Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

Nhà đầu tư quốc tế còn “cọc” nào để bám?

Thị trường một lần nữa rơi vào trạng thái hoảng loạn, sau khi Tây Ban Nha bất ngờ vượt cả Italy và Hy Lạp giành lấy "danh hiệu" "quả bom nợ công chờ nổ" mới. Dường như, khủng hoảng nợ công châu Âu mỗi lúc lại thêm một mắt xích mới bị vỡ và như nhiều nhà phân tích lo lắng, tình hình này đang vượt tầm kiểm soát.

Theo đánh giá của mạng tin Nghiên cứu toàn cầu, cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone đang vượt khỏi tầm kiểm soát và liên minh tiền tệ này phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Cuộc khủng hoảng này đang ngày càng nóng và có nguy cơ lan từ Hy Lạp sang Italy (nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu) và Tây Ban Nha (nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu).

Một số chuyên gia còn bi quan tới mức cho rằng, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện vẫn chưa tới đáy và nó có thể bùng nổ vào năm 2012.

Phân tích cụ thể, tờ Les Echos của Pháp hôm 16/11 cho rằng, khủng hoảng nợ công ở châu Âu đang chuyển sang giai đoạn nguy kịch hơn, tác động đến hầu hết các nước thành viên khu vực. Tại Pháp, mức chênh lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này so với lãi suất chuẩn của Đức ngày 15/11 lên đến 190 điểm cơ bản.

Tình trạng các nhà đầu tư mất niềm tin vào nợ công của Pháp càng tăng khi chỉ số xếp hạng tín nhiệm tín dụng của nước này liên tục bị đe dọa, do kinh tế tăng trưởng chậm trong khi các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách nhà nước chưa mang lại kết quả. Pháp sẽ tiếp tục thăm dò lòng tin của các nhà đầu tư với dự định phát hành trái phiếu5 năm với mức lãi suất 2,4%.

Trước đó, tờ Le Monde của Pháp cũng cảnh báo rằng, nền kinh tế lớn thứ hai trong Liên minh châu Âu - có thể trở thành nạn nhân tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ công, sau Hy Lạp và Italy. Báo này đã đưa ra những con số đáng báo động rằng các khoản nợ của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ Euro, chỉ thấp hơn chút ít so với mức tương ứng 1.900 tỷ Euro của Italy.

Tuy nhiên, tình hình nợ công của Pháp có phần rủi ro hơn cả Italy, bởi lẽ chủ các khoản nợ chính phủ Italy là các nhà đầu tư trong nước, trong khi Pháp chủ yếu lại vay nợ nước ngoài. Vì vậy Pháp rất dễ tổn thương một khi thị trường quốc tế có biến động mạnh.

Tại Tây Ban Nha, chính phủ nước này lần đầu tiên đã thừa nhận không thể đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế 1,3% trong năm 2011. Thứ trưởng Bộ Tài chính Jose Manuel Campa khẳng định tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu đề ra.

Với tốc độ tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 0,8% so với mục tiêu ban đầu 1,3%, cộng với tỷ lệ thất nghiệp lên tới 21,5%, quốc gia được coi là "con bài đôminô" nợ công tiếp theo trong Khu vực đồng euro này có thể lại rơi vào suy thoái kinh tế, chỉ sau 2 năm vừa thoát khỏi tình trạng trên.

Phiên giao dịch hôm qua, lợi suất trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha loại kỳ hạn 10 năm đã lên tới gần 7%, mức cao nhất kể tử năm 1997 tới nay. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là mức không thể chống đỡ được, bởi nó sẽ khiến gánh nặng nợ nần của nền kinh tế này lên tới mức chính phủ Tây Ban Nha không thể thanh toán nổi.

Trước đó, Hy Lạp và Ireland cũng đã buộc phải cầu cứu khoản viện trợ từ Liên minh châu Âu sau khi lợi suất trái phiếu chính phủ của 2 nền kinh tế này tăng qua mốc 7%.

Như vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp chi phí vay mượn của các quốc gia châu Âu đã vượt ngưỡng cho phép, khiến nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo các tài sản rủi ro có trong tay và đẩy thị trường vào cảnh nước sôi lửa bỏng, xóa mờ tất cả những thông tin kinh tế lạc quan khác được công bố cùng ngày.

Đêm qua, trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 134,71 điểm, tương ứng 1,13%, xuống mức 11.770,80 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 20,73 điểm, tương ứng 1,68%, xuống còn 1.216,18 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite trượt 51,62 điểm, tương ứng 1,96%, xuống chốt ở 2.587,99 điểm.

