Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

‘Đất của Việt Nam’

Trong một cuộc phỏng vấ́n mới đây với BBC, ông Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập Campuchia, cáo buộc Việt Nam đã sát nhập vào lãnh thổ của mình những vùng đất của người Khmer. BBC đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Đầu, một nhà nghiên cứu lâu năm về địa bạ cũng như lịch sử khai khẩn miền Nam, Việt Nam, để tìm hiểu về vấn đề này. BBC: Thưa ông Nguyễn Đình Đầu, gần đây trong một cuộc phỏng vấn với BBC, ông Sam Rainsy, lãnh đạo đối lập Campuchia có tố cáo Việt Nam ‘chiếm đất của người Khmer’. Ông nghĩ thế nào về điều này? Ông Nguyễn Đình Đầu: Có một phần Campuchia là vùng ngập nước có rất ít người ở. Người Campuchia ở trên cao tức là Angkor Wat. Miền Nam (Việt Nam) hồi xưa thuộc về một nước khác là Phù Nam. Đến thế kỷ thứ 8 người Campuchia mới lác đác đến đó. Đến thế kỷ 16, 17 người Việt tự động đến đó làm ăn sinh sống. Ông Mạc Cửu là người chống Thanh (tức người Hán không chấp nhận sự cai trị của người Mãn Thanh nên chạy sang Việt Nam) đi tới miền Campuchia vào khoảng năm 1688 và được Campuchia thừa nhận là người mở đất khai phá. Mạc Cửu lấy bảy thôn có những người Việt Nam đã từng ở đấy và một số người Hoa, một ít người Khmer là Phú Quốc, Lũng Kỳ, Cần Bột, Vũng Thơm, Rạch Giá và Cà Mau (và thủ phủ là Hà Tiên). Tất cả các miền này là từ Cà Mau và một phần của Bạc Liêu đến tới Kam Pong Thom là thuộc về Hà Tiên của Mạc Cửu. Đến năm 1708 thì Mạc Cửu xin với Chúa Nguyễn cho Hà Tiên thuộc về Đại Việt, thuộc về Đàng Trong. Như vậy là từ trên 300 năm nay tất cả các miền đó, tức là cả miền đáng lẽ lên đến Kam Pong Thom là thuộc về Việt Nam. Trong các bản đồ, trong các tư liệu có tính cách quốc tế hoặc do người Việt Nam vẽ, hoặc do người ngoại quốc vẽ đều đã thừa nhận miền đất đó là của Việt Nam. Đặc biệt ở những miền thí dụ như ở Phú Quốc thì ngày từ hồi đầu tiên không có người ta, không có người Khmer ở. Tôi là người nghiên cứu về địa bạ, tức là về đất và người ở những miền đó trên 200 năm nay, đã làm địa bạ ở Phú Quốc đấy thì (thấy) Phú Quốc đã gồm 10 xã thôn toàn là người Việt Nam cả. Riêng Phú Quốc đã ở trong Hà Tiên trên 300 năm nay vẫn làm ăn sinh sống bình thường và cư xử với người Khmer không có gì tranh chấp cả. Tôi thấy bây giờ đòi lại thì chuyện ấy chẳng khác gì người Việt Nam đòi lại Quảng Đông, Quảng Tây cả vì câu chuyện đó đã xa xưa rồi, nay nó đã thay đổi rồi. Chẳng hạn như là Thế chiến thứ nhất bản đồ Âu châu đã vẽ lại. Đến Thế chiến thứ Hai thì cũng vẽ lại một phần. Đấy là những chuyện trong thời gian gần đây. Còn đối với những miếng đất mà Campuchia cho là của mình đã thuộc về Việt Nam trên 300 năm nay không có tranh chấp gì cả suốt qua thời Pháp. BBC: Theo như ông nói thì khi Mạc Cửu vào vùng Hà Tiên để mà khai pháp thì lúc này trên vùng đất này đã có người Khmer sinh sống rồi. Vậy nếu người Khmer lấy lập luận đấy mà bảo đấy là đất của họ thì có đúng không? Ông Nguyễn Đình Đầu: Nói về dân số thì có người Khmer nhưng trong lịch sử cũng nói rõ ràng đó là trong bảy xã thôn thì đa số là người Việt Nam, rồi có nói rõ nữa là có một số người Hoa nữa, rồi một số người có lẽ là người Malay. Tất nhiên cũng có một số người Campuchia, nhưng không thể nói rằng vì có một số người Campuchia mà trong 