Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Học sinh Nhật: Không sợ bẩn, ngã và không ngại nắng

Trong nhà trường Nhật có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao dành cho học sinh: ngày chạy marathon dành cho các cấp học, ngày hội thể thao Undo Kai… Ngày hội thể thao là một ngày rất quan trọng, được tổ chức mỗi năm một lần ở các trường học Nhật Bản từ mẫu giáo trở đi. Chỉ một số môn đơn giản và tạo niềm vui, động lực cho cả tập thể tham gia như chạy 50m cho học sinh lớp 1; 60m cho học sinh lớp 2-3, 80m cho học sinh lớp 4; 100m cho học sinh lớp 6… nhưng đây là ngày được trông đợi của tất cả giáo viên, phụ huynh và học sinh. Quan trọng nhất không phải thắng thua mà là cố gắng hết mình Điều đặc biệt của việc dạy thể chất ở Nhật là: không thi đua, không thành tích, không tính điểm, không khống chế thời gian. Giáo viên chỉ xếp các thang đánh giá: làm được, làm rất tốt, cần cố gắng… Điều quan trong nhất mà người ta dạy học sinh là phải cố gắng hết sức mình, không bao giờ được bỏ cuộc. Phải chạy, chạy, chạy, nhanh hay chậm tùy sức từng người, nhưng không được phép lười biếng đi bộ. Kể cả những em khuyết tật cũng được khuyến khích chạy hết phần đường của mình, dù mất bao nhiêu thời gian. Vì không bị sức ép nên học sinh thích hoạt động, và phấn khởi khi mình hoàn thành bài tập dù không phải là người chạy nhanh nhất, thậm chí là người cuối cùng cán đích. Dù thời tiết ngoài trời là 7 độ C, nhưng các em học sinh cũng chỉ mặc áo cộc quần cộc, đứng co ro trong gió lạnh, trong khi bố mẹ mặc quần áo ấm to sù sụ. Chỉ sau ít phút khởi động, các con đã trở nên linh hoạt, tươi vui vì cơ thể ấm lên nhanh chóng. Ở Nhật, mùa đông học sinh cũng chỉ mặc áo dài tay, quần cộc hoặc dài, trên đường đi có mặc áo khoác nhưng đến lớp là cất áo để chạy nhảy. Các cô giáo luôn khuyến cáo không cho các con mặc quá ấm, sẽ làm cho người khó vận động, gây sự lười biếng. Phụ huynh Nhật cũng không ngại cho con phơi nắng, dù là chơi cả buổi chiều nắng ở công viên hay hoạt động ngoài trời từ sáng đến tối trong ngày hội thể thao. Họ rèn luyện cho con chịu nắng, chịu lạnh từ khi còn nhỏ. Mỗi buổi sáng, học sinh Nhật đi bộ từ nhà đến trường khoảng 25 phút. Một ngày học tập của các em cấp 1 bao giờ cũng có 1 tiếng hoạt động ngoại khóa, chơi sân trường rồi mới vào học. Đi học đồng nhất là giày thể thao, đến trường lại dùng giày đế mềm để dễ vận động. Nhiều người nghĩ rằng người Nhật xưa kia thấp lùn, khốn khổ, bây giờ có sự bứt phá ngoạn mục là “chiêu” khuyến khích lai tạo với người Châu Âu của chính phủ. Nhưng thực ra đó là do chế độ dinh dưỡng sự chú trọng và kiên trì rèn luyện thể lực từ bé ở gia đình lẫn nhà trường. Từ khi chưa biết đi các mẹ đã cho con công viên chơi ở bãi cát cả ngày, tận hưởng ánh nắng mặt trời không sợ bẩn, không sợ ngã, không ngại trời nắng hay lạnh. Hà Linh (từ Nhật)

Mẹ nên nói "không" theo cách nhắc nhở nhẹ nhàng

Trong bài viết có đề cập đến việc thay vì nói không cha mẹ hãy chuyển hướng tập trung trẻ sang việc khác để trẻ quên đi cái đang đòi hỏi. Tuy nhiên, áp dụng việc này vài lần trẻ sẽ biết và sẽ tiếp tục đòi hỏi. Vì vậy, thay vì nói không một cách kiên quyết, cha mẹ nên lắng nghe con và nói không theo cách nhắc nhở nhẹ nhàng như, nếu con đòi mua một đồ vật không phù hợp với tuổi, hãy nói với trẻ rằng đây là của các anh chị lớn sang năm con lớn sẽ được mua. Nếu con đòi ăn kẹo trước khi ngủ, thay vì nói không hãy nói với con kiểu như: "Được thôi, nếu con thích làm bạn với những con sâu răng". Cách nói này sẽ khiến trẻ cảm thấy dễ chịu và vâng lời hơn rất nhiều. Thay vì nói: "Không được ném bóng trong nhà!", bố mẹ hãy nói: "Con có thể đem bóng ra ngoài và tự do ném nếu con thích"... Với việc nói không hợp lý, các bậc cha mẹ sẽ thể hiện được sự lắng nghe, hiểu được tâm lý của con mình để nhẹ nhàng định hướng cho con vào khuôn khổ mà không quá gay gắt khi từ chối đòi hỏi của con bằng từ "không".

Dạy con kiểu Nhật: Đi bộ để bé thông minh hơn

(Kienthuc.net.vn) - “Phải luôn nhớ rằng đi bộ hàng ngày là bước đầu tiên để có một em bé thông minh” – Học giả nổi tiếng về dạy con từ sớm của Nhật Bản – Shichida Makoto từng nhấn mạnh. Sáng nào đi làm khỏi nhà tôi cũng gặp rất nhiều bé hơn 1 tuổi, 2 tuổi ngồi trên xe đẩy, được ông bà cho đi chơi, dù là một quãng ngắn quanh xóm. Lâu lắm mới thấy một em bé được dắt tay, đi bộ trên đường. Các em rõ ràng là những đứa trẻ may mắn trong thành phố, khi khu vực quanh nhà còn có khoảng không để đi dạo, khi ông bà, người thân có thời gian đưa cháu đi chơi, hít thở, nhìn ngắm thế giới quanh mình. Nhưng sẽ là tuyệt hơn, nếu thay vì đi xe, các em được đi bộ. Được người lớn dắt tay, hoặc tung tăng đi bộ trên đường. Giản dị thế thôi, lại có thể là hạnh phúc hiếm hoi của trẻ em trong những gia đình thành phố. Có không gian rộng rãi, được đi bộ, chơi đùa là hạnh phúc hiếm hoi của nhiều trẻ em thành phố. Ảnh minh họa. Có không gian rộng rãi, được đi bộ, chơi đùa là hạnh phúc hiếm hoi của nhiều trẻ em thành phố. Ảnh minh họa. Ở nơi này, trẻ em được mua về rất nhiều xe, xe gỗ, xe nhựa tập đi, xe đẩy đi chơi, xe đạp ba bánh… Cứ bước ra khỏi nhà là các em lên xe máy, taxi, đi cầu thang máy… Đi chơi gần xịt nhà cũng phải ngồi trên một chiếc xe. Ông hàng xóm có một đứa cháu trai 14 tháng, ngày nào cũng cần mẫn đẩy xe cho cháu loanh quanh. Ông thắc mắc là tại sao thằng bé chẳng chịu tập đi gì hết, người cũng không đến nỗi gầy yếu gì mà chậm đi quá. Làm sao cậu bé đó có thể biết đi nhanh được, khi không được bước khỏi chiếc xe đẩy, tập bước đi, vấp ngã và đứng dậy? Hãy dừng lại một chút, quan sát những em bé thường xuyên được đẩy xe đi chơi mà ít vận động cơ thể, và những em bé đi bộ nhiều, chạy nhảy, đạp xe, chơi đùa với nhau. Những em bé vận động nhiều bao giờ nhìn cũng nhanh nhẹn, linh hoạt, biểu cảm hơn hẳn. Học giả nổi tiếng về dạy con từ sớm của Nhật Bản – Shichida Makoto cho rằng đi bộ là một trong những việc quan trọng nhất của trẻ mới biết đi, 1-2 tuổi. Một nghiên cứu của đại học Havard cũng cho thấy, trẻ em dưới 6 tuổi có kỹ năng phát triển cao chính là những bé được phát triển trong môi trường giàu ngôn ngữ và được tự do vận động cơ thể trong giai đoạn 0-3 tuổi. Shichida Makoto khẳng định, cho trẻ đi bộ hàng ngày là bước đầu tiên để có một em bé thông minh. Trí lực của bé chỉ được phát triển hoàn hảo khi được kích hoạt mọi giác quan, vận động hết sức có thể. Nếu xung quanh nhà quá chật chội, không có sân chơi, hay lối đi bộ, hãy dành thời gian đưa con ra quảng trường, công viên, nơi gần nhất có không gian rộng rãi, cho con đi bộ, chạy thoải mái. Thay vì bế, cõng con lên cầu thang, hãy dắt tay và để bé tự đi. Bản thân tôi, cũng tự mình tìm thấy hạnh phúc giản dị và thanh thản trong thành phố bận rộn mệt mỏi này: Cuối ngày, dắt tay con gái đi bộ, chỉ cho con một cái cây, một đóa hoa vừa nở, một con chim say sưa hót trên cành… Tôi không biết con mình sẽ thông minh lên bao nhiêu, chỉ biết rằng, đó là cách tôi thực sự giao tiếp với con gái mình, một cách dành thời gian cho con chất lượng trong khi chính mình cũng thư giãn, quên hết lo toan của một ngày. Hướng Dương

