Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Quân sự Việt Nam

1. SIPRI liệt kê số lượng vũ khí Việt Nam nhập khẩu
Không quân
Trong năm 2010, Việt Nam đã ký kết với Canada một hợp đồng mua 6 thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter (biến thể Việt Nam đặt mua là DHC-6-400). Dự kiến những máy bay đầu tiên loại này sẽ được bàn giao cho Việt Nam từ năm 2012 và sẽ hoàn thành giao đủ 6 máy bay đến năm 2014 (>> chi tiết).
Năm 2008, Việt Nam đã đặt mua của Romania 10 máy bay huấn luyện Yak-52. Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2011, nước bạn đã bàn giao đủ cho Không quân Việt Nam 10 chiếc Yak-52 theo hợp đồng.
Trong kế hoạch hiện đại hóa lực lượng không quân, năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Nga 8 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK/Flanker (biến thể Việt Nam đặt hàng là Su-30MK2V được tăng cường khả năng đánh biển) với giá trị từ 400-500 triệu USD, Nga đã hoàn thành bàn giao cho Việt Nam 8 máy bay này trong giai đoạn năm 2010-2011.
Tiếp tục tăng cường sức mạnh cho không quân, năm 2010 Việt Nam đặt mua thêm 12 chiến đấu cơ Su-30MK2V với giá trị 1 tỷ USD, trong số 12 máy bay của hợp đồng này, Nga đã bàn giao 8 máy bay cho Việt Nam trong năm 2011, 4 máy bay Su-30MK2V còn lại dự kiến sẽ được bàn giao nốt trong năm 2012.
Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, hồi đầu 3/2012 vừa qua, một chiếc Su-30MK2V Nga sản xuất cho Việt Nam, trong quá trình bay thử nghiệm để chuẩn bị bàn giao đã bị rơi
Một số nguồn tin Nga cho rằng, có khả năng công ty Sukhoi sẽ tiếp tục lắp ráp thêm 1 chiếc Su-30MK2V để giao đủ 4 máy bay còn lại cho Việt Nam mà không vi phạm thời hạn bàn giao trong hợp đồng.
Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 40 quả tên lửa không đối hạm Kh-31A1 trong tổng số 80 qủa đã đặt hàng từ năm 2009. SIPRI lưu ý rằng, số tên lửa này bao gồm cả biến thể tên lửa chống radar Kh-31P, và sẽ được trang bị trên các chiến đấu cơ Su-30MK2V.
Năm 2010-2011, Việt Nam đã nhận được 150 quả tên lửa không đối không tiên tiến R-73 (AA-11 Archer) trong tổng số 250 quả tên lửa loại này được đặt hàng từ năm 2009. Số tên lửa R-73 cũng dùng để trang bị trên các máy bay Su-30MK2V.
>> R-73, tên lửa không đối không số 1 của Nga
Giai đoạn 2009-2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 100 quả bom có điều khiển KAB-500/1500, trong tổng số 200 quả đã đặt hàng từ năm 2009.
Phòng không
Năm 1996, Việt Nam đã đặt mua của Nga 400 tên lửa phòng không vác vai di động Igla-l (SA-16 Gimlet), trong số 400 tên lửa này đã có 340 tên lửa được Nga bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1999-2011.
Cũng theo SPIRI, biến thể tên lửa hải đối không Igla (định danh NATO là SA-N-10) mà Việt Nam đặt mua sẽ được lắp đặt trên các chiến hạm BPS-500 (Ho-A), tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) và có thể cả tàu tên lửa Project 1241.1.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua của Ukraine 4 hệ thống radar thụ động Kolchuga với tổng trị giá 54 triệu USD, thời điểm và thời hạn bàn giao chưa được SIPRI xác định. Tuy nhiên, một số nguồn tin nước ngoài cho biết Việt Nam đã nhận đủ 4 hệ thống radar này.
Hải quân
Giai đoạn năm 2008-2011, Việt Nam đã nhận được 83 tên lửa chống tàu Kh-35 Uran (SS-N-25) trong hợp đồng đặt hàng 400 tên lửa loại này từ năm 2004, tên lửa Kh-35 sẽ được trang bị và dự trữ cho hai tàu hộ vệ Gepard 3.9 và các tàu tên lửa project 1241.8 của Hải quân Việt Nam (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P (mỗi hệ thống trang bị 36 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont) trong đơn đặt hàng được ký trước đó trong năm 2007 (>> chi tiết).
Giai đoạn 2009-2011, Việt Nam đã nhận được đủ 40 tên lửa chống tàu siêu âm Yakhont trong hợp đồng đặt mua 40 tên lửa loại này (trị giá 300 triệu USD) được ký kết trong năm 2007, số đạn tên lửa này sẽ dự trữ cho hai hệ thống Bastion-P mà Hải quân Việt Nam đang sử dụng.
