Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Quân sự Việt Nam

1. SIPRI liệt kê số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu
Không quân
Trong năm 2010, Việt Nam đã ký kết với Canada một hợp đồng mua 6 thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter (biến thể Việt Nam đặt mua là DHC-6-400). Dự kiến những máy bay đầu tiên loại này sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ năm 2012 và sẽ hoàn thành giao đủ 6 máy bay đến năm 2014 (>> chi tiết).
Năm 2008, Việt Nam đã đặt mua của Romania 10 máy bay huấn luyện Yak-52. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011, nước bạn đã bàn giao đủ cho Không quân Việt Nam 10 chiếc Yak-52 theo hợp đồng.
Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Nga 8 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK/Flanker (biến thể Việt Nam đặt hàng là Su-30MK2V được tăng cường khả năng đánh biển) với giá trị từ 400-500 triệu USD, Nga đã hoàn thành bàn giao cho Việt Nam 8 máy bay này trong giai đoạn năm 2010-2011.
Tiếp tục tăng cường sức mạnh cho không quân, năm 2010 Việt Nam đặt mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2V với giá trị 1 tỷ USD, trong số 12 máy bay của hợp đồng này, Nga đã bàn giao 8 máy bay cho Việt Nam trong năm 2011, 4 máy bay Su-30MK2V còn lại dự kiến sẽ được bàn giao nốt trong năm 2012.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, hồi đầu 3/2012 vừa qua, một chiếc Su-30MK2V Nga sản xuất cho Việt Nam, trong quá trình bay thử nghiệm để chuẩn bị bàn giao đã bị rơi
Một số nguồn tin Nga cho rằng, có khả năng công ty Sukhoi sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 1 chiếc Su-30MK2V để giao đủ 4 máy bay còn lại cho Việt Nam mà không vi phạm thời hạn bàn giao trong hợp đồng.
Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 40 quả tên lửa không đối hạm Kh-31A1 trong tổng số 80 qủa đã đặt hàng từ năm 2009. SIPRI lưu ý rằng, số tên lửa này bao gồm cả biến thể tên lửa chống radar Kh-31P, và sẽ được trang bị trên các chiến đấu cơ Su-30MK2V.
Năm 2010-2011, Việt Nam đã nhận được 150 quả tên lửa không đối không tiên tiến R-73 (AA-11 Archer) trong tổng số 250 quả tên lửa loại này được đặt hàng từ năm 2009. Số tên lửa R-73 cũng dùng để trang bị trên các máy bay Su-30MK2V.
>> R-73, tên lửa không đối không số 1 của Nga
Giai đoạn 2009-2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 100 quả bom có điều khiển KAB-500/1500, trong tổng số 200 quả đã đặt hàng từ năm 2009.
Phòng không
Năm 1996, Việt Nam đã đặt mua của Nga 400 tên lửa phòng không vác vai di động Igla-l (SA-16 Gimlet), trong số 400 tên lửa này đã có 340 tên lửa được Nga bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999-2011.
Cũng theo SPIRI, biến thể tên lửa hải đối không Igla (định danh NATO là SA-N-10) mà Việt Nam đặt mua sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm BPS-500 (Ho-A), tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) và có thể cả tàu tên lửa Project 1241.1.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Ukraine 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga với tổng trị giá 54 triệu USD, thời điểm và thời hạn bàn giao chưa được SIPRI xác định. Tuy nhiên, một số nguồn tin nước ngoài cho biết Việt Nam đã nhận đủ 4 hệ thống radar này.
Hải quân
Giai đoạn năm 2008-2011, Việt Nam đã nhận được 83 tên lửa chống tàu Kh-35 Uran (SS-N-25) trong hợp đồng đặt hàng 400 tên lửa loại này từ năm 2004, tên lửa Kh-35 sẽ được trang bị và dự trữ cho hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 và các tàu tên lửa project 1241.8 của Hải quân Việt Nam (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P (mỗi hệ thống trang bị 36 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont) trong đơn đặt hàng được ký trước đó trong năm 2007 (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được đủ 40 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont trong hợp đồng đặt mua 40 tên lửa loại này (trị giá 300 triệu USD) được ký kết trong năm 2007, số đạn tên lửa này sẽ dự trữ cho hai hệ thống Bastion-P mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 40 tên lửa chống tàu 3M-54 Klub (SS-N-27) để dự định trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Kilo 636. Các tàu ngầm Kilo do Việt Nam đặt mua từ năm 2009 với trị giá từ 1,8-2,1 tỷ USD đang được đóng tại Nga và dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2014 - 2016/2017
Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tên lửa Project 1241.8 trong hợp đồng ký kết đóng 10 tàu loại này vào năm 2008, trong đó có 8 tàu được đóng tại Việt Nam theo giấy phép và dưới sự giám sát kỹ thuật của các kỹ sư Nga. Dự kiến 8 tàu Việt Nam tự đóng sẽ được hoàn thành đến năm 2016
Năm 2008, Việt Nam đã nhận được 4 động cơ tuốc bin khí DR-76 và 4 động cơ DR-77 trong hợp đồng mua 40 động cơ (mỗi loại 20 động cơ) được ký kết với Ukraina năm 2004, số động cơ này sẽ được lắp trên các tàu tên lửa Project 1241. Ngoài ra, năm 2011, Việt Nam đã nhận đủ 4 động cơ turbine gas DT-59 từ Ukraina để lắp trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên tại Nga.
Năm 2011, Việt Nam tiếp tục ký kết hợp đồng mua thêm 4 động cơ DT-59 để tiếp tục đóng thêm 2 chiến hạm lớp Gepard tại Nga (thuộc hợp đồng đóng thêm 2 tàu Gepard mới). Dự kiến, sau khi Nga tiếp tục hoàn thành đóng xong hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư cho Việt Nam, có khả năng dây chuyền sản xuất tàu lớp này sẽ được chuyển giao để Việt Nam có thể tự chủ chế tạo tàu chiến hiện đại trong tương lai
Giai đoạn năm 2011 - 2012, Việt Nam đã nhận được hai tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) trong hợp đồng đặt mua 4 tàu loại này được ký kết năm 2007 (>> chi tiết).
Với số lượng chủng loại vũ khí Việt Nam nhận được trong giai đoạn 2007 - 2011 do SIPRI thống kê, có thể nói tiềm lực quân sự Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong thời gian sắp tới, với việc tiếp tục nhận thêm các loại vũ khí chưa hoàn thành bàn giao và mới ký kết hợp đồng, năng lực tác chiến của Hải, Lục, Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên gấp bội.
2. Sư đoàn 370 - 'Lá chắn' bầu trời phía Nam
Sư đoàn Không quân 370 là một trong 3 sư đoàn chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam tổ quốc.
(ĐVO) Sư đoàn 370 được thành lập ngày 30/10/1975, lực lượng ban đầu chỉ gồm 46 máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-19 của trung đoàn 925 và một phi đội trinh sát cơ U-17 cùng những khí tài thu được của quân đội VNCH sau ngày giải phóng.
Theo sự phân công của quân chủng, sư đoàn đóng quân tại Đà Nẵng với nhiệm vụ tiếp thu các sân bay, kho xưởng tại quân khu 5. Đồng thời, đơn vị cũng chịu trách nhiệm bảo vệ vùng trời – biển khu vực miền trung và tham gia chiến dịch lớn sát cánh cùng Quân đội cách mạng Campuchia chiến đấu chống lại quân Khơ me đỏ.
Trong cuộc chiến đó, sư đoàn 370 đã lập nhiều chiến công lớn giúp Chính phủ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước, thoát họa diệt chủng. Và sau đó, đoàn cũng giúp nước bạn xây dựng trung đoàn không quân chiến đấu đầu tiên.
Cũng trong giai đoạn này, sư đoàn đã tham gia chi viện cho Chính phủ cách mạng Lào chống âm lưu lật đổ của các thế lực phản động.
Tháng 8/1987, đoàn 370 được điều về đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất với vai trò hết sức quan trọng là cùng với các lực lượng vũ trang khác đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ trên không, trên biển và đất liền.
Lúc này, cùng với những chuyển biến đi lên của đất nước sau Đại hội VI 1986, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp đặt ra vấn đề lớn đối với nước ta cần phải tái đầu tư cho lực lượng vũ trang đủ mạnh để bảo an ninh chính trị cho đất nước.
Trong đó, chúng ta đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng không quân mạnh bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển đảo của đất nước. Và sư đoàn 370 – lá chắn trời nam tổ quốc được ưu tiên hiện đại hóa, trang bị những khí tài tốt nhất để đáp ứng mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Sư đoàn không quân 370 biên chế với 3 trung đoàn thành lập cùng một ngày (21/7/1975):
Trung đoàn trực thăng 917