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2012

Dạy trẻ

A. Xử trí khi trẻ mè nheo, vòi vĩnh 1. Luôn sẵn sàng Bé có thể mè nheo ở bất kỳ đâu như ở nhà, khi đi siêu thị hoặc khoảng thời gian vui chơi tại nơi công cộng. Vì vậy, xác định trước sự khó chịu để bạn giữ được bình tĩnh, kiểm soát tình hình và kiên quyết nói “không" với bé. 2. Nhắc bé nhớ lại thất bại trong quá khứ Nếu bé đủ tuổi để hiểu biết, bạn nên gợi nhớ lại việc trẻ từng đòi mua siêu nhân nhưng không được cha mẹ đáp ứng. Lần này, yêu cầu của con cũng rơi vào trường hợp như vậy. 3. Đánh lạc hướng chú ý của bé Bạn có thể “làm nhiễu” sự quan tâm của con bằng một vật thay thế để bé chơi, nhìn hoặc ăn được. 4. Thói vòi vĩnh lớn thường khởi phát từ thói vòi vĩnh từ nhỏ Bạn biết cách từ chối trẻ càng sớm thì bé càng bớt đòi hỏi hơn. Nhiều cha mẹ mắc sai lầm khi đáp ứng mọi đề xuất của bé vì thương con còn nhỏ, nhưng chính điều này sẽ xây dựng nên tính cách “muốn gì được nấy” cho dù bé đã lớn. 5. Thấu hiểu cảm xúc của trẻ Điều này có nghĩa là bạn thử đặt mình ngang hàng với cảm xúc của bé hoặc bạn nên tham khảo biểu đồ phát triển tâm lý, hành vi của trẻ qua từng mốc tuổi khác nhau. Cách này giúp bạn trị bé hết mè nheo mà không gây áp lực lên con. 6. Mặc kệ bé Nếu trẻ khóc đòi, thay vì dỗ dành, bạn thử phớt lờ. Khi phát tín hiệu mà không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ, các bé sẽ chán và biết cách chấm dứt tình trạng đòi hỏi trong hòa bình. 7. Cương quyết hơn Nếu thói vòi vĩnh của bé xuất hiện nghiêm trọng, bạn nên mạnh mẽ hơn. Nếu con nhất định đòi món đồ chơi trong siêu thị mà bạn không đồng ý, bạn thử nhanh chóng dắt bé ra ngoài, đến một nơi mát mẻ và thoáng đãng để bé tự do khóc lóc. Khi bé hết vòi vĩnh, bạn sẽ thỏa thuận tiếp với bé việc hai mẹ con sẽ quay lại siêu thị như thế nào. 8. Trao quyền cho bé Bạn có thể thương thuyết với con trong khả năng có thể. Chẳng hạn, bé sẽ được mua đồ chơi mới nếu như bé đi ngủ đúng giờ… Không phải mọi đòi hỏi của bé là xấu, quan trọng là bạn biết rõ giới hạn giữa cái đáp ứng được và cái không thể đáp ứng được với bé. 9. Viết nhật ký Vài ngày một lần, khi thói vòi vĩnh ở bé bùng phát, bạn nên ghi lại những cơn mè nheo của trẻ: địa điểm, thời gian, điều bé muốn, điều bạn có thể thực hiện… Nếu bé thường xuyên đòi đồ chơi trong siêu thì bạn nên dắt bé bỏ qua khu vực đó. 10. Kiềm chế tính nóng nảy của bạn Nếu bạn cảm thấy mọi việc vượt ngoài tầm kiểm soát hoặc bối rối không biết “xử lý” bé thế nào, bạn có thể ra ngoài thư giãn một chút nhưng vẫn đảm bảo bé trong hoàn cảnh an toàn. Sau đó, bạn sẽ quay lại và nói chuyện tiếp với trẻ. B- Cha mẹ cãi nhau vì tiền bạc, con dễ mắc nợ nần Nhóm nhà nghiên cứu Đại học East Carolina, Mỹ đưa ra kết luận trên sau khi thực hiện cuộc khảo sát 413 sinh viên từ các trường đại học, dựa vào số thẻ tín dụng họ đang sở hữu, mối quan hệ của họ và bố mẹ trong lĩnh vực tài chính gia đình khi còn là đứa bé. Kết quả cho thấy, các sinh viên sống trong hoàn cảnh cha mẹ hay tranh cãi về tài chính gia đình thường có xu hướng sử dụng nhiều thẻ tín dụng và có nguy cơ mắc nợ gấp nhiều lần so với sinh viên mà cha mẹ không cãi nhau về tiền bạc. "Rõ ràng những ảnh hưởng của cha mẹ với con cái trong cuộc sống hàng ngày không thể xem nhẹ", Livescience dẫn lời nhóm nghiên cứu cho biết trong báo cáo đăng trên tạp chí Journal of Family and Economic Issues. "Các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và hoạch định chính sách cần làm việc với các bậc phụ huynh để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất, giúp con cái có ý thức tốt trong việc tiêu tiền và thẻ tín dụng", theo báo cáo.

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2012

Muốn trẻ thông minh, hãy để nhiều sách trong nhà

Số lượng sách mà trẻ có khả năng tiếp xúc trong nhà càng lớn thì khả năng tư duy của chúng càng cao. Trẻ càng tiếp xúc nhiều với sách, đồ chơi thì khả năng tư duy càng phát triển. Ảnh: Trẻ càng tiếp xúc nhiều với sách, đồ chơi thì khả năng tư duy của chúng càng phát triển. Ảnh: childrenbooksandmusic.com. Giáo sư Brian Avants, một nhà nghiên cứu của Đại học Pennsylvania tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp phân tích thông tin về cuộc đời của 64 người. Những người này được theo dõi trong 20 năm, nghĩa là từ khi họ còn nhỏ tới khi thành người lớn, Fox News đưa tin. Khi đối tượng nghiên cứu còn nhỏ, các chuyên gia tập trung vào những đồ vật có khả năng kích thích hoạt động trí tuệ - chẳng hạn như đồ chơi hay sách. Sau đó họ thường xuyên quan sát não của đối tượng nghiên cứu bằng máy chụp ảnh cộng hưởng từ trong những năm sau để phân tích. Kết quả cho thấy, vỏ não của những người sống trong môi trường có nhiều đồ vật kích thích tư duy từ khi 4 tuổi mỏng hơn so với những trẻ khác. Xu hướng này không hề phụ thuộc vào chỉ số thông minh của cha, mẹ. Vỏ não càng mỏng thì khả năng tư duy càng lớn. Độ dày của vỏ não thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời của con người. Trẻ càng nhỏ thì vỏ não càng dày. Nhưng trong quá trình phát triển của người, vỏ não loại bỏ những tế bào không cần thiết nên trở nên mỏng hơn. Những tế bào còn lại sẽ chuyên biệt hóa để phù hợp với môi trường xung quanh. "Con người càng tiếp xúc nhiều với sách, đồ chơi và những vật kích thích hoạt động thần kinh thì vỏ não càng mỏng. Tế bào não càng hoạt động nhiều thì chúng ngày càng trở nên chuyên biệt hóa để thực hiện một số chức năng nhất định. Vỏ não của những người có chỉ số thông minh cao thường mỏng hơn so với vỏ não của những người có chỉ số thông minh thấp", Avants giải thích. Một điều thú vị là môi trường sống trong nhà không ảnh hưởng tới vỏ não của trẻ từ tuổi thứ tám. Do vậy, phụ huynh nên quan tâm tới môi trường trong nhà ngay từ khi trẻ còn nhỏ hơn độ tuổi đó. "Nguyên nhân là não của người rất nhạy cảm với môi trường xung quanh trong quãng thời gian trước tuổi thứ tám. Song chúng tôi cũng cho rằng, từ tuổi thứ tám, thời gian ở nhà của trẻ ít hơn so với khoảng thời gian trước", nhóm nghiên cứu lập luận.

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Con giỏi hay dốt do cha mẹ, không phải nhà trường

Sự dạy dỗ của cha mẹ có ảnh hưởng lớn nhất tới kết quả học tập của trẻ, bất kể chất lượng trường học của chúng ra sao, một nghiên cứu tại Mỹ vừa khẳng định. Một nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 10.000 thiếu niên trên khắp nước này. Thông tin thu thập gồm điểm xếp hạng của các trường học, sự tham gia của các bậc cha mẹ trong việc giúp trẻ làm bài tập ở nhà và các sự kiện ở trường. Nhóm nghiên cứu phát hiện những trẻ có cha mẹ rất ủng hộ và quan tâm đến thời kỳ học đường thì thực hiện các bài thi tốt hơn. Cũng theo các tác giả, yếu tố quan trọng nhất trong mối quan hệ phụ huynh - con cái đó là sự tin tưởng, chia sẻ và khuyến khích hoạt động. "Cha mẹ nên đầu tư thời gian cho trẻ, kiểm tra bài tập về nhà, tham dự các hoạt động tại trường của con và cho trẻ biết trường học là quan trọng", tiến sĩ Toby Parcel, từ Đại học bang North Carolina, nhấn mạnh về vai trò của cha mẹ tới chất lượng học tập của con cái. T. An (theo egovmonitor)

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Vàng - đô: Cặp đôi hoàn hảo?

Tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố gần như bất động suốt một thời gian dài. Điều đó không có nghĩa thị trường ngoại hối đang bình yên. Đứng ở mức 20.803 đồng/USD vào cuối tháng 10/2011, tỷ giá bình quân liên ngân hàng do NHNN công bố được điều chỉnh gần đây nhất là vào hồi tháng 1/2012, lên 20.828 đồng/USD. Con số này được "chốt" cứng đến tận bây giờ. Nếu vẽ đồ thị có thể thấy tỷ giá bình quân liên ngân hàng là một đường nằm ngang từ đầu năm đến nay. Trên thị trường tự do, tỷ giá có nhích nhẹ một chút vào trung tuần tháng 3; đầu tháng 6 (21.036 đồng/USD) và 23/8 (20.910 đồng/USD). Hiện tỷ giá đang được các NHTM niêm yết ở mức mua vào, bán ra 20.803 - 20.807 đồng/USD. Cây muốn lặng... Tỷ giá ổn định đã tạo điều kiện để NHNN mua vào USD, tăng dự trữ ngoại hối lên khoảng 19 tỷ USD (con số được chính thức công bố vào tháng 7/2012). Còn theo Bản tin nghiên cứu thị trường của ngân hàng BIDV đưa ra tháng 9/2012, dự trữ ngoại tệ quốc gia đã tăng lên khoảng 22 - 23 tỷ USD, tương đương 11,5 tuần nhập khẩu. Thị trường ngoại hối lặng sóng đã hỗ trợ NHNN điều hành chính sách tiền tệ, mà điển hình là liên tục giảm lãi suất tiền đồng để kích cầu tín dụng. Có nhiều lý do khiến tín dụng không tăng như mong muốn. Và tính chung thì tín dụng không tăng nhiều nên tín dụng ngoại tệ cũng không tăng nhiều. Chênh lệch lãi suất cho vay VND và USD không còn lớn như những năm trước, nhưng vẫn ở mức đáng kể nên không ít doanh nghiệp vẫn muốn vay bằng USD. Đặc biệt, khi tỷ giá không biến động nhiều thì rủi ro tỷ giá giảm, vay USD có lợi hơn VND. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ cho các dự án trọng điểm của nền kinh tế tăng, trong khi huy động ngoại tệ giảm, càng khiến các NHTM mất cân đối về nguồn vốn ngoại tệ. Khi gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút bất cứ thời điểm nào khách hàng vẫn được hưởng mức lãi suất cao nhất 2%/năm. Đây chính là cách mà nhiều NHTM đang "lách" trần lãi suất huy động USD của NHNN. Về nguồn cung, Vietcombank - ngân hàng thương mại hiện đang đứng đầu về các sản phẩm, dịch vụ ngoại hối cho thấy, tỷ lệ vốn huy động bằng ngoại tệ liên tục sụt giảm. Tình trạng này không chỉ xảy ra đối với Vietcombank mà với cả các ngân hàng lớn khác như Vietinbank, BIDV. Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng này phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong bối cảnh vị thế đồng USD lung lay, khủng hoảng kinh tế lan khắp châu Âu, Vietinbank đã chấp nhận mức lãi suất trái phiếu lên đến 8,25% (phát hành 250 triệu USD trái phiếu quốc tế vào tháng 5/2012, trong kế hoạch 500 triệu USD của năm 2012) là minh chứng khá rõ ràng cho vấn đề này. Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 của Vietcombank cũng đã thông qua chủ trương phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Chưa hết, sau nhiều lần dự kiến, BIDV đang khởi động lại chương trình phát hành trái phiếu quốc tế, tiếp theo đó là một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Nếu không gặp những biến cố về nhân sự, nợ xấu, sáp nhập, mua bán... thì có lẽ những kế hoạch phát hành trái phiếu của các ngân hàng này đã được thực thi. Nhưng gió chẳng đừng... Thị trường ngoại tệ lặng sóng, nhưng nếu để ý một chút thì những lần tăng của tỷ giá trên thị trường tự do đều xuất phát từ giá vàng. Gần đây nhất là ngày 23/8, giá vàng hốt hoảng tăng khiến các NHTM liên tục thay đổi tỷ giá niêm yết. Giá vàng hôm 14/9 đã vọt qua mức 47,4 triệu đồng. Giá vàng thế giới tiếp tục tăng, đe dọa chạm mốc 1.800 USD/oz. "Thói quen" của người Việt Nam là sốt sắng mua vào khi giá vàng tăng, bán ra khi giá giảm. Vì thế, việc giá vàng lập đỉnh sẽ đẩy cầu vàng tăng nhanh hơn. Cho dù NHNN đã cho phép SJC sản xuất vàng miếng, nhưng với một mình SJC thì chắc chắn nguồn cung khó đáp ứng được tốc độ tăng của cầu trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề là, giá vàng càng tăng nhanh, càng chênh lệch với giá vàng thế giới thì nhu cầu USD để nhập khẩu vàng, cả chính thức và nhập lậu, sẽ tăng theo. Những chính sách mà NHNN ban hành liên quan tới thị trường vàng suốt thời gian qua có thể cho thấy, cơ quan quản lý đang bất lực trước sự biến động của thị trường này. Vì thế, vàng - USD sẽ tiếp tục là một "cặp đôi hoàn hảo" trong việc làm nóng thị trường. Mặt khác, việc giữ tỷ giá "chết" quá lâu chắc chắn sẽ có tác động bất lợi cho nền kinh tế. Đơn cử, VND được định giá cao hơn so với giá trị thực của nó sẽ khiến hàng nhập khẩu trở nên rẻ hơn. Xu hướng dùng hàng ngoại tăng sẽ giết chết sản xuất trong nước. Một điểm sáng về ngoại tệ mà các nhà điều hành chính sách nói đến năm nay là kiều hối. Mức kiều hối lên đến 6 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm và dự kiến cả năm đạt 10 tỷ USD là con số đáng mừng. Song, có một thực tế là tuy ngân hàng thương mại nào cũng có kênh nhận kiều hối, nhưng gần như tiền về lập tức lại chảy ra khỏi khỏi ngân hàng. Đích đến của kiều hối là đâu là câu hỏi hóc búa đối với các nhà quản lý. Điều đó có nghĩa, một lượng ngoại tệ lớn đã, đang tiếp tục nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Một vấn đề khác, sự trì trệ của khu vực doanh nghiệp sản xuất; những bê bối trong ngành ngân hàng ngày càng nhiều, khiến môi trường kinh doanh của Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng mất điểm. Sẽ rất khó ngăn được dòng chảy ra của vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp. Như vậy, cung ngoại tệ giảm sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Nếu không có biện pháp phòng ngừa từ bây giờ, e rằng những con sóng ngầm đang lớn dần dưới sự phẳng lặng của tỷ giá bình quân liên ngân hàng! InfoTV

