Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Học sinh Nhật: Không sợ bẩn, ngã và không ngại nắng

Trong nhà trường Nhật có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao dành cho học sinh: ngày chạy marathon dành cho các cấp học, ngày hội thể thao Undo Kai… Ngày hội thể thao là một ngày rất quan trọng, được tổ chức mỗi năm một lần ở các trường học Nhật Bản từ mẫu giáo trở đi. Chỉ một số môn đơn giản và tạo niềm vui, động lực cho cả tập thể tham gia như chạy 50m cho học sinh lớp 1; 60m cho học sinh lớp 2-3, 80m cho học sinh lớp 4; 100m cho học sinh lớp 6… nhưng đây là ngày được trông đợi của tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Quan trọng nhất không phải thắng thua mà là cố gắng hết mình Điều đặc biệt của việc dạy thể chất ở Nhật là: không thi đua, không thành tích, không tính điểm, không khống chế thời gian. Giáo viên chỉ xếp các thang đánh giá: làm được, làm rất tốt, cần cố gắng… Điều quan trong nhất mà người ta dạy học sinh là phải cố gắng hết sức mình, không bao giờ được bỏ cuộc. Phải chạy, chạy, chạy, nhanh hay chậm tùy sức từng người, nhưng không được phép lười biếng đi bộ. Kể cả những em khuyết tật cũng được khuyến khích chạy hết phần đường của mình, dù mất bao nhiêu thời gian. Vì không bị sức ép nên học sinh thích hoạt động, và phấn khởi khi mình hoàn thành bài tập dù không phải là người chạy nhanh nhất, thậm chí là người cuối cùng cán đích. Dù thời tiết ngoài trời là 7 độ C, nhưng các em học sinh cũng chỉ mặc áo cộc quần cộc, đứng co ro trong gió lạnh, trong khi bố mẹ mặc quần áo ấm to sù sụ. Chỉ sau ít phút khởi động, các con đã trở nên linh hoạt, tươi vui vì cơ thể ấm lên nhanh chóng. Ở Nhật, mùa đông học sinh cũng chỉ mặc áo dài tay, quần cộc hoặc dài, trên đường đi có mặc áo khoác nhưng đến lớp là cất áo để chạy nhảy. Các cô giáo luôn khuyến cáo không cho các con mặc quá ấm, sẽ làm cho người khó vận động, gây sự lười biếng. Phụ huynh Nhật cũng không ngại cho con phơi nắng, dù là chơi cả buổi chiều nắng ở công viên hay hoạt động ngoài trời từ sáng đến tối trong ngày hội thể thao. Họ rèn luyện cho con chịu nắng, chịu lạnh từ khi còn nhỏ. Mỗi buổi sáng, học sinh Nhật đi bộ từ nhà đến trường khoảng 25 phút. Một ngày học tập của các em cấp 1 bao giờ cũng có 1 tiếng hoạt động ngoại khóa, chơi sân trường rồi mới vào học. Đi học đồng nhất là giày thể thao, đến trường lại dùng giày đế mềm để dễ vận động. Nhiều người nghĩ rằng người Nhật xưa kia thấp lùn, khốn khổ, bây giờ có sự bứt phá ngoạn mục là “chiêu” khuyến khích lai tạo với người Châu Âu của chính phủ. Nhưng thực ra đó là do chế độ dinh dưỡng sự chú trọng và kiên trì rèn luyện thể lực từ bé ở gia đình lẫn nhà trường. Từ khi chưa biết đi các mẹ đã cho con công viên chơi ở bãi cát cả ngày, tận hưởng ánh nắng mặt trời không sợ bẩn, không sợ ngã, không ngại trời nắng hay lạnh. Hà Linh (từ Nhật)

Mẹ nên nói "không" theo cách nhắc nhở nhẹ nhàng

Trong bài viết có đề cập đến việc thay vì nói không cha mẹ hãy chuyển hướng tập trung trẻ sang việc khác để trẻ quên đi cái đang đòi hỏi. Tuy nhiên, áp dụng việc này vài lần trẻ sẽ biết và sẽ tiếp tục đòi hỏi. Vì vậy, thay vì nói không một cách kiên quyết, cha mẹ nên lắng nghe con và nói không theo cách nhắc nhở nhẹ nhàng như, nếu con đòi mua một đồ vật không phù hợp với tuổi, hãy nói với trẻ rằng đây là của các anh chị lớn sang năm con lớn sẽ được mua. Nếu con đòi ăn kẹo trước khi ngủ, thay vì nói không hãy nói với con kiểu như: "Được thôi, nếu con thích làm bạn với những con sâu răng". Cách nói này sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu và vâng lời hơn rất nhiều. Thay vì nói: "Không được ném bóng trong nhà!", bố mẹ hãy nói: "Con có thể đem bóng ra ngoài và tự do ném nếu con thích"... Với việc nói không hợp lý, các bậc cha mẹ sẽ thể hiện được sự lắng nghe, hiểu được tâm lý của con mình để nhẹ nhàng định hướng cho con vào khuôn khổ mà không quá gay gắt khi từ chối đòi hỏi của con bằng từ "không".

