Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

Đáy thị trường rơi vào tháng 12 hay tháng 1?

Việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những tin đồn liên quan đến khả năng thắt thặt tiền tệ, mối lo lạm phát… là những yếu tố chính ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư hiện nay. TTCK sẽ chạm đáy vào tháng 12 hay tháng 1? Nhà đầu tư nên bán hay ở lại chờ cơ hội mới? ĐTCK xin giới thiệu một số ý kiến về chủ đề này.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty chứng khoán SJC
Hy vọng là cuối tháng 12 có khả năng chấm dứt đợt suy giảm của TTCK do các tổ chức đã giải ngân, đón đầu chu kỳ phục hồi của thị trường. Thời điểm này, room cho vay của các ngân hàng cũng tăng trở lại. Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu các TTCK trên thế giới đều tăng trưởng.
Tâm lý thị trường hiện nay rất yếu, nhất là sau tin đồn về việc NHNN buộc các ngân hàng mua tín phiếu hay tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên, điều này là vô lý, bởi như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng của Chính phủ. Biện pháp tăng lãi suất cơ bản hiện nay chỉ là ngăn ngừa lạm phát. Việc tăng lãi suất cơ bản chỉ là giúp các ngân hàng có thanh khoản. Những tin đồn ở thời điểm tâm lý thị trường đang yếu, dù có lý hay không, cũng có khả năng tác động mạnh đến thị trường.
Hiện nay, thị trường không có áp lực giải chấp quá lớn. Các ngân hàng đã dừng cho vay cầm cố từ lâu. Một số ngân hàng còn hạn mức cho vay chứng khoán, nhưng không tiếp tục giải ngân mà chỉ thu hồi nợ để ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực khác. Các hợp đồng cầm cố chứng khoán vay vốn ngân hàng đến thời điểm hết hạn nhiều khả năng là không vay lại được. Đòn bẩy tài chính chủ yếu là từ các CTCK, nhưng khách hàng cũng hạn chế sử dụng. Thị trường ngắn hạn, vì thế khó tăng mạnh. Nhưng theo tôi, nếu tâm lý cho rằng TTCK sẽ xấu đi thì hơi bi quan.
Ông Nguyễn Thế Lữ, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SAM
Việc nhận định TTCK sẽ lập đáy vào tháng 12 hay tháng 1 năm tới là một việc rất khó khăn. Tuy nhiên, lúc này, chúng tôi ước gì có thêm 100 triệu USD tiền mặt để mua vào. Chứng khoán Việt Nam đang rẻ hơn so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc khi VN-Index ở mức 490 điểm, tương đương P/E bằng 14 lần.
Chính phủ sẽ dừng thực hiện gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% vào 31/12 và các ngân hàng đang hạn chế cho vay ra để lo cho thanh khoản cuối năm. Điều này tạo ra khó khăn trước mắt cho TTCK, vì các nhà đầu tư trong nước không còn “thoải mái” vay tiền như trước. Nhà đầu tư trong nước chiếm số đông, tuy nhiên phần nhiều đầu tư theo kiểu lướt sóng theo tin đồn. Còn nhà đầu tư nước ngoài như chúng tôi đầu tư theo giá trị. Nhà đầu tư nước ngoài không bị ảnh hưởng nhiều bởi việc thắt chặt tín dụng hạn chế cho vay chứng khoán. Cái gì giảm thấp hơn giá trị trước sau gì cũng lên lại. Tôi cho rằng, mức 500 đến 550 điểm là mức hợp lý của Việt Nam so với tương quan chung trong khu vực.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC
Sự đi xuống của TTCK gắn liền với sự thay đổi chính sách: ngày 25/11 vừa qua, NHNN nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%, đồng thời cũng nâng tỷ giá USD/VND và thu hẹp biên độ tỷ giá từ 5% xuống 3%. Chính sách của Chính phủ đã thay đổi, chuyển từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế sang kiềm chế lạm phát. Đứng trên góc độ nhà đầu tư, thị trường bị sốc trước nhiều thay đổi trong một thời gian ngắn và phản ứng đầu tiên của họ là bán ra cổ phiếu.
Nhìn từ TTCK, mối lo ngại của nhà đầu tư vẫn là nguy cơ lạm phát và các tác dụng phụ từ biện pháp kiểm soát nhân tố này. Năm 2009 sắp khép lại với mức lạm phát cả năm quanh 6,5% - 7%. Tuy nhiên, năm nay khác với các năm trước khi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp không vào nhiều, nên có sự căng thẳng về ngoại tệ dẫn đến sự yếu đi của VND. Trong năm 2010, sức ép sẽ tăng thêm vì VND tiếp tục xu hướng là mất giá so với USD và USD đang có xu hướng mất giá so với các ngoại tệ khác. Việt Nam đứng trước nguy cơ lạm phát “kép”, bởi các yếu tố đầu vào tăng giá trên thị trường quốc tế.
Nếu lạm phát thực sự là một nguy cơ, sự điều chỉnh về lãi suất là tất yếu. Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho TTCK trên cả hai phương diện: cách trực tiếp dòng tiền vào thị trường sẽ dè dặt hơn do chính sách thắt chặt tiền tệ, về gián tiếp lợi nhuận của DN giảm do lãi suất tăng. Có thể lợi nhuận của DN năm 2010 sẽ không khả quan như năm nay khi lợi thế về yếu tố đầu vào chấm dứt (nguyên vật liệu giá rẻ, chi phí lãi vay thấp, hưởng gói hỗ trợ lãi suất…). Theo quan điểm của tôi, năm tới, TTCK sẽ khó có những đợt tăng giá mạnh mẽ như năm nay.
Theo Thu Hương - Giang Thanh
ĐTCK

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.