Thứ Tư, 25 tháng 11, 2009

Nóng bỏng số phận đồng đôla

Cùng với vàng và dầu thô, thế giới hiện đang dõi theo số phận của đồng đôla Mỹ, đồng bạc xanh có bị truất ngôi bá chủ, nhất là khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn âm ỉ.
Nhiều kịch bản sụp đổ của đồng tiền này đã được vẽ ra và tạo ra những quan ngại thực sự: Tháng 6/2009, bốn nước vùng Vịnh là Kuwait, Ảrập Xêút, Qatar và Bahrain đã kí một hiệp ước đồng ý tạo lập hội đồng liên minh tiền tệ chung, là bước mở đầu cho việc thiết lập một ngân hàng trung ương vùng Vịnh và việc khởi xướng một liên minh tiền tệ cũng như đồng tiền riêng cho khu vực.
Tháng 7/2009, lãnh đạo các nước thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh các nước Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) lần thứ 37 gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay thảo luận một hiệp định về việc bắt đầu sử dụng đồng tiền chung trong các hoạt động thương mại của khối này vào cuối năm 2010, nhằm từng bước thay thế đồng USD.
Gần đây nhất, tháng 9/2009, Nga và Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi tạo ra một đồng tiền chung toàn cầu mới. Liệu thời của đồng USD đã hết?
Sự sụp đổ của đồng đôla và phương pháp tìm kiếm lợi nhuận từ nó
Tác giả cuốn sách từng quan ngại về tính thời sự của nó bởi "có nhiều quyển sách trở nên lỗi thời ngay tại thời điểm phát hành", đặc biệt với một đề tài "nóng" như thế này. Tuy nhiên, hầu hết luận điểm được đưa ra trong 22 chương của quyển sách vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng trở nên hữu ích trong hai năm qua, tính từ thời điểm cập nhật gần nhất - 30/11/2007.
Cuốn sách được chia thành 5 phần lớn:
Phần I - Vì sao đồng đôla sụp đổ - hé lộ nhiều nguyên nhân nền tảng dựa trên những bài học thương đau trong quá khứ có thể dẫn đến sự sụp đổ của đồng USD hiện nay, ví dụ ảo tưởng về sự thịnh vượng, thói tiêu xài vô độ, vay nợ mới để trả nợ cũ, hành vi làm tăng cung tiền bằng cách phá giá đồng tiền hiện tại...
Phần II - Tiền xưa và nay - cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về tiền, bản chất của tiền và vai trò thực sự của vàng.
Phần III - Vì sao giá vàng sẽ tăng vọt? - góp phần giải thích và dự báo xu hướng tăng của giá vàng. Chẳng phải những gì đang diễn ra trên thị trường vàng thế giới là minh chứng sinh động cho những luận điểm "vẫn còn nguyên giá trị" của quyển sách?
Phần IV - Tìm kiếm lợi nhuận từ sự sụp đổ của đồng USD - những khuyến nghị về các hình thức đầu tư khác trong bối cảnh đồng đôla đang suy yếu.
Phần kết - Chế độ bản vị vàng tương lai - một câu hỏi mà chỉ thời gian mới có thể trả lời. Dù chính thức bị bãi bỏ sau Hội nghị Bretton Woods để nhường chỗ cho bản vị Mỹ kim, chế độ bản vị vàng vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều kinh tế gia uy tín, trong đó có Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong 19 năm. Phải chăng trong tương lai, chúng ta sẽ lại thấy một chế độ bản vị vàng mới và tiên tiến hơn.
Chính phủ Mỹ và lời giải nào cho bài toán
Chính phủ Mỹ hiện nay, từ vị trí chủ nợ thế giới sau Thế chiến II, giờ lại là con nợ lớn nhất thế giới với khoản nợ khoảng 45 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần GDP của Mỹ. Từ năm 2002 đến nay, cứ 1 USD được tạo ra, nước Mỹ phải dùng đến 6 USD vay mượn, đồng nghĩa với mỗi gia đình 4 người mặc nhiên phải chịu một khoản nợ 600.000 USD. Hiển nhiên nước Mỹ, và cả thế giới, đang tìm cách giải quyết bài toán lớn về số phận của đồng USD, để viễn cảnh sau chỉ còn là kỷ niệm đau thương của quá khứ.
