Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

5 nhận định sai lầm của George Soros về vàng

George Soros là một cựu quản lý quỹ đầu phòng thủ tỷ phú nổi tiếng thế giới và là một nhà từ thiện hào phóng.
Ông là người đồng sáng lập quỹ Quantum Fund trong những năm 1970 với Jim Rogers, cũng là một nhà đầu tư nổi tiếng thế giới. Danh tiếng của Soros nổi như cồn vào năm 1992 khi ông thực hiện phi vụ bán khống trị giá 1 tỷ USD đồng bảng Anh, dự đoán chính phủ Anh sẽ buộc phải hạ giá đồng tiền. Ông được biết đến như "người đàn ông phá hủy ngân hàng nước Anh".
Không giống như cựu đối tác Jim Rogers, người được cho là đã dự đoán đúng sự bùng nổ của hàng hóa bắt đầu từ cuối những năm 1990 và hiện đang vẫn nắm giữ số lượng vàng đầu tư của mình, Soros đã bán ra một lượng vàng khá lớn. Ông cho rằng vàng đang trong tình trạng bong bóng và ông thà bán ra trước khi mọi người nhận biết đựơc xu thế này.
Sau khi thực hiện các phi vụ bán vàng ra khổng lồ này, giá trị cổ phiếu vàng do Soros nắm giữ từ 1 tỉ USD trong tháng 12 năm 2010, đến nay chỉ còn khoảng gần 200 triệu USD.
Thật không may, tôi cho rằng tỉ phú Soros lần này đã nhận định sai lầm. Vàng không phải đang ở tình trạng bong bóng. Và có nhiều yếu tố cho thấy giá vàng sẽ còn leo thang cao hơn.
Dưới đây là 5 yếu tố cho thấy nhận định của tỉ phú Soros về vàng là sai lầm.
1. QE2 kết thúc nhưng không phải chấm dứt
Các số liệu kinh tế công bố gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chững lại. Thị trường nhà ở có dấu hiệu rơi vào cuộc khủng hoảng kép do tại một số bang của Mỹ giá nhà đang ở mức thấp kỉ lục như đầu những năm 2000. Tỷ lệ thất nghiệp lên đến 9,1%. Tâm lý người tiêu dùng giảm. Và Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, cũng đã nhận thấy nền kinh tế nước này đang chững lại. Ngày 07 tháng 6 vừa qua, Chủ tịch FED Ben Bernanke công khai thừa nhận nền kinh tế Mỹ đang chậm lại.
Với những yếu tố này, việc chấm dứt QE2 - động thái mua vào các trái phiếu chính phủ Mỹ để tăng thanh khoản cho thị trường tín dụng - có thể sẽ không được dứt điểm. Khi không có giải pháp khả thi khác để kích thích nền kinh tế Mỹ, FED có thể sẽ tiếp tục chương trình thanh khoản bơm tiền vào thị trường, có thể là một QE3 hay một tên gọi tương tự. Duy trì mức thanh khoản hiện tại hoặc bổ sung thêm nhiều khả năng thanh khoản sẽ khiến đồng đô la chịu sức ép, tuy nhiên giá vàng sẽ được hỗ trợ.
2. Lạm phát thấp (nhưng thực tế ở mức cao hơn chúng ta tưởng)
Trong khi chính phủ muốn có một mức độ lạm phát nào đó, chính phủ cũng muốn kiềm chế để lạm phát không vượt ra khỏi vòng kiểm soát. Chính phủ các nước thường gia tăng cung tiền khi nền kinh tế đã bị đình trệ hoặc suy thoái, khiến lãi suất cho vay giảm, với hy vọng sẽ kích thích tăng trưởng (và do đó tạo ra lạm phát). Tỷ lệ lạm phát mục tiêu là khoảng 2%, đây là mức độ lý tưởng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình lạm phát trên thế giới đang ở mức cao hơn nhiều so với dự báo của các nhà kinh tế. Và đây cũng là một yếu tố hỗ trợ dòng tiền đổ vào vàng đầu tư trú ẩn chống lạm phát, khiến giá vàng leo thang.
3. Vàng do các nhà đầu tư cá nhân sở hữu không phải đang ở mức cao hơn bình thường
Bong bóng tài sản được xác định không chỉ bởi giá cả leo thang nhanh chóng, mà còn do tỉ lệ tham gia bất thường của các nhà đầu tư cá nhân. Thời kỳ bong bóng công nghệ cao cuối những năm 1990, đi đâu người ta cũng nghe nói thị trường chứng khoán với các cổ phiếu công nghệ cao. Đó là một dấu hiệu cho thấy tình hình tham gia đầu tư đã ở cấp độ cao hơn bình thường và bong bóng sắp xuất hiện.
Tuy nhiên, nếu bạn so sánh tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân theo thời gian, bạn sẽ thấy bong bóng vàng còn lâu mới xuất hiện:
Năm 1968 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 5%.
Năm 1980 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 3%.
Năm 1990 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 0,6%.
Năm 2000 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 0,2%.
Năm 2009 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 0,6%.
Năm 2010 - Tỉ lệ nắm giữ vàng của các nhà đầu tư cá nhân trên toàn thế giới là 0,7%.
4. Đồng USD sẽ tiếp tục giảm
Thật không may cho người Mỹ và những người đang sở hữu USD, sự suy giảm của đồng USD có khả năng sẽ tiếp tục. Các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khổng lồ của chính phủ Hoa Kỳ cùng với nền kinh tế đang chậm lại cho thấy chính phủ Mỹ sẽ duy trì chiến lược đồng đô la yếu. Cho đến khi nền kinh tế ổn định và chính phủ giải quyết hết các nghĩa vụ tài chính, đồng USD có xu hướng tiếp tục suy giảm. Một đồng USD yếu có nghĩa là giá vàng sẽ leo cao hơn.
5. Yếu tố sợ hãi
Cách đây vài năm, nếu ai đó đề cập đến việc thay thế vị trí đồng tiền dự trữ của thế giới của đồng đô la Mỹ, sẽ khiến mọi người cười nhạo. Sự thống trị của nước Mỹ được coi là tuyệt đối và vĩnh cửu. Bây giờ quan niệm đó không còn nữa.
Hoa Kỳ đang phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài để tài trợ cho các khoản nợ của mình. Trung Quốc, nước đang mua vào trái phiếu chính phủ Mỹ với khối lượng lớn nhất, đang lớn tiếng công khai đòi thay thế vị trí của đồng đô la Mỹ. Và không phải chỉ có Trung Quốc. Một ý tưởng khá táo bạo khác nữa là thay thế đồng đô la bằng một rổ tiền tệ. Ngay cả nếu thay thế một phần đồng USD trở thành hiện thực, điều đó sẽ làm giảm đáng kể nhu cầu về đồng tiền này, đẩy giá trị của đồng USD giảm mạnh và kéo giá vàng leo thang cao hơn.
Vậy bạn hãy cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định bán vàng ra nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.