Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Đằng sau động thái mua vàng của Ngân hàng Trung ương các nước

Đằng sau động thái mua vàng của Ngân hàng Trung ương các nước
Ngân hàng Trung ương hiện mất niềm tin với tất cả các loại tiền chứ không chỉ đồng USD. Điều này cũng là dễ hiểu nếu xét đến một số yếu tố.
Việc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ và Nga mua vàng đã từng giúp giá vàng lên sát mốc 1.200USD/ounce thời gian gần đây dù trên thực tế lượng vàng họ mua không hề lớn nếu so với mục tiêu đa dạng dự trữ. Bong bóng vàng đang hình thành?
Từ tháng 9/2009 đến tháng 1/2010, Ấn Độ đang trong mùa lễ hội. Việc mua vàng cũng là bình thường. Thế nhưng không chỉ những người mua quà tặng đang đẩy mạnh mua vàng. Ngân hàng Trung ương tăng mua vàng – một trong những yếu tố quan trọng khiến giá vàng lên sát mốc 1.200USD/ounce.
Xu thế này khiến không ít người lo ngại: Thông thường, các Ngân hàng Trung ương thường mua USD cho dự trữ ngoại tệ, việc nhóm đối tượng này quan tâm nhiều hơn đến vàng có thể coi như dấu hiệu mới nhất về sự đi xuống của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ chủ chốt của thế giới.
Giá vàng đã tăng liên tục từ cuối tháng 8/2009, thế nhưng đà tăng giá ấn tượng chỉ thực sự bắt đầu từ ngày 04/11, một ngày sau khi Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ công bố mua 200 tấn vàng từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Dự trữ vàng của Ngân hàng Trung ương này nhờ thế tăng thêm 56%. Đáng nói, đến tháng 9/2009 vàng chỉ chiếm 4% tổng dự trữ của ngân hàng này.
Ông Marc Chandler, trưởng bộ phận tiền tệ tại Brown Brothers Harriman tính toán rằng giá trị dự trữ ngoại tệ của Ấn Độ đã tăng gấp đôi dự trữ vàng của nước này và như vậy thực tế dự trữ của ngân hàng chưa hề được đa dạng.
Số liệu từ Hội đồng vàng thế giới cho thấy trước khi mua vàng từ IMF, Ấn Độ chỉ sở hữu 357,7 tấn vàng tương đương 4% tổng dự trữ của ngân hàng, trong khi đó lượng vàng do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nắm giữ là 1.054 tấn tương đương 1,9% tổng dự trữ. Trong khi đó, tính đến tháng 9/2009 FED nắm giữ 8.133 tấn vàng tương đương 77,4% tổng dự trữ.
Giá vàng giao kỳ hạn tại thị trường Chicago lên mức 1.186USD/ounce vào ngày 25/11 và sau đó đóng cửa ở mức 1.192USD/ounce.
Ngày 23/11, Ngân hàng Trung ương Nga công bố đã mua 15,6 tấn vàng trong tháng 10 để bổ sung cho dự trữ. Thế nhưng không giống như Ấn Độ, Nga mua vàng từ chính mỏ của nước này. Số vàng mua thêm chiếm 2,7% trên tổng số 568,4 tấn vàng mà Nga sở hữu tính đến tháng 9/2009. Vàng đóng góp 4,3% trong dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga.
Ông Leo Larkin, chuyên gia phân tích về thị trường kim loại tại S&P 500, cho biết ông sẽ không ngạc nhiên nếu các Ngân hàng Trung ương khác tăng mua vàng, và thay cho bán vàng, họ sẽ mua vàng và giữ nó như một tài sản tiền tệ trong một phần dự trữ.”
IMF, sau các đợt bán vàng, hiện còn lại 190 tấn vàng trong kế hoạch bán ra 403,3 tấn vàng để củng cố cho khả năng tài chính.
Xét đến dự đoán rằng đồng USD sẽ liên tục giảm giá, các chuyên gia kinh tế và đầu tư vì thế không ngạc nhiên khi các Ngân hàng Trung ương ngày một chuộng vàng để đa dạng dự trữ của họ.
