Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Lạm phát cao có thể quay lại ngay trong năm 2009

"Xu hướng tăng nhanh trong 3 tháng quý 2/2009 một mặt thể hiện sự hồi phục đáng kể của nền kinh tế, mặt khác cũng cho thấy dấu hiệu gia tăng mạnh dần các tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ trong khuôn khổ các gói kích cầu của Việt Nam"- ông Phong nói.
Ông Phong cảnh báo, độ trễ của các chính sách tiền tệ thường từ 3 - 6 tháng nên rất có khả năng chỉ số giá (CPI) tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Lượng tiền đưa vào lưu thông lớn khiến nguy cơ lạm phát tăng lên.
Cũng có cách nhìn nhận như vậy, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê), cho rằng, thực hiện kích cầu, một lượng tiền lớn được đưa ra trong những tháng gần đây và những tháng tiếp theo sẽ làm giá cả tăng lên.
Thực tế việc nới lỏng chính sách tiền tệ và kích cầu đầu tư tiêu dùng đã góp phần làm cho tín dụng tăng trở lại khá nhanh.
Số liệu thống kê cho thấy, đầu năm 2009, Chính phủ đề ra mức tăng trưởng tín dụng là 21 - 23%, nhưng để ngăn chặn suy giảm kinh tế đã chấp nhận đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nâng lên tối đa 30%.
Gần đây, nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng lên, các ngân hàng có thời cơ tăng tín dụng. Tuy nhiên, khi tín dụng tăng lên đột ngột cũng chính là thời điểm nguy cơ rủi ro tín dụng rất cao.
Do vậy, các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ mức tăng trưởng tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Ông Thắng cảnh báo, sự nới lỏng là cần thiết, nhưng cần có sự kiểm soát chất lượng chặt chẽ, điều hành thận trọng theo diễn biến giá cả thị trường trong nước và thế giới, để chủ động ngăn chặn lạm phát quay trở lại.
Theo bà Phan Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính-Tiền tệ (Bộ KH-ĐT), tín dụng tăng trưởng đến 17% trong 6 tháng đầu năm là kết quả của chính sách hỗ trợ lãi suất. Chính sách này sẽ còn tiếp tục đến hết năm 2009 và trong năm tiếp theo.
"Với tác động độ trễ của tiền cung ứng khoảng 6 tháng, nếu không có biện pháp hút tiền về trong những tháng sắp tới thì tác động tăng mạnh lạm phát sẽ diễn ra ngay trong năm 2009 chứ không phải chờ đến 2010"- bà Hà phân tích.
Một kịch bản đáng ngại hơn được ông Nguyễn Minh Phong cảnh báo, xu hướng gia tăng các tác động độ trễ và trái chiều của các chính sách kích cầu trong nước và quốc tế, sự hồi phục của kinh tế thế giới khiến cho CPI có thể chạm ngưỡng hai con số và tối đa lên đến 13 - 15% so với cùng kỳ 2008.
Để tránh tái lạm phát, đảm bảo hiệu quả từ nguồn tiền kích cầu, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất, ngay từ bây giờ, cần rà soát lại việc thực hiện, thẩm định hiệu quả các dự án sử dụng gói kích cầu nhằm thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm cho người dân mang lại những hiệu ứng tích cực giải hạn, tránh tình trạng thất thoát gói kích cầu sẽ tạo hiệu ứng không lớn đối với DN và tác động tiêu cực cho nền kinh tế
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Viện phó Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả cũng cho rằng, hiện có những ý kiến cho rằng, vòng xoáy tăng giá những nguyên liệu cơ bản như xăng, dầu... nhất là hệ quả trực tiếp của nới lỏng chính sách tiền tệ liên quan đến gói kích cầu 8 - 9 tỷ USD, khiến thâm hụt ngân sách đến 8%, nợ xấu ngân hàng thương mại tăng lên, bất ổn trên thị trường tỷ giá.
Đó thực sự là gánh nặng dồn lên giá cả cuối năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.