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Không ai nhận trách nhiệm vụ Vinalines, tự phê không thành công

Nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Cần kết luận rõ ai thuộc ’một bộ phận không nhỏ’ - nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Nguyễn Đình Hương nêu. So với các nghị quyết đã có trước đây đề cập vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tôi cho rằng, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" được toàn Đảng, toàn dân đón nhận, hoan nghênh và trông chờ nhiều hơn cả. Mọi người hồ hởi, phấn khởi đón nhận, hoan nghênh, nhưng cái chính là mong đợi và trông chờ vào kết quả thực hiện Nghị quyết. Sau Hội nghị cán bộ toàn quốc hướng dẫn việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, qua các báo cáo về kết quả bước đầu thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi thấy rất đáng mừng là Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành khá công phu, từ các bước chuẩn bị, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tiến hành nhiều ngày liền. Điều này thể hiện sự thận trọng và quyết tâm cao, biến những mục tiêu đặt ra trong nghị quyết thành hiện thực. Tôi tin rằng, Nghị quyết này sẽ được thực hiện tốt và có hiệu quả, đem lại niềm phấn khởi, tin tưởng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhưng cũng cần suy nghĩ thêm như thế nào là có kết quả. Ai thuộc ’một bộ phận không nhỏ’ Theo tôi, kết quả ở đây không chỉ là kết quả của kiểm điểm, tự phê bình và phê bình dài ngày hay ngắn ngày, mà là phải đi tới kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "Một bộ phận không nhỏ... suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc" như Nghị quyết đã nêu. Nếu không thì sẽ dẫn đến tình trạng là Nghị quyết nói là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái nhưng khi kiểm điểm thì chẳng có ai nhận là suy thoái cả. Vậy thì trách nhiệm để xảy ra tình trạng ấy thuộc về ai? Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong Ông Nguyễn Đình Hương: Phải kết luận rõ ràng, chính xác và cụ thể trong đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp từ cơ sở tới TƯ có ai và có bao nhiêu người nằm trong "một bộ phận không nhỏ...". Ảnh: LAD Đợt kiểm điểm vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước đây làm được như thế. Hầu như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt lên bàn nghị sự tất cả mọi vấn đề. Nhưng qua tự phê bình và phê bình chưa thấy ai chịu trách nhiệm về một số vụ việc nổi cộm như Vinashin, Vinalines. Tôi nhớ trước đây, có những vụ việc sai phạm nghiêm trọng, gây bất bình trong Đảng, trong nhân dân như vụ Thủy cung Thăng Long, Lã Thị Kim Oanh hay đường dây 500 kV... chưa cần tổ chức tự phê bình và phê bình mà đã xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan những sai phạm đó. Phải nói là kỷ luật Đảng hồi đó rất nghiêm. Hơn 50 năm trước, khi xảy ra việc vỡ đê Mai Lâm ở Hà Nội gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, Bác Hồ đã ngay tức khắc cách chức ông bộ trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó. Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin, Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công. Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể. Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Đợt kiểm điểm vừa rồi làm rất công phu tuy kết quả chưa rõ, nhưng tôi vẫn tin tưởng là sẽ có kết quả tốt đẹp. Những nhân tố tích cực sẽ chiến thắng áp đảo những phần tử tiêu cực để chứng tỏ Đảng ta đề ra Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng là sáng suốt. Đừng làm kiểu ’người nhà với nhau’ Hiện tại, các tỉnh ủy, thành ủy và các đảng ủy trực thuộc TƯ bắt đầu tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo kế hoạch đã định. Ở cấp này, theo tôi có mấy việc cần lưu ý như sau: Trước hết, cần tập trung làm rõ và khắc phục cho bằng được những khuyết điểm, yếu kém và bất cập trong công tác bố trí cán bộ, nhất là cán bộ ở tầm cấp chiến lược. Thời gian qua, chúng ta đã có những bài học lớn, sâu sắc về lĩnh vực này. Thứ hai là, cần phân biệt và thấy rõ sự khác biệt giữa đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình hằng năm. Tự phê bình và phê bình hằng năm là bao gồm nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề xảy ra trong năm từ chính trị, kinh tế, xã hội đến giáo dục... Còn đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình này là chỉ tập trung vào công tác xây dựng Đảng mà cụ thể là những biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên và những vấn đề được nêu trong Nghị quyết. Nếu không nhận thức rõ vấn đề này thì sẽ làm lệch, làm không đúng, không trúng trọng tâm như Nghị quyết đặt vấn đề. Ở các địa phương, các bộ, ngành nên tập trung vào những vấn đề liên quan suy thoái phẩm chất chính trị, về quản lý đất đai, đấu thầu, thực hiện các dự án và tập trung vào công tác bố trí cán bộ với những biểu hiện chạy chức, chạy quyền, tập hợp phe cánh... Không nên đề cập quá nhiều vấn đề làm loãng hoặc là nhằm né tránh những vấn đề cốt yếu, quan trọng cần được làm rõ. Mặt khác, phải thấy rõ một vấn đề là giữa kiểm điểm tập thể với kiểm điểm cá nhân thì kiểm điểm tập thể là dễ nhất trí, còn kiểm điểm cá nhân là rất khó. Vì thế, cần chú trọng làm thật tốt khâu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân thì mới giải quyết được tận gốc những vấn đề đặt ra trong nghị quyết và việc thực hiện nghị quyết mới có hiệu quả thiết thực, đạt ý nghĩa quan trọng như Nghị quyết đã đề ra. Thêm một vấn đề cần lưu ý nữa là, trong khi kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thường hay nể nang theo kiểu "người nhà với nhau" hoặc là tránh né vì lo ngại "đấu tranh thì tránh đâu", rồi sợ mất lòng... Ở các tỉnh, thành phố còn có đặc thù là cuối nhiệm kỳ sẽ có một số người đến tuổi không tái cử cho nên có tâm lý là sắp nghỉ rồi thì tham gia góp ý kiến, phê bình cũng chỉ nên nhẹ nhàng thôi. Ngược lại, đối với cán bộ thời gian phục vụ còn dài thì lo ngại bị ảnh hưởng cho nên mức độ tự phê bình và phê bình sẽ không cao. Thêm một điểm cần chú ý nữa là trong khi thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cá nhân, cần hết sức tránh để xảy ra hiện tượng lấy dư luận làm căn cứ để áp đặt, phê bình người khác gây nên những căng thẳng không đáng có trong khi kiểm điểm. Mọi thông tin đều phải được điều tra, xem xét và kiểm chứng rõ ràng thì mới đề cập. Có như vậy mới bảo đảm tự phê bình và phê bình đúng tinh thần Nghị quyết TƯ 4 khóa XI, về xây dựng Đảng. Nguyễn Đình Hương Nguyên Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức T.Ư (theo Nhân Dân, tiêu đề và tiêu đề phụ do VietNamNet đặt)

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Những điều các mẹ cần lưu ý khi nuôi dạy con trai