Ông Barry Bosworth, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nhận xét nhu cầu đối với đồng USD giảm sút trên thế giới có ý nghĩa đối với Ngân hàng Trung ương một số nước như Nhật, hiện nay nước này không còn phải cố gắng điều chỉnh tỷ giá hối đoái thông qua việc mua USD để hỗ trợ cho giá trị đồng USD.
Thế nhưng việc các Ngân hàng Trung ương tập trung vào vàng khiến chuyên gia Bosworth bối rối. Sẽ hợp lý hơn nếu những nước xuất khẩu hàng hóa chuyển dự trữ sang nhiều loại tiền tệ trong đó có tiền tệ của một số nước mới nổi – hiện đang trở thành đối tác thương mại ngày một lớn trên thế giới. Với triển vọng tăng trưởng tương lai của Trung Quốc, sẽ là hợp lý nếu Ngân hàng Trung ương các nước sở hữu thêm đồng nhân dân tệ, tuy nhiên đáng tiếc đây không phải là đồng tiền thuận tiện trong hoạt động mua bán.
Bởi kỳ vọng lãi suất cơ bản trên toàn thế giới sẽ ở mức thấp thêm một thời gian dài, Ngân hàng Trung ương các nước chọn đa dạng sang các loại tài sản khác ngoài USD.
Tuy nhiên, chuyên gia Larkin thuộc S&P cho rằng điều này phản ánh các Ngân hàng Trung ương hiện mất niềm tin với tất cả các loại tiền giấy chứ không chỉ đồng USD. Sự chán ngán với tiền giấy cũng là dễ hiểu khi các nước vay nợ ngày một nhiều để có tiền cứu hệ thống ngân hàng và kinh tế khỏi khủng hoảng.
Thế nhưng chức năng của vàng là công cụ giữ giá trị chứ không phải công cụ mang lại lợi nhuận. Vàng không mang lại cổ tức như cổ phiếu hay lợi suất của trái phiếu.
Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã bắt đầu bán ra vàng trong dự trữ của họ vào đầu thập niên 1990. Chuyên gia Chandler cho rằng giới lãnh đạo mới của các Ngân hàng Trung ương muốn tập trung vào loại tài sản nào có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhất để sử dụng tối ưu dự trữ của các ngân hàng.
Chuyên gia Chandler nhận xét dù việc các Ngân hàng Trung ương sử dụng vàng để đa dạng dự trữ là hợp lý – ít nhất ở thời điểm lãi suất cơ bản ở mức thấp nhu hiện nay. Thế nhưng nhà đầu tư cá nhân không nên làm như vậy. Họ sẽ tốn nhiều tiền để cất trữ và bảo đảm cho số vàng đó, chi phí này sẽ khiến nhà đầu tư mất đi lợi nhuận trong đầu tư. Chi phí cất trữ vàng trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng.
Dù giá vàng tăng nóng trong năm 2009, mức tăng của giá vàng thấp nhất so với tất cả các kim loại quý khác. Từ đầu năm đến nay, giá vàng tăng 34%, giá paladi tăng 98%, giá bạc tăng 63% và giá bạch kịm tăng 56%.
Các chuyên gia dự đoán nhìn chung sắp tới giá vàng sẽ tăng liên tục nếu các yếu tố vĩ mô hiện tại không cải thiện.
Chuyên gia Erik Davidson thuộc Wells Fargo Private Bank cho rằng còn tồn tại yếu tố có thể đẩy giá vàng lên cao. Ông tin rằng hiện trên thị trường vàng hiện đang tồn tại bong bóng. Ông nhận định phải đến khi kinh tế thế giới trở lại ổn định, thị tường tín dụng hoạt động trôi chảy, tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường lao động cải thiện, giá vàng mới giảm xuống. Giá vàng cuối năm 2010 có thể ở mức thấp hơn so với hiện nay.
Nếu các thị trường và nền kinh tế trên thế giới tiếp tục có dấu hiệu ổn định hơn, giá vàng sẽ không thể dao động quanh mức 1.200USD/ounce trong thời gian dài.
Theo Businessweek
Hàn Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.