Thứ Năm, 17 tháng 9, 2009

Ông Lê Đức Thúy: Thị trường ngoại hối đang có vấn đề

Ông Lê Đức Thúy: Thị trường ngoại hối đang có vấn đề

Thị trường ngoại hối đang có vấn đề

Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và hiện là Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia trao đổi về một trong những vấn đề được doanh nghiệp cũng như người dân quan tâm nhất hiện nay là tỷ giá.

Ông nói: Trên thị trường quốc tế đồng đô la Mỹ có chiều hướng giảm giá so với các ngoại tệ khác. Tuy nhiên các đồng tiền khác cũng không phải có sức mạnh nội tại tốt vào lúc này để mạnh lên, vì thế đô la Mỹ sẽ không yếu đi một cách tuyệt đối. Các nước ở xung quanh Việt Nam đều đã để đồng nội tệ giảm giá ít nhiều so với đô la Mỹ nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Riêng Trung Quốc vẫn đang tiếp tục kìm hãm sự tăng giá của đồng nhân dân tệ.

Trong bối cảnh đó điều hành tỷ giá hẳn sẽ không đơn giản chút nào phải không ông?

Điều hành tỷ giá hoàn toàn không đơn giản. Theo tôi, điều hành tỷ giá phải dựa vào tỷ giá thực hiện hữu (tỷ giá điều chỉnh qua lại giữa các đồng tiền trong rổ tiền tệ, có tính đến tỷ lệ lạm phát) và tỷ giá danh nghĩa phải xoay quanh tỷ giá thực đó, lấy tỷ giá thực làm trung tâm.

Kinh nghiệm điều hành của NHNN trước đây là: mức chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do dưới 100 đồng/đô la Mỹ là chấp nhận được, trên 100 đồng là có vấn đề. Và đã có vấn đề thì phải phân tích cung cầu, lãi suất cả tiền đồng và đô la Mỹ.

Ông nhìn nhận thị trường ngoại hối hiện nay như thế nào khi mà chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết của ngân hàng và tỷ giá thị trường tự do khoảng 400-500 đồng/đô la Mỹ?

Thị trường đang có dấu hiệu chưa ổn. Nếu nhà xuất khẩu bán một triệu đô la Mỹ cho ngân hàng theo tỷ giá niêm yết, họ có thể nhận ít hơn 500 triệu đồng. Số tiền đó đủ để một doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ trả lương nhiều tháng cho nhân viên.

Chúng ta có nên kết hối không?

Kết hối là biện pháp bất đắc dĩ. Nếu kết hối các doanh nghiệp có ngoại tệ có thể giữ ngoại tệ trên tài khoản ở nước ngoài và họ giao dịch với nhau ở nước ngoài theo tỷ giá thỏa thuận. Tôi cũng đã trải qua điều đó rồi khi còn điều hành ở NHNN.

Thưa ông, vậy điều gì đang xảy ra trên thị trường ngoại hối?

Tổng cung ngoại tệ hiện nay, theo tôi, không đủ bù đắp tổng cầu, nghiêng về thiếu hụt. Tình huống này các năm trước không có. Nay NHNN phải bù đắp và bán ra một phần. Vấn đề là ở chỗ có cần thiết phải mở kho dự trữ ngoại hối để bù đắp không hay tạo ra một chính sách hợp lý để cung và cầu tiệm cận nhau.

Tuy nhiên chúng ta không thể cứ lúc nào cầu ngoại tệ cao là lại mở kho dự trữ ngoại hối vì dự trữ của ta chưa nhiều?

Dự trữ ngoại hối theo tôi biết hiện tại khá hơn trước đây. Năm 1997 chúng ta chỉ có 700 triệu đô la Mỹ dự trữ ngoại hối. Sau khủng hoảng tài chính châu Á ta nâng lên được 2,5 tỉ đô la Mỹ, năm 2006 được 10 tỉ đô la Mỹ và năm 2007 được hơn 20 tỉ đô la Mỹ. NHNN đã sử dụng nguồn dự trữ này để hỗ trợ thị trường, nhưng không nhiều và hiện vẫn đủ sức can thiệp khi cần thiết.

Theo báo cáo của NHNN thì hiện cung cầu ngoại tệ tương đối cân bằng, nên chưa cần điều chỉnh tỷ giá. Cán cân thanh toán thường có sai số và sai số là không nhỏ, khoảng 1-2 tỉ đô la Mỹ. Người ta có thể sử dụng sự sai số đó để nói cung cầu ngoại tệ cân bằng hay không.

Có ý kiến cho rằng nếu điều chỉnh tỷ giá thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của chúng ta tăng lên? Ông có đồng ý với ý kiến này không? Vì sao?

Nói điều chỉnh tăng tỷ giá thì nghĩa vụ trả nợ tính theo đồng nội tệ tăng lên là đúng. Thí dụ trước đây ta vay một tỉ đô la, dùng 16.000 tỉ đồng là đủ trả nợ. Nay ta điều chỉnh tỷ giá, thì cần phải dùng, chẳng hạn 18.000 tỉ đồng, tức tăng thêm 2.000 tỉ đồng. Nhưng từ đó nói điều chỉnh tỷ giá làm tăng nghĩa vụ trả nợ một cách chung chung là chưa chính xác.