300 năm nay thành ra đất của Việt Nam mà bây giờ đòi lại thì cái đó đứng về phương diện công pháp quốc tế tôi thấy không thích hợp, không chính đáng. BBC: Lý do vì sao không chính đáng? Tại vì người Việt Nam chiếm số đông và người Việt Nam khai phá vùng đất này nên theo công pháp quốc tế là của Việt Nam? Ông Nguyễn Đình Đầu: Đúng là Việt Nam khai phá. Nếu ai mở bản đồ cổ ra thì thấy địa danh Hòn Đất (khác với địa danh Hòn Đất thuộc tỉnh Kiên Giang ngày nay) ngày xưa là có một giám mục Công giáo lập một chủng viện, một trường cho học sinh ở đấy. Hòn Đất nó ở bên trên Hà Tiên khá nhiều, nó ở giữa Hà Tiên với Kam Pong Thom. Nếu mang những sách nghiên cứu về những người khám phá thời gian đó, đi thám hiểm đất đai thời đó, những bản đồ thời đó thì rõ ràng trên miền đất Campuchia bây giờ mà những bản đồ ấy còn ghi địa danh Việt Nam. Nếu đã là địa danh Việt Nam thì tất nhiên người Việt Nam ở đấy đa số. BBC: Nhưng ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những địa danh do người Khmer đặt theo tiếng của người Khmer như kênh Xà No chẳng hạn? Ông Nguyễn Đình Đầu: Cái đó thì có. Cái địa danh như Sài Gòn đó cũng là từ tiếng Khmer mà ra. Chúng ta biết rằng ngày xưa người Việt Nam dùng tiếng Việt Nam chứ ít khi dùng chữ Hán Việt. Khi viết thì tất nhiên dùng chữa Hán vì hồi đó ta chưa có chữ viết. Ngay cả những địa danh của người Champa ở miền Trung đến bây giờ vẫn để nguyên như Nha Trang chẳng hạn. BBC:V ậy thì người Khmer lấy lý do là một số địa danh mang tiếng Khmer thì đấy là đất của họ. Lập luận đấy có đúng không? Ông Nguyễn Đình Đầu: Nếu lấy lý do đấy thì người Champa phải phục hồi đất nước của họ à? Đất nước của họ rất mạnh từ thế kỷ thứ hai. Đất nước Việt Nam đến thế kỷ thứ 10 mới xuất hiện. Họ mạnh hơn nước Việt Nam hồi đó rất nhiều. Nhưng mà lấy lý do như vậy thì không còn đời sống bình thường của loài người nữa vì loài người có sự thay đổi, biến chuyển, lúc lên, lúc xuống, lúc mạnh bên này, yếu bên kia hay là thay đổi thế nào đó thì chúng ta bây giờ phải chấp nhận sự thực của lịch sử. BBC: Theo như ông nói thì người Việt đã có công khai phá vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vậy thì trước khi người Việt đến thì người Khmer họ ở đây họ đã không khai phá vùng đất này nhiều à thưa ông? Ông Nguyễn Đình Đầu: Theo sự nghiên cứu của tôi về ruộng đất, về địa bạ thì lúc bấy giờ không chỉ có người Khmer mà còn có người thiểu số... Đa số là họ chỉ ở trên các đồi gọi là trên các giồng thôi không quen lúa nước như người Việt Nam. Còn người Việt Nam thì ngay từ ngoài Bắc ở đồng bằng sông Hồng đã quen thói quen làm lúa nước. Cho nên gần như là trên 300 năm nay gần như có sự phân công tự nhiên: người Việt ở đồng bằng còn một số ít người Khmer hay người dân tộc thiểu số ở trên các giồng. Dần dần về sau thì họ rút lên miền Trung hoặc miền cao hơn. BBC: Còn câu chuyện của người Pháp? Khi người Pháp đến Đông Dương thì họ vẽ bản đồ của ba nước Đông Dương có phải họ tự ý sát nhập vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào lãnh thổ Việt Nam mà việc này không được sự đồng ý của người Khmer hay không? Ông Nguyễn Đình Đầu: Nếu ta coi lại các bản đồ lịch sử tôi lấy ví dụ như bản đồ Việt Nam nhất thống toàn đồ hay bản đồ Taberd (do giám mục người Pháp Taberd vẽ) cũng năm 1838, hai bản đồ cùng năm 