Cá tính và suy nghĩ của con trai hoàn toàn khác với con gái, vì thế, các bà mẹ đừng áp đặt những suy nghĩ, tình cảm của mình vào tình huống cho con trai. Hãy hiểu con qua các phân tích dưới đây, từ đó dạy chúng tốt nhất. Suy nghĩ đơn giản Phụ nữ trưởng thành có hàng nghìn kiểu trạng thái tình cảm, giống như với các cô bé. Các cậu bé thì ngược lại, chúng chỉ cảm thấy một trong 3 điều sau: điên rồ, buồn rầu, vui vẻ. Đừng áp đặt cuộc sống tình cảm phức tạp như của bạn lên con trai. Vấn đề của thằng bé lúc ấy có thể không phức tạp như bạn nghĩ. Nó muốn ăn, muốn đánh hoặc muốn chạy. Trong ngày thật tồi tệ nó muốn lấy lại những đồ chơi đã bị lũ bạn cướp mất. Nó không muốn nhìn chằm chằm ngoài cửa sổ và thảo luận dài dòng về ý nghĩa của cuộc sống, giống như với các bé gái. Hãy nhìn cơ thể nó, chứ đừng nhìn cái miệng Một lần nữa, giống như đàn ông trưởng thành, dấu hiệu cho thấy con trai bạn tâm trạng ra sao thể hiện ngay ở dáng vẻ của nó. Nhảy lên nhảy xuống là biểu hiện nó đang thoải mái. So vai lại nghĩa là đang buồn. Yên lặng là tốt. Yên tĩnh thì cần được chú ý hơn. Khi trẻ ngờ vực, lo lắng, một cái ôm chặt là đủ Các cậu bé thường khó khăn hơn các cô bé rất nhiều trong việc thổ lộ vấn đề của mình. Giải pháp lúc đó không phải là bảo con nói ra khó khăn, mà hãy ôm chặt con trai. Nó sẽ có kết quả kỳ diệu. Ít phút sau, cậu bé sẽ lại nô đùa ầm ầm trở lại. Người dơi sống mãi Các cậu bé, dù còn rất nhỏ, đã nhận ra tầm quan trọng của sức mạnh siêu nhiên. Chúng muốn giỏi như vậy và tin vào sự tồn tại của những thế lực thần kỳ trong thế giới. Những hoạt động thể chất “vớ vẩn” đều hoàn hảo với chúng Anh trai tôi và tôi từng thuyết phục hai con trai của anh ấy và cậu con lớn của tôi, khi ấy đều 10 tuổi, rằng chúng cần xây một ngôi nhà bằng đá. Các tảng đá ở đầu một bãi biển, nhưng địa điểm “xây nhà” lý tưởng lại ở đầu kia của bãi. Thế là theo lời khuyên của chúng tôi, lũ trẻ hì hục khuân những tảng đá nặng. Suốt buổi sáng, lũ trẻ mệt lử vì chuyển đá, xây nhà, còn chúng tôi được buổi sáng thanh bình. Thắng là quan trọng, nhưng không nhiều như bạn nghĩ Các cậu bé thường đặt mình vào áp lực mạnh mẽ phải thể hiện ở trường, trong các môn thể thao và trong những tình huống xã hội. Khi chúng nói ít về điều đó, thì có nghĩa là nỗi buồn thất bại thậm chí còn sâu sắc hơn. Với các cậu bé, điều quan trọng là nhấn mạnh về bài học thu được từ thất bại, thay vì cố gắng thắng bằng mọi giá. Vấn đề quần áo Các bé gái có nhiều lựa chọn về váy vóc hơn con trai, vì thế xu hướng của mọi người là quẳng cho thằng bé cái quần jean và áo sơ mi, rồi mặc kệ nó. Nhưng tốt hơn, bạn nên đảm bảo rằng chúng là quần jean đúng kiểu, áo đúng kiểu. Bởi vì cậu con trai sẽ muốn nó trông sành điệu, thoải mái. Đám đông, nhưng đừng đông quá Tôi để ý thấy con gái mình tỏa sáng khi tham gia vào một đám đông, dù đó là gia đình hay người lạ. Sức mạnh đồng loại cho nó năng lượng ấy. Với con trai thì lại ngược lại. Chúng xấu hổ và có xu hướng núp sau chân tôi. Tôi cố gắng bảo vệ chúng trong tình huống ấy và không đẩy chúng đi quá giới hạn. Giờ ngủ là quan trọng Vì trẻ trai rất hiếu động, nên khó mà bắt chúng ngồi yên. Thời gian tốt nhất trong ngày là 10 phút trước khi chúng đi ngủ. Bạn hãy vào giường với chúng, đọc sách và giữ chúng trong khi chúng rơi vào giấc ngủ.

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Vị cha già đáng kính của dân tộc Việt Nam

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Biển Đông cuộn sóng.

1. Quân đội Nhật Bản có thể đóng quân dài hạn tại Philippines Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc đàm phán giữa Nhật Bản và Mỹ ngày 23/4, hai bên đã đạt được sự nhất trí chung về việc cùng sử dụng một căn cứ quân sự của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, trong thời gian tới Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể hiện diện quân sự lâu dài tại một căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ Philippines. Trong cuộc đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận, ngoài căn cứ quân sự của Mỹ tại phía Bắc quần đảo Mariana, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sự dụng được cả căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Palawan hoặc Luzon của Philippines. Vấn đề này sẽ được ba nước đang tiến hành thương lượng trong thời gian tới. Cùng với đó, quân đội Mỹ đã sẵn sàng di dời căn cứ quân sự trên đảo Okinawa đến các căn cứ tại Hawaii, Guam và thành phố Darwin của Australia. Trong những năm gần đây, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ngày càng muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở nước ngoài. Nhật Bản cho rằng, việc Lực lượng Phòng vệ của nước này muốn gửi quân sang nước ngoài với mục đích hỗ trợ huấn luyện cùng các nước. 2. Báo Trung Quốc kêu gọi chuẩn bị đánh Philippines Thời báo Hoàn cầu của đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếng kêu gọi sẵn sàng tấn công Philippines, giữa lúc hai bên đang căng thẳng trên biển Đông. Đó là nội dung của bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu ngày 21.4 và được tờ The Philippines Star dẫn trích lại vào hôm qua. Bài viết được đăng trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Bắc Kinh và Manila đối với bãi cạn Scarborough trên biển Đông, vốn bùng phát từ ngày 8.4, chưa lắng dịu. Hiện tại, 2 tàu Trung Quốc vẫn hiện diện tại khu vực trên, Philippines thì “hằm hè” bằng 1 tàu tuần duyên. Theo đó, bài bình luận có đoạn: “Trung Quốc không chỉ bảo vệ đảo Hoàng Nham (cách Bắc Kinh gọi Scarborough - NV) mà còn phải đối phó với thế lực bên ngoài muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của chúng ta”. Bài viết còn lên giọng: “Trung Quốc cần sẵn sàng ứng chiến một cuộc xung đột quy mô nhỏ trên biển với Philippines. Trung Quốc phải hành động cương quyết và đưa ra thông điệp rõ rằng Bắc Kinh dù không muốn nhưng chẳng sợ tiếng súng”.Cũng trong ngày 21.4, tờ PLA Daily, cơ quan ngôn luận của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đăng bài xã luận cảnh báo Mỹ về cuộc tập trận chung với Philippines đang diễn ra. Bài viết cho rằng đợt tập trận mang tên Balikatan giữa Mỹ - Philippines “đã thổi bùng nguy cơ xung đột vũ trang trong tranh chấp biển Đông”. Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn khẳng định động thái trên không nhằm vào Trung Quốc. Tham gia Balikatan lần này, các binh sĩ hai nước thực hiện bài diễn tập chưa có tiền lệ là tái chiếm các giàn khoan dầu từ tay kẻ địch ở ngoài khơi đảo Palawan của Philippines, theo Kyodo News. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 23.4 lên tiếng kêu gọi các nước láng giềng dè chừng thái độ ngày càng có tính gây hấn của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez tuyên bố Manila sẽ đưa vấn đề tranh chấp Scarborough vào nghị trình hội đàm với giới chức Mỹ diễn ra vào tuần tới. AFP dẫn lời ông Hernandez cảnh báo: “Những gì đang diễn ra ở Scarborough cho thấy mối đe dọa tiềm ẩn không chỉ đối với Philippines mà cả những nước muốn có sự tự do đi lại và thương mại ở biển Đông”. Trước đó, tờ Business Mirror dẫn lời tướng Juancho Sabban, quan chức quốc phòng Philippines, nhấn mạnh quân đội sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người dân nếu Trung Quốc tấn công. 3. Giới phân tích: Các siêu cường tranh giành biển Đông Trung Quốc đã thất bại trong việc ngăn không cho các cường quốc khác dính líu hay can thiệp gì vào cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của nước này. Trung Quốc hiện đang có tranh chấp ở khu vực Biển Đông với một loạt nước và vùng lãnh thổ. Biển Đông là khu vực giàu dầu mỏ, khí đốt và là nơi có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng. Chính vì thế, các cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này luôn diễn ra quyết liệt và nóng bỏng. Bắc Kinh luôn khẳng định muốn giải quyết những cuộc tranh chấp này trong khuôn khổ song phương. Tuy nhiên, có vẻ như mong muốn này khó mà thực hiện được khi giờ đây Mỹ đã không còn ngại đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Washington gần đây đã có nhiều động thái can thiệp trực tiếp vào những cuộc tranh chấp ở khu vực thay vì chỉ gián tiếp mập mờ như trước đây. Mỹ chắc chắn là cường quốc mà Trung Quốc muốn ngăn không cho tiếp cận vào vấn đề Biển Đông nhất. Tuy nhiên, trong thời gian qua, cường quốc số 1 thế giới đã từng bước “dính líu” sâu hơn vào những tranh chấp ở khu vực biển giàu tài nguyên này. Ban đầu, Mỹ chỉ đưa ra những tuyên bố đầy tính ám chỉ về việc sẽ đứng về phía Manila trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Tuy nhiên, kể từ sau khi xảy ra vụ va chạm tàu thuyền quyết liệt giữa Philippine và Trung Quốc ở Biển Đông hôm 8/4 vừa rồi, Washington đã có nhiều bước đi và động thái mạnh mẽ hơn và công khai hơn. Mỹ đã đưa hàng nghìn quân và hàng loạt tàu chiến đến vùng tranh chấp của Philippine để tập trận cùng với nước đồng minh của mình đúng thời điểm Trung Quốc và Philippine đang có cuộc đối đầu căng thẳng vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Dù cả Manila và Washington đều khẳng định cuộc tập trận này không liên quan gì đến Trung Quốc nhưng việc hai nước tiến hành các cuộc diễn tập tái chiếm đảo, tái chiếm dàn khoan không thể không khiến Bắc Kinh lo ngại và bất an. Nhiều người lo ngại, vùng lãnh hải mà Trung Quốc coi là sân sau của họ sẽ sớm trở thành sân chơi mới của hai cường quốc hàng đầu thế giới và rất có thể sẽ trở thành một vùng chiến mới. Một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore đã gọi Biển Đông là “điểm nóng tiềm năng”, nơi sẽ có sự cạnh tranh gay gắt giữa các siêu cường quốc hàng đầu thế giới. Các siêu cường thế giới đều thèm muốn được kiểm soát vùng biển giàu tài nguyên và có nhiều tuyến đường hàng hải quan trọng này. 1/3 giao thương của thế giới được cho là đi qua những tuyến đường ở Biển Đông. “Khi căng thẳng tiếp tục ‘sôi’ lên ở Biển Đông và hàng loạt tàu chiến kéo đến khu vực thì tôi nghĩ rằng, việc xảy ra một cuộc xung đột trên biển gây thương vong chỉ còn là vấn đề thời gian”, nhà nghiên cứu trên đã nhận định như vậy. Không cường quốc nào muốn Trung Quốc tự do chiếm lĩnh một khu vực hàng hải quý giá như Biển Đông. Và những cường quốc này có được sự ủng hộ của các nước đang có tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc. Một số nước có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc đang tìm cách “quốc tế hóa” những cuộc tranh chấp này. Đây là điều Bắc Kinh rất sợ. Trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Philipine và Trung Quốc, Manila đã liên tục yêu cầu đưa cuộc tranh chấp của họ với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế để giải quyết nhưng Bắc Kinh kiên quyết phản đối điều này. Philippine rõ ràng rất muốn kéo Mỹ vào vấn đề Biển Đông. Sự đối đầu của hai cường quốc ở đây chắc chắn sẽ có lợi cho Philippine. Điều này lý giải tại sao Manila trở lên mạnh bạo hơn trong cuộc đối đầu mới nhất với Bắc Kinh. Bất chấp những lời đe dọa, cảnh báo đầy sắc lạnh của giới lãnh đạo dân sự cũng như quân sự Trung Quốc, Philippine kiên quyết không chịu lùi bước. Nước này thậm chí còn đưa cả tàu chiến lớn nhất của mình ra đối đầu với tàu chiến của Trung Quốc. Manila tin rằng, với sự có mặt của một cường quốc quân sự mạnh như Mỹ, Bắc Kinh cũng phải e dè khi có bất kỳ động thái cứng rắn nào. Tuy nhiên, Philippine và Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục đối đầu nhau trong thế giằng co, kéo dài. Như vậy, Biển Đông được dự báo sẽ là một điểm nóng của thế giới trong thời gian tới và khu vực biển này sẽ còn nhiều lần “dậy sóng”.