Cùng ngày, các sàn chứng khoán châu Âu cũng rơi vào trạng thái đỏ lửa như các chỉ số chứng khoán Mỹ. Chỉ số FTSE 100 của Anh hạ 1,56% xuống mức 5.423,14 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp trượt 1,78% xuống còn 3.010,29 điểm. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,07% xuống còn 5.850,17 điểm.

Trên thị trường năng lượng, chốt ngày 17/11, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 12/2011 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm tới 3,77 USD, tương ứng 3,7%, xuống 98,82 USD/thùng. Phiên giao dịch liền trước, giá dầu đã tăng tới 3,2% lên chốt ở mức cao nhất kể từ cuối tháng 5 tới nay.

Cùng với giá dầu thô, các mặt hàng năng lượng khác như xăng và dầu sưởi cũng rớt mạnh. Cụ thể, giá xăng giao tháng 12 giảm 12 xu, tương ứng 4,6%, xuống 2,51 USD/gallon. Dầu sưởi giao cùng kỳ hạn trượt 5 xu, tương ứng 1,6%, xuống chốt ở 3,08 USD/gallon.

Trên thị trường vàng, bất chấp báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới về nhu cầu vàng tăng 6% trong quý 3/2011, nhà đầu tư đã bán tháo kim loại quý này trong ngày hôm qua, khiến, giá vàng giao sau giảm hơn 54 USD, tương ứng 3,1%, xuống 1.720,20 USD/ounce, thấp nhất kể từ ngày 1/11.

Trong phiên, có lúc giá vàng giao sau giảm xuống 1.711 USD/ounce. Mức cao nhất của giá vàng trong phiên là 1.768 USD/ounce. Trên bảng thanh toán trực tuyến Kitco, giá vàng giao ngay cũng giảm mạnh khi bốc hơi 44 USD trên mỗi ounce.

Tương tự như vàng, giá bạc giao tháng 12 giảm 6,9% xuống 31,5 USD/ounce, thấp nhất trong khoảng 4 tuần. Giá kim loại đồng giao tháng 12 giảm 2,9%. Giá bạch kim giao tháng 1 năm sau giảm 3,1% xuống 1.581,1 USD/ounce, và giá paladium giao tháng 12 trượt 7,8% xuống còn 603,7 USD/ounce.

Sự suy giảm đồng loạt của các thị trường vàng, dầu, chứng khoán trong phiên giao dịch đêm qua cho thấy những nguy cơ cùng lo lắng xung quanh tình hình kinh tế châu Âu vẫn tiếp tục chi phối thị trường. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng không thể bỏ qua vấn đề nợ công tại Mỹ

Theo các số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố một ngày trước, tổng nợ chính phủ của Mỹ đã vượt con số 15.000 tỷ USD. Số liệu trên cho thấy gánh nặng nợ liên bang đè lên vai người dân Mỹ đã tăng thêm 55,8 tỷ USD, lên mức xấp xỉ 15.033 tỷ USD, gần tương đương 99% quy mô nền kinh tế Mỹ ước tính trong năm 2011.

Như vậy, với dân số là 312.619.508 người, hiện mỗi người Mỹ nợ khoảng 48.089,15 USD. Theo các chuyên gia kinh tế, mức nợ công này rất không ổn. Nợ công của Chính phủ Mỹ đã liên tục tăng kể từ ngày 2/8, thời điểm Quốc hội thống nhất nâng trần nợ chính thức từ mức 14,3 nghìn tỷ USD lên 15,19 nghìn tỷ USD.

Nợ công Mỹ chạm mốc 15.000 tỷ USD trong bối cảnh ủy ban đặc biệt của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn còn bế tắc về cách thức cắt giảm chi tiêu khi chỉ còn hơn một tuần nữa là đến thời hạn cuối cùng 23/11.

Trong một diễn biến khác, theo Chủ tịch Hội đồng các cố vấn kinh tế Naroff, ông Joel Naroff, bang Pennsylvania, Mỹ đang và sẽ tiếp tục là nơi an toàn nhất cho các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) t ong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nguy cơ suy thoái kép hiện nay.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke cho biết trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế bất chấp Mỹ bị hạ uy tín tín dụng và thâm hụt ngân sách năm tài chính tính đến tháng 9 năm nay đã tăng từ 1.290 tỷ USD năm tài chính 2010 lên 1.300 tỷ USD.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khủng hoảng nợ của châu Âu, các nhà đầu tư toàn cầu săn lùng mua các cổ phiếu, chứng khoán, trái phiếu kho bạc ngắn hạn và dài hạn của Mỹ bất chấp sự tiếp tục trì trệ của nền kinh tế này và việc tổ chức định mức tín nhiệm S&P hạ bậc tín dụng của Mỹ, đẩy lãi suất các trái phiếu kho bạc Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.