1838, thì thấy nước Việt Nam, tôi xin lỗi nhé, nó gần như to hơn Đông Dương của Pháp vì những nước ấy như nước Lào chưa được thống nhất còn nước Campuchia thì đương yếu thế bị nước Xiêm La (Thái Lan) xâm lấn. Nếu mà nước Việt Nam không tới thì có lẽ nước Campuchia đã bị Xiêm La đô hộ rồi. Sự tới sâu vào bên trong phía Campuchia cũng là do các vua chúa, chính quyền và chính người Campuchia yêu cầu Việt Nam đến để coi như là để giúp giữ được chính quyền đối với người Xiêm La. Tất nhiên mọi người đều viện lý do này lý do kia, thế này thế kia nhưng trong thực tế của thời đó chúng ta không thể lấy tư tưởng bây giờ mà nói được mà đấy là tình hình 300 năm về trước. BBC: Thế còn bản đồ cổ của người Khmer thì như thế nào? Có bao giờ Vương quốc Khmer trong bản đồ họ có vẽ bao gồm luôn cả miền Nam Việt Nam hiện nay không? Ông Nguyễn Đình Đầu: Người Khmer về kiến trúc thì rất là giỏi, thế nhưng vẽ bản đồ thì không rõ ràng. Tôi chuyên nghiên cứu các địa danh thì các địa danh chính quyền thì bên phía Lục Chân Lạp chứ còn Thủy Chân Lạp địa danh rất là ít. Chứng tỏ rằng Campuchia không có cai quản, cai trị một cách trực tiếp. Từ năm 1623 khi vua Chey Chettha II để cho Chúa Nguyễn lập Sài Gòn và Bến Nghé – hai địa điểm ấy từ thời đó đến nay đã là 400 năm rồi đã thuộc về Việt Nam. Không phải những đồn thu thuế ấy ở chỗ người Campuchia. Lúc bấy giờ đã có người Việt Nam đến làm ăn sinh sống nên lập đồn thu thuế là để lấy thuế của người Việt Nam và để giúp người Việt Nam sinh sống ở đó từ thời đó. Điều tôi vừa nói ở trong Biên niên sử Khmer nói ra chứ không phải chính sử Việt Nam.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cúng sao, giải hạn: Một thói quen cần thay đổi!

Hãy tin vào nhân quả thay vì... dâng sao giải hạn Niềm tin vào việc dâng sao hạn này vốn không nằm trong giáo lý đạo Phật nhưng từ lâu đã có mặt trong sinh hoạt của người dân và ngày càng trở nên phổ biến. Hình thức “sao chiếu” là như thế nào? Sao chiếu mệnh bắt đầu từ Trung Quốc, vấn đề này được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Theo quan niệm, trên trời có chín vị Thần sao luân phiên quản lí sinh mạng con người. Chín Thần sao ấy có tên là: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm và Mộc Đức. Kể từ mười tuổi trở lên, mỗi năm con người sẽ bị chi phối bởi một vị Thần sao. Tuy vậy, dù cùng một tuổi nhưng Thần sao của Nam và Nữ lại khác nhau. Chẳng hạn, cùng năm mươi ba tuổi, nam là sao Thái Âm mà nữ là sao Thái Bạch. Thêm nữa, ngoài việc mỗi người hàng năm có một Thần sao quản lý, bên cạnh còn phụ thuộc vào cung nào trong tám cung và thuộc hạn gì trong các hạn. Tám cung này chính là Bát quái trong Kinh Dịch, đó là: cung Càn, cung Khảm, cung Cấn, cung Chấn, cung Tốn, cung Ly, cung Khôn và cung Đoài. Còn các hạn thì rất nhiều, như hạn Huỳnh tuyền, hạn Thái sơn, hạn Mộc ách, hạn Tán tận mộc ách, hạn Cát lợi mộc ách, hạn Nhập mộ kim lâu, hạn Toán tận nhập mộ, hạn Thái sơn kim lâu và hạn Huỳnh tuyền nhập mộ. Do vậy, theo Đại đức Thích Thanh Định, trụ trì chùa Từ Xuyên (Phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) thì thông thường, những người tin theo sao hạn, năm nào gặp sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch thì họ rất lo sợ vì cho rằng, ba sao ấy rất hung dữ và xui xẻo. Và cũng theo quan niệm thì