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Quân sự Việt Nam

1. SIPRI liệt kê số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu
Không quân
Trong năm 2010, Việt Nam đã ký kết với Canada một hợp đồng mua 6 thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter (biến thể Việt Nam đặt mua là DHC-6-400). Dự kiến những máy bay đầu tiên loại này sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ năm 2012 và sẽ hoàn thành giao đủ 6 máy bay đến năm 2014 (>> chi tiết).
Năm 2008, Việt Nam đã đặt mua của Romania 10 máy bay huấn luyện Yak-52. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011, nước bạn đã bàn giao đủ cho Không quân Việt Nam 10 chiếc Yak-52 theo hợp đồng.
Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Nga 8 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK/Flanker (biến thể Việt Nam đặt hàng là Su-30MK2V được tăng cường khả năng đánh biển) với giá trị từ 400-500 triệu USD, Nga đã hoàn thành bàn giao cho Việt Nam 8 máy bay này trong giai đoạn năm 2010-2011.
Tiếp tục tăng cường sức mạnh cho không quân, năm 2010 Việt Nam đặt mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2V với giá trị 1 tỷ USD, trong số 12 máy bay của hợp đồng này, Nga đã bàn giao 8 máy bay cho Việt Nam trong năm 2011, 4 máy bay Su-30MK2V còn lại dự kiến sẽ được bàn giao nốt trong năm 2012.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, hồi đầu 3/2012 vừa qua, một chiếc Su-30MK2V Nga sản xuất cho Việt Nam, trong quá trình bay thử nghiệm để chuẩn bị bàn giao đã bị rơi
Một số nguồn tin Nga cho rằng, có khả năng công ty Sukhoi sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 1 chiếc Su-30MK2V để giao đủ 4 máy bay còn lại cho Việt Nam mà không vi phạm thời hạn bàn giao trong hợp đồng.
Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 40 quả tên lửa không đối hạm Kh-31A1 trong tổng số 80 qủa đã đặt hàng từ năm 2009. SIPRI lưu ý rằng, số tên lửa này bao gồm cả biến thể tên lửa chống radar Kh-31P, và sẽ được trang bị trên các chiến đấu cơ Su-30MK2V.
Năm 2010-2011, Việt Nam đã nhận được 150 quả tên lửa không đối không tiên tiến R-73 (AA-11 Archer) trong tổng số 250 quả tên lửa loại này được đặt hàng từ năm 2009. Số tên lửa R-73 cũng dùng để trang bị trên các máy bay Su-30MK2V.
>> R-73, tên lửa không đối không số 1 của Nga
Giai đoạn 2009-2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 100 quả bom có điều khiển KAB-500/1500, trong tổng số 200 quả đã đặt hàng từ năm 2009.
Phòng không
Năm 1996, Việt Nam đã đặt mua của Nga 400 tên lửa phòng không vác vai di động Igla-l (SA-16 Gimlet), trong số 400 tên lửa này đã có 340 tên lửa được Nga bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999-2011.
Cũng theo SPIRI, biến thể tên lửa hải đối không Igla (định danh NATO là SA-N-10) mà Việt Nam đặt mua sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm BPS-500 (Ho-A), tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) và có thể cả tàu tên lửa Project 1241.1.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Ukraine 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga với tổng trị giá 54 triệu USD, thời điểm và thời hạn bàn giao chưa được SIPRI xác định. Tuy nhiên, một số nguồn tin nước ngoài cho biết Việt Nam đã nhận đủ 4 hệ thống radar này.
Hải quân
Giai đoạn năm 2008-2011, Việt Nam đã nhận được 83 tên lửa chống tàu Kh-35 Uran (SS-N-25) trong hợp đồng đặt hàng 400 tên lửa loại này từ năm 2004, tên lửa Kh-35 sẽ được trang bị và dự trữ cho hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 và các tàu tên lửa project 1241.8 của Hải quân Việt Nam (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P (mỗi hệ thống trang bị 36 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont) trong đơn đặt hàng được ký trước đó trong năm 2007 (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được đủ 40 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont trong hợp đồng đặt mua 40 tên lửa loại này (trị giá 300 triệu USD) được ký kết trong năm 2007, số đạn tên lửa này sẽ dự trữ cho hai hệ thống Bastion-P mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 40 tên lửa chống tàu 3M-54 Klub (SS-N-27) để dự định trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Kilo 636. Các tàu ngầm Kilo do Việt Nam đặt mua từ năm 2009 với trị giá từ 1,8-2,1 tỷ USD đang được đóng tại Nga và dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2014 - 2016/2017
Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tên lửa Project 1241.8 trong hợp đồng ký kết đóng 10 tàu loại này vào năm 2008, trong đó có 8 tàu được đóng tại Việt Nam theo giấy phép và dưới sự giám sát kỹ thuật của các kỹ sư Nga. Dự kiến 8 tàu Việt Nam tự đóng sẽ được hoàn thành đến năm 2016
Năm 2008, Việt Nam đã nhận được 4 động cơ tuốc bin khí DR-76 và 4 động cơ DR-77 trong hợp đồng mua 40 động cơ (mỗi loại 20 động cơ) được ký kết với Ukraina năm 2004, số động cơ này sẽ được lắp trên các tàu tên lửa Project 1241. Ngoài ra, năm 2011, Việt Nam đã nhận đủ 4 động cơ turbine gas DT-59 từ Ukraina để lắp trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên tại Nga.
Năm 2011, Việt Nam tiếp tục ký kết hợp đồng mua thêm 4 động cơ DT-59 để tiếp tục đóng thêm 2 chiến hạm lớp Gepard tại Nga (thuộc hợp đồng đóng thêm 2 tàu Gepard mới). Dự kiến, sau khi Nga tiếp tục hoàn thành đóng xong hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư cho Việt Nam, có khả năng dây chuyền sản xuất tàu lớp này sẽ được chuyển giao để Việt Nam có thể tự chủ chế tạo tàu chiến hiện đại trong tương lai
Giai đoạn năm 2011 - 2012, Việt Nam đã nhận được hai tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) trong hợp đồng đặt mua 4 tàu loại này được ký kết năm 2007 (>> chi tiết).
Với số lượng chủng loại vũ khí Việt Nam nhận được trong giai đoạn 2007 - 2011 do SIPRI thống kê, có thể nói tiềm lực quân sự Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong thời gian sắp tới, với việc tiếp tục nhận thêm các loại vũ khí chưa hoàn thành bàn giao và mới ký kết hợp đồng, năng lực tác chiến của Hải, Lục, Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên gấp bội.
2. Sư đoàn 370 - 'Lá chắn' bầu trời phía Nam
Sư đoàn Không quân 370 là một trong 3 sư đoàn chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam tổ quốc.
(ĐVO) Sư đoàn 370 được thành lập ngày 30/10/1975, lực lượng ban đầu chỉ gồm 46 máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-19 của trung đoàn 925 và một phi đội trinh sát cơ U-17 cùng những khí tài thu được của quân đội VNCH sau ngày giải phóng.
Theo sự phân công của quân chủng, sư đoàn đóng quân tại Đà Nẵng với nhiệm vụ tiếp thu các sân bay, kho xưởng tại quân khu 5. Đồng thời, đơn vị cũng chịu trách nhiệm bảo vệ vùng trời – biển khu vực miền trung và tham gia chiến dịch lớn sát cánh cùng Quân đội cách mạng Campuchia chiến đấu chống lại quân Khơ me đỏ.
Trong cuộc chiến đó, sư đoàn 370 đã lập nhiều chiến công lớn giúp Chính phủ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước, thoát họa diệt chủng. Và sau đó, đoàn cũng giúp nước bạn xây dựng trung đoàn không quân chiến đấu đầu tiên.
Cũng trong giai đoạn này, sư đoàn đã tham gia chi viện cho Chính phủ cách mạng Lào chống âm lưu lật đổ của các thế lực phản động.
Tháng 8/1987, đoàn 370 được điều về đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất với vai trò hết sức quan trọng là cùng với các lực lượng vũ trang khác đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ trên không, trên biển và đất liền.
Lúc này, cùng với những chuyển biến đi lên của đất nước sau Đại hội VI 1986, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp đặt ra vấn đề lớn đối với nước ta cần phải tái đầu tư cho lực lượng vũ trang đủ mạnh để bảo an ninh chính trị cho đất nước.
Trong đó, chúng ta đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng không quân mạnh bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển đảo của đất nước. Và sư đoàn 370 – lá chắn trời nam tổ quốc được ưu tiên hiện đại hóa, trang bị những khí tài tốt nhất để đáp ứng mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Sư đoàn không quân 370 biên chế với 3 trung đoàn thành lập cùng một ngày (21/7/1975):
Trung đoàn trực thăng 917
Trung đoàn 917 (đoàn Đồng Tháp) khi ra đời được trang bị phương tiện thu được của VNCH như trực thăng UH-1/CH-47, máy bay trinh sát U-17/L-19.
Ngay sau ngày thành lập không lâu, đoàn đã được điều động tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. Khi đó, đoàn đã cất cánh 195 lần tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Đơn vị bay trinh sát cất cánh 125 lần tìm mục tiêu cho cường kích A-37 và tiêm kích F-5 ném bom phá hủy sở chỉ huy địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề.
Ngày 28/8/1981, đoàn Đồng Tháp được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Giai đoạn 1982-1989, đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.
Đơn vị trực thăng đã chiến đấu 150 trận, đánh trúng 14 mục tiêu quan trọng của địch, tiêu diệt nhiều tên địch cùng phương tiện cơ giới. Trong nhiệm vụ vận tải, đoàn 917 vận chuyển 4.051 lần chuyến chở hàng, bộ đội.
Với những đóng góp không nhỏ, ngày 30/8/1989, trung đoàn 917 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ hai.
Cuối những năm 1980, hầu hết các máy bay thu được của quân VNCH rơi vào tình trạng thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế nên lần lượt bị loại khỏi biên chế.
Ngày nay, trang bị của đoàn 917 chủ yếu sử dụng trực thăng vận tải/vũ trang Mi-8/17 do Nga sản xuất và một số trực thăng UH-1 – được khôi phục hoạt động trở lại sau những năm 1990 (>> chi tiết).
Trung đoàn tiêm kích 935
Trung đoàn 935 (đoàn Biên Hòa) ngay khi mới thành lập đã cùng với đoàn 917 tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam với vũ khí trang bị (tiêm kích F-5, cường kích A-37) thu được của địch.
Đoàn 935 đã đánh 105 trận, phá hủy 12 sở chỉ huy cấp trung – sư đoàn của địch, đánh chìm đánh hỏng 17 tàu chiến, phá hủy 15 trận địa pháo, đánh thiết hại 2 quân cảng, 2 bến phà, 5 sân bay.
Trong cuộc chiến giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, chi viện hỏa lực tích cực cho bộ binh ta tiến công.
Ngày nay, với vai trò quan trọng bảo vệ vùng trời vùng biển phia nam tổ quốc, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa. Đoàn 935 được Đảng, Nhà nước và Bộ quốc phòng ưu tiên trang bị chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới Su-30MK2V.
Su-30MK2V có khả năng thực hiện nhiệm vụ đối không, đối đất, đối hải bằng vũ khí chính xác cao, sức công phá mạnh, tầm bắn xa
Trung đoàn tiêm kích 937
Trung đoàn 937 (đoàn Hậu Giang) khi mới thành lập, vị trí đóng quân của đoàn ở sân bay Cần Thơ, tiếp nhận sử dụng khí tài thu được của địch sau giải phóng.
Trong các ngày 11-12-13/6/1975, trung đoàn 937 đã tham gia đánh giải phóng các đảo ở phía Tây Nam tổ quốc. Những người phi công đã bình tĩnh, xử lý bay thấp, ném bom chính xác tiêu diệt nhiều mục tiêu phòng thủ của địch trên đảo, tạo điều kiện cho hải quân, đặc công tiến công giải phóng đảo.
Từ tháng 4/1977-2/1979, trung đoàn 937 đã tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đoàn đã xuất kích 500 lần chuyến, phá hủy 6 sở chỉ huy của địch, 9 trận địa pháo, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch.
Tháng 5/1988, đoàn được điều động về đóng quân tại sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Ngày nay, trung đoàn trang bị các máy bay tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22M4. Đây là biến thể cuối cùng của dòng Su-22, nâng cấp với hệ thống điện tử mới cho phép nó trang bị vũ khí chính xác cao đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không, đất liền, trên biển.
Không phụ sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây sư đoàn 370 đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ chiến đấu, hàng nghìn tấn hàng hóa cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Tây Nam – Trung Bộ, thực hiện nhiều chuyến bay chuyên cơ đưa lãnh đạo cấp cao Bộ quốc phòng thị sát đảo, tình hình sẵn sàng chiến đấu các đơn vị.
Đoàn thường xuyên thực hiện chuyến bay tuần tra bảo vệ biển, trinh sát, chụp ảnh trên biển Đông và vùng biển Tây Nam. Các máy bay đoàn 370 tham gia hoạt động diễn tập bắn đạn thật với các lực lượng vũ trang quân khu 5, 7, 9

