Thứ Năm, 17 tháng 12, 2009

Sẽ lại có một cuộc sụp đổ giá vàng?

Sau khi lập kỷ lục về giá, có vẻ như xu thế tăng của giá vàng đã chững lại. Có khả năng, giá vàng sẽ rớt về lại 1.100 USD/ounce. Nhìn vào quá khứ, người ta tự hỏi liệu giá vàng sẽ lại một lần nữa rơi tự do như hai lần từng xảy ra?
Ngày 21/01/1980, giá vàng tiến lên đỉnh cao nhất của mọi thời đại tính cho đến lúc bấy giờ, nằm tại 850 USD/ounce, gấp gần 4 lần mức 220 USD/ounce của tháng đầu năm 1979.
Cuộc sụp đổ những năm 1980
Nguyên nhân tăng giá mạnh mẽ của vàng trong năm 1980 chính là bởi trong thập niên 70 nước Mỹ đã trải qua một giai đoạn lạm phát đình đốn, tức lạm phát cao mà thất nghiệp vẫn tăng và kinh tế thì đi xuống.
Vì thế, nhu cầu về vàng lúc đó tăng cao do được coi là một kênh đầu tư an toàn. Thêm vào đó là sự kiện Tổng thống Nixon loại bỏ bản vị vàng vào năm 1971, tạo ra một lực đẩy tích lũy trong suốt thập niên 1970.
Ngoài ra, những xung đột vũ trang giữa Afghanistan và Liên Xô (cũ) thời đó đã góp phần thúc đẩy các nhà đầu tư nhảy vào thị trường vàng. Từ đỉnh cao 850 USD/ounce, giá vàng sau đó đã chìm sâu xuống mức 250 USD/ounce, bất chấp lạm phát vẫn đang từng bước lộ diện.
Bởi sau một khoảng thời gian ngắn lên quá cao, dường như lúc đó người ta cho rằng quả “bong bóng” vàng đã được bơm quá căng. Thêm vào đó là nỗi lo sợ về nguồn cung tín dụng sụp đổ. Vì thế, các nhà đầu tư đã từng bước rời khỏi thị trường.
Đỉnh cao 2008 và sự rớt giá sau đó
Ngày 17/03/2008, giá vàng một lần nữa có được mức đỉnh cao nhất tính cho đến lúc đó tại 1.033,9 USD/ounce. Cuộc khủng hoảng kinh tế được châm ngòi từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ đã khiến giới đầu tư lo lắng, và họ muốn tìm một tài sản an toàn để trú ẩn. Vàng chính là “kẻ được chọn”.
Nhưng rồi chỉ vài tháng sau đó, vàng đã có lúc rớt về mức 812 USD/ounce vào ngày 26/11/2008, dù cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang có dấu hiệu ngày càng trầm trọng thêm. Nguyên nhân rớt giá lần này của vàng là do vàng đã tăng quá nhanh và bất thường, thiếu tính bền vững, khi lần lượt vượt qua các mức cản tâm lý vô cùng quan trọng là 800, 900 và 1.000 đô la Mỹ/ounce.
Thêm vào đó, với đặc tính tương quan tỷ lệ thuận với giá dầu, thì khi giá của năng lượng này giảm một mạch từ mức kỷ lục 147 USD/thùng xuống dưới 67 USD/thùng, giá vàng ắt cũng phải xuống theo.
Ở giai đoạn đầu của khủng hoảng, vàng đã thể hiện tốt vai trò của mình khi chứng khoán và đồng đô la Mỹ mất giá. Nhưng khi khủng hoảng ngày càng trầm trọng và lan ra khắp nơi thì mối quan hệ đan xen nhằng nhịt giữa các tổ chức tài chính, ngân hàng và các quỹ đầu cơ đã khiến không còn kẻ nào đứng ngoài vòng xoáy khủng hoảng, tiền mặt lúc đó trở thành loại hàng hóa đáng để đầu cơ nhất, và đô la Mỹ - đồng tiền của cường quốc số kinh tế số 1 thế giới, có lẽ là sự lựa chọn an toàn.
Trong khi đó, để bảo toàn tài sản của mình, các quỹ đầu tư buộc phải bán vàng ra, khi mà những áp lực của cuộc khủng hoảng tài chính đang từng ngày tác động xấu đến họ. Mặt khác, áp lực bán vàng không phải chỉ đến từ phía các quỹ đầu tư, các ngân hàng trung ương cũng đang dồn toàn lực vào việc cứu hệ thống tài chính nên cần rất nhiều tiền, và một nguồn quan trọng để có tiền chính là bán vàng.
Kỷ lục cũ ra đi, vàng có còn được hỗ trợ?
Từ đầu tháng 9, giá vàng đã liên tiếp phá vỡ những mức kỷ lục mới, mà đỉnh cao là mức giá 1.227 USD/ounce lập ngày 2/12. Thế nhưng hiện tại, có vẻ như xu thế tăng của giá vàng đã chững lại. Câu hỏi lúc này là: Liệu giá vàng sẽ lại một lần nữa rơi tự do khỏi “đỉnh” như hai lần trước?