Năm 2009, Việt Nam đã đặt mua 40 tên lửa chống tàu 3M-54 Klub (SS-N-27) để dự định trang bị trên 6 tàu ngầm lớp Kilo 636. Các tàu ngầm Kilo do Việt Nam đặt mua từ năm 2009 với trị giá từ 1,8-2,1 tỷ USD đang được đóng tại Nga và dự kiến sẽ được bàn giao từ năm 2014 - 2016/2017
Nga đã bàn giao cho Việt Nam 2 tàu tên lửa Project 1241.8 trong hợp đồng ký kết đóng 10 tàu loại này vào năm 2008, trong đó có 8 tàu được đóng tại Việt Nam theo giấy phép và dưới sự giám sát kỹ thuật của các kỹ sư Nga. Dự kiến 8 tàu Việt Nam tự đóng sẽ được hoàn thành đến năm 2016
Năm 2008, Việt Nam đã nhận được 4 động cơ tuốc bin khí DR-76 và 4 động cơ DR-77 trong hợp đồng mua 40 động cơ (mỗi loại 20 động cơ) được ký kết với Ukraina năm 2004, số động cơ này sẽ được lắp trên các tàu tên lửa Project 1241. Ngoài ra, năm 2011, Việt Nam đã nhận đủ 4 động cơ turbine gas DT-59 từ Ukraina để lắp trên 2 tàu Gepard 3.9 đầu tiên tại Nga.
Năm 2011, Việt Nam tiếp tục ký kết hợp đồng mua thêm 4 động cơ DT-59 để tiếp tục đóng thêm 2 chiến hạm lớp Gepard tại Nga (thuộc hợp đồng đóng thêm 2 tàu Gepard mới). Dự kiến, sau khi Nga tiếp tục hoàn thành đóng xong hai chiến hạm lớp Gepard 3.9 thứ ba và thứ tư cho Việt Nam, có khả năng dây chuyền sản xuất tàu lớp này sẽ được chuyển giao để Việt Nam có thể tự chủ chế tạo tàu chiến hiện đại trong tương lai
Giai đoạn năm 2011 - 2012, Việt Nam đã nhận được hai tàu tuần tra Svetlyak (Project 10412) trong hợp đồng đặt mua 4 tàu loại này được ký kết năm 2007 (>> chi tiết).
Với số lượng chủng loại vũ khí Việt Nam nhận được trong giai đoạn 2007 - 2011 do SIPRI thống kê, có thể nói tiềm lực quân sự Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Trong thời gian sắp tới, với việc tiếp tục nhận thêm các loại vũ khí chưa hoàn thành bàn giao và mới ký kết hợp đồng, năng lực tác chiến của Hải, Lục, Không quân Việt Nam sẽ được nâng lên gấp bội.
2. Sư đoàn 370 - 'Lá chắn' bầu trời phía Nam
Sư đoàn Không quân 370 là một trong 3 sư đoàn chủ lực của Không quân Nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời, vùng biển, đất liền phía Nam tổ quốc.
(ĐVO) Sư đoàn 370 được thành lập ngày 30/10/1975, lực lượng ban đầu chỉ gồm 46 máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-19 của trung đoàn 925 và một phi đội trinh sát cơ U-17 cùng những khí tài thu được của quân đội VNCH sau ngày giải phóng.
Theo sự phân công của quân chủng, sư đoàn đóng quân tại Đà Nẵng với nhiệm vụ tiếp thu các sân bay, kho xưởng tại quân khu 5. Đồng thời, đơn vị cũng chịu trách nhiệm bảo vệ vùng trời – biển khu vực miền trung và tham gia chiến dịch lớn sát cánh cùng Quân đội cách mạng Campuchia chiến đấu chống lại quân Khơ me đỏ.
Trong cuộc chiến đó, sư đoàn 370 đã lập nhiều chiến công lớn giúp Chính phủ cách mạng Campuchia giải phóng đất nước, thoát họa diệt chủng. Và sau đó, đoàn cũng giúp nước bạn xây dựng trung đoàn không quân chiến đấu đầu tiên.
Cũng trong giai đoạn này, sư đoàn đã tham gia chi viện cho Chính phủ cách mạng Lào chống âm lưu lật đổ của các thế lực phản động.
Tháng 8/1987, đoàn 370 được điều về đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất với vai trò hết sức quan trọng là cùng với các lực lượng vũ trang khác đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ trên không, trên biển và đất liền.
Lúc này, cùng với những chuyển biến đi lên của đất nước sau Đại hội VI 1986, tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp đặt ra vấn đề lớn đối với nước ta cần phải tái đầu tư cho lực lượng vũ trang đủ mạnh để bảo an ninh chính trị cho đất nước.
Trong đó, chúng ta đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng không quân mạnh bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển đảo của đất nước. Và sư đoàn 370 – lá chắn trời nam tổ quốc được ưu tiên hiện đại hóa, trang bị những khí tài tốt nhất để đáp ứng mọi tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Sư đoàn không quân 370 biên chế với 3 trung đoàn thành lập cùng một ngày (21/7/1975):
Trung đoàn trực thăng 917
Trung đoàn 917 (đoàn Đồng Tháp) khi ra đời được trang bị phương tiện thu được của VNCH như trực thăng UH-1/CH-47, máy bay trinh sát U-17/L-19.