trong chín sao thì chỉ có sao Môc Đức là hiền lành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật…gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La hầu, nữ Kế đô”. Theo đó, để giảm nhẹ vận hạn người ta thường làm lễ cúng vào đầu năm tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, gia đình. Điều này đã khiến cho nhiều nơi còn coi đây là tục lệ hay phong trào. Hàng ngày, hãy tu tập tốt để thọ nhận quả lành Khi đức Phật Thích Ca đi xuất gia, có bốn dấu hiệu mà đức Phật nhìn thấy là sinh, lão, bệnh, tử. Theo đó, con người ta ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi. Đó là những điều bình thường, là quy luật tất yếu của tự nhiên và cuộc sống. Trong các Kinh đức Phật dạy về Nhân quả hay Nghiệp, Ngài đã phân tích và xác định rất rõ ràng về con người. Như kinh Trung Bộ ghi: “Tất cả chúng sinh đều có cái nghiệp của riêng mình”. Về vấn đề trên, Đại đức Thích Thanh Định cho hay: Trong Kinh, Đức Phật xác định cụ thể là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. "Vì vậy, đã là Phật tử tại sao không tin nhân quả? Không chuyển nhân quả? Không nương tựa Tam bảo? Không nương tựa chư Phật, chư Bồ-Tát? Bởi chư Phật, Bồ-Tát là những bậc đầy đủ đại trí tuệ, đại từ bi và sáu thứ thần thông, là những bậc hoàn toàn giải thoát. Người Phật tử không tin tưởng, không nương tựa vào đó mà lại nương tựa vào Trời, Thần, Quỷ...là những chúng sinh đang bị luân hồi sanh tử trong tam giới, là thế nào?” – Đại đức Thích Thanh Định "chất vấn". Ông nói tiếp: "Chư Phật, chư Tổ đã trải lòng từ bi lo lắng, thương xót chỉ dạy cho chúng ta tận tâm như thế; về phía chúng ta, tin và thực hành lời dạy của các Ngài hay không là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nếu ai tin thì sẽ hoán chuyển nhân quả hay nghiệp xấu ác thành nhân quả hiền thiện, để tiến dần trên con đường giải thoát, hầu đạt được mục đích sau cùng. Ngược lại, ai không tin là tự trói mình trong thế giới tà đạo, để tiếp tục chịu muôn vàn khổ đau trong tam giới (ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh – PV)". Cũng theo Đại đức Thích Thanh Định thì không ai và không thế lực siêu nhiên hay vô hình nào có thể thay đổi được hiện tiền của chúng ta. Tất cả đều phụ thuộc vào công đức tu tập của mình ra sao làm thôi Hơn nữa, trên trời có hàng nghìn vì sao nên không thể gắn vì sao này với người này và vì sao nọ với người kia được. Đó chỉ là sự vô lí, mù quáng tin vào sự ngộ nhận của thế lực thần linh nào đó. “Con người ta sống trên thế giới sa bà này có nhiều phiền não, nhiều suy nghĩ đắn đo. Do vậy, chúng ta luôn phải có tâm sáng để mà nhìn nhận đánh giá biết như nào là đúng, sai. Từ đó, áp dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống một cách khoa học và hiệu quả nhất, đặc biệt là phải luôn cố gắng tu tập thân, khẩu, ý cho tốt để tạo thêm phước đức, chuyển nghiệp xấu thành điều lành” – Đại đức Thích Thanh Định khẳng định. Cúng sao, giải hạn: Một thói quen cần thay đổi! http://phatgiao.org.vn/van-de-quan-tam/201303/Cung-sao-giai-han-Mot-thoi-quen-can-thay-doi-9819/ Ngay cả đức Phật cũng từng nói “Ta không có khả năng ban bố phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất kỳ ai, tất cả việc xấu tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi” (Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada Thera, NXB Chùa Giác Ngộ) Những ngày xuân Quý Tỵ chưa qua hết, đây đó khắp nơi trên đất nước chúng ta, nơi những địa điểm thờ tự tôn giáo tâm linh, vẫn còn rất nhiều người tranh thủ thời gian để tìm đến. Bên cạnh ý nghĩa lễ bái, vãn cảnh đầu năm ở những ngôi chùa thờ Phật, không ít một số bà con còn có những thói quen bói quẻ, xin xăm, cúng sao, giải hạn, xem vận mạng tốt xấu qua tuổi, tử vi...là một miền quê nơi chùa Thiên Phước, khi khả năng nhận thức của người dân về giáo lý Đức Phật còn hạn chế, nên tình trạng trên của một số bà con đi chùa làm cho người tu Phật ở chùa rất lấy làm trăn trở của những ngày đầu năm mới. Như chúng ta đã biết, tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên căn bản là Nhân Quả, nếu nói cho đủ là Nhân Duyên Quả. Nhân là hạt giống, và nhờ Duyên ( thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật...) Quả là kết quả do gieo Nhân mà được, nên một đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Do vậy khi một người gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã gieo. Nếu muốn hóa giải quả xấu, thì phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, gieo nhiều việc thiện. Hiểu được vậy nên ngay từ khi bắt đầu gieo nhân chúng ta nên chọn lựa giống tốt xấu, nếu vô tình hay cố ý gieo nhân khi phát hiện là nhân xấu, chúng ta có thể nhờ Duyên trợ giúp để chuyển hướng quả đến mục đích tốt hơn. Ví dụ: chúng ta gieo Nhân sát sanh nhiều, thì chúng ta biết chắc hậu Quả của nó sẽ đến với mình là bệnh tật, thọ yểu, hay thường gặp những tai nạn phạm thân, thậm chí phải đền mạng, khi biết được thế, chúng ta nỗ lực sám hối hành trì tụng kinh, bố thí cúng dường, phóng sanh...(Duyên) thì Quả trổ đến sẽ chuyển hướng khác, hoặc bị triệt tiêu. Nên trong đời sống hằng ngày, chúng ta thọ nhận những điều tốt xấu là đều do chúng ta tạo nhân cả, nên khi quả đến tốt thì chúng ta hạnh phúc, và ngược lại quả xấu chúng ta đành phải chấp nhận và bình tỉnh để hóa giải nó, hướng nó đến một kết quả tốt đẹp hơn, mà trong Phật ngữ gọi là Giải nghiệp. Do không hiểu được vậy nên đầu năm nhiều người đến chùa để xin quẻ, bói toán, cúng sao giải hạn... là đi ngược lại giáo lý nhà Phật, vì bởi khi nhờ nhà chùa cúng sao cho tuổi của mình, thì có khẳng định rằng trong năm không gặp một rủi ro nào? chắc không ai dám khẳng định điều đó, nhưng nếu có xảy ra tai nạn rủi ro vậy số tiền mà mình bỏ ra cúng sao giải hạn là vô ích, và số tiền bỏ ra dù nhiều ít cũng chưa dám chắc được điều không gặp rủi ro, và có nhiều người bỏ ra vài chục ngàn tiền lẻ thì làm sao sánh nỗi một sự rủi ro, trong khi một tai nạn giao thông xảy đến thì số tiền chi phí không thể lường được, thậm chí mất mạng, biết thế nhưng hằng năm những ngày đầu năm mới vẫn có rất nhiều người tìm đến chùa chiền, miếu phủ...để lặp đi lặp lại những sự việc nêu trên. Một giả định khác, nhiều người cứ đinh ninh rằng nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật bệnh sẽ qua, tai nạn sẽ không đến. Điều này giống như là việc đút lót tiền cho thần thánh để được một hồng ân nào đó phía sau, sẽ được thần thánh hỗ trợ hoặc ban bố phước lành; suy nghĩ như thế thật có tội, vô tình đưa các vị ấy vào những người nhận “đút lót”, ra tay nâng đỡ những ai biết điều, còn những ai không biết điều, không cúng kiến thì các vị sẽ “hững hờ”, nếu