Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

Trung Quốc mua vàng để ổn định dự trữ ngoại hối

Lo ngại đồng đô la Mỹ tiếp tục mất giá và cuộc khủng hoảng nợ lây lan khắp Khu vực đồng euro, các quan chức tài chính-ngân hàng Trung Quốc đang cân nhắc dùng vàng để giữ cho khoản dự trữ ngoại hối khổng lồ không bị teo đi như “miếng da lừa”

Vốn chỉ trích mạnh mẽ trái phiếu kho bạc Mỹ - một loại tài sản mà Trung Quốc đã bỏ ra khoảng 1,2 nghìn tỷ USD để mua, ông Yu Yongding, cựu cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, kêu gọi giới chức Trung Quốc đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và tránh bám lấy đồng USD đang ngày càng suy yếu.

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế toàn cầu tại Bắc Kinh trong tháng 7/2011, ông Yu Yongding nhận định tất cả các tài sản của Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu sẽ gặp vấn đề. Cùng các ngân hàng lớn như Goldman Sachs (Mỹ), ông Yu dự đoán giá trị đồng USD sẽ sụt giảm đều đặn trong thời gian tới. Theo ông, sức mua đối với đồng USD từ năm 1929-2009 đã giảm 94%. Trong khi đó, Goldman Sachs dự báo “đồng bạc xanh” sẽ mất giá tới 15% so với đồng bảng Anh trong vòng 12 tháng tới.

Các nhà đầu tư trên toàn thế giới đã bắt đầu chuyển những khoản dự trữ tiền mặt sang các đồng tiền khác nhằm hạn chế những tác động của đồng USD, do họ tin rằng đồng tiền này sẽ tiếp tục bị mất giá.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuần trước đã lên tiếng bảo vệ nền kinh tế Mỹ vốn đang ngập trong nợ nần, với việc nhấn mạnh rằng Mỹ không ở trong tình trạng cực kỳ khó khăn như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Trong khi đó, Standard & Poor's và Moody's, hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn đã đe dọa hạ cấp xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, giữa lúc các mối lo ngại đang ngày càng gia tăng về việc liệu Washington có thể tiếp tục trả lãi cho các chủ nợ của họ, chủ yếu là Trung Quốc, hay không.

Khi mà đồng USD đang dần mất đi địa vị độc tôn, trong ba năm qua Trung Quốc đã hướng sự chú ý sang đồng euro - một trụ cột khác của hệ thống tiền tệ quốc tế. Thế nhưng, đồng euro cũng đang chao đảo. Năm ngoái, Bắc Kinh đã giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng của đồng euro bằng cách mua trái phiếu của Hy Lạp. Đổi lại, Trung Quốc giành được hợp đồng thuê cảng Piraeus ở Athen trong vòng 35 năm. Sau đó, Trung Quốc cũng đã mua 1,4 tỷ USD trái phiếu Tây Ban Nha, giúp ổn định tâm lý của thị trường đối với nước này.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến ba nước châu Âu hồi tháng trước, các nguồn tin cho biết Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm can dự vào quỹ giải cứu đồng euro của Liên minh châu Âu (EU). Hội đồng Đối ngoại châu Âu, một nhóm nghiên cứu đầy ảnh hưởng, cảnh báo sự hào có nguy phương hại đến các giá trị của EU, mặc dù đổi lại là các khoản đầu tư.

Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc coi việc đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu là “hành động mạo hiểm cần thiết”. Chuyên gia bình luận tài chính Ming Jinwei viết trên tờ “Nhà quan sát kinh tế: "Dùng tiền để cứu châu Âu rốt cuộc không phải là một điều xấu. Bằng cách tiến gần hơn đến châu Âu, Trung Quốc đang thực hiện một bước đi nhằm giải phóng bản thân và hệ thống tài chính toàn cầu khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và đồng USD".

Trung Quốc đang ráo riết biến đồng nhân dân tệ thành một đồng tiền quốc tế và đang tìm cách thuyết phục nhiều nước gia nhập Câu lạc bộ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ. Hai năm qua, Brazil và Trung Quốc đã tiến hành một phương hình thức hoán đổi tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương để cho phép các hoạt động thương mại không cần đến đồng USD. Những thỏa thuận tương tự cũng đã đạt được với Ấn Độ, Argentina, Nga, Nam Phi và một loạt các quốc gia khác. Trong quý I/2011, khoảng 7% kim ngạch thương mại của Trung Quốc đã được giai dịch bằng đồng nhân dân tệ, tăng 20 lần so với năm ngoái.

Nhưng theo cựu cố vấn Yu Yongding, thay vì giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào đồng USD, việc quốc tế hóa nhanh chóng đồng nhân dân tệ lại có một tác động ngược. Với niềm tin rằng đồng nhân dân tệ sẽ tăng giá, đối tác nước ngoài muốn được thanh toán bằng đồng tiền này trong khi lại miễn cưỡng trả nó để mua hàng hoá Trung Quốc. Quá trình này khiến Trung Quốc phải dùng đồng nội tệ để chi trả cho lượng hàng nhập khẩu vốn ngày càng gia tăng và phải gánh một số lượng ngoại hối ngày càng nhiều.

Tháng 6/2011, cố vấn Xia Bin của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết chiến lược dự trữ của nước này cần được “ khẩn cấp xem xét lại”. Theo ông, thay vì mua các khoản nợ chính phủ của các nước phương Tây, Trung Quốc nên đầu tư vào các tài sản chiến lược và tích lũy vàng bằng cách "mua giá xuống". Cho đến nay, Bắc Kinh thừa nhận đã tăng gấp đôi lượng vàng dự trữ, lên đến 1.054 tấn, đồng thời cho biết có kế hoạch nâng con số này lên 8.000 tấn trong thời gian tới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.