Trung đoàn 917 (đoàn Đồng Tháp) khi ra đời được trang bị phương tiện thu được của VNCH như trực thăng UH-1/CH-47, máy bay trinh sát U-17/L-19.
Ngay sau ngày thành lập không lâu, đoàn đã được điều động tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. Khi đó, đoàn đã cất cánh 195 lần tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Đơn vị bay trinh sát cất cánh 125 lần tìm mục tiêu cho cường kích A-37 và tiêm kích F-5 ném bom phá hủy sở chỉ huy địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề.
Ngày 28/8/1981, đoàn Đồng Tháp được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Giai đoạn 1982-1989, đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.
Đơn vị trực thăng đã chiến đấu 150 trận, đánh trúng 14 mục tiêu quan trọng của địch, tiêu diệt nhiều tên địch cùng phương tiện cơ giới. Trong nhiệm vụ vận tải, đoàn 917 vận chuyển 4.051 lần chuyến chở hàng, bộ đội.
Với những đóng góp không nhỏ, ngày 30/8/1989, trung đoàn 917 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ hai.
Cuối những năm 1980, hầu hết các máy bay thu được của quân VNCH rơi vào tình trạng thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế nên lần lượt bị loại khỏi biên chế.
Ngày nay, trang bị của đoàn 917 chủ yếu sử dụng trực thăng vận tải/vũ trang Mi-8/17 do Nga sản xuất và một số trực thăng UH-1 – được khôi phục hoạt động trở lại sau những năm 1990 (>> chi tiết).
Trung đoàn tiêm kích 935
Trung đoàn 935 (đoàn Biên Hòa) ngay khi mới thành lập đã cùng với đoàn 917 tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam với vũ khí trang bị (tiêm kích F-5, cường kích A-37) thu được của địch.
Đoàn 935 đã đánh 105 trận, phá hủy 12 sở chỉ huy cấp trung – sư đoàn của địch, đánh chìm đánh hỏng 17 tàu chiến, phá hủy 15 trận địa pháo, đánh thiết hại 2 quân cảng, 2 bến phà, 5 sân bay.
Trong cuộc chiến giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, chi viện hỏa lực tích cực cho bộ binh ta tiến công.
Ngày nay, với vai trò quan trọng bảo vệ vùng trời vùng biển phia nam tổ quốc, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa. Đoàn 935 được Đảng, Nhà nước và Bộ quốc phòng ưu tiên trang bị chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới Su-30MK2V.
Su-30MK2V có khả năng thực hiện nhiệm vụ đối không, đối đất, đối hải bằng vũ khí chính xác cao, sức công phá mạnh, tầm bắn xa
Trung đoàn tiêm kích 937
Trung đoàn 937 (đoàn Hậu Giang) khi mới thành lập, vị trí đóng quân của đoàn ở sân bay Cần Thơ, tiếp nhận sử dụng khí tài thu được của địch sau giải phóng.
Trong các ngày 11-12-13/6/1975, trung đoàn 937 đã tham gia đánh giải phóng các đảo ở phía Tây Nam tổ quốc. Những người phi công đã bình tĩnh, xử lý bay thấp, ném bom chính xác tiêu diệt nhiều mục tiêu phòng thủ của địch trên đảo, tạo điều kiện cho hải quân, đặc công tiến công giải phóng đảo.
Từ tháng 4/1977-2/1979, trung đoàn 937 đã tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đoàn đã xuất kích 500 lần chuyến, phá hủy 6 sở chỉ huy của địch, 9 trận địa pháo, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch.
Tháng 5/1988, đoàn được điều động về đóng quân tại sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Ngày nay, trung đoàn trang bị các máy bay tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22M4. Đây là biến thể cuối cùng của dòng Su-22, nâng cấp với hệ thống điện tử mới cho phép nó trang bị vũ khí chính xác cao đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không, đất liền, trên biển.
Không phụ sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây sư đoàn 370 đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ chiến đấu, hàng nghìn tấn hàng hóa cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Tây Nam – Trung Bộ, thực hiện nhiều chuyến bay chuyên cơ đưa lãnh đạo cấp cao Bộ quốc phòng thị sát đảo, tình hình sẵn sàng chiến đấu các đơn vị.
Đoàn thường xuyên thực hiện chuyến bay tuần tra bảo vệ biển, trinh sát, chụp ảnh trên biển Đông và vùng biển Tây Nam. Các máy bay đoàn 370 tham gia hoạt động diễn tập bắn đạn thật với các lực lượng vũ trang quân khu 5, 7, 9