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

3 điều bạn không bao giờ nên làm hộ con mình

Không bao giờ là quá sớm để dạy con tính tự lập. Nếu bạn muốn bé tự đứng trên đôi chân của mình, hãy để bé tự chuyển mình từ một đứa trẻ nhạy cảm thành một người lớn có trách nhiệm. Dưới đây là 3 việc bạn không nên làm hộ con:

1. Bài tập về nhà
Đã bao nhiêu lần bạn trông thấy các bậc cha mẹ làm hộ bài tập về nhà cho con họ?

Bạn cũng có thể như vậy. Đầu tiên, bạn lắc đầu thông cảm, và kế tiếp là cầm bút viết hộ con bài luận khó nhằn. Nhưng coi chừng, con bạn sẽ gặp rắc rối với điều đó.

Những tiếng rên rỉ "Con không làm được đâu!" có thể làm mềm lòng bất cứ bậc phụ huynh cứng rắn nào. Đôi khi, làm luôn bài hộ con dễ dàng hơn nhiều với việc nghe chúng mè nheo. Nhưng trước khi đặt bút xuống, bạn hãy nhìn, và lắng nghe kỹ. Con bạn trước tiên nên thử làm một mình đã.

Nếu bé không hiểu đề bài, hãy dành thời gian xem kỹ câu hỏi. Hỏi con bạn xem bé có hiểu câu hỏi nghĩa là gì không. Nếu có thể, cho bé các ví dụ về cách giải quyết vấn đề. Tránh giải hộ luôn bài cho con. Một khi bạn cảm thấy bé đã hiểu vấn đề, hãy để bé ngồi vào bạn tự kết thúc bài tập.

Đừng ngồi bên kè kè khi bé đang làm bài tập về nhà, vì bé sẽ có xu hướng hỏi thêm sự hỗ trợ nữa.

Việc tự làm bài tập về nhà sẽ giúp bé thêm tự tin và tự trọng. Không gì có thể so sánh nổi với cảm giác chinh phục mà con bạn có được, khi bé đã "A" lên.

2 - Nói hộ chúng
Quá dễ dàng để mớm lời cho trẻ. Nhưng trẻ cần phải tự mình tiến bộ. Trong nhiều trường hợp, trẻ không thể bày tỏ được mong muốn của bản thân, hoặc trẻ muốn cha mẹ là người phát ngôn cho chúng. Dù dù là để yêu cầu đứa trẻ hàng xóm chơi cùng mình, hoặc yêu cầu một cốc nước trong nhà hàng, hãy khuyến khích trẻ sử dụng lời nói của chúng.

Thật dễ dàng cho bạn khi làm hộ trẻ mọi việc, nhưng liệu bé có thấy được sự tự tin nếu bé cả đời chưa hề được tự nói lên ý nghĩ của mình? Tất nhiên, những khi bé gặp nguy hiểm, bạn cần can thiệp, nhưng nếu mọi việc chẳng có gì đáng ngại, hãy khuyến khích con tự giải quyết xung đột với các bạn trong lớp, chẳng hạn.

3 - Chọn bạn
Rất tự nhiên là bậc cha mẹ nào cũng muốn chọn bạn cho con - chẳng hạn cậu bé ngọt ngào ở trường hôm chủ nhật, hay cô bé xinh xắn trong sân trường. Trong thâm tâm, bạn nghĩ mình biết điều gì - và ai - là tốt nhất cho con. Và bạn có thể làm điều đó.

Nhưng đây cũng là một trong những bài học trẻ cần tự trải nghiệm. Dù bạn có can thiệp trong những năm đầu đời bằng các cuộc hẹn cho con, nhưng con bạn vẫn có khuynh hướng tự chọn bạn cho mình khi bé lớn lên. Đây là điều bạn cần phải chấp nhận.

Đơn giản là người có thể kết thân với bạn chưa chắc là người mà con bạn thích chơi cùng. Vì thế, điều đầu tiên là đừng ép buộc chúng. Con bạn có thể sẽ nổi loạn nếu bạn ép cháu dành thời gian cho người mà bé không quan tâm.

Tất nhiên, không có gì sai nếu bạn giới thiệu với con những gương mặt mới, nhưng hãy để bé chọn lựa có kết thân hay không.

Sau cùng, trách nhiệm của bạn là hãy để mắt đến các bạn bè của con mình, sao cho chúng có những giá trị tương đồng. Nói cách khác, bạn có thể muốn ngăn cản con chơi với những đứa trẻ hay chửi thề, hành vi xấu hoặc có thói quen mà bạn không muốn con mình tập nhiễm.

T. An

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Để trẻ đạt chiều cao lý tưởng

Trong giai đoạn mang thai, nếu mẹ tăng cân tốt trẻ có thể đạt chiều dài lúc sinh là 48-53 cm. Khác nhau 1cm sơ sinh có thể khác 10cm khi trưởng thành.
> Dinh dưỡng tốt giúp tăng chiều cao cho trẻ / Canh cánh nỗi lo con lùn
Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình có một chiều cao lý tưởng. Một số người cho rằng chiều cao phụ thuộc nhiều vào yếu tố di truyền. Tuy nhiên, thực tế, chiều cao của trẻ chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác.
Dưới đây, Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) tư vấn một số yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ:
1. Yếu tố dinh dưỡng trong các giai đoạn quan trọng
- Giai đoạn bào thai:
Chỉ trong vòng 9 tháng 10 ngày, nếu mẹ tăng cân tốt trẻ có thể đạt chiều dài lúc sinh là 48-53cm, làm nền tảng tốt cho sự tăng trưởng chiều cao sau khi sinh. Khác nhau 1 cm sơ sinh có thể khác 10 cm khi trưởng thành.
Sự thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng như: thiếu máu, protein, sắt, folate, B12... trong thời kỳ bào thai ảnh hưởng tới tỷ lệ bệnh tật, sinh thiếu tháng, suy dinh dưỡng bào thai và khiếm khuyết ống thần kinh của trẻ sơ sinh.

+ Giai đoạn dưới 3 tuổi:

Năm thứ nhất, trẻ tăng 25cm (là năm tăng trưởng nhanh nhất trong cuộc đời của trẻ). Năm thứ hai và thứ 3: mỗi năm tăng 10cm.
Cơ thể trẻ cần các chất dinh dưỡng để cấu tạo, phát triển cơ thể cũng như để hoạt động. Vì vậy, trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng, với 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo và vitamin, khoáng chất.
Chiều cao có thể phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của bộ xương, vì vậy ngoài ngoài protein, còn rất nhiều loại vitamin và khoáng chất có liên quan. Trong đó, vitamin D, canxi và photpho là quan trọng hơn cả.
Vitamin A, sắt và kẽm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao.

- Giai đoạn dậy thì:

Trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì sẽ có một năm chiều cao tăng vọt 10-12cm nếu trẻ được chăm sóc tốt, nhưng không thể dự đoán được chính xác đó là năm nào. Sau dậy thì, cơ thể vẫn còn tiếp tục cao nhưng tổng cộng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của giai đoạn dậy thì.
Ngoài ra, dậy thì sớm cũng ảnh hưởng tới chiều cao của trẻ. Khi trẻ bắt đầu dậy thì, xương phát triển mạnh nhưng đầu xương cũng nhanh chóng đóng lại khi trẻ dậy thì hoàn toàn. Trẻ dậy thì sớm có xu hướng lớn nhanh trong giai đoạn dậy thì nhưng sau đó lại không cao lên nữa khiến trẻ thấp hơn bạn bè khi trưởng thành.
2. Bệnh tật ở trẻ
- Các loại bệnh mãn tính và bẩm sinh như: tim bẩm sinh, đau dạ dày... cũng là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển chiều cao của bé.

- Mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị giảm sút chiều cao.

Một nghiên cứu của Brazil trên 119 trẻ trong 10 năm cho thấy, trong 2 năm đầu đời nếu trung bình trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì lúc lên 7 tuổi, trẻ sẽ thấp hơn 3,6cm so với bạn cùng nhóm tuổi không nhiễm bệnh. Còn nếu trẻ bị giun đường ruột thì lúc lên 7 tuổi sẽ thấp hơn các bạn khác không nhiễm giun 4,6 cm.
Như vậy, trẻ có nguy cơ sút giảm tới 8,2 cm chiều cao nếu vừa bị tiêu chảy và vừa có giun sán trong người.
3. Các hoạt động thể chất
- Tập luyện thể thao là yếu tố quan trọng trong việc phát triển chiều cao của bé. Bởi vận động giúp hệ tuần hoàn ổn định, cải thiện và giúp xương phát triển tốt. Trẻ được chơi các môn thể thao như: bóng rổ, bóng chuyền, bóng đá, bơi lội... thường cao hơn.

