Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

Cúng sao, giải hạn: Một thói quen cần thay đổi!

Hãy tin vào nhân quả thay vì... dâng sao giải hạn Niềm tin vào việc dâng sao hạn này vốn không nằm trong giáo lý đạo Phật nhưng từ lâu đã có mặt trong sinh hoạt của người dân và ngày càng trở nên phổ biến. Hình thức “sao chiếu” là như thế nào? Sao chiếu mệnh bắt đầu từ Trung Quốc, vấn đề này được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra “Nhương tinh” để đưa dẫn người vào đạo. Mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Theo quan niệm, trên trời có chín vị Thần sao luân phiên quản lí sinh mạng con người. Chín Thần sao ấy có tên là: La Hầu, Thổ Tú, Thuỷ Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm và Mộc Đức. Kể từ mười tuổi trở lên, mỗi năm con người sẽ bị chi phối bởi một vị Thần sao. Tuy vậy, dù cùng một tuổi nhưng Thần sao của Nam và Nữ lại khác nhau. Chẳng hạn, cùng năm mươi ba tuổi, nam là sao Thái Âm mà nữ là sao Thái Bạch. Thêm nữa, ngoài việc mỗi người hàng năm có một Thần sao quản lý, bên cạnh còn phụ thuộc vào cung nào trong tám cung và thuộc hạn gì trong các hạn. Tám cung này chính là Bát quái trong Kinh Dịch, đó là: cung Càn, cung Khảm, cung Cấn, cung Chấn, cung Tốn, cung Ly, cung Khôn và cung Đoài. Còn các hạn thì rất nhiều, như hạn Huỳnh tuyền, hạn Thái sơn, hạn Mộc ách, hạn Tán tận mộc ách, hạn Cát lợi mộc ách, hạn Nhập mộ kim lâu, hạn Toán tận nhập mộ, hạn Thái sơn kim lâu và hạn Huỳnh tuyền nhập mộ. Do vậy, theo Đại đức Thích Thanh Định, trụ trì chùa Từ Xuyên (Phường Hoàng Diệu, tỉnh Thái Bình) thì thông thường, những người tin theo sao hạn, năm nào gặp sao La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch thì họ rất lo sợ vì cho rằng, ba sao ấy rất hung dữ và xui xẻo. Và cũng theo quan niệm thì trong chín sao thì chỉ có sao Môc Đức là hiền lành. Năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật…gọi là vận hạn. Nặng nhất là “nam La hầu, nữ Kế đô”. Theo đó, để giảm nhẹ vận hạn người ta thường làm lễ cúng vào đầu năm tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, gia đình. Điều này đã khiến cho nhiều nơi còn coi đây là tục lệ hay phong trào. Hàng ngày, hãy tu tập tốt để thọ nhận quả lành Khi đức Phật Thích Ca đi xuất gia, có bốn dấu hiệu mà đức Phật nhìn thấy là sinh, lão, bệnh, tử. Theo đó, con người ta ai cũng phải trải qua các giai đoạn sinh ra, lớn lên, già nua và chết đi. Đó là những điều bình thường, là quy luật tất yếu của tự nhiên và cuộc sống. Trong các Kinh đức Phật dạy về Nhân quả hay Nghiệp, Ngài đã phân tích và xác định rất rõ ràng về con người. Như kinh Trung Bộ ghi: “Tất cả chúng sinh đều có cái nghiệp của riêng mình”. Về vấn đề trên, Đại đức Thích Thanh Định cho hay: Trong Kinh, Đức Phật xác định cụ thể là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào đã làm, thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy. "Vì vậy, đã là Phật tử tại sao không tin nhân quả? Không chuyển nhân quả? Không nương tựa Tam bảo? Không nương tựa chư Phật, chư Bồ-Tát? Bởi chư Phật, Bồ-Tát là những bậc đầy đủ đại trí tuệ, đại từ bi và sáu thứ thần thông, là những bậc hoàn toàn giải thoát. Người Phật tử không tin tưởng, không nương tựa vào đó mà lại nương tựa vào Trời, Thần, Quỷ...là những chúng sinh đang bị luân hồi sanh tử trong tam giới, là thế nào?” – Đại đức Thích Thanh Định "chất vấn". Ông nói tiếp: "Chư Phật, chư Tổ đã trải lòng từ bi lo lắng, thương xót chỉ dạy cho chúng ta tận tâm như thế; về phía chúng ta, tin và thực hành lời dạy của các Ngài hay không là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Nếu ai tin thì sẽ hoán chuyển nhân quả hay nghiệp xấu ác thành nhân quả hiền thiện, để tiến dần trên con đường giải thoát, hầu đạt được mục đích sau cùng. Ngược lại, ai không tin là tự trói mình trong thế giới tà đạo, để tiếp tục chịu muôn vàn khổ đau trong tam giới (ngạ quỷ, địa ngục, súc sinh – PV)". Cũng theo Đại đức Thích Thanh Định thì không ai và không thế lực siêu nhiên hay vô hình nào có thể thay đổi được hiện tiền của chúng ta. Tất cả đều phụ thuộc vào công đức tu tập của mình ra sao làm thôi Hơn nữa, trên trời có hàng nghìn vì sao nên không thể gắn vì sao này với người này và vì sao nọ với người kia được. Đó chỉ là sự vô lí, mù quáng tin vào sự ngộ nhận của thế lực thần linh nào đó. “Con người ta sống trên thế giới sa bà này có nhiều phiền não, nhiều suy nghĩ đắn đo. Do vậy, chúng ta luôn phải có tâm sáng để mà nhìn nhận đánh giá biết như nào là đúng, sai. Từ đó, áp dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống một cách khoa học và hiệu quả nhất, đặc biệt là phải luôn cố gắng tu tập thân, khẩu, ý cho tốt để tạo thêm phước đức, chuyển nghiệp xấu thành điều lành” – Đại đức Thích Thanh Định khẳng định. Cúng sao, giải hạn: Một thói quen cần thay đổi! http://phatgiao.org.vn/van-de-quan-tam/201303/Cung-sao-giai-han-Mot-thoi-quen-can-thay-doi-9819/ Ngay cả đức Phật cũng từng nói “Ta không có khả năng ban bố phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất kỳ ai, tất cả việc xấu tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi” (Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada Thera, NXB Chùa Giác Ngộ) Những ngày xuân Quý Tỵ chưa qua hết, đây đó khắp nơi trên đất nước chúng ta, nơi những địa điểm thờ tự tôn giáo tâm linh, vẫn còn rất nhiều người tranh thủ thời gian để tìm đến. Bên cạnh ý nghĩa lễ bái, vãn cảnh đầu năm ở những ngôi chùa thờ Phật, không ít một số bà con còn có những thói quen bói quẻ, xin xăm, cúng sao, giải hạn, xem vận mạng tốt xấu qua tuổi, tử vi...là một miền quê nơi chùa Thiên Phước, khi khả năng nhận thức của người dân về giáo lý Đức Phật còn hạn chế, nên tình trạng trên của một số bà con đi chùa làm cho người tu Phật ở chùa rất lấy làm trăn trở của những ngày đầu năm mới. Như chúng ta đã biết, tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên căn bản là Nhân Quả, nếu nói cho đủ là Nhân Duyên Quả. Nhân là hạt giống, và nhờ Duyên ( thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật...) Quả là kết quả do gieo Nhân mà được, nên một đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Do vậy khi một người gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã gieo. Nếu muốn hóa giải quả xấu, thì phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, gieo nhiều việc thiện. Hiểu được vậy nên ngay từ khi bắt đầu gieo nhân chúng ta nên chọn lựa giống tốt xấu, nếu vô tình hay cố ý gieo nhân khi phát hiện là nhân xấu, chúng ta có thể nhờ Duyên trợ giúp để chuyển hướng quả đến mục đích tốt hơn. Ví dụ: chúng ta gieo Nhân sát sanh nhiều, thì chúng ta biết chắc hậu Quả của nó sẽ đến với mình là bệnh tật, thọ yểu, hay thường gặp những tai nạn phạm thân, thậm chí phải đền mạng, khi biết được thế, chúng ta nỗ lực sám hối hành trì tụng kinh, bố thí cúng dường, phóng sanh...(Duyên) thì Quả trổ đến sẽ chuyển hướng khác, hoặc bị triệt tiêu. Nên trong đời sống hằng ngày, chúng ta thọ nhận những điều tốt xấu là đều do chúng ta tạo nhân cả, nên khi quả đến tốt thì chúng ta hạnh phúc, và ngược lại quả xấu chúng ta đành phải chấp nhận và bình tỉnh để hóa giải nó, hướng nó đến một kết quả tốt đẹp hơn, mà trong Phật ngữ gọi là Giải nghiệp. Do không hiểu được vậy nên đầu năm nhiều người đến chùa để xin quẻ, bói toán, cúng sao giải hạn... là đi ngược lại giáo lý nhà Phật, vì bởi khi nhờ nhà chùa cúng sao cho tuổi của mình, thì có khẳng định rằng trong năm không gặp một rủi ro nào? chắc không ai dám khẳng định điều đó, nhưng nếu có xảy ra tai nạn rủi ro vậy số tiền mà mình bỏ ra cúng sao giải hạn là vô ích, và số tiền bỏ ra dù nhiều ít cũng chưa dám chắc được điều không gặp rủi ro, và có nhiều người bỏ ra vài chục ngàn tiền lẻ thì làm sao sánh nỗi một sự rủi ro, trong khi một tai nạn giao thông xảy đến thì số tiền chi phí không thể lường được, thậm chí mất mạng, biết thế nhưng hằng năm những ngày đầu năm mới vẫn có rất nhiều người tìm đến chùa chiền, miếu phủ...