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

3 điều bạn không bao giờ nên làm hộ con mình

Không bao giờ là quá sớm để dạy con tính tự lập. Nếu bạn muốn bé tự đứng trên đôi chân của mình, hãy để bé tự chuyển mình từ một đứa trẻ nhạy cảm thành một người lớn có trách nhiệm. Dưới đây là 3 việc bạn không nên làm hộ con:

1. Bài tập về nhà
Đã bao nhiêu lần bạn trông thấy các bậc cha mẹ làm hộ bài tập về nhà cho con họ?

Bạn cũng có thể như vậy. Đầu tiên, bạn lắc đầu thông cảm, và kế tiếp là cầm bút viết hộ con bài luận khó nhằn. Nhưng coi chừng, con bạn sẽ gặp rắc rối với điều đó.

Những tiếng rên rỉ "Con không làm được đâu!" có thể làm mềm lòng bất cứ bậc phụ huynh cứng rắn nào. Đôi khi, làm luôn bài hộ con dễ dàng hơn nhiều với việc nghe chúng mè nheo. Nhưng trước khi đặt bút xuống, bạn hãy nhìn, và lắng nghe kỹ. Con bạn trước tiên nên thử làm một mình đã.

Nếu bé không hiểu đề bài, hãy dành thời gian xem kỹ câu hỏi. Hỏi con bạn xem bé có hiểu câu hỏi nghĩa là gì không. Nếu có thể, cho bé các ví dụ về cách giải quyết vấn đề. Tránh giải hộ luôn bài cho con. Một khi bạn cảm thấy bé đã hiểu vấn đề, hãy để bé ngồi vào bạn tự kết thúc bài tập.

Đừng ngồi bên kè kè khi bé đang làm bài tập về nhà, vì bé sẽ có xu hướng hỏi thêm sự hỗ trợ nữa.

Việc tự làm bài tập về nhà sẽ giúp bé thêm tự tin và tự trọng. Không gì có thể so sánh nổi với cảm giác chinh phục mà con bạn có được, khi bé đã "A" lên.

2 - Nói hộ chúng
Quá dễ dàng để mớm lời cho trẻ. Nhưng trẻ cần phải tự mình tiến bộ. Trong nhiều trường hợp, trẻ không thể bày tỏ được mong muốn của bản thân, hoặc trẻ muốn cha mẹ là người phát ngôn cho chúng. Dù dù là để yêu cầu đứa trẻ hàng xóm chơi cùng mình, hoặc yêu cầu một cốc nước trong nhà hàng, hãy khuyến khích trẻ sử dụng lời nói của chúng.

Thật dễ dàng cho bạn khi làm hộ trẻ mọi việc, nhưng liệu bé có thấy được sự tự tin nếu bé cả đời chưa hề được tự nói lên ý nghĩ của mình? Tất nhiên, những khi bé gặp nguy hiểm, bạn cần can thiệp, nhưng nếu mọi việc chẳng có gì đáng ngại, hãy khuyến khích con tự giải quyết xung đột với các bạn trong lớp, chẳng hạn.

3 - Chọn bạn
Rất tự nhiên là bậc cha mẹ nào cũng muốn chọn bạn cho con - chẳng hạn cậu bé ngọt ngào ở trường hôm chủ nhật, hay cô bé xinh xắn trong sân trường. Trong thâm tâm, bạn nghĩ mình biết điều gì - và ai - là tốt nhất cho con. Và bạn có thể làm điều đó.

Nhưng đây cũng là một trong những bài học trẻ cần tự trải nghiệm. Dù bạn có can thiệp trong những năm đầu đời bằng các cuộc hẹn cho con, nhưng con bạn vẫn có khuynh hướng tự chọn bạn cho mình khi bé lớn lên. Đây là điều bạn cần phải chấp nhận.

Đơn giản là người có thể kết thân với bạn chưa chắc là người mà con bạn thích chơi cùng. Vì thế, điều đầu tiên là đừng ép buộc chúng. Con bạn có thể sẽ nổi loạn nếu bạn ép cháu dành thời gian cho người mà bé không quan tâm.

Tất nhiên, không có gì sai nếu bạn giới thiệu với con những gương mặt mới, nhưng hãy để bé chọn lựa có kết thân hay không.

Sau cùng, trách nhiệm của bạn là hãy để mắt đến các bạn bè của con mình, sao cho chúng có những giá trị tương đồng. Nói cách khác, bạn có thể muốn ngăn cản con chơi với những đứa trẻ hay chửi thề, hành vi xấu hoặc có thói quen mà bạn không muốn con mình tập nhiễm.

T. An

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Để trẻ đạt chiều cao lý tưởng

Trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ tăng cân tốt trẻ có thể đạt chiều dài lúc sinh là 48-53 cm. Khác nhau 1cm sơ sinh có thể khác 10cm khi trưởng thành.
> Dinh dưỡng tốt giúp tăng chiều cao cho trẻ / Canh cánh nỗi lo con lùn
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có một chiều cao lý tưởng. Một số người cho rằng chiều cao phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên, thực tế, chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.
Dưới đây, Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tư vấn một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ:
1. Yếu tố dinh dưỡng trong các giai đoạn quan trọng
- Giai đoạn bào thai:
Chỉ trong vòng 9 tháng 10 ngày, nếu mẹ tăng cân tốt trẻ có thể đạt chiều dài lúc sinh là 48-53cm, làm nền tảng tốt cho sự tăng trưởng chiều cao sau khi sinh. Khác nhau 1 cm sơ sinh có thể khác 10 cm khi trưởng thành.
Sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như: thiếu máu, protein, sắt, folate, B12... trong thời kỳ bào thai ảnh hưởng tới tỷ lệ bệnh tật, sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng bào thai và khiếm khuyết ống thần kinh của trẻ sơ sinh.