- Cha mẹ cần khuyến khích và tạo điều kiện cho trẻ vận động, luyện tập ít nhất một giờ mỗi ngày.
4. Tình trạng giấc ngủ
Với trẻ, giấc ngủ đóng vai trò vô cùng quan trọng và nó ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao.

- Trẻ sơ sinh thường ngủ 22 tiếng, 2-6 tháng cần ngủ 15-18 tiếng, 6-18 tháng ngủ đủ 13-15 tiếng, 18 tháng đến 3 tuổi nên ngủ 12-13 tiếng và trẻ từ 3 đến 7 tuổi nên ngủ 11-12 tiếng mỗi ngày.

- Nên cho trẻ đi ngủ trước 22 giờ đêm, một giấc ngủ sâu từ 22 giờ đến 3 giờ sáng là lúc cơ thể tiết ra hoócmôn tăng trưởng cao nhất.
5. Yếu tố môi trường và xã hội
- Khoảng 20% chiều cao phụ thuộc vào môi trường ở đâu và điều kiện sống như thế nào.

- Chiều cao phụ thuộc vào sự tăng trưởng của xã hội về dịch vụ chăm sóc sức khỏe có sẵn, giáo dục về dinh dưỡng, thực phẩm có sẵn. Điều này giải thích tại sao chiều cao trung bình ở các nước phát triển cao hơn so với các quốc gia khác.

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Họa phúc người sinh năm Thìn tùy theo năm :

Tuổi Thìn gặp năm Tý, vượng tài, kinh doanh thuận lợi, cuối năm hao tồn lớn.
- Tuổi Thìn gặp năm Sửu, mọi việc tốt đẹp, mưu sự dễ thành, chỉ bị tai tiếng nhẹ.
- Tuổi Thìn gặp năm Dần, rồng hổ giao tranh, đi xa cầu danh lợi.
- Tuổi Thìn gặp năm Mão, bất lợi, buồn phiền.

- Tuổi Thìn gặp năm Thìn, thuận cho việc học nghề, mọi việc bình thường.
- Tuổi Thìn gặp năm Tỵ, bình thường.
- Tuổi Thìn gặp năm Ngọ, bất lợi, thăng trầm bất định.
- Tuổi Thìn gặp năm Mùi, dễ đi tới hôn nhân.

- Tuổi Thìn gặp năm Thân, dễ bị bạn bè phản bội.
- Tuổi Thìn gặp năm Dậu, nhiều chuyện hiếu hỉ, bệnh nhẹ, hao tốn vừa phải.
- Tuổi Thìn gặp năm Tuất, mưu sự bất lợi.
- Tuổi Thìn gặp năm Hợi, thuận lợi, vạn sự như ý.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo tháng sinh :
- Tuổi Thìn sinh tháng Giêng, tiết Lập Xuân, có tài không đất dụng võ, luôn luôn phiền muộn.
- Tuổi Thìn sinh tháng Hai, tiết Kinh Trập, mưu sự dễ thành, nhiều việc như ý, nổi danh uy quyền, được người kính nể.
- Tuổi Thìn sinh tháng Ba, tiết Thanh Minh, có tài được trọng dụng, nhiều cơ hội may mắn, như rồng gặp may, dễ thăng tiến.
- Tuổi Thìn sinh tháng Tư, tiết Lập Hạ, có chí lớn, danh lợi song thu, lập nên công trạng.
- Tuổi Thìn sinh tháng Năm, tiết Mang Chủng, nhu Giao Long xuống biển tha hồ vùng vẫy lập công, danh lợi thăng tiến, vạn sự hanh thông.
- Tuổi Thìn sinh tháng Sáu, tiết Tiểu Thử, khốn khổ, thành bại bất định, tiến thoái lưỡng nan, khó bề như ý.
- Tuổi Thìn sinh tháng Bảy, tiết Lập Thu, mưu sự dễ thành, có tài trí, chăm chỉ hành nghề, biết tiến biết thoái.
- Tuổi Thìn sinh tháng tám, tiết Bạch Lộ, nhiều tài trí, thích giao du, nuôi chí lớn, táo bạo, nhiều cơ may thành đạt.
- Tuổi Thìn sinh tháng Chín, tiết Hàn Lộ, mưu sự như ý, tính cương trực nóng nảy, không chịu bị khinh thường, ít được bình an.
- Tuổi Thìn sinh tháng Mười, tiết Lập Đông, có năng lực nhưng lười biếng, không kiên tâm bền chí, khó thành sự nghiệp.
- Tuổi Thìn sinh tháng Mười Một, tiết Đại Tuyết, có chí nhưng không thể vùng vẫy, có làm không hưởng, nhiều khi bế tắc.
- Tuổi Thìn sinh tháng Chạp, tiết Tiểu Hàn, có tên tuổi chí khí, nhưng cuộc sống thanh tao là chính.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo ngày sinh :
- Tuổi Thìn sinh ngày Tý, mệnh có Tướng Tinh, sự nghiệp thuận lợi, nhiều cơ hội thăng tiến.
- Tuổi Thìn sinh ngày Sửu, có Phúc Tinh chiếu mệnh, hưởng phúc tổ tiên.
- Tuổi Thìn sinh ngày Dần, có mệnh Dịch Mã, ắt làm ăn ở phương xa.
- Tuổi Thìn sinh ngày Mão, thăng trầm bất định, buồn nhiều hơn vui.
- Tuổi Thìn sinh ngày Thìn, mệnh có sao Hoa Cái, dễ thành thợ giỏi, thông hiểu cổ kim, tính tình kín đáo.
- Tuổi Thìn sinh ngày Tỵ, có sao Thái Dương chiếu mệnh, mưu dự dễ thành, dễ được quý nhân giúp đỡ.
- Tuổi Thìn sinh ngày Ngọ, thành bại bất định, gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
- Tuổi Thìn sinh ngày Mùi, gặp nhiều gian nan, nguy hiểm.
- Tuổi Thân sinh ngày Thân, mưu sự dễ thành.
- Tuổi Thìn sinh ngày Dậu, bình thường.
- Tuổi Thìn sinh ngày Tuất, nghèo khó vì Thìn, Tuất đối xung.
- Tuổi Thìn sinh ngày Hợi, vợ hiền đảm, mưu sự dễ thành, gặp hung hóa cát.
* Họa phúc người tuổi Thìn tùy theo giờ sinh :
- Tuổi Thìn sinh giờ Tý, tam hợp Thân, Tý, Thìn, sự nghiệp, danh lợi đều khá, tuy có đổ vỡ, nhưng cuối cùng thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Sửu, mưu sự dễ thành, vui tươi mỹ mãn, biết tiến thoái.
- Tuổi Thìn sinh giờ Dần, sao Dịch Mã ở mệnh, nay đây mai đó, hành sự phải thận trọng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Mão, Mộc Mão khắc Thổ Thìn, nhiều bệnh, thăng trầm bất định.
- Tuổi Thìn sinh giờ Thìn, gia đạo đề huề, no đủ, mưu sự dễ thành.
- Tuổi Thìn sinh giờ Tỵ, Hỏa Tỵ sinh Thổ Thìn, mọi sự thuận lợi, tai họa không đáng kể, dễ sinh đèo bòng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Ngọ, tính nôn nóng, thăng trầm bất định, hình sự thận trọng mới hy vọng thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Mùi, nhiều trắc trở, hao tốn, vất vả mới thành công.
- Tuổi Thìn sinh giờ Thân, Thổ Thìn sinh Kim Thân, kinh doanh phát đạt, tiền tài dư dả, thận trọng với bạn hàng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Dậu, sao Đào hoa ở mệnh, tài lợi đều khá, dễ sinh đèo bòng.
- Tuổi Thìn sinh giờ Tuất, nhiều trắc trở.
- Tuổi Thìn sinh giờ Hợi, đại cát đại lợi.
Theo: Phong thủy Trung Quốc

Chiêm nghiệm vui về người tuổi Thìn

Trong 12 con giáp, rồng (Thìn) là con giáp duy nhất không có thật, nhưng lại được mô tả có sức mạnh vô song. Trong ngày đầu xuân, mời độc giả xem những chiêm nghiệm vui về người tuổi Thìn.
Đoán thử tính cách
Sách tử vi nói người tuổi Thìn (rồng) khoan dung, đại lượng, tràn trề sinh lực, rất thông minh, kiên trì và vị tha. Họ thường là tâm điểm trong đám đông và thành công khá dễ dàng trong cả cuộc sống riêng tư lẫn công việc. Họ là người có thể gánh vác những trọng trách lớn. Đối với họ, việc nào càng khó, họ càng có hứng thú. Nhược điểm là vì có tiềm lực lớn nên khi làm một việc gì đó, người tuổi Thìn ưa khua chiêng gõ trống rầm rộ. Đây là lý do để đôi khi họ phải nhận những sự gièm pha không cần thiết. Tuy nhiên nếu ai đó muốn “khiêu chiến” trực diện với người tuổi Thìn thì quả là hết sức sai lầm, vì rất dễ bị đè bẹp.
Người tuổi Thìn có tính khí nóng nảy, cuồng nhiệt, chất chứa nhiều khát vọng, hoài bão lớn nhưng không xảo quyệt, mưu mô. Họ luôn thẳng thắn trình bày quan điểm của mình và hay kiêu hãnh về bản thân, tuy sự kiêu hãnh này đôi lúc quá mức cần thiết. Người tuổi Thìn có khả năng gánh vác những công việc lớn. Cuộc sống của người tuổi Thìn thường khá sung túc, nhưng họ cũng không quá ham thích kiếm tiền.
Người tuổi Thìn thích mình nói cho người khác nghe hơn là thích nghe người khác nói. Tuy nhiên họ vẫn là người biết trên, biết dưới, sống hiếu thuận, sẵn sàng giơ tay giúp đỡ kẻ yếu thế.
Tuổi Thìn thường hướng ngoại, họ không mấy khi để tình cảm xen vào công việc. Tổ ấm của người tuổi Thìn thường khác với các tuổi khác, ở đó sự uy nghiêm, trang trọng phải đặt lên hàng đầu. Người tuổi Thìn cũng luôn có mục đích sống rõ ràng.
Nam giới sinh tuổi Nhâm thìn (1952, 2012) thuộc mệnh Trường lưu thủy (nước chảy dài). Về cuộc sống của người tuổi này, nếu sinh vào tháng 6, 7, 11 âm lịch thì cả công việc lẫn gia trung đều tốt đẹp, đề huề. Sinh vào các tháng còn lại dễ bị trắc trở về đường tình duyên. Nam tuổi Nhâm Thìn trong làm ăn rất hợp các tuổi Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất. Còn trong tình duyên thì ngoài 3 tuổi trên, có thể chọn tuổi Canh Dần.
Nữ giới tuổi Nhâm Thìn cũng thuộc mệnh Trường lưu thủy, cuộc đời tiền vận, trung vận, hậu vận đều tốt, đặc biệt từ tiền tài, danh vọng sẽ đến từ khoảng 34 tuổi trở đi. Nữ tuổi Nhâm Thìn trong làm ăn hợp với các tuổi Nhâm Thìn, Bính Thân, Mậu Tuất.
Tuổi Nhâm Thìn mang mệnh “nước sông dài”, rồng gặp nước là điều vô cùng tốt nên phỏng đoán chung tuổi này dễ thành đạt, có vị trí trong xã hội.

