Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2009

Chủ tịch FED là người quyền lực nhất hành tinh

"Người đàn ông hói đầu, râu xám với đôi mắt mỏi mệt, ngồi trong văn phòng tại Washington và nói về kinh tế" - những từ ngữ tờ Time dành để miêu tả người đàn ông của năm 2009 - Ben Bernanke.
Không xuất hiện ấn tượng, không có những câu chuyện gây mê hoặc, Ben Bernanke không bao giờ nói "hãy nhìn tôi" hay "hãy lắng nghe tôi" như những diễn giả khác thương làm. Không tranh luận về chính trị hay quan điểm, tất cả những gì Bernanke đưa ra là những giải pháp, những con số và ... văn học. Khi không biết điều gì, ông ấy không khoe khoang hay màu mè. Bernanke là một giáo sư, người trải qua phần lớn sự nghiệp của mình với tư cách thầy giáo.
Không giống một con người quyền lực, Ben Bernanke rất hiếm khi tham dự những buổi tiệc tối của các chính trị gia tại Washington. Hay xấu hổ và luôn thích ăn tối ở nhà cùng vợ, người vẫn tự nấu nướng và dọn dẹp, sở thích của người đàn ông trung niên này khá phổ thông: đọc sách và giải ô chữ.
Nhưng ông ta là một trong những người quyền lực nhất hành tinh.
56 tuổi, Ben Bernanke là Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), cơ quan được coi là Ngân hàng Trung ương của nền kinh tế lớn nhất thế giới với đầy đủ khả năng chi phối đời sống kinh tế toàn cầu.
Dòng chữ "Tiền của Cục dự trữ liên bang" trên những tờ dollar Mỹ đủ nói lên rằng: FED kiểm soát nguồn cung đồng tiền có sức mạnh nhất thế giới. Độc lập với Chính phủ Mỹ, FED có quyền ban hành và thực hiện chính sách tiền tệ. Lãi suất ngắn hạn mà FED công bố có khả năng điều chỉnh lạm phát, thất nghiệp, sức mạnh của đồng dollar cũng như việc bạn có bao nhiêu tiền trong ví.
Giáo sư Bernanke của trường Princeton là một trong những học giả hàng đầu về cuộc Đại suy thoái những năm 30. Ông biết rằng sự bị động và ngoan cố không chịu tăng cung tiền của FED trong giai đoạn đó đã gây ra tai ương như thế nào với kinh tế Mỹ.
Nhưng nước Mỹ đã không lặp lại sai lầm trong cuộc Suy thoái khi người đứng đầu FED là Ben Bernanke. Ngay sau khi thị trường nhà ở tại Mỹ sụp đổ, bắt nguồn cho cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất của kinh tê thế giới trong vòng 75 năm qua, FED đã quyết định hành động.
Huy động hàng nghìn tỷ USD để bơm vào nền kinh tế, kiến trúc sư cho toàn bộ chính sách giải cứu các doanh nghiệp tư nhân, hạ lãi suất cơ bản xuống 0%, cho vay các quỹ, ngân hàng nước ngoài, ngân hàng đầu tư, các nhà sản xuất, công ty bảo hiểm và cả những doanh nghiệp chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể vay tiền của FED...
Những nỗ lực nhằm sống thị trường tín dụng Mỹ, tái cơ cấu lại hệ thống tài chính cũng như tạo động lực cho kinh tế thế giới đã thổi bảng cân đối tài chính của FED lên gấp 3 lần bình thường. Đó phải chăng cũng là lý do vì sao mà đôi mắt của Ben Bernanke luôn mệt mỏi.
Trong năm 2009, cùng với FED, Bernanke đã lập nên một kỳ tích với việc bơm một lượng tiền lớn chưa từng thấy vào ngành ngân hàng Mỹ cũng như đặt nền móng để đưa kinh tế nước này về trạng thái ổn định. Vị Chủ tịch này cũng đang phải chuẩn bị những kế hoạch tiếp theo để giúp kinh tế Mỹ giữ được đà phục hồi khi ông gần như chắc chắn sẽ được chính quyền Tổng thống Obama lựa chọn cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Tạp chí Time cho rằng Bernanke là cá nhân quan trọng nhất của nền kinh tế quan trọng nhất thế giới. Khả năng điều hành sáng tạo của vị Chủ tịch này trong năm 2009 không chỉ giúp kinh tế Mỹ mà còn là cả thế giới đi qua khủng hoảng. Những quyết định của Bernake có thể ảnh hưởng tới túi tiền, tới công việc và tương lai của bất cứ cá nhân nào trên thế giới. Đây cũng là lý do mà Time đưa ra khi lựa chọn Ben Bernake là nhân vật số một của năm 2009.
Nhật Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.