"Một ổ bánh mì có giá 160 mark vào năm 1922 đã tăng lên đến 1.500.000 mark chỉ một năm sau đó... Công nhân được trả lương theo giờ và vội vã tiêu ngay những đồng tiền đó trước khi nó mất hết giá trị. Thay vì dùng ví, người ta phải dùng xe cút kít và va li để đựng tiền khi mua hàng ở tiệm tạp hóa. Còn nhà hàng thì tăng gấp đôi giá bán sau khi thực khách vừa dùng xong bữa". (Trích Sự sụp đổ của đồng đô la và phương pháp tìm kiếm lợi nhuận từ nó, trang 43)
* Tuần Việt Nam trích đăng một nội dung đáng chú ý của cuốn sách này:
Ảo tưởng về sự thịnh vượng
Trong suốt hai thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 20, nền kinh tế Mỹ là sự thèm muốn của cả thế giới. Nó tạo ra 30 triệu việc làm mới trong khi châu Âu và Nhật Bản hầu như chẳng có gì. Nó áp đặt tư tưởng và định hướng công nghệ ở nhiều phân khúc lớn của thị trường toàn cầu và sản sinh ra số lượng triệu phú nhanh như cách một nhà máy của Ford sản xuất xe tải cỡ nhỏ. Trong giai đoạn này, giá cổ phiếu của Mỹ tăng đến 20 lần và tăng theo cách khiến hầu hết các nhà đầu tư đều tin rằng nó sẽ luôn như thế. Càng về sau, thậm chí chính phủ liên bang cũng hoạt động hiệu quả, tích lũy được các khoản thặng dư đủ lớn để chuyển nội dung cuộc tranh luận từ cách phân bổ các nguồn lực khan hiếm sang việc sẽ mất bao lâu để trả hết các khoản nợ của liên bang.
Là đồng tiền chung của đế chế mới này, đồng đôla trở thành đồng tiền thống trị thế giới. Ngân hàng trung ương các nước tích lũy đồng đôla và xem nó là tài sản dự trữ chính. Hàng hóa thương mại như dầu hỏa đều được quy ra đôla và những nền kinh tế đang lên như Argentina và Trung Quốc gắn kết đồng tiền của mình với đồng đôla với hy vọng sẽ phát triển ổn định như Mỹ. Đến năm 2000, người ta cho rằng có nhiều tờ 100 đôla lưu hành ở Nga hơn ở Mỹ.
Nhưng thế kỷ hai mươi trôi qua đã đặt dấu chấm hết cho dòng chảy phi thường này. Các loại cổ phiếu công nghệ tụt giảm, tòa Tháp Đôi bị đổ, và ý nghĩ của người Mỹ về quyền lực vạn năng cũng tan biến đi cùng với các khoản tiền dự trữ của họ. Cuối năm 2007, nước Mỹ có gần một triệu người mất việc. Chính phủ liên bang mỗi năm phải vay mượn thêm 500 tỷ đôla để tài trợ cho cuộc chiến chống khủng bố cũng như hàng loạt các chương trình xã hội khác. Lãi suất ngắn hạn một lần nữa lại tụt giảm và mặc dù nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhưng tỷ lệ vay mượn ở mọi cấp độ xã hội thậm chí còn tăng nhanh hơn. Do đó, đồng đôla trở thành đồng tiền gây khó khăn cho cả thế giới, giá trị của nó giảm khi so sánh với các đồng tiền mạnh khác và tụt dốc không phanh nếu đem so với vàng. Giờ đây, cả thế giới đang chăm chú theo dõi, cùng vò đầu gãi tai tự hỏi không biết điều gì đã thay đổi.
Câu trả lời mà chúng tôi sẽ nói rõ trong vài chương kế tiếp chính là mọi thứ đã thay đổi và không có gì thay đổi cả. Sự tăng trưởng thần diệu trong suốt hai thập niên hóa ra chỉ là ảo tưởng từ trò lừa bịp của các khoản nợ liên tục tăng và từ thái độ sẵn sàng đón nhận cơn lũ đôla mới của những nước còn lại. Bạn sẽ choáng nếu biết nước Mỹ nợ bao nhiêu. Nhưng điều khiến bạn choáng hơn chính là chúng ta vẫn còn tiếp tục mượn nợ. Cũng giống như một gia đình duy trì mức sống của mình bằng cách tiêu xài cho đến khi hết nhẵn tài khoản trong các thẻ tín dụng. Nước Mỹ cũng đang ở trong tình trạng như thế, dùng nợ mới để trả nợ cũ thay vì tạo ra của cải mới. Chính vì thế, trong những năm gần đây, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm và ngày càng có nhiều người mất việc.
Vậy sao chúng tôi lại cho rằng không có gì thay đổi cả? Bởi vì những khó khăn của ngày hôm nay chỉ được xem là mới nếu xét trong phạm vi lịch sử đương đại Mỹ. Điểm qua lịch sử thế giới, thật đáng buồn là có rất nhiều trường hợp tương tự. Tất cả các xã hội vĩ đại đều đã từng trải qua chặng đường này, họ cũng vay mượn những khoản nợ không giới hạn, in (hoặc đúc) tiền trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm níu giữ ảo tưởng về sự thịnh vượng. Và sau cùng, tất cả đều nhận thấy mình đang đứng giữa một bên là đại dương xanh thẳm và một bên là những điều khủng khiếp mà ai cũng biết. Điều này có nghĩa là hoặc họ sẽ sụp đổ dưới sức nặng của các khoản nợ tồn đọng, như trường hợp của Mỹ và châu Âu trong thập niên 1930, hoặc là họ tiếp tục vận hành các cỗ máy in tiền cho đến khi đồng tiền của họ không còn giá trị và nền kinh tế rơi vào trạng thái hỗn độn.