để lặp đi lặp lại những sự việc nêu trên. Một giả định khác, nhiều người cứ đinh ninh rằng nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật bệnh sẽ qua, tai nạn sẽ không đến. Điều này giống như là việc đút lót tiền cho thần thánh để được một hồng ân nào đó phía sau, sẽ được thần thánh hỗ trợ hoặc ban bố phước lành; suy nghĩ như thế thật có tội, vô tình đưa các vị ấy vào những người nhận “đút lót”, ra tay nâng đỡ những ai biết điều, còn những ai không biết điều, không cúng kiến thì các vị sẽ “hững hờ”, nếu làm vậy thì các vị ấy đâu còn gọi là từ bi, thương chúng sanh bốn loài? Ngay cả đức Phật cũng từng nói “Ta không có khả năng ban bố phước lành, và cũng không có khả năng giáng họa cho bất kỳ ai, tất cả việc xấu tốt là do nghiệp báo và nhân quả của các con mà thôi” (Đức Phật và Phật Pháp, tác giả Narada Thera, NXB Chùa Giác Ngộ) Nếu cho rằng số phận con người nằm trong vận mệnh của trời đất, theo quy luật tuần hoàn của vũ trụ?!. Nếu vậy, ví dụ như năm nay, theo quan niệm những người ở tuổi 31 đang bị sao xấu, có tam tai lớn trong năm, vậy thì tất cả những người năm nay 31 tuổi không đi cúng sao đều gặp tai ương lớn trong năm, và sẽ không qua khỏi? Vậy thì năm sau, số người 32 tuổi sẽ không còn bao nhiêu nữa. Và dân số đất nước sẽ giảm mạnh vì cứ đến 31 tuổi thì có hàng loạt người không qua khỏi. Thực tế thấy rằng, dân số vẫn tăng nhanh, và tai nạn thì không trừ bất kỳ lứa tuổi nào. Những nhận thức mang tính hủ tục lâu dài ấy, không phải một sớm một chiều có thể làm thay đổi thói quen trong suy nghĩ của số người đến chùa cầu sao giải hạn. Hơn nữa nhiều chùa ở Việt Nam nói chung đang nằm trong thực trạng này, ảnh hưởng bởi Phật giáo bắc truyền, và dường như đã trở thành một truyền thống, kế tục từ nhiều đời. Mạnh dạn bỏ hủ tục này thì khó tiếp cận được với nhiều người, vì cúng giải hạn đầu năm lại là biện pháp tâm lý để tìm lấy sự bình yên, nhưng nếu giữ thì lại thì thật sự không ổn. Trước thực trạng này nếu nhà chùa, nhất là ở vùng quê chúng tôi nếu không đáp ứng được cho một số người này thì cũng mất đi một cơ hội "hoằng pháp" vì những đối tượng này mỗi năm chờ có cơ hội này mới đến chùa, và nếu không đáp ứng được nhu cầu của họ thì ở những ngôi chùa quê này xem như ít người lui tới, và cơ hội để họ tiếp xúc Phật pháp ngày càng xa, và nếu phục vụ cho họ thì xem như nhà chùa trực tiếp truyền bá mê tín dị đoan. Do đó, xuất phát từ thực tế, chùa Thiên Phước chúng tôi đang cố gắng từng bước thay đổi thói quen về niềm tin lệch ấy. Trước tiên hết là những người ở chùa phải đặt mục tiêu truyền bá chánh pháp, lợi lạc chúng sanh là chính, do đó không vì cái lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ quên hạnh nguyện của mình, và đồng thời khi tiếp xúc đối tượng này phải nói giáo lý Nhân Quả nghiệp báo cho họ hiểu, và hướng họ đến với Phật pháp làm nhiều việc thiện cho mình cho người, và có thể khuyên họ quy y Tam Bảo, khi đã trở thành là Phật tử, hiểu được giáo lý Đức Phật, chính họ là người hộ pháp đắc lực cả tài vật lẫn tinh thần, muốn được điều này thiết nghĩ mỗi chùa nên có những đạo tràng tu học, thỉnh mời chư vị tôn túc giảng sư, đến để truyền trao kiến thức cho họ. Điều này đã được chùa Thiên Phước thực hiện gần bốn năm qua, và kết quả gần 800 Phật tử đã quy -y, và hiện tại đạo tràng tu học hơn 200 vị, và trong những ngày đầu năm mới những Phật tử này không vướng phải những tập tục không lợi ích nêu trên, và chính họ là những người hộ pháp rất đắc lực mỗi khi nhà chùa cần đến. Trăn trở đầu năm mới, cũng là cầu nguyện tất cả mọi người đều vượt qua những quả khổ, và hướng về lời dạy của Đức Thế Tôn, ứng dụng vào trong đời sống thường ngày để được an lạc, hạnh phúc hiện tại và tương lai. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.