Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Dự trữ ngoại tệ và phân tán rủi ro

Dự trữ ngoại tệ là cần thiết và các nước đều có dự trữ ngoại tệ nhằm đảm bảo hoạt động kinh tế bình thường khi giá cả thị trường thế giới biến động. Nhưng dự trữ tới mức nào để tránh rủi ro?
Giá cả thị trường thế giới biến động mạnh - nhất là các mặt hàng quan trọng như nguyên liệu, dầu lửa, vàng, kim loại quí, khoáng sản - đã tác động không nhỏ tới hoạt động kinh tế của các nước. Thời gian qua, khủng hoảng nợ công ở châu Âu và Mỹ đã khiến cho kinh tế thế giới bấp bênh, chao đảo. Vì vậy vấn đề dự trữ ngoại tệ đã được các chuyên gia kinh tế xem xét, đánh giá cả hai mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Các nhà kinh tế cho rằng dự trữ ngoại tệ nhiều hay ít được quyết định bởi các yếu tố như nhu cầu nhập khẩu, quy mô GDP, nhu cầu chi trả khoản nợ và nhu cầu lưu thông tiền tệ. Kinh nghiệm của các nước và thực thể kinh tế lớn đều dự trữ ngoại tệ ở mức cần thiết, đảm bảo được ba tháng hoặc nửa năm nhập khẩu. Trần giới hạn thấp nhất của quy mô dự trữ ngoại tệ thường bằng 1/5 của tổng kim ngạch nhập khẩu và không nên vượt quá 10% GDP.
Tuy nhiên một số nước như Nhật Bản, do nguồn tài nguyên khan hiếm và phần lớn phải nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ thường duy trì ở mức tương đối cao.
Để tránh rủi ro, các nước duy thường đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ như đồng USD, đồng euro, đồng yên và bổ sung dự trữ bằng vàng, tùy theo tình hình cụ thể mỗi nước.
Mỹ là thực thể kinh tế mạnh nhất toàn cầu lại có ưu thế đồng USD vừa là đồng tiền trong nước vừa là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế, nên dự trữ ngoại tệ của Mỹ bằng đồng USD không lớn, mà thiên về dự trữ vàng. Bộ Tài chính Mỹ cho biết tới ngày 15/7/2011 dự trữ ngoại tệ của Mỹ là trên 143 tỉ USD, ngoài ra còn một số khoản tiền chính phủ cho các công ty, cơ quan vay và khoản tiền dự trữ của các công ty Mỹ ở hải ngoại đưa về nước khi cần thiết. Lượng vàng chiếm tới 3/4 tổng dự trữ ngoại tệ của Mỹ. Tính tới cuối năm 2010, dự trữ vàng của Mỹ lên tới 8.133, 5 tấn, cao nhất thế giới. Tình trạng nợ công của Mỹ thời gian qua rất cao (14.340 tỉ USD), trong đó nợ nước ngoài tới 9.740 tỉ USD, nên dự trữ ngoại tệ không đủ trang trải nợ công. Bởi vậy, các nước vừa qua rất lo ngại nước Mỹ rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Dự trữ ngoại tệ của các nước Đức, Pháp, Italy chủ yếu là vàng, chiếm tỉ lệ tới 60% tổng dự trữ ngoại tệ, còn lại là đồng USD, đồng euro và đồng yên Nhật Bản.
Nhật Bản là thực thể kinh tế lớn thứ ba thế giới, hơn nữa nguồn tài nguyên có hạn, hầu hết phải nhập khẩu, vì vậy dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản khá cao. Nguyên tắc dự trữ ngoại tệ của Nhật trên cơ sở đảm bảo tính an toàn và linh hoạt, cố gắng làm dự trữ ngoại tệ sinh lời. Hiện nay dự trữ ngoại tệ của Nhật lên tới 1.003,8 tỉ USD, bao gồm tiền mặt, trái phiếu chính phủ các nước, trái phiếu các cơ quan tiền tệ quốc tế, trái phiếu bảo lãnh tài sản và khoản tiền dự trữ nằm trong ngân hàng trung ương các nước. Một đặc điểm nổi bật là Nhật Bản thực hiện chính sách “tàng hối trong dân” - nghĩa là khoản dự trữ nằm trong tay nhà nước không lớn mà chủ yếu nằm trong dân. Số liệu năm 2006 của Nhật Bản cho biết khoản tiền ngoại tệ nằm trong dân tới trên 3.000 tỉ USD và dân chúng có thể thông qua đầu tư ngoại tệ kiếm lời. Chính sách này vừa giảm thiểu đáng kể rủi ro cho nhà nước, hơn nữa lại có lợi dân và sẵn sàng bán ngoại tệ cho nhà nước khi cần thiết.