Đặt tên gì cho con?

Nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn về việc đặt tên cho con sinh ra trong năm nay, sao cho hợp với ngũ hành để hy vọng bé lớn lên sẽ thành đạt, vinh hiển. Năm Nhâm Thìn mệnh là Trường lưu thủy, xét theo tương sinh trong ngũ hành thì các tên có chứa bộ chữ thuộc hành Kim, Thủy, Mộc nên chọn, tránh hành khắc là Thổ, Hỏa (do việc đặt tên theo phong thủy khá phức tạp, do vậy nếu là người cầu kỳ thì nên nhờ người am hiểu lĩnh vực này tư vấn).
Một số người đã đưa ra các gợi ý về tên. Ví dụ hành kim có các tên: Bảo, Cẩm, Châm, Chinh, Cương, Chí, Hiền, Cường, Kim, Linh, Loan, Ngân, Hoàng, Giáp, Đồng, Liêm, Luyện, Phong, Quân...; Hành Thủy có Băng, Bích, Bình, Giang, Hà, Hải, Hiệp, Lam, My, Nguyên, Thanh, Tuyết, Thắng, Triều, Vũ...; Hành Mộc là Bách, Dương, Hạnh, Mai, Lê, Liễu, Kiệt, Lâm, Phương, Lương, Thư, Xuân v.v... Người xưa thường nói “Rồng gặp nước” sẽ thành công, do vậy bạn nên lưu ý bộ thủy trong tên của con mình sẽ phát huy hết sở trường của mình.
Nếu là người không rành về ngũ hành, phong thủy và cũng không cầu kỳ thì cần lưu ý, do rồng là biểu tượng của sự dũng mãnh nên nếu là con trai hãy chọn những cái tên thể hiện sự can trường, uy dũng, tránh những tên yếu ớt hạ thấp vị thế của con rồng. Nếu là con gái, do rồng thường bay lượn trên không nên những tên như Vân, Nhi, Ý, Nguyệt... cũng khá phù hợp.
Rồng còn được coi là vật tối linh tối thượng trong văn hóa truyền thống phương Đông. Do vậy, những chữ như: Đại, Vương, Quân, Ngọc, Trân, Châu, Cầu, Lâm, Ban, Chương, Quỳnh, Thái, Thiên, Vượng... có thể giúp tăng vận tốt của người tuổi Thìn.
Tuy nhiên, quan trọng hơn khi đặt tên cho con là phải thể hiện được khát vọng tốt đẹp của cha mẹ, gia đình, đặc biệt đứa trẻ phải được nuôi dạy, chăm chút thường xuyên, nếu không có những yếu tố này thì dù tên có đẹp đến mấy, đúng ngũ hành, phong thủy đến mấy cũng chẳng giúp ích gì
Nhâm Thìn: Trường Lưu Thủy (nước sông dài)
Giáp Thìn: Phúc Đăng Hỏa (lửa đèn thờ)
Bính Thìn: Sa Trung Thổ (đất pha cát)
Mậu Thìn: Đại Lâm Mộc (cây rừng lớn)
Canh Thìn: Bạch Lạp Kim (vàng chân đèn)
Hậu duệ của Rồng
Rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của Việt Nam. Người Việt coi mình là hậu duệ của “con rồng, cháu tiên” (truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ). Vua chúa thì lấy hình ảnh con rồng làm biểu tượng cho mình. Có rất nhiều từ gắn với chữ long: long thể (thân thể nhà vua), long bào (áo), long mão (mũ) long ngai (ghế), long sàng (giường), v.v... Thậm chí có những triều đại đã xăm hình ảnh rồng lên đùi các vị vua, đến đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) tục này mới chấm dứt. Rồng còn được xếp đứng đầu hàng tứ linh (long, ly, quy, phượng). Sở dĩ như vậy là bởi rồng là linh vật biểu trưng cho sức mạnh, sự uy nghiêm và tôn quý.
Rồng có mấy loại?
Rồng qua mỗi thời kỳ lại mang những vóc dáng khác nhau. Rồng thời Lý là con vật mình dài như rắn, thân có vẩy, lưng có vây, uống cong nhiều vòng uyển chuyển, có bốn chân, mỗi chân có ba móng cong, nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, miệng há rộng vờn viên ngọc. Mào rồng hình ngọn lửa. Trên trán rồng có hoa văn giống hình chữ "lôi", tượng trưng cho sấm sét, mây mưa.
Rồng thời Trần xuất hiện thêm cặp sừng, đôi tay. Đầu uy nghi, thân rồng tròn, uốn khúc nhẹ, lưng võng. Đuôi rồng khi thẳng, nhọn, khi thì xoắn ốc. Vảy rồng lúc thì giống những cánh hoa, xếp đều đặn, có lúc chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời Lê (thế kỷ XV) mũi to, đầu to, bờm lớn, hất ngược ra sau, không có mào lửa. Thân rồng uốn lượn hai khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại, rất dữ tợn.
Thời Trịnh - Nguyễn, rồng được dân gian hóa, lần đầu tiên xuất hiện hình ảnh rồng mẹ quây quần cùng đàn rồng con hay rồng đuổi bắt mồi... Sau thời này, rồng được quay lại uy nghi như trước. Đầu rồng to, sừng ngược ra sau, mắt mũi rất to, miệng há lộ răng nanh

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

"Phép màu" chưa đến với Hy Lạp

Ngày 28/2, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã hạ mức tín nhiệm dài hạn CC và ngắn hạn C của Hy Lạp xuống mức “vỡ nợ một phần” (SD), sau khi Aten bắt đầu triển khai kế hoạch hoán đổi trái phiếu nhằm giảm bớt gánh nợ khổng lồ của mình.
Theo S&P, lý do chính để hãng này đưa ra quyết định trên là vì chính phủ Hy Lạp đã “gài” các Điều khoản Hành động Tập thể (CAC) vào thỏa thuận hoán đổi nợ, buộc tất cả chủ nợ tư nhân nắm giữ trái phiếu tham gia kế hoạch hoán đổi trái phiếu. S&P cho rằng, việc bổ sung CAC sẽ thu hẹp quyền thương lượng của người giữ trái phiếu trong cuộc trao đổi nợ tới đây.

Đại diện các nhà đầu tư tư nhân, trong đó chủ yếu là các ngân hàng, đã nhất trí xóa 107 tỷ euro nợ của Hy Lạp thông qua việc hoán đổi trái phiếu. Thỏa thuận hoán đổi nợ được Aten khởi động hôm 24/2 và dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 12/3. S&P cũng dự báo về nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ hoàn toàn nếu không đủ số chủ nợ đồng ý với mức hoán đổi do Aten đề xuất. Bên cạnh đó, S&P để ngỏ khả năng sẽ nâng mức xếp hạng nợ công của Hy Lạp lên CCC, nếu kế hoạch hoán đổi nợ “xuôi chèo mát mái”.

Phản ứng với quyết định của S&P, Bộ Tài chính Hy Lạp khẳng định việc bị giáng mức xếp hạng tín nhiệm xuống SD không tác động tới khu vực ngân hàng của nước này.

Động thái trên của S&P được đưa ra sau khi quốc hội Đức cùng ngày thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dành cho Hy Lạp, trong khuôn khổ những nỗ lực của châu Âu nhằm tránh cho Hy Lạp không bị phá sản.

Đâu là “phương thuốc” nhiệm màu?

Gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro sẽ giúp Hy Lạp đẩy lùi được nguy cơ vỡ nợ? Câu trả lời là “chưa chắc”.

IMF lo ngại rằng với kế hoạch cứu trợ này, trong nhiều năm tới Hy Lạp sẽ không thể vay thêm được tiền và chỉ hoàn toàn lệ thuộc vào sự “hảo tâm” của các quốc gia láng giềng. Theo báo “Bưu điện Oasinhtơn” (Mỹ) số ra ngày 23/2, các quan chức IMF đã cảnh báo về sự “trói buộc” quá mức của Hy Lạp vào đồng euro. Ít người cho rằng kế hoạch cứu giúp này sẽ ngay lập tức xoa dịu được những mối lo của Eurozone. Theo phân tích của IMF, Hy Lạp có thể phải chờ khá lâu trước khi các quốc gia láng giềng “mở hầu bao” để giải ngân các khoản vay cho họ.


Bồ Đào Nha đạt điều kiện để nhận tiếp cứu trợ Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Vitor Gaspar ngày 28/2 cho biết, nước này đã vượt qua lần xét duyệt thứ ba của các chủ nợ nước ngoài để có thể tiếp tục nhận tiền từ gói cứu trợ trị giá 78 tỉ euro. Theo đó, các kiểm toán viên từ EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF kết luận Bồ Đào Nha đã tuân thủ các điều kiện gắn với gói cứu trợ quốc tế được thông qua từ năm 2011. Sự đánh giá này bảo đảm cho Lítxbon sẽ nhận được khoản cứu trợ tiếp theo là 14,6 tỉ euro, đưa tổng số tiền nằm trong gói cứu trợ nói trên mà nước này đã nhận cho đến nay là 48,8 tỉ euro. Tháng 5/2011, Bồ Đào Nha đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ và đổi lại là một loạt biện pháp khắc khổ nhằm cắt giảm mạnh chi tiêu công và tăng thu nhập quốc gia. T.H
Báo Le Nouvel Observateur (Pháp) số ra mới đây đã đăng bài phân tích cho rằng, các “phương thuốc” đã sử dụng cho Hy Lạp dường như vô hiệu, khiến “căn bệnh” của Aten càng chữa càng nặng. Theo báo này, kèm theo gói cứu trợ thứ hai là những điều kiện ngặt nghèo dành cho Hy Lạp, trong đó có việc gây sức ép để các chủ nợ tư nhân Hy Lạp (các ngân hàng hay các công ty bảo hiểm) xóa nợ dần cho nhà nước từ 21%, đến 50% rồi 70% với mục tiêu giảm nợ công của Hy Lạp từ 160% GDP hiện tại xuống còn 120% vào năm 2020. Để đạt được điều đó, Hy Lạp phải thật sự cải tổ kinh tế một cách sâu rộng để khôi phục đà tăng trưởng. Nhưng u ám thay, năm 2011, GDP của Hy Lạp lại giảm thêm 6%, còn năm nay cũng được dự báo không sáng sủa hơn.

Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng UniCredit có trụ sở tại Milan (Italia) lo ngại rằng gói cứu trợ mới một lần nữa sẽ chứng tỏ là quá ít ỏi để có thể giải quyết khủng hoảng nợ tại Hy Lạp. Trong khi đó, nhà phân tích Paul Donovan thuộc Ngân hàng UBS thì cảnh báo các gói cứu trợ cho Hy Lạp chỉ có thể đảm bảo cho việc vỡ nợ diễn ra một cách trật tự, thay vì diễn ra trong hỗn loạn, chứ không thể ngăn được tình trạng vỡ nợ tại quốc gia này.

Vậy là, Hy Lạp vẫn lâm “trọng bệnh” và việc thế giới tìm ra một “phương thuốc” nhiệm màu cứu chữa Aten xem ra vẫn còn quá xa vời.