Lúc này, chính phủ các nước rõ ràng là đang chọn cách thứ hai. Họ cắt giảm lãi suất, kích thích tiêu dùng và khuyến khích sử dụng các kỹ thuật tài chính thực hành hiện đại để tạo ra một làn sóng tín dụng lớn. Và lịch sử cho thấy, một khi đã bắt đầu thì quy trình này sẽ đưa đến một kết cục không tránh khỏi: tiền pháp định (do nhà nước quản lý) sẽ mất giá chưa từng có cho đến khi hầu hết mọi người đều từ bỏ nó. Chúng tôi biết đây là những lời nói hoàn toàn có cơ sở. Nhưng trước khi đọc hết hai chương tiếp theo, sẽ thật đáng tiếc nếu bạn cho rằng các nước hành động như thế là đúng.
Vậy thì sự sụp đổ của đống đôla có ý nghĩa như thế nào đối với tài sản của bạn? Nó có ý nghĩa về nhiều mặt, dù phần lớn là xấu nhưng vẫn có những mặt rất tiềm năng. Đầu tiên, nó ảnh hưởng đến những người có thu nhập cố định vì giá trị của mỗi đồng đôla mà họ nhận được sẽ giảm đi rất nhiều. Nó cũng ảnh hưởng đến người cho vay bởi họ sẽ phải nhận lại những đồng đôla có giá trị rất thấp (và rồi các ngân hàng cũng sẽ cùng chung cảnh ngộ này). Trái phiếu, về cơ bản là khoản vay của các công ty, chính phủ với mức trả lãi tháng cố định và hoàn gốc khi đáo hạn, sẽ trở thành các khoản đầu tư tệ hại bởi chúng được trả bằng những đồng đôla mất giá. Đối với cổ phiếu và bất động sản thì đây là một bức tranh hỗn hợp với đồng đôla khi thì tỏ ra có ích, khi thì lại gây ra những tác động xấu. Chúng tôi sẽ dẫn đường đưa bạn qua mê cung này trong chương 17.
Kẻ chiến thắng duy nhất chính là vàng. Trong khoảng 3000 năm đầu tiên của lịch sử loài người, vàng đã được chọn làm đơn vị tiền tệ với nhiều lý do vẫn còn được chấp nhận cho đến tận ngày nay. Gần đây, năm 1970, nó chính là chiếc neo của hệ thồng tài chính toàn cầu. Và từ khi các nền kinh tế trên thế giới cắt đứt mối liên hệ với kim loại này vào năm 1971, vàng đóng vai trò như một đồng tiền ngầm, giá trị của nó tăng khi đồng đôla suy yếu và giảm khi đồng đôla mạnh. Không có gì bất ngờ khi vàng trở nên hết sức mờ nhạt trong suốt hai thập niên 1980 và 1990, nó suy giảm khi đồng đôla phát triển mạnh và bị giấy bạc hất cẳng để chiếm lấy vai trò tiêu chuẩn đo lường trong thế giới tài chính. Nhưng giờ đây, vai trò của chúng sắp đảo ngược trở lại. Trong thập kỷ tới, khi đồng đôla trải qua một trong những thời kỳ suy thoái lớn nhất trong lịch sử tiền tệ, vàng sẽ giành lại vị trí trung tâm trong hệ thống tài chính toàn cầu và giá trị của nó sẽ tăng vọt so với hầu hết các đồng tiền khác. Kết quả là: tiền vàng, cổ phiếu mỏ vàng và các loại tiền điện tử dựa trên vàng sẽ là các khoản dự trữ và/hoặc gia tăng tài sản tốt hơn nhiều so với trái phiếu, cổ phiếu hay tài khoản ngân hàng quy đổi theo giá trị của đồng đôla.
Tóm lại đây là nội dung chính của cuốn sách. Nếu nó được ví như xương cánh tay thì phần còn lại của cuốn sách chính là phần thịt của cánh tay, tuy nhiên, như các sử gia từng dẫn lời của Aristotle, tất cả những gì diễn ra sau đều là sự trau chuốt thêm mà thôi.
* Sách Sự sụp đổ của đồng đôla và phương pháp tìm kiếm lợi nhuận từ nó; Tác giả: James Turk & John Robino; Dịch giả: Hoàng Trung; Nxb Tổng hợp Tp. HCM và Tinh Văn Media.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.