+ Giai đoạn dưới 3 tuổi:

Năm thứ nhất, trẻ tăng 25cm (là năm tăng trưởng nhanh nhất trong cuộc đời của trẻ). Năm thứ hai và thứ 3: mỗi năm tăng 10cm.
Cơ thể trẻ cần các chất dinh dưỡng để cấu tạo, phát triển cơ thể cũng như để hoạt động. Vì vậy, trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng, với 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, khoáng chất.
Chiều cao có thể phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của bộ xương, vì vậy ngoài ngoài protein, còn rất nhiều loại vitamin và khoáng chất có liên quan. Trong đó, vitamin D, canxi và photpho là quan trọng hơn cả.
Vitamin A, sắt và kẽm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao.

- Giai đoạn dậy thì:

Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì sẽ có một năm chiều cao tăng vọt 10-12cm nếu trẻ được chăm sóc tốt, nhưng không thể dự đoán được chính xác đó là năm nào. Sau dậy thì, cơ thể vẫn còn tiếp tục cao nhưng tổng cộng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của giai đoạn dậy thì.
Ngoài ra, dậy thì sớm cũng ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ. Khi trẻ bắt đầu dậy thì, xương phát triển mạnh nhưng đầu xương cũng nhanh chóng đóng lại khi trẻ dậy thì hoàn toàn. Trẻ dậy thì sớm có xu hướng lớn nhanh trong giai đoạn dậy thì nhưng sau đó lại không cao lên nữa khiến trẻ thấp hơn bạn bè khi trưởng thành.
2. Bệnh tật ở trẻ
- Các loại bệnh mãn tính và bẩm sinh như: tim bẩm sinh, đau dạ dày... cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển chiều cao của bé.

- Mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị giảm sút chiều cao.

Một nghiên cứu của Brazil trên 119 trẻ trong 10 năm cho thấy, trong 2 năm đầu đời nếu trung bình trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì lúc lên 7 tuổi, trẻ sẽ thấp hơn 3,6cm so với bạn cùng nhóm tuổi không nhiễm bệnh. Còn nếu trẻ bị giun đường ruột thì lúc lên 7 tuổi sẽ thấp hơn các bạn khác không nhiễm giun 4,6 cm.
Như vậy, trẻ có nguy cơ sút giảm tới 8,2 cm chiều cao nếu vừa bị tiêu chảy và vừa có giun sán trong người.
3. Các hoạt động thể chất
- Tập luyện thể thao là yếu tố quan trọng trong việc phát triển chiều cao của bé. Bởi vận động giúp hệ tuần hoàn ổn định, cải thiện và giúp xương phát triển tốt. Trẻ được chơi các môn thể thao như: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bơi lội... thường cao hơn.

- Cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ vận động, luyện tập ít nhất một giờ mỗi ngày.
4. Tình trạng giấc ngủ
Với trẻ, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và nó ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao.

- Trẻ sơ sinh thường ngủ 22 tiếng, 2-6 tháng cần ngủ 15-18 tiếng, 6-18 tháng ngủ đủ 13-15 tiếng, 18 tháng đến 3 tuổi nên ngủ 12-13 tiếng và trẻ từ 3 đến 7 tuổi nên ngủ 11-12 tiếng mỗi ngày.

- Nên cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ đêm, một giấc ngủ sâu từ 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hoócmôn tăng trưởng cao nhất.
5. Yếu tố môi trường và xã hội
- Khoảng 20% chiều cao phụ thuộc vào môi trường ở đâu và điều kiện sống như thế nào.

- Chiều cao phụ thuộc vào sự tăng trưởng của xã hội về dịch vụ chăm sóc sức khỏe có sẵn, giáo dục về dinh dưỡng, thực phẩm có sẵn. Điều này giải thích tại sao chiều cao trung bình ở các nước phát triển cao hơn so với các quốc gia khác.

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Họa phúc người sinh năm Thìn tùy theo năm :

Tuổi Thìn gặp năm Tý, vượng tài, kinh doanh thuận lợi, cuối năm hao tồn lớn.
- Tuổi Thìn gặp năm Sửu, mọi việc tốt đẹp, mưu sự dễ thành, chỉ bị tai tiếng nhẹ.
- Tuổi Thìn gặp năm Dần, rồng hổ giao tranh, đi xa cầu danh lợi.
- Tuổi Thìn gặp năm Mão, bất lợi, buồn phiền.

- Tuổi Thìn gặp năm Thìn, thuận cho việc học nghề, mọi việc bình thường.
- Tuổi Thìn gặp năm Tỵ, bình thường.
- Tuổi Thìn gặp năm Ngọ, bất lợi, thăng trầm bất định.
- Tuổi Thìn gặp năm Mùi, dễ đi tới hôn nhân.

- Tuổi Thìn gặp năm Thân, dễ bị bạn bè phản bội.
- Tuổi Thìn gặp năm Dậu, nhiều chuyện hiếu hỉ, bệnh nhẹ, hao tốn vừa phải.
- Tuổi Thìn gặp năm Tuất, mưu sự bất lợi.
- Tuổi Thìn gặp năm Hợi, thuận lợi, vạn sự như ý.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo tháng sinh :
- Tuổi Thìn sinh tháng Giêng, tiết Lập Xuân, có tài không đất dụng võ, luôn luôn phiền muộn.
- Tuổi Thìn sinh tháng Hai, tiết Kinh Trập, mưu sự dễ thành, nhiều việc như ý, nổi danh uy quyền, được người kính nể.
- Tuổi Thìn sinh tháng Ba, tiết Thanh Minh, có tài được trọng dụng, nhiều cơ hội may mắn, như rồng gặp may, dễ thăng tiến.
- Tuổi Thìn sinh tháng Tư, tiết Lập Hạ, có chí lớn, danh lợi song thu, lập nên công trạng.
- Tuổi Thìn sinh tháng Năm, tiết Mang Chủng, nhu Giao Long xuống biển tha hồ vùng vẫy lập công, danh lợi thăng tiến, vạn sự hanh thông.
- Tuổi Thìn sinh tháng Sáu, tiết Tiểu Thử, khốn khổ, thành bại bất định, tiến thoái lưỡng nan, khó bề như ý.
- Tuổi Thìn sinh tháng Bảy, tiết Lập Thu, mưu sự dễ thành, có tài trí, chăm chỉ hành nghề, biết tiến biết thoái.
- Tuổi Thìn sinh tháng tám, tiết Bạch Lộ, nhiều tài trí, thích giao du, nuôi chí lớn, táo bạo, nhiều cơ may thành đạt.
- Tuổi Thìn sinh tháng Chín, tiết Hàn Lộ, mưu sự như ý, tính cương trực nóng nảy, không chịu bị khinh thường, ít được bình an.
- Tuổi Thìn sinh tháng Mười, tiết Lập Đông, có năng lực nhưng lười biếng, không kiên tâm bền chí, khó thành sự nghiệp.
- Tuổi Thìn sinh tháng Mười Một, tiết Đại Tuyết, có chí nhưng không thể vùng vẫy, có làm không hưởng, nhiều khi bế tắc.
- Tuổi Thìn sinh tháng Chạp, tiết Tiểu Hàn, có tên tuổi chí khí, nhưng cuộc sống thanh tao là chính.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo ngày sinh :
- Tuổi Thìn sinh ngày Tý, mệnh có Tướng Tinh, sự nghiệp thuận lợi, nhiều cơ hội thăng tiến.
- Tuổi Thìn sinh ngày Sửu, có Phúc Tinh chiếu mệnh, hưởng phúc tổ tiên.
- Tuổi Thìn sinh ngày Dần, có mệnh Dịch Mã, ắt làm ăn ở phương xa.
- Tuổi Thìn sinh ngày Mão, thăng trầm bất định, buồn nhiều hơn vui.
- Tuổi Thìn sinh ngày Thìn, mệnh có sao Hoa Cái, dễ thành thợ giỏi, thông hiểu cổ kim, tính tình kín đáo.
- Tuổi Thìn sinh ngày Tỵ, có sao Thái Dương chiếu mệnh, mưu dự dễ thành, dễ được quý nhân giúp đỡ.
- Tuổi Thìn sinh ngày Ngọ, thành bại bất định, gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
- Tuổi Thìn sinh ngày Mùi, gặp nhiều gian nan, nguy hiểm.
- Tuổi Thân sinh ngày Thân, mưu sự dễ thành.
- Tuổi Thìn sinh ngày Dậu, bình thường.
- Tuổi Thìn sinh ngày Tuất, nghèo khó vì Thìn, Tuất đối xung.
- Tuổi Thìn sinh ngày Hợi, vợ hiền đảm, mưu sự dễ thành, gặp hung hóa cát.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo giờ sinh :
- Tuổi Thìn sinh giờ Tý, tam hợp Thân, Tý, Thìn, sự nghiệp, danh lợi đều khá, tuy có đổ vỡ, nhưng cuối cùng thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Sửu, mưu sự dễ thành, vui tươi mỹ mãn, biết tiến thoái.
- Tuổi Thìn sinh giờ Dần, sao Dịch Mã ở mệnh, nay đây mai đó, hành sự phải thận trọng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Mão, Mộc Mão khắc Thổ Thìn, nhiều bệnh, thăng trầm bất định.
- Tuổi Thìn sinh giờ Thìn, gia đạo đề huề, no đủ, mưu sự dễ thành.
- Tuổi Thìn sinh giờ Tỵ, Hỏa Tỵ sinh Thổ Thìn, mọi sự thuận lợi, tai họa không đáng kể, dễ sinh đèo bòng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Ngọ, tính nôn nóng, thăng trầm bất định, hình sự thận trọng mới hy vọng thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Mùi, nhiều trắc trở, hao tốn, vất vả mới thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Thân, Thổ Thìn sinh Kim Thân, kinh doanh phát đạt, tiền tài dư dả, thận trọng với bạn hàng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Dậu, sao Đào hoa ở mệnh, tài lợi đều khá, dễ sinh đèo bòng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Tuất, nhiều trắc trở.
- Tuổi Thìn sinh giờ Hợi, đại cát đại lợi.
Theo: Phong thủy Trung Quốc

Chiêm nghiệm vui về người tuổi Thìn

Trong 12 con giáp, rồng (Thìn) là con giáp duy nhất không có thật, nhưng lại được mô tả có sức mạnh vô song. Trong ngày đầu xuân, mời độc giả xem những chiêm nghiệm vui về người tuổi Thìn.
Đoán thử tính cách
Sách tử vi nói người tuổi Thìn (rồng) khoan dung, đại lượng, tràn trề sinh lực, rất thông minh, kiên trì và vị tha. Họ thường là tâm điểm trong đám đông và thành công khá dễ dàng trong cả cuộc sống riêng tư lẫn công việc. Họ là người có thể gánh vác những trọng trách lớn. Đối với họ, việc nào càng khó, họ càng có hứng thú. Nhược điểm là vì có tiềm lực lớn nên khi làm một việc gì đó, người tuổi Thìn ưa khua chiêng gõ trống rầm rộ. Đây là lý do để đôi khi họ phải nhận những sự gièm pha không cần thiết. Tuy nhiên nếu ai đó muốn “khiêu chiến” trực diện với người tuổi Thìn thì quả là hết sức sai lầm, vì rất dễ bị đè bẹp.
Người tuổi Thìn có tính khí nóng nảy, cuồng nhiệt, chất chứa nhiều khát vọng, hoài bão lớn nhưng không xảo quyệt, mưu mô. Họ luôn thẳng thắn trình bày quan điểm của mình và hay kiêu hãnh về bản thân, tuy sự kiêu hãnh này đôi lúc quá mức cần thiết. Người tuổi Thìn có khả năng gánh vác những công việc lớn. Cuộc sống của người tuổi Thìn thường khá sung túc, nhưng họ cũng không quá ham thích kiếm tiền.
Người tuổi Thìn thích mình nói cho người khác nghe hơn là thích nghe người khác nói. Tuy nhiên họ vẫn là người biết trên, biết dưới, sống hiếu thuận, sẵn sàng giơ tay giúp đỡ kẻ yếu thế.
Tuổi Thìn thường hướng ngoại, họ không mấy khi để tình cảm xen vào công việc. Tổ ấm của người tuổi Thìn thường khác với các tuổi khác, ở đó sự uy nghiêm, trang trọng phải đặt lên hàng đầu. Người tuổi Thìn cũng luôn có mục đích sống rõ ràng.
Nam giới sinh tuổi Nhâm thìn (1952, 2012) thuộc mệnh Trường lưu thủy (nước chảy dài). Về cuộc sống của người tuổi này, nếu sinh vào tháng 6, 7, 11 âm lịch thì cả công việc lẫn gia trung đều tốt đẹp, đề huề. Sinh vào các tháng còn lại dễ bị trắc trở về đường tình duyên. Nam tuổi Nhâm Thìn trong làm ăn rất hợp các tuổi Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất. Còn trong tình duyên thì ngoài 3 tuổi trên, có thể chọn tuổi Canh Dần.
Nữ giới tuổi Nhâm Thìn cũng thuộc mệnh Trường lưu thủy, cuộc đời tiền vận, trung vận, hậu vận đều tốt, đặc biệt từ tiền tài, danh vọng sẽ đến từ khoảng 34 tuổi trở đi. Nữ tuổi Nhâm Thìn trong làm ăn hợp với các tuổi Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất.
Tuổi Nhâm Thìn mang mệnh “nước sông dài”, rồng gặp nước là điều vô cùng tốt nên phỏng đoán chung tuổi này dễ thành đạt, có vị trí trong xã hội.

Đặt tên gì cho con?

Nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn về việc đặt tên cho con sinh ra trong năm nay, sao cho hợp với ngũ hành để hy vọng bé lớn lên sẽ thành đạt, vinh hiển. Năm Nhâm Thìn mệnh là Trường lưu thủy, xét theo tương sinh trong ngũ hành thì các tên có chứa bộ chữ thuộc hành Kim, Thủy, Mộc nên chọn, tránh hành khắc là Thổ, Hỏa (do việc đặt tên theo phong thủy khá phức tạp, do vậy nếu là người cầu kỳ thì nên nhờ người am hiểu lĩnh vực này tư vấn).
Một số người đã đưa ra các gợi ý về tên. Ví dụ hành kim có các tên: Bảo, Cẩm, Châm, Chinh, Cương, Chí, Hiền, Cường, Kim, Linh, Loan, Ngân, Hoàng, Giáp, Đồng, Liêm, Luyện, Phong, Quân...; Hành Thủy có Băng, Bích, Bình, Giang, Hà, Hải, Hiệp, Lam, My, Nguyên, Thanh, Tuyết, Thắng, Triều, Vũ...; Hành Mộc là Bách, Dương, Hạnh, Mai, Lê, Liễu, Kiệt, Lâm, Phương, Lương, Thư, Xuân v.v... Người xưa thường nói “Rồng gặp nước” sẽ thành công, do vậy bạn nên lưu ý bộ thủy trong tên của con mình sẽ phát huy hết sở trường của mình.
Nếu là người không rành về ngũ hành, phong thủy và cũng không cầu kỳ thì cần lưu ý, do rồng là biểu tượng của sự dũng mãnh nên nếu là con trai hãy chọn những cái tên thể hiện sự can trường, uy dũng, tránh những tên yếu ớt hạ thấp vị thế của con rồng. Nếu là con gái, do rồng thường bay lượn trên không nên những tên như Vân, Nhi, Ý, Nguyệt... cũng khá phù hợp.
Rồng còn được coi là vật tối linh tối thượng trong văn hóa truyền thống phương Đông. Do vậy, những chữ như: Đại, Vương, Quân, Ngọc, Trân, Châu, Cầu, Lâm, Ban, Chương, Quỳnh, Thái, Thiên, Vượng... có thể giúp tăng vận tốt của người tuổi Thìn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn khi đặt tên cho con là phải thể hiện được khát vọng tốt đẹp của cha mẹ, gia đình, đặc biệt đứa trẻ phải được nuôi dạy, chăm chút thường xuyên, nếu không có những yếu tố này thì dù tên có đẹp đến mấy, đúng ngũ hành, phong thủy đến mấy cũng chẳng giúp ích gì
Nhâm Thìn: Trường Lưu Thủy (nước sông dài)
Giáp Thìn: Phúc Đăng Hỏa (lửa đèn thờ)
Bính Thìn: Sa Trung Thổ (đất pha cát)
Mậu Thìn: Đại Lâm Mộc (cây rừng lớn)
Canh Thìn: Bạch Lạp Kim (vàng chân đèn)
Hậu duệ của Rồng
Rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam. Người Việt coi mình là hậu duệ của “con rồng, cháu tiên” (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ). Vua chúa thì lấy hình ảnh con rồng làm biểu tượng cho mình. Có rất nhiều từ gắn với chữ long: long thể (thân thể nhà vua), long bào (áo), long mão (mũ) long ngai (ghế), long sàng (giường), v.v... Thậm chí có những triều đại đã xăm hình ảnh rồng lên đùi các vị vua, đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) tục này mới chấm dứt. Rồng còn được xếp đứng đầu hàng tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sở dĩ như vậy là bởi rồng là linh vật biểu trưng cho sức mạnh, sự uy nghiêm và tôn quý.
Rồng có mấy loại?
Rồng qua mỗi thời kỳ lại mang những vóc dáng khác nhau. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân có vẩy, lưng có vây, uống cong nhiều vòng uyển chuyển, có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong, nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng vờn viên ngọc. Mào rồng hình ngọn lửa. Trên trán rồng có hoa văn giống hình chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.
Rồng thời Trần xuất hiện thêm cặp sừng, đôi tay. Đầu uy nghi, thân rồng tròn, uốn khúc nhẹ, lưng võng. Đuôi rồng khi thẳng, nhọn, khi thì xoắn ốc. Vảy rồng lúc thì giống những cánh hoa, xếp đều đặn, có lúc chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê (thế kỷ XV) mũi to, đầu to, bờm lớn, hất ngược ra sau, không có mào lửa. Thân rồng uốn lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại, rất dữ tợn.
Thời Trịnh - Nguyễn, rồng được dân gian hóa, lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh rồng mẹ quây quần cùng đàn rồng con hay rồng đuổi bắt mồi... Sau thời này, rồng được quay lại uy nghi như trước. Đầu rồng to, sừng ngược ra sau, mắt mũi rất to, miệng há lộ răng nanh