD. Đặc biệt, khi tỷ giá không biến động nhiều thì rủi ro tỷ giá giảm, vay USD có lợi hơn VND. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ cho các dự án trọng điểm của nền kinh tế tăng, trong khi huy động ngoại tệ giảm, càng khiến các NHTM mất cân đối về nguồn vốn ngoại tệ. Khi gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút bất cứ thời điểm nào khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất cao nhất 2%/năm. Đây chính là cách mà nhiều NHTM đang "lách" trần lãi suất huy động USD của NHNN. Về nguồn cung, Vietcombank - ngân hàng thương mại hiện đang đứng đầu về các sản phẩm, dịch vụ ngoại hối cho thấy, tỷ lệ vốn huy động bằng ngoại tệ liên tục sụt giảm. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với Vietcombank mà với cả các ngân hàng lớn khác như Vietinbank, BIDV. Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng này phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh vị thế đồng USD lung lay, khủng hoảng kinh tế lan khắp châu Âu, Vietinbank đã chấp nhận mức lãi suất trái phiếu lên đến 8,25% (phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 5/2012, trong kế hoạch 500 triệu USD của năm 2012) là minh chứng khá rõ ràng cho vấn đề này. Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Vietcombank cũng đã thông qua chủ trương phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Chưa hết, sau nhiều lần dự kiến, BIDV đang khởi động lại chương trình phát hành trái phiếu quốc tế, tiếp theo đó là một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Nếu không gặp những biến cố về nhân sự, nợ xấu, sáp nhập, mua bán... thì có lẽ những kế hoạch phát hành trái phiếu của các ngân hàng này đã được thực thi. Nhưng gió chẳng đừng... Thị trường ngoại tệ lặng sóng, nhưng nếu để ý một chút thì những lần tăng của tỷ giá trên thị trường tự do đều xuất phát từ giá vàng. Gần đây nhất là ngày 23/8, giá vàng hốt hoảng tăng khiến các NHTM liên tục thay đổi tỷ giá niêm yết. Giá vàng hôm 14/9 đã vọt qua mức 47,4 triệu đồng. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, đe dọa chạm mốc 1.800 USD/oz. "Thói quen" của người Việt Nam là sốt sắng mua vào khi giá vàng tăng, bán ra khi giá giảm. Vì thế, việc giá vàng lập đỉnh sẽ đẩy cầu vàng tăng nhanh hơn. Cho dù NHNN đã cho phép SJC sản xuất vàng miếng, nhưng với một mình SJC thì chắc chắn nguồn cung khó đáp ứng được tốc độ tăng của cầu trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là, giá vàng càng tăng nhanh, càng chênh lệch với giá vàng thế giới thì nhu cầu USD để nhập khẩu vàng, cả chính thức và nhập lậu, sẽ tăng theo. Những chính sách mà NHNN ban hành liên quan tới thị trường vàng suốt thời gian qua có thể cho thấy, cơ quan quản lý đang bất lực trước sự biến động của thị trường này. Vì thế, vàng - USD sẽ tiếp tục là một "cặp đôi hoàn hảo" trong việc làm nóng thị trường. Mặt khác, việc giữ tỷ giá "chết" quá lâu chắc chắn sẽ có tác động bất lợi cho nền kinh tế. Đơn cử, VND được định giá cao hơn so với giá trị thực của nó sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Xu hướng dùng hàng ngoại tăng sẽ giết chết sản xuất trong nước. Một điểm sáng về ngoại tệ mà các nhà điều hành chính sách nói đến năm nay là kiều hối. Mức kiều hối lên đến 6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm đạt 10 tỷ USD là con số đáng mừng. Song, có một thực tế là tuy ngân hàng thương mại nào cũng có kênh nhận kiều hối, nhưng gần như tiền về lập tức lại chảy ra khỏi khỏi ngân hàng. Đích đến của kiều hối là đâu là câu hỏi hóc búa đối với các nhà quản lý. Điều đó có nghĩa, một lượng ngoại tệ lớn đã, đang tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Một vấn đề khác, sự trì trệ của khu vực doanh nghiệp sản xuất; những bê bối trong ngành ngân hàng ngày càng nhiều, khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mất điểm. Sẽ rất khó ngăn được dòng chảy ra của vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Như vậy, cung ngoại tệ giảm sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ bây giờ, e rằng những con sóng ngầm đang lớn dần dưới sự phẳng lặng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng! InfoTV

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Không ai nhận trách nhiệm vụ Vinalines, tự phê không thành công

Nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Cần kết luận rõ ai thuộc ’một bộ phận không nhỏ’ - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nêu. So với các nghị quyết đã có trước đây đề cập vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi cho rằng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được toàn Đảng, toàn dân đón nhận, hoan nghênh và trông chờ nhiều hơn cả. Mọi người hồ hởi, phấn khởi đón nhận, hoan nghênh, nhưng cái chính là mong đợi và trông chờ vào kết quả thực hiện Nghị quyết. Sau Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, qua các báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thấy rất đáng mừng là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành khá công phu, từ các bước chuẩn bị, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tiến hành nhiều ngày liền. Điều này thể hiện sự thận trọng và quyết tâm cao, biến những mục tiêu đặt ra trong nghị quyết thành hiện thực. Tôi tin rằng, Nghị quyết này sẽ được thực hiện tốt và có hiệu quả, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhưng cũng cần suy nghĩ thêm như thế nào là có kết quả. Ai thuộc ’một bộ phận không nhỏ’ Theo tôi, kết quả ở đây không chỉ là kết quả của kiểm điểm, tự phê bình và phê bình dài ngày hay ngắn ngày, mà là phải đi tới kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "Một bộ phận không nhỏ... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc" như Nghị quyết đã nêu. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng là Nghị quyết nói là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nhưng khi kiểm điểm thì chẳng có ai nhận là suy thoái cả. Vậy thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy thuộc về ai? Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "một bộ phận không nhỏ...". Ảnh: LAD Đợt kiểm điểm vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước đây làm được như thế. Hầu như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt lên bàn nghị sự tất cả mọi vấn đề. Nhưng qua tự phê bình và phê bình chưa thấy ai chịu trách nhiệm về một số vụ việc nổi cộm như Vinashin, Vinalines. Tôi nhớ trước đây, có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây bất bình trong Đảng, trong nhân dân như vụ Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh hay đường dây 500 kV... chưa cần tổ chức tự phê bình và phê bình mà đã xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan những sai phạm đó. Phải nói là kỷ luật Đảng hồi đó rất nghiêm. Hơn 50 năm trước, khi xảy ra việc vỡ đê Mai Lâm ở Hà Nội gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, Bác Hồ đã ngay tức khắc cách chức ông bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó. Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể. Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Đợt kiểm điểm vừa rồi làm rất công phu tuy kết quả chưa rõ, nhưng tôi vẫn tin tưởng là sẽ có kết quả tốt đẹp. Những nhân tố tích cực sẽ chiến thắng áp đảo những phần tử tiêu cực để chứng tỏ Đảng ta đề ra Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là sáng suốt. Đừng làm kiểu ’người nhà với nhau’ Hiện tại, các tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc TƯ bắt đầu tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo kế hoạch đã định. Ở cấp này, theo tôi có mấy việc cần lưu ý như sau: Trước hết, cần tập trung làm rõ và khắc phục cho bằng được những khuyết điểm, yếu kém và bất cập trong công tác bố trí cán bộ, nhất là cán bộ ở tầm cấp chiến lược. Thời gian qua, chúng ta đã có những bài học lớn, sâu sắc về lĩnh vực này. Thứ hai là, cần phân biệt và thấy rõ sự khác biệt giữa đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm. Tự phê bình và phê bình hằng năm là bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề xảy ra trong năm từ chính trị, kinh tế, xã hội đến giáo dục... Còn đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình này là chỉ tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và những vấn đề được nêu trong Nghị quyết. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này thì sẽ làm lệch, làm không đúng, không trúng trọng tâm như Nghị quyết đặt vấn đề. Ở các địa phương, các bộ, ngành nên tập trung vào những vấn đề liên quan suy thoái phẩm chất chính trị, về quản lý đất đai, đấu thầu, thực hiện các dự án và tập trung vào công tác bố trí cán bộ với những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tập hợp phe cánh... Không nên đề cập quá nhiều vấn đề làm loãng hoặc là nhằm né tránh những vấn đề cốt yếu, quan trọng cần được làm rõ. Mặt khác, phải thấy rõ một vấn đề là giữa kiểm điểm tập thể với kiểm điểm cá nhân thì kiểm điểm tập thể là dễ nhất trí, còn kiểm điểm cá nhân là rất khó. Vì thế, cần chú trọng làm thật tốt khâu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân thì mới giải quyết được tận gốc những vấn đề đặt ra trong nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết mới có hiệu quả thiết thực, đạt ý nghĩa quan trọng như Nghị quyết đã đề ra. Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa là, trong khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường hay nể nang theo kiểu "người nhà với nhau" hoặc là tránh né vì lo ngại "đấu tranh thì tránh đâu", rồi sợ mất lòng... Ở các tỉnh, thành phố còn có đặc thù là cuối nhiệm kỳ sẽ có một số người đến tuổi không tái cử cho nên có tâm lý là sắp nghỉ rồi thì tham gia góp ý kiến, phê bình cũng chỉ nên nhẹ nhàng thôi. Ngược lại, đối với cán bộ thời gian phục vụ còn dài thì lo ngại bị ảnh hưởng cho nên mức độ tự phê bình và phê bình sẽ không cao. Thêm một điểm cần chú ý nữa là trong khi thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân, cần hết sức tránh để xảy ra hiện tượng lấy dư luận làm căn cứ để áp đặt, phê bình người khác gây nên những căng thẳng không đáng có trong khi kiểm điểm. Mọi thông tin đều phải được điều tra, xem xét và kiểm chứng rõ ràng thì mới đề cập. Có như vậy mới bảo đảm tự phê bình và phê bình đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, về xây dựng Đảng. Nguyễn Đình Hương Nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư (theo Nhân Dân, tiêu đề và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt)

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Những điều các mẹ cần lưu ý khi nuôi dạy con trai

Cá tính và suy nghĩ của con trai hoàn toàn khác với con gái, vì thế, các bà mẹ đừng áp đặt những suy nghĩ, tình cảm của mình vào tình huống cho con trai. Hãy hiểu con qua các phân tích dưới đây, từ đó dạy chúng tốt nhất. Suy nghĩ đơn giản Phụ nữ trưởng thành có hàng nghìn kiểu trạng thái tình cảm, giống như với các cô bé. Các cậu bé thì ngược lại, chúng chỉ cảm thấy một trong 3 điều sau: điên rồ, buồn rầu, vui vẻ. Đừng áp đặt cuộc sống tình cảm phức tạp như của bạn lên con trai. Vấn đề của thằng bé lúc ấy có thể không phức tạp như bạn nghĩ. Nó muốn ăn, muốn đánh hoặc muốn chạy. Trong ngày thật tồi tệ nó muốn lấy lại những đồ chơi đã bị lũ bạn cướp mất. Nó không muốn nhìn chằm chằm ngoài cửa sổ và thảo luận dài dòng về ý nghĩa của cuộc sống, giống như với các bé gái. Hãy nhìn cơ thể nó, chứ đừng nhìn cái miệng Một lần nữa, giống như đàn ông trưởng thành, dấu hiệu cho thấy con trai bạn tâm trạng ra sao thể hiện ngay ở dáng vẻ của nó. Nhảy lên nhảy xuống là biểu hiện nó đang thoải mái. So vai lại nghĩa là đang buồn. Yên lặng là tốt. Yên tĩnh thì cần được chú ý hơn. Khi trẻ ngờ vực, lo lắng, một cái ôm chặt là đủ Các cậu bé thường khó khăn hơn các cô bé rất nhiều trong việc thổ lộ vấn đề của mình. Giải pháp lúc đó không phải là bảo con nói ra khó khăn, mà hãy ôm chặt con trai. Nó sẽ có kết quả kỳ diệu. Ít phút sau, cậu bé sẽ lại nô đùa ầm ầm trở lại. Người dơi sống mãi Các cậu bé, dù còn rất nhỏ, đã nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh siêu nhiên. Chúng muốn giỏi như vậy và tin vào sự tồn tại của những thế lực thần kỳ trong thế giới. Những hoạt động thể chất “vớ vẩn” đều hoàn hảo với chúng Anh trai tôi và tôi từng thuyết phục hai con trai của anh ấy và cậu con lớn của tôi, khi ấy đều 10 tuổi, rằng chúng cần xây một ngôi nhà bằng đá. Các tảng đá ở đầu một bãi biển, nhưng địa điểm “xây nhà” lý tưởng lại ở đầu kia của bãi. Thế là theo lời khuyên của chúng tôi, lũ trẻ hì hục khuân những tảng đá nặng. Suốt buổi sáng, lũ trẻ mệt lử vì chuyển đá, xây nhà, còn chúng tôi được buổi sáng thanh bình. Thắng là quan trọng, nhưng không nhiều như bạn nghĩ Các cậu bé thường đặt mình vào áp lực mạnh mẽ phải thể hiện ở trường, trong các môn thể thao và trong những tình huống xã hội. Khi chúng nói ít về điều đó, thì có nghĩa là nỗi buồn thất bại thậm chí còn sâu sắc hơn. Với các cậu bé, điều quan trọng là nhấn mạnh về bài học thu được từ thất bại, thay vì cố gắng thắng bằng mọi giá. Vấn đề quần áo Các bé gái có nhiều lựa chọn về váy vóc hơn con trai, vì thế xu hướng của mọi người là quẳng cho thằng bé cái quần jean và áo sơ mi, rồi mặc kệ nó. Nhưng tốt hơn, bạn nên đảm bảo rằng chúng là quần jean đúng kiểu, áo đúng kiểu. Bởi vì cậu con trai sẽ muốn nó trông sành điệu, thoải mái. Đám đông, nhưng đừng đông quá Tôi để ý thấy con gái mình tỏa sáng khi tham gia vào một đám đông, dù đó là gia đình hay người lạ. Sức mạnh đồng loại cho nó năng lượng ấy. Với con trai thì lại ngược lại. Chúng xấu hổ và có xu hướng núp sau chân tôi. Tôi cố gắng bảo vệ chúng trong tình huống ấy và không đẩy chúng đi quá giới hạn. Giờ ngủ là quan trọng Vì trẻ trai rất hiếu động, nên khó mà bắt chúng ngồi yên. Thời gian tốt nhất trong ngày là 10 phút trước khi chúng đi ngủ. Bạn hãy vào giường với chúng, đọc sách và giữ chúng trong khi chúng rơi vào giấc ngủ.