làm vậy thì các vị ấy đâu còn gọi là từ bi, thương chúng sanh bốn loài? Ngay cả đức Phật cũng từng nói “Ta không có khả năng ban bố phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất kỳ ai, tất cả việc xấu tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi” (Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada Thera, NXB Chùa Giác Ngộ) Nếu cho rằng số phận con người nằm trong vận mệnh của trời đất, theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ?!. Nếu vậy, ví dụ như năm nay, theo quan niệm những người ở tuổi 31 đang bị sao xấu, có tam tai lớn trong năm, vậy thì tất cả những người năm nay 31 tuổi không đi cúng sao đều gặp tai ương lớn trong năm, và sẽ không qua khỏi? Vậy thì năm sau, số người 32 tuổi sẽ không còn bao nhiêu nữa. Và dân số đất nước sẽ giảm mạnh vì cứ đến 31 tuổi thì có hàng loạt người không qua khỏi. Thực tế thấy rằng, dân số vẫn tăng nhanh, và tai nạn thì không trừ bất kỳ lứa tuổi nào. Những nhận thức mang tính hủ tục lâu dài ấy, không phải một sớm một chiều có thể làm thay đổi thói quen trong suy nghĩ của số người đến chùa cầu sao giải hạn. Hơn nữa nhiều chùa ở Việt Nam nói chung đang nằm trong thực trạng này, ảnh hưởng bởi Phật giáo bắc truyền, và dường như đã trở thành một truyền thống, kế tục từ nhiều đời. Mạnh dạn bỏ hủ tục này thì khó tiếp cận được với nhiều người, vì cúng giải hạn đầu năm lại là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên, nhưng nếu giữ thì lại thì thật sự không ổn. Trước thực trạng này nếu nhà chùa, nhất là ở vùng quê chúng tôi nếu không đáp ứng được cho một số người này thì cũng mất đi một cơ hội "hoằng pháp" vì những đối tượng này mỗi năm chờ có cơ hội này mới đến chùa, và nếu không đáp ứng được nhu cầu của họ thì ở những ngôi chùa quê này xem như ít người lui tới, và cơ hội để họ tiếp xúc Phật pháp ngày càng xa, và nếu phục vụ cho họ thì xem như nhà chùa trực tiếp truyền bá mê tín dị đoan. Do đó, xuất phát từ thực tế, chùa Thiên Phước chúng tôi đang cố gắng từng bước thay đổi thói quen về niềm tin lệch ấy. Trước tiên hết là những người ở chùa phải đặt mục tiêu truyền bá chánh pháp, lợi lạc chúng sanh là chính, do đó không vì cái lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ quên hạnh nguyện của mình, và đồng thời khi tiếp xúc đối tượng này phải nói giáo lý Nhân Quả nghiệp báo cho họ hiểu, và hướng họ đến với Phật pháp làm nhiều việc thiện cho mình cho người, và có thể khuyên họ quy y Tam Bảo, khi đã trở thành là Phật tử, hiểu được giáo lý Đức Phật, chính họ là người hộ pháp đắc lực cả tài vật lẫn tinh thần, muốn được điều này thiết nghĩ mỗi chùa nên có những đạo tràng tu học, thỉnh mời chư vị tôn túc giảng sư, đến để truyền trao kiến thức cho họ. Điều này đã được chùa Thiên Phước thực hiện gần bốn năm qua, và kết quả gần 800 Phật tử đã quy -y, và hiện tại đạo tràng tu học hơn 200 vị, và trong những ngày đầu năm mới những Phật tử này không vướng phải những tập tục không lợi ích nêu trên, và chính họ là những người hộ pháp rất đắc lực mỗi khi nhà chùa cần đến. Trăn trở đầu năm mới, cũng là cầu nguyện tất cả mọi người đều vượt qua những quả khổ, và hướng về lời dạy của Đức Thế Tôn, ứng dụng vào trong đời sống thường ngày để được an lạc, hạnh phúc hiện tại và tương lai. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.