Dạy con kiểu Nhật: Đi bộ để bé thông minh hơn

(Kienthuc.net.vn) - “Phải luôn nhớ rằng đi bộ hàng ngày là bước đầu tiên để có một em bé thông minh” – Học giả nổi tiếng về dạy con từ sớm của Nhật Bản – Shichida Makoto từng nhấn mạnh. Sáng nào đi làm khỏi nhà tôi cũng gặp rất nhiều bé hơn 1 tuổi, 2 tuổi ngồi trên xe đẩy, được ông bà cho đi chơi, dù là một quãng ngắn quanh xóm. Lâu lắm mới thấy một em bé được dắt tay, đi bộ trên đường. Các em rõ ràng là những đứa trẻ may mắn trong thành phố, khi khu vực quanh nhà còn có khoảng không để đi dạo, khi ông bà, người thân có thời gian đưa cháu đi chơi, hít thở, nhìn ngắm thế giới quanh mình. Nhưng sẽ là tuyệt hơn, nếu thay vì đi xe, các em được đi bộ. Được người lớn dắt tay, hoặc tung tăng đi bộ trên đường. Giản dị thế thôi, lại có thể là hạnh phúc hiếm hoi của trẻ em trong những gia đình thành phố. Có không gian rộng rãi, được đi bộ, chơi đùa là hạnh phúc hiếm hoi của nhiều trẻ em thành phố. Ảnh minh họa. Có không gian rộng rãi, được đi bộ, chơi đùa là hạnh phúc hiếm hoi của nhiều trẻ em thành phố. Ảnh minh họa. Ở nơi này, trẻ em được mua về rất nhiều xe, xe gỗ, xe nhựa tập đi, xe đẩy đi chơi, xe đạp ba bánh… Cứ bước ra khỏi nhà là các em lên xe máy, taxi, đi cầu thang máy… Đi chơi gần xịt nhà cũng phải ngồi trên một chiếc xe. Ông hàng xóm có một đứa cháu trai 14 tháng, ngày nào cũng cần mẫn đẩy xe cho cháu loanh quanh. Ông thắc mắc là tại sao thằng bé chẳng chịu tập đi gì hết, người cũng không đến nỗi gầy yếu gì mà chậm đi quá. Làm sao cậu bé đó có thể biết đi nhanh được, khi không được bước khỏi chiếc xe đẩy, tập bước đi, vấp ngã và đứng dậy? Hãy dừng lại một chút, quan sát những em bé thường xuyên được đẩy xe đi chơi mà ít vận động cơ thể, và những em bé đi bộ nhiều, chạy nhảy, đạp xe, chơi đùa với nhau. Những em bé vận động nhiều bao giờ nhìn cũng nhanh nhẹn, linh hoạt, biểu cảm hơn hẳn. Học giả nổi tiếng về dạy con từ sớm của Nhật Bản – Shichida Makoto cho rằng đi bộ là một trong những việc quan trọng nhất của trẻ mới biết đi, 1-2 tuổi. Một nghiên cứu của đại học Havard cũng cho thấy, trẻ em dưới 6 tuổi có kỹ năng phát triển cao chính là những bé được phát triển trong môi trường giàu ngôn ngữ và được tự do vận động cơ thể trong giai đoạn 0-3 tuổi. Shichida Makoto khẳng định, cho trẻ đi bộ hàng ngày là bước đầu tiên để có một em bé thông minh. Trí lực của bé chỉ được phát triển hoàn hảo khi được kích hoạt mọi giác quan, vận động hết sức có thể. Nếu xung quanh nhà quá chật chội, không có sân chơi, hay lối đi bộ, hãy dành thời gian đưa con ra quảng trường, công viên, nơi gần nhất có không gian rộng rãi, cho con đi bộ, chạy thoải mái. Thay vì bế, cõng con lên cầu thang, hãy dắt tay và để bé tự đi. Bản thân tôi, cũng tự mình tìm thấy hạnh phúc giản dị và thanh thản trong thành phố bận rộn mệt mỏi này: Cuối ngày, dắt tay con gái đi bộ, chỉ cho con một cái cây, một đóa hoa vừa nở, một con chim say sưa hót trên cành… Tôi không biết con mình sẽ thông minh lên bao nhiêu, chỉ biết rằng, đó là cách tôi thực sự giao tiếp với con gái mình, một cách dành thời gian cho con chất lượng trong khi chính mình cũng thư giãn, quên hết lo toan của một ngày. Hướng Dương