Nga là nước có nguồn tài nguyên phong phú và dự trữ ngoại tệ ở mức khá cao (548 tỉ USD), chỉ đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, dự trữ ngoại tệ của Nga đa dạng, trong đó chủ yếu là vàng tới trên 2.400 tấn, ngoài ra còn có đồng euro, đồng đôla Australia (AUD) , đôla Canada, đồng USD chiếm tỉ lệ nhỏ. Để đảm bảo khoản dự trữ sinh lời, Nga đã dùng dự trữ ngoại tệ đầu tư vào các hạng mục trong nước, năm 2007 đầu tư tài sản cố định tăng 10,4% trong đó chủ yếu huy động từ dự trữ ngoại tệ nhà nước.
Dự trữ ngoại tệ của 6 nước Vùng Vịnh tuân thủ theo nguyên tắc quản lý nghiêm ngặt và đầu tư sinh lời. Vì vậy, sáu nước Vùng Vịnh thành lập ra cơ quan chung chuyên trách quản lý đầu tư dự trữ ngoại tệ. Kuwait hàng năm đều trích 10% thu nhập tài chính đưa vào Quỹ dự trữ dự bị ở London để quản lý. Năm 2006, Kuwait đã trích 9,3 tỉ USD đầu tư vào 3 hạng mục ở trong nước, lợi nhuận thu được chủ yếu dùng vào nâng cao đời sống dân chúng. Ngoài ra, sáu nước vùng Vịnh cũng thực hiện chính sách “tàng hối trong dân”, ngoại tệ nằm trong tay dân chúng như các công ty, ngân hàng tư nhân, các công ty quản lý quĩ... nhiều hơn ở ngân hàng trung ương. Các nước này dùng dự trữ ngoại tệ mua trái phiếu các nước kiếm lời. Năm 2005 và 2006, chính phủ và dân chúng sáu nước vùng Vịnh mua tới 360 tỉ USD trái phiếu chính phủ các nước.
Trung Quốc hiện nay có dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, tới gần 3.200 tỉ USD, trong đó 70% là USD, 10% là đồng yên Nhật Bản, 20% là đồng euro và bảng Anh. Hầu hết dư luận Trung Quốc đều lo ngại quy mô dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã vượt quá mức cần thiết. Tới cuối năm 2005, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã bằng 35% GDP, hiện nay bằng 50% GDP, vượt quá xa tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Tháng 10/2006, khi dự trữ ngoại tệ Trung Quốc tới 1.000 tỉ USD, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng như vậy là “đủ”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng thừa nhận dự trữ ngoại tệ quá cao như trên đã bóp méo kết cấu kinh tế của Trung Quốc.
Ngày 31/7, Giáo sư Hứa Tiểu Niên thuộc Học viện công thương quốc tế Trung Quốc-EU nói: “Dự trữ ngoại tệ quá cao của Trung Quốc không phản ánh chúng ta giàu có mà thể hiện cơ cấu kinh tế mất cân đối nghiêm trọng”. Một số nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng quy mô dự trữ ngoại tệ quá lớn của Trung Quốc phản ánh mục tiêu cải cách tỉ giá 6 năm qua đã bị thất bại và chứa đựng rủi ro rất lớn, nhất là tình trạng nợ công của Mỹ và Washington thi hành chính sách “đồng USD yếu” để giải quyết vấn đề kinh tế trong nước.
Phó giám đốc Học viện kinh tế Đại học Phúc Đán, Giáo sư Hứa Thiếu Cường, nói vừa qua khi đồng USD giảm giá mạnh, tính ra mỗi tháng dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tự nhiên bị thụt két tới 30 tỉ USD. Đó là chưa kể chi phí bảo quản.
Để phân tán rủi ro, ngày 30/7, Cục quản lý ngoại tệ Trung Quốc cho biết sẽ tiến hành đa dạng hóa và mở ra kênh đầu tư để phát huy hiệu quả khoản dự trữ ngoại tệ lớn này.
Tin cho biết Trung Quốc cũng thực hiện “tàng hối trong dân” vì hiện nay dự trữ ngoại tệ nằm trong các công ty, trong dân chúng chỉ có khoảng 100 tỉ USD. Đây là hiện tượng không bình thường, bởi vậy nhà nước sẽ có chính sách thích hợp cho dân chúng đầu tư vào kinh doanh ngoại tệ. Cùng với chính sách “tàng hối trong dân”, Trung Quốc cũng sẽ thực hiện “tàng kim trong dân”, khuyến khích dân chúng mua và dự trữ vàng. Hiện nay dự trữ vàng của Trung Quốc chỉ có 1.054 tấn, đứng thứ 6 thế giới, nên cần tăng dự trữ vàng và các ngoại tệ khác để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, tránh rủi ro trong thời gian tới.

Kiều Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.