Cần phải nói thêm rằng, thời gian cuối năm thường là lúc mà các nhà đầu tư chốt lời, cũng như thoát khỏi thị trường. Các tổ chức tài chính cũng muốn bán vàng ra thu tiền mặt về để làm đẹp bảng báo cáo tài chính.
Nhưng nếu xét về dài hạn, những yếu tố cơ bản hỗ trợ cho thị trường vàng vẫn còn đó. Hiện tại, nguy cơ lạm phát vẫn còn đó. Chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích kinh tế phát triển sẽ làm cho lạm phát dần tăng thêm. Chính yếu tố này sẽ giúp giá vàng hồi phục trở lại.
Bà Linda Yueh - chuyên gia kinh tế tại Oxford University, nhận xét: “Không giống thập niên 1970, hiện nay áp lực lạm phát chưa cao và thế giới không chịu ảnh hưởng từ cú sốc dầu mỏ. Thay vào đó, áp lực lạm phát hiện nay chủ yếu đến từ các chính sách kích cầu và kế hoạch giải cứu các ngân hàng”.
Nhưng điều khiến người ta lo ngại nhất lúc này chính là: Liệu đã có một quả bong bóng khác đang hình thành trên thị trường vàng, khi mà chính sách nới lỏng tiền tệ của hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới có vẻ như chưa mang lại hiệu quả đáng kể trong hoạt động sản xuất thực?
Và liệu khi Fed thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thời điểm mà đồng USD sẽ lấy lại vị thế của mình, thì các dòng tiền có nhanh chóng rời khỏi thị trường vàng hay không?
Bộ giảm xóc Trung Quốc
Nhưng dù có gì xảy ra đi nữa, có lẽ vàng sẽ không thể giảm sâu như hai lần trong quá khứ. Với tình hình hiện nay, dù sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang dần rõ nét, thì nền kinh tế Mỹ vẫn còn quá nhiều bất ổn. Vì thế, Fed sẽ không thể một sớm một chiều gỡ bỏ các gói kích thích của mình, đó là chưa nói đến trường hợp các quan chức nước này cho rằng cần phải có một gói kích thích kinh tế thứ hai.
Ngoài ra, thời gian gần đây, một số quan chức Washington còn cho rằng, chính sách đồng USD yếu về mặt nào đó cũng có lợi cho nước Mỹ. Trong khi đó, những nước như Trung Quốc và Nga đang lớn tiếng kêu gọi tìm ra một đồng tiền thay thế cho vai trò dự trữ của USD. Vì thế, việc đồng USD phục hồi trở lại khó có thể xảy ra .
Hiện chúng ta còn có thêm Trung Quốc. Từ đầu năm nay, Trung Quốc đã bắt đầu cải tổ kho dự trữ ngoại hối trị giá gần 2 nghìn tỷ USD của mình, bằng cách thay thế USD bằng vàng. Thậm chí, chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích và kêu gọi người dân trong nước mua vàng và bạc vào như là những tài sản cất giữ giá trị.
Thời điểm hiện tại, khi giá vàng đang ở mức quá cao, chúng ta không biết liệu nước này có vẫn đang tiếp tục mua vàng vào hay không? Nhưng nếu giá vàng giảm trở lại quanh vùng 1.000 USD/ounce, có lẽ Trung Quốc sẽ trở thành một bệ giảm xóc vững chắc cho giá vàng.
Nên nhớ rằng, sự sụp đổ giá vàng ở những năm 1980 chưa có sự hiện diện của Trung Quốc, có nghĩa là thị trường vàng lúc đó chưa có một kẻ chống lưng có tiềm lực kinh tế mạnh như Trung Quốc thời nay.
Và ở thời điểm đó, Trung Quốc vẫn chưa có tiếng nói được coi trọng trên trường thế giới như bây giờ. Còn ngày nay, kinh tế Trung Quốc đang từng ngày đe dọa vị trí dẫn đầu của Mỹ và Nhật, và nước này cũng đang xem trọng vàng trở lại, coi đó như là một đồng tiền giao thương quốc tế.
Bên cạnh đó, chúng ta đều biết rằng hoạt động thăm dò và khai thác vàng lớn nhất hiện nay là ở Trung Quốc. Với sản lượng vàng khổng lồ khai thác mỗi năm, có lẽ nước này không hề muốn chứng kiến cảnh kim loại quý này rớt giá. Vì vậy, chắc chắn Trung Quốc sẽ can thiệp vào thị trường ngay khi nhận thấy dấu hiệu rớt giá mạnh của vàng.
Có lẽ cả thế giới đã quên vai trò làm trung gian trao đổi của vàng trong những ngày đầu tiên của lịch sử tiền tệ, nhưng người Bắc Kinh thì không quên điều đó. Quy luật vàng nghĩa là: “Kẻ đặt ra quy luật vàng chính là kẻ có vàng”.
Hiểu theo quy luật đó, từ giờ trở đi, có lẽ Trung Quốc sẽ tiếp tục, thậm chí là mãi mãi mua vàng vào bằng những khoản thặng dư thương mại khổng lồ từ hoạt động xuất khẩu của mình để cất giữ trong kho dự trữ.
Theo Doanh Nhân
Nguồn: infoTV.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.