Ngay sau ngày thành lập không lâu, đoàn đã được điều động tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. Khi đó, đoàn đã cất cánh 195 lần tiêu diệt hàng ngàn tên địch. Đơn vị bay trinh sát cất cánh 125 lần tìm mục tiêu cho cường kích A-37 và tiêm kích F-5 ném bom phá hủy sở chỉ huy địch, gây cho chúng tổn thất nặng nề.
Ngày 28/8/1981, đoàn Đồng Tháp được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Giai đoạn 1982-1989, đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia thoát họa diệt chủng.
Đơn vị trực thăng đã chiến đấu 150 trận, đánh trúng 14 mục tiêu quan trọng của địch, tiêu diệt nhiều tên địch cùng phương tiện cơ giới. Trong nhiệm vụ vận tải, đoàn 917 vận chuyển 4.051 lần chuyến chở hàng, bộ đội.
Với những đóng góp không nhỏ, ngày 30/8/1989, trung đoàn 917 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân lần thứ hai.
Cuối những năm 1980, hầu hết các máy bay thu được của quân VNCH rơi vào tình trạng thiếu phụ tùng, linh kiện thay thế nên lần lượt bị loại khỏi biên chế.
Ngày nay, trang bị của đoàn 917 chủ yếu sử dụng trực thăng vận tải/vũ trang Mi-8/17 do Nga sản xuất và một số trực thăng UH-1 – được khôi phục hoạt động trở lại sau những năm 1990 (>> chi tiết).
Trung đoàn tiêm kích 935
Trung đoàn 935 (đoàn Biên Hòa) ngay khi mới thành lập đã cùng với đoàn 917 tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam với vũ khí trang bị (tiêm kích F-5, cường kích A-37) thu được của địch.
Đoàn 935 đã đánh 105 trận, phá hủy 12 sở chỉ huy cấp trung – sư đoàn của địch, đánh chìm đánh hỏng 17 tàu chiến, phá hủy 15 trận địa pháo, đánh thiết hại 2 quân cảng, 2 bến phà, 5 sân bay.
Trong cuộc chiến giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng, trung đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, tiêu diệt hàng nghìn tên địch, chi viện hỏa lực tích cực cho bộ binh ta tiến công.
Ngày nay, với vai trò quan trọng bảo vệ vùng trời vùng biển phia nam tổ quốc, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa. Đoàn 935 được Đảng, Nhà nước và Bộ quốc phòng ưu tiên trang bị chiến đấu cơ hiện đại hàng đầu thế giới Su-30MK2V.
Su-30MK2V có khả năng thực hiện nhiệm vụ đối không, đối đất, đối hải bằng vũ khí chính xác cao, sức công phá mạnh, tầm bắn xa
Trung đoàn tiêm kích 937
Trung đoàn 937 (đoàn Hậu Giang) khi mới thành lập, vị trí đóng quân của đoàn ở sân bay Cần Thơ, tiếp nhận sử dụng khí tài thu được của địch sau giải phóng.
Trong các ngày 11-12-13/6/1975, trung đoàn 937 đã tham gia đánh giải phóng các đảo ở phía Tây Nam tổ quốc. Những người phi công đã bình tĩnh, xử lý bay thấp, ném bom chính xác tiêu diệt nhiều mục tiêu phòng thủ của địch trên đảo, tạo điều kiện cho hải quân, đặc công tiến công giải phóng đảo.
Từ tháng 4/1977-2/1979, trung đoàn 937 đã tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Đoàn đã xuất kích 500 lần chuyến, phá hủy 6 sở chỉ huy của địch, 9 trận địa pháo, loại khỏi vòng chiến đấu 3.000 tên địch.
Tháng 5/1988, đoàn được điều động về đóng quân tại sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận). Ngày nay, trung đoàn trang bị các máy bay tiêm kích – bom cánh cụp cánh xòe Su-22M4. Đây là biến thể cuối cùng của dòng Su-22, nâng cấp với hệ thống điện tử mới cho phép nó trang bị vũ khí chính xác cao đáp ứng yêu cầu tác chiến trên không, đất liền, trên biển.
Không phụ sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây sư đoàn 370 đã hoàn thành nhiệm vụ vận chuyển hàng nghìn lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ chiến đấu, hàng nghìn tấn hàng hóa cứu trợ đồng bào bị thiên tai ở miền Tây Nam – Trung Bộ, thực hiện nhiều chuyến bay chuyên cơ đưa lãnh đạo cấp cao Bộ quốc phòng thị sát đảo, tình hình sẵn sàng chiến đấu các đơn vị.
Đoàn thường xuyên thực hiện chuyến bay tuần tra bảo vệ biển, trinh sát, chụp ảnh trên biển Đông và vùng biển Tây Nam. Các máy bay đoàn 370 tham gia hoạt động diễn tập bắn đạn thật với các lực lượng vũ trang quân khu 5, 7, 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.