Thứ nhất sự tăng nghĩa vụ ấy là tính quy sang tiền đồng đối với khoản nợ đến hạn. Thứ hai nó giả định rằng người trả nợ không có nguồn thu bằng ngoại tệ, mà dùng đồng nội tệ mua ngoại tệ trả nợ. Nếu người vay có ngoại tệ để trả nợ, thì người đó không phải bỏ thêm một đồng nào trong trường hợp này cả.

Nhìn vào cụ thể. Một số người lấy số nợ quốc gia nhân với, chẳng hạn, tỷ giá được điều chỉnh 5%, để nói rằng việc điều chỉnh tỷ giá làm nghĩa vụ trả nợ của ta tăng thêm mấy chục ngàn tỉ đồng. Hiện chúng ta nợ nước ngoài khoảng 38 tỉ đô la Mỹ.

Tuy nhiên, họ không hiểu là ở đây chỉ tính đến nghĩa vụ tăng thêm khi khoản nợ đến hạn, chứ không phải cho tổng số nợ. Số nợ ấy nếu qui về một thời điểm là đúng, nhưng ngay một lúc chúng ta không phải trả hết tất cả số nợ đó. Ngoài ra, nếu sự điều chỉnh tỷ giá có lợi cho phát triển kinh tế, như khuyến khích xuất khẩu, giúp tăng nguồn thu ngoại tệ trong tương lai và do đó làm tăng khả năng trả nợ, thì tại sao lại không tiến hành?

Khi tăng tỷ giá, nghĩa vụ trả nợ tính theo tiền đồng, như thí dụ ở trên, tăng thêm 2.000 tỉ đồng/năm. Nhưng ngân sách hiện nay cũng đang thu trực tiếp bằng ngoại tệ mỗi năm chừng 4 tỉ đô la Mỹ. Vậy 4 tỉ đô la ấy đưa vào bên phần thu của ngân sách, thì chúng ta tăng thêm được 8.000 tỉ đồng nếu tăng tỉ giá. Ngân sách chi thêm 2.000 tỉ đồng, thu thêm 8.000 tỉ đồng, tức vẫn thu thêm được 6.000 tỉ đồng.

Xét về cân đối thu chi ngân sách bằng tiền đồng, như thế ngân sách không thiệt gì cả. Nhìn xa hơn, nếu nói điều chỉnh tỷ giá làm tăng nghĩa vụ trả nợ, vậy nếu điều chỉnh tỷ giá giảm, có làm giảm nghĩa vụ trả nợ không? Không hề giảm gì cả. Nợ bằng ngoại tệ, trả bằng ngoại tệ. Ở đây không thể dùng kỹ thuật điều hành tỷ giá để thay thế bản chất kinh tế là nợ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, nợ bằng đồng tiền nào trả bằng đồng tiền ấy!

Ở trên, ông nhận xét thị trường có dấu hiệu chưa ổn, vậy vấn đề của thị trường là ở chỗ nào?

Thị trường thực tế đang có vấn đề. Kể cả bằng kinh nghiệm điều hành thực tế trước đây lẫn theo dõi thị trường hiện nay, tôi thấy có căng thẳng trong quan hệ ngoại hối. Việc mua bán ngoại tệ của doanh nghiệp khó khăn. Người có ngoại tệ không muốn bán, người cần ngoại tệ không mua được và việc tuân thủ tỷ giá chính thức là không dễ dàng. Người ta thường mua bán với tỷ giá thỏa thuận khác với tỷ giá chính thức. Thực tế ấy là có và không ai phủ nhận.

Theo ông, nguyên nhân của tình trạng đó bắt nguồn từ đâu?

Có những nguyên nhân do cơ chế chính sách. Cơ chế bù lãi suất chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp vay tiền đồng, không hỗ trợ cho người vay ngoại tệ. Người ta thấy vay tiền đồng rồi đi mua ngoại tệ có lợi hơn vay trực tiếp bằng đô la, mà không được bù lãi suất. Cầu về ngoại tệ trong thương mại như vậy tăng lên. Nếu doanh nghiệp vay ngoại tệ trực tiếp từ ngân hàng, ngân hàng chuyển khoản thanh toán nhập khẩu, thì sẽ không có nhu cầu mua bán.

Một nguyên nhân khác là thực tế từ đầu năm đến nay xuất khẩu giảm, đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài giảm, kiều hối giảm. Nhập khẩu có giảm, nhưng không giảm mạnh bằng mức sụt giảm của nguồn vốn vào. Cung không đủ cầu và có áp lực thị trường về tỷ giá.

Song, sự thâm hụt so với tổng thể cán cân thương mại không lớn. Nhà nước có thể can thiệp. Can thiệp đến mức nào, theo phương thức điều hành nào là nằm ở sự tính toán của Nhà nước. Còn theo tôi, một sự điều chỉnh nhẹ tỷ giá là đủ để đảm bảo cân bằng cung cầu mà không cần Nhà nước phải can thiệp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.