Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Ứng xử sai của bố mẹ khi bé trộm tiền

Thạc sĩ Phạm Đức Chuẩn, Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em NT (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, khi phát hiện trẻ nhỏ trộm tiền của người thân, hầu hết phụ huynh đều sốc, giận dữ và phản ứng bằng cách mắng, chỉ trích, kết tội trẻ là hư, xấu... Đây là thái độ phổ biến, dễ hiểu, nhưng cách này chỉ giải tỏa sự bực tức của người lớn chứ không có tác dụng giúp trẻ nhận thức được cái sai và không tái phạm - mục tiêu chính cần hướng tới. Nhà tâm lý cho rằng, trường hợp này, điều đầu tiên phụ huynh cần làm là kiềm chế cơn giận và bình tĩnh để tìm nguyên nhân. Hãy hỏi xem con lấy tiền ở đâu, như thế nào, vì sao và khuyến khích trẻ diễn tả lại hành động của mình, làm sao để trẻ không sợ, dám nói thật. Bố mẹ cần xác định xem con lấy tiền là lần đầu hay tái phạm nhiều lần, trẻ lấy tiền là hành vi bột phát, thấy người lớn để hớ hênh, do con thèm hay thích thứ gì quá mà không được đáp ứng, hay có ý định "lập mưu" để lấy tiền vì mục đích nào đó. Đừng vội quy kết hành động của con là ăn trộm, ăn cắp. "Trẻ dưới 6 tuổi chưa ý thức rõ ràng về sự sở hữu. Những bé này khi vào siêu thị tự tiện lấy đồ không bị coi là ăn trộm và thường những nơi này yêu cầu trẻ phải có người lớn đi kèm mới được vào. Đôi khi trẻ đã quen được bố mẹ cho tiền hay sai đi mua đồ, nên thấy tiền, không cần biết của ai, là lấy đi mua", nhà tâm lý giải thích thêm. Ông cho biết, khi người lớn quát mắng, dọa dẫm, trẻ sẽ hoảng sợ và không dám nói thật. Không ít em, vì bị vội vàng kết tội, dán nhãn là trộm cắp, vì trót "có tiếng" nên đã làm thật cho thành "có miếng". Ông cho rằng, chỉ khi bình tĩnh tìm hiểu được nguyên nhân rõ ràng hành vi của trẻ, bố mẹ mới có thể tìm ra cách ứng xử phù hợp và giúp con không tái phạm. Nếu trẻ lấy tiền để phục vụ một số nhu cầu cơ bản nhưng không được đáp ứng như mua quà, đồ chơi..., hãy giải thích với con cách làm này là không tốt, và bảo trẻ nếu cần gì hãy nói với bố mẹ. Người lớn cũng không nên quá cấm đoán các nhu cầu này của trẻ, chỉ cần đặt ra giới hạn phù hợp. Đôi khi, trẻ lấy tiền chỉ đơn giản là để thu hút sự chú ý của người lớn. Trong tình huống đó, cha mẹ hãy xem lại sự quan tâm, thời gian mình dành cho con. Trường hợp trẻ lặp lại hành vi lấy tiền nhiều lần, bố mẹ càng cần tìm cách làm rõ nguyên nhân. Hãy xem lại bản thân có thói quen vứt đồ lung tung, để tiền sơ hở hay có ai xúi giục con lấy hoặc trẻ quen ăn quà vặt, quen được tiêu tiền? Ông Chuẩn cho rằng, để làm rõ sự việc không khó. Trẻ rất thật, không đủ mánh khóe để nói dối một cách logic. Chỉ cần bố mẹ hỏi vặn vài câu hay đánh vào tâm lý kiểu như đã biết tỏng mọi việc là bé sẽ "khai" hết. Bố mẹ có thể làm vài thử nghiệm, vờ để quên tiền lẻ ở chỗ trẻ dễ thấy và quan sát xem con lấy tiền làm gì, tiêu ở đâu. Người lớn có thể đảo ngược tình thế bằng cách bày tỏ sự tin tưởng với trẻ, giao cho bé việc giữ đồ, canh cho khỏi bị kẻ khác lấy trộm đồ của bố mẹ. "Trong bất cứ tình huống nào đều cần khuyến khích trẻ nói sự thật. Hãy phê bình hành vi xấu nhưng bao giờ cũng cần tìm ra điểm tốt của trẻ để động viên. Chẳng hạn, con đã trung thực nhận lỗi, dám nói sự thật... Và điều quan trọng nhất là vạch ra cho trẻ cách làm đúng, chẳng hạn muốn ăn gì thì hỏi mẹ mua cho, bạn xúi làm điều xấu thì kể cho bố mẹ biết để người lớn có cách giải quyết...", nhà tâm lý chia sẻ. Theo ông Chuẩn, một điều quan trọng nữa các phụ huynh cần chú ý là tìm biện pháp ngăn chặn hành vi này từ đầu, bằng cách không để tiền sơ sểnh trước mắt trẻ, không tạo cho con thói quen dùng tiền tùy tiện...

Cậu bé 5 tuổi kể chuyện tiền kiếp

Cậu bé Ryan lật giở từng trang sách cũ về Hollywood và đọc vanh vách tên các nhân vật nổi tiếng mà bé gọi là “bạn bè” mình, như nữ minh tinh lừng danh Rita Hayworth. Bé cũng có thể nhớ được từng chi tiết vụn vặt nhất về những thước phim đen trắng cổ điển của thời kỳ hoàng kim và kể rành rọt cả những bí mật hậu trường vào thời kỳ đó. Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu Ryan không phải là một cậu nhóc mới 5 tuổi. Theo tờ News Australia, mẹ bé, bà Cyndi, vốn không bao giờ tin vào những chuyện tái sinh hoang đường. Bà đã vô cùng bối rối khi nhận ra con trai có những ký ức về một cuộc sống mà cậu bé tin là ở kiếp trước. Từ sau khi con trai có biểu hiện lạ lùng, Cyndi đã mượn thêm những cuốn sách cũ viết về Hollywood để kiểm chứng hiện tượng bí ẩn này, đồng thời hy vọng Ryan sẽ nhớ ra thêm những ký ức từ kiếp trước. Bé Ryan khiến mẹ sửng sốt khi chỉ vào một bức hình được chụp vào năm 1932 trong bộ phim Night After Night và reo lên: “Mẹ, đây chính là con. Con đã tìm thấy mình”. Cậu bé sau đó mô tả chi tiết một cảnh phim với tủ chứa đầy súng đạn. Cyndi đã thức suốt đêm xem lại bộ phim đó trên Youtube và khẳng định chắc chắn có một cảnh phim giống hệt như mô tả của bé. Bà mẹ đã viết thư cho Tucker B Jim, tác giả những cuốn sách nói về tiền kiếp, để nhờ sự giúp đỡ từ người am hiểu lĩnh vực này. Tác giả Tucker và các cộng sự đã tìm kiếm những bức ảnh để lần ra người đàn ông trong kiếp trước của Ryan. Tên anh là Marty Martyn, một nhân vật quan trọng ở Hollywood, người từng sống ở Los Angeles và qua đời vì căn bệnh ung thư vào năm 1963, hơn 50 năm trước khi Ryan được sinh ra. Cậu bé Ryan nói rằng người đàn ông có tên Marty muốn “trở về” để chuộc lỗi, bởi kiếp trước anh ta đã quá tham công tiếc việc, không dành đủ thời gian cho gia đình vì không nhận thức được rằng tình cảm mới là điều đáng trân trọng nhất. Ngoài ra, Ryan còn miêu tả thêm những chi tiết khác về cuộc sống trong tiền kiếp. Những câu chuyện này đều được nhóm của Tucker kiểm nghiệm và chứng minh là có thật. Đó là ký ức về những chị em gái (Marty có 2 chị gái) và người mẹ có mái tóc xoăn màu hạt dẻ, về khoảng thời gian làm vũ công tại Broadway, về căn biệt thự có hồ bơi lớn tại Los Angeles và những cuộc hẹn với các cô nàng xinh đẹp trên bãi biển. Ryan còn biết rằng, kiếp trước mình chết trong một căn phòng với rất nhiều con số trên cửa, và sự thật trùng khớp đáng ngạc nhiên khi Marty qua đời vì ung thư trong một phòng ở bệnh viện vào năm 1963. Thỉnh thoảng cậu bé Ryan lại khóc vì nuối tiếc thời vàng son của mình nhưng cũng cho biết cảm giác mệt mỏi với những ký ức đó. Có lúc Ryan nói với mẹ: “Mẹ ơi, con chỉ muốn là chính con chứ không phải là con của kiếp trước”. Ông Tucker tin rằng, những ký ức về tiền kiếp được biểu hiện mạnh nhất ở trẻ nhỏ bởi tâm trí các em chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc sống hiện tại. Nhưng ông cũng nhấn mạnh về khả năng huyền bí khác hẳn của Ryan so với những trường hợp từng điều tra. Cậu bé này biết bà ngoại mình có một người con mất ngay sau khi chào đời, điều mà ngay cả mẹ bé cũng chưa bao giờ biết. Ryan còn có thể dự đoán ai sẽ là giáo viên của mình, hoặc biết người gọi điện tới ngay trước khi nhấc máy. Theo ông, hầu hết trẻ em được nghiên cứu không biểu lộ một khả năng nào đặc biệt ngoài những điều về kiếp trước của mình. Ryan dường như có thêm khả năng tiếp cận thông tin mà mình chưa biết thông qua những hoạt động bất thường trong não bộ. Trong cuốn sách mới “Return to life”, tác giả Tucker đã ghi lại những câu chuyện kinh ngạc về trường hợp trẻ em “đầu thai” trên thế giới. Trong đó có "thần đồng golf" 3 tuổi, cậu bé cho rằng mình chính là tay golf nổi tiếng thập kỷ 30 Bobby Jones tái sinh. Hay em bé 2 tuổi bất ngờ nhớ lại ký ức về trận chiến Iwo Jima (thế chiến thứ II) trong một lần cùng bố thăm bảo tàng máy bay. Và có cả Ryan, cậu bé 5 tuổi đến từ Oklahoma.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Phân loại huyết áp theo tiêu chuẩn của WHO

Theo tiêu chuẩn phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đối với người bình thường huyết áp tối ưu sẽ như sau: huyết áp tổi đa (hay còn gọi là huyết áp tâm thu) dưới 120 mmHg và huyết áp tối thiểu (hay còn gọi là huyết áp tâm trương) dưới 80 mmHg. Hiện nay chưa có tiêu chuẩn để phân loại huyết áp thấp, tuy nhiên nếu huyết áp tối đa mà thấp hơn 105 mmHg được coi là huyết áp thấp. Huyết áp tối đa từ 120 mmHg ~ 130 mmHg và huyết áp tối thiểu từ 80 mmHg ~ 85 mmHg được coi là huyết áp bình thường (Normal) Huyết áp tối đa từ 130 mmHg ~ 140 mmHg và huyết áp tối thiểu từ 85 mmHg ~90 mmHg được coi là huyết bình thường (cao) hay còn gọi là Pre-Hypertension. Huyết áp tối đa từ 140 mmHg ~ 160 mmHg và huyết áp tối thiểu từ 90 mmHg ~ 100 mmHg được coi là cao huyết áp thể nhẹ ( Mild Hypertension). Huyết áp tối đa từ 160 mmHg ~ trên 180 mmHg và huyết áp tối thiểu từ 100 mm Hg ~ trên 110 mmHg được coi là cao huyết áp thể thường ( Morderate - Hypertension). Huyết áp tối đa cao hơn 180 mmHg và huyết tối thiểu cao hơn 110 mmHg được coi là cao huyết áp nghiêm trọng (Severe Hypertension)