Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

Trung Quốc và thế giới

1. Mỹ, Nhật, Ấn họp bàn đối phó với Trung Quốc
Nhật, Ấn Độ và Mỹ trong năm nay sẽ mở một cuộc đối thoại chiến lược 3 bên về các vấn đề an ninh và kinh tế, gồm cả các biện pháp đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân.
Các nguồn tin cho hay, cuộc họp sẽ tiến hành vào nửa đầu năm nay chỉ gồm các quan chức cấp cao và tiếp theo đó là cuộc họp cấp bộ trưởng được tiến hành sau đó càng sớm càng tốt.
Quan chức 3 nước sẽ thảo luận một loạt vấn đề, gồm an ninh, chống khủng bố, hợp tác kinh tế và năng lượng. Cuộc họp cũng sẽ bàn về kế hoạch lập các quy định quốc tế càng sớm càng tốt ở những lĩnh vực như an ninh đường biển, phát triển ở ngoài không gian và sử dụng Internet.
Ba quốc gia muốn nhất trí về các quy định và thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế trong tương lai, thông qua khung đa phương như hội nghị thượng đỉnh Đông Á, các nguồn tin cho hay.
Vấn đề an ninh đường biển sẽ gồm các biện pháp chống lại các mối đe dọa khủng bố và đương đầu với việc Trung Quốc mở rộng sức mạnh hải quân. Trung Quốc hiện có tranh chấp về lãnh thổ với Việt Nam và Philippines và nước này đã phái tàu hải quân tới những vùng biển tranh chấp dưới cái gọi là bảo vệ tàu cá của nước này đang hoạt động tại những vùng trên.
Nhật, Ấn và Mỹ sẽ cùng nhau kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quy định quốc tế vì Washington, đang nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tự do trên biển, ngày càng lo lắng về các hoạt động hải quân của Trung Quốc trong vùng.
Tokyo và New Delhi hiện cũng có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật cho biết, một số thành viên chính phủ đang cân nhắc việc sử dụng quan hệ 3 bên: Nhật, Hàn và Mỹ, Nhật, Australia và Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Mỹ để đối phó với việc Trung Quốc đang bành trướng ảnh hưởng trong vùng.
2. Giúp khối euro: Châu Âu bác bỏ điều kiện của Trung Quốc
Hãng Reuters, ngày hôm qua, 11/11/2011 đưa tin: Châu Âu bác bỏ các điều kiện của Trung Quốc để đổi lấy sự hỗ trợ về tài chính đối với khu vực đồng euro. Bruxelles từ chối xóa bỏ cấm vận vũ khí đối với Bắc Kinh.
Thông tín viên Joris Zylberman từ Bắc Kinh gửi về bài tường trình :
« Kể từ khi châu Âu cầu cứu cộng đồng quốc tế tài trợ khoản nợ công của các thành viên khối euro, Trung Quốc làm cao. Đó là điều rõ ràng ngay từ đầu. Bắc Kinh chỉ ra tay cứu châu Âu với một số điều kiện. Vấn đề là những đòi hỏi của Trung Quốc đã đi quá xa. Theo một số nguồn tin thân cận với chính quyền Trung Quốc thì trước mắt phía châu Âu bác bỏ toàn bộ những yêu sách của Bắc Kinh.
Dường như là Liên Hiệp Châu Âu không chấp nhận xóa bỏ cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Biện pháp trừng phạt này đã được ban hành từ sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Bruxelles cũng không công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. Cuối cùng thì trước mắt châu Âu cũng chưa đồng ý để đơn vị tiền tệ Trung Quốc tham gia vào rổ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF với lý do là châu Âu và Hoa Kỳ lo ngại việc mở rộng quyền rút vốn đặc biệt của IMF cho Trung Quốc thì sẽ làm suy yếu vị thế của đồng đô la và qua đó làm giảm ảnh hưởng của cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ trên bàn cờ tài chính quốc tế.
Theo Reuters, một nhà ngoại giao châu Âu xin được giấu tên, đã rất bực mình về những mặc cả của Trung Quốc và quan chức này tuyên bố rằng khối euro không bắt buộc phải năn nỉ Bắc Kinh tài trợ. Chỉ cần quyết tâm về mặt chính trị là khu vực đồng euro có thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nhìn từ Bắc Kinh, thất bại trong các cuộc thương thuyết với phía châu Âu có thể khiến Trung Quốc nản chí. Chính quyền không muốn dư luận Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh mền yếu trước áp lực của phương Tây ».
3. Bắc Kinh trong cuộc đào thoát vòng vây chiến lược Mỹ
Từ đầu thế kỉ XXI, khi thế lực của Trung Quốc tăng lên rõ rệt, Mỹ đã nhanh chóng thiết lập vòng vây chiến lược nhằm vào quốc gia đông dân nhất thế giới. Và tất nhiên, Bắc Kinh không ngồi yên nhìn mình bị bao vây.
Từ năm 2000, cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), lo ngại về "mối đe doạ từ Trung Quốc" tăng lên; Mỹ đã thiết lập vòng vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc từ ba phía: đông, tây và nam. Trung Quốc cũng áp dụng nhiều biện pháp ứng phó với vòng vây chiến lược của Mỹ từ những phía này.
Tuy nhiên, hiệu quả tại mỗi phía có sự khác biệt.
a. Khu vực Đông Bắc Á
Tại khu vực Đông Bắc Á, Hàn Quốc và Nhật Bản là quốc gia đồng minh của Mỹ, còn Triều Tiên luôn giữ thái độ chống Mỹ. Do đó, nếu Triều Tiên không đứng về phía Mỹ, vòng vây Trung Quốc của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á về cơ bản khó lòng siết chặt.
Trước đây, Mỹ từng liệt Triều Tiên vào quốc gia “trục ma quỷ”, Triều Tiên cũng coi phát triển vũ khí hạt nhân là át chủ bài để đạt được nhiều lợi ích hơn nữa. Do đó, từ năm 2000, quan hệ Triều Tiên và Mỹ không có bước phát triển mới.
Vì vậy, với cả Mỹ và Trung Quốc, khu vực Đông Bắc Á về cơ bản là cố định, khó có xu hướng mở rộng.
b. Khu vực Đông Nam Á
Đông Nam Á là khu vực quan trọng trong đầu tư nước ngoài của Mỹ. Lợi nhuận trong đầu tư của Mỹ tại các nước Đông Nam Á cao hơn rất nhiều so với lợi nhuận bình quân hằng năm của các doanh nghiệp Mỹ tại nước ngoài. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á nằm ở tuyến đường quan trọng trong tuyến đường hàng hải quốc tế, tất cả tàu thuyền đi qua Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đều phải đi qua vùng biển Đông Nam Á. Do đó, Washington phải đảm bảo quyền kiểm soát đối với khu vực Đông Nam Á.
Mỹ đã áp dụng 3 biện pháp đối với khu vực Đông Nam Á:
Thứ nhất, duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực tiền duyên, phát huy vai trò lãnh đạo trong an ninh tại khu vực với hậu thuẫn là sức mạnh quân sự .
Thứ hai , thông qua hợp tác phòng vệ dưới nhiều hình thức khác nhau, củng cố và tăng cường sự hiện diện quân sự đối với các quốc gia đồng minh truyền thống, mở rộng hơn nữa quan hệ quân sự với các nước phi đồng minh.
Thứ ba, thiết lập cơ chế an ninh đa phương lấy Mỹ làm trung tâm để bổ sung cho quan hệ song phương giữa Mỹ với các nước đồng minh.
Nhằm "hãm chân" Mỹ tại khu vực này, Trung Quốc cũng đã đưa ra không ít đối sách:
Thứ nhất, phá vỡ thế lưỡng nan an ninh, cao giọng về "môi trường xung quanh hoà bình, ổn định". Tháng 7/2003, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Thương mại và đầu tư ASEAN, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đưa ra lời giải thích rõ hơn về chính sách ngoại giao láng giềng mà Trung Quốc nhất quán theo đuổi, đưa ra chủ trương “mục lân”, "an lân” và “phú lân” (thân thiện với láng giềng, ổn định với láng giềng và cùng làm giàu với láng giềng).
Thứ hai, tìm cách xoá bỏ hiệu ứng bất lợi của "thuyết mối đe doạ Trung Quốc" trên bình diện địa văn hoá. Nói một cách công bằng, trong giai đoạn khủng hoảng tiền tệ tại Châu Á vào năm 1997, việc Trung Quốc khăng khăng giữ giá đồng Nhân dân tệ đã có tác động tích cực, tránh khủng hoảng trong khu vực trở nên tồi tệ hơn.
Kết quả của cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nước Trung – Mỹ tại khu vực Đông Nam Á là trong giai đoạn này, Mỹ không thiết lập quan hệ đồng minh quân sự với các quốc gia mới tại Đông Nam Á. Đồng minh của Mỹ vẫn là Philippines và Thái Lan. Tuy nhiên, Singapore đã trở thành quốc gia gần như đồng minh của Mỹ, Mỹ cũng đồng thời khôi phục quan hệ hữu hảo với các nước trong khu vực như Indonesia, Việt Nam.
Trong khi vòng vây Trung Quốc của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á có xu hướng mở rộng, thì chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ bị giới phê bình trong nước của họ đánh giá là không có hiệu quả rõ rệt.
c. Khu vực Nam Á
Quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực Nam Á là Ấn Độ. Sau chuyến thăm lẫn nhau của Thủ tướng hai nước Trung - Ấn vào năm 1988, quan hệ hai nước đã đi đến bình thường hoá. Đến năm 2005, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược hoà bình và phồn vinh Trung - Ấn, hơn nữa đã xác lập hàng loạt đồng thuận về mở rộng toàn diện hợp tác hữu nghị giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Nhưng song song với đó, quan hệ Ấn - Mỹ cũng phát triển đi vào chiều sâu. Từ năm 2001, quan hệ Mỹ - Ấn nhanh chóng ấm lên. Tháng 3/2005, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Condoleezza Rice chọn Ấn Độ là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm Châu Á. Cũng trong thời gian này, New Delhi công khai tuyên bố Mỹ sẽ giúp Ấn Độ trở thành nước lớn trên thế giới trong thế kỉ XXI.
Tháng 6 năm đó, trong chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Pranab Mukherjee kí văn kiện hợp tác quân sự thu hút sự chú ý của mọi người - Văn kiện khung mới về hợp tác quốc phòng Mỹ - Ấn với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld. Theo văn kiện này, Mỹ dành cho Ấn Độ hàng loạt những ưu đãi của quốc gia gần như đồng minh: cùng sản xuất vũ khí tiên tiến, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng ngự tên lửa, dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kĩ thuật quân sự nhạy cảm đối với Ấn Độ...
Xét ở tầng sâu, Mỹ thân với Ấn Độ hơn Trung Quốc. Ấn Độ có được những ưu đãi của quốc gia gần như đồng minh về vũ khí quân sự; trong khi đó, quan hệ Trung - Ấn lại chưa