Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Biển Đông cuộn sóng.

1. Quân đội Nhật Bản có thể đóng quân dài hạn tại Philippines Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ ngày 23/4, hai bên đã đạt được sự nhất trí chung về việc cùng sử dụng một căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, trong thời gian tới Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể hiện diện quân sự lâu dài tại một căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Trong cuộc đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận, ngoài căn cứ quân sự của Mỹ tại phía Bắc quần đảo Mariana, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sự dụng được cả căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Palawan hoặc Luzon của Philippines. Vấn đề này sẽ được ba nước đang tiến hành thương lượng trong thời gian tới. Cùng với đó, quân đội Mỹ đã sẵn sàng di dời căn cứ quân sự trên đảo Okinawa đến các căn cứ tại Hawaii, Guam và thành phố Darwin của Australia. Trong những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày càng muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở nước ngoài. Nhật Bản cho rằng, việc Lực lượng Phòng vệ của nước này muốn gửi quân sang nước ngoài với mục đích hỗ trợ huấn luyện cùng các nước. 2. Báo Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị đánh Philippines Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng kêu gọi sẵn sàng tấn công Philippines, giữa lúc hai bên đang căng thẳng trên biển Đông. Đó là nội dung của bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu ngày 21.4 và được tờ The Philippines Star dẫn trích lại vào hôm qua. Bài viết được đăng trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila đối với bãi cạn Scarborough trên biển Đông, vốn bùng phát từ ngày 8.4, chưa lắng dịu. Hiện tại, 2 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện tại khu vực trên, Philippines thì “hằm hè” bằng 1 tàu tuần duyên. Theo đó, bài bình luận có đoạn: “Trung Quốc không chỉ bảo vệ đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi Scarborough - NV) mà còn phải đối phó với thế lực bên ngoài muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của chúng ta”. Bài viết còn lên giọng: “Trung Quốc cần sẵn sàng ứng chiến một cuộc xung đột quy mô nhỏ trên biển với Philippines. Trung Quốc phải hành động cương quyết và đưa ra thông điệp rõ rằng Bắc Kinh dù không muốn nhưng chẳng sợ tiếng súng”.Cũng trong ngày 21.4, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung với Philippines đang diễn ra. Bài viết cho rằng đợt tập trận mang tên Balikatan giữa Mỹ - Philippines “đã thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp biển Đông”. Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn khẳng định động thái trên không nhằm vào Trung Quốc. Tham gia Balikatan lần này, các binh sĩ hai nước thực hiện bài diễn tập chưa có tiền lệ là tái chiếm các giàn khoan dầu từ tay kẻ địch ở ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, theo Kyodo News. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 23.4 lên tiếng kêu gọi các nước láng giềng dè chừng thái độ ngày càng có tính gây hấn của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố Manila sẽ đưa vấn đề tranh chấp Scarborough vào nghị trình hội đàm với giới chức Mỹ diễn ra vào tuần tới. AFP dẫn lời ông Hernandez cảnh báo: “Những gì đang diễn ra ở Scarborough cho thấy mối đe dọa tiềm ẩn không chỉ đối với Philippines mà cả những nước muốn có sự tự do đi lại và thương mại ở biển Đông”. Trước đó, tờ Business Mirror dẫn lời tướng Juancho Sabban, quan chức quốc phòng Philippines, nhấn mạnh quân đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người dân nếu Trung Quốc tấn công. 3. Giới phân tích: Các siêu cường tranh giành biển Đông Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn không cho các cường quốc khác dính líu hay can thiệp gì vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của nước này. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp ở khu vực Biển Đông với một loạt nước và vùng lãnh thổ. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Chính vì thế, các cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này luôn diễn ra quyết liệt và nóng bỏng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây Mỹ đã không còn ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Washington gần đây đã có nhiều động thái can thiệp trực tiếp vào những cuộc tranh chấp ở khu vực thay vì chỉ gián tiếp mập mờ như trước đây. Mỹ chắc chắn là cường quốc mà Trung Quốc muốn ngăn không cho tiếp cận vào vấn đề Biển Đông nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cường quốc số 1 thế giới đã từng bước “dính líu” sâu hơn vào những tranh chấp ở khu vực biển giàu tài nguyên này. Ban đầu, Mỹ chỉ đưa ra những tuyên bố đầy tính ám chỉ về việc sẽ đứng về phía Manila trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, kể từ sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền quyết liệt giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông hôm 8/4 vừa rồi, Washington đã có nhiều bước đi và động thái mạnh mẽ hơn và công khai hơn. Mỹ đã đưa hàng nghìn quân và hàng loạt tàu chiến đến vùng tranh chấp của Philippine để tập trận cùng với nước đồng minh của mình đúng thời điểm Trung Quốc và Philippine đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Dù cả Manila và Washington đều khẳng định cuộc tập trận này không liên quan gì đến Trung Quốc nhưng việc hai nước tiến hành các cuộc diễn tập tái chiếm đảo, tái chiếm dàn khoan không thể không khiến Bắc Kinh lo ngại và bất an. Nhiều người lo ngại, vùng lãnh hải mà Trung Quốc coi là sân sau của họ sẽ sớm trở thành sân chơi mới của hai cường quốc hàng đầu thế giới và rất có thể sẽ trở thành một vùng chiến mới. Một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã gọi Biển Đông là “điểm nóng tiềm năng”, nơi sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường quốc hàng đầu thế giới. Các siêu cường thế giới đều thèm muốn được kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng này. 1/3 giao thương của thế giới được cho là đi qua những tuyến đường ở Biển Đông. “Khi căng thẳng tiếp tục ‘sôi’ lên ở Biển Đông và hàng loạt tàu chiến kéo đến khu vực thì tôi nghĩ rằng, việc xảy ra một cuộc xung đột trên biển gây thương vong chỉ còn là vấn đề thời gian”, nhà nghiên cứu trên đã nhận định như vậy. Không cường quốc nào muốn Trung Quốc tự do chiếm lĩnh một khu vực hàng hải quý giá như Biển Đông. Và những cường quốc này có được sự ủng hộ của các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Một số nước có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc đang tìm cách “quốc tế hóa” những cuộc tranh chấp này. Đây là điều Bắc Kinh rất sợ. Trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Philipine và Trung Quốc, Manila đã liên tục yêu cầu đưa cuộc tranh chấp của họ với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế để giải quyết nhưng Bắc Kinh kiên quyết phản đối điều này. Philippine rõ ràng rất muốn kéo Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Sự đối đầu của hai cường quốc ở đây chắc chắn sẽ có lợi cho Philippine. Điều này lý giải tại sao Manila trở lên mạnh bạo hơn trong cuộc đối đầu mới nhất với Bắc Kinh. Bất chấp những lời đe dọa, cảnh báo đầy sắc lạnh của giới lãnh đạo dân sự cũng như quân sự Trung Quốc, Philippine kiên quyết không chịu lùi bước. Nước này thậm chí còn đưa cả tàu chiến lớn nhất của mình ra đối đầu với tàu chiến của Trung Quốc. Manila tin rằng, với sự có mặt của một cường quốc quân sự mạnh như Mỹ, Bắc Kinh cũng phải e dè khi có bất kỳ động thái cứng rắn nào. Tuy nhiên, Philippine và Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục đối đầu nhau trong thế giằng co, kéo dài. Như vậy, Biển Đông được dự báo sẽ là một điểm nóng của thế giới trong thời gian tới và khu vực biển này sẽ còn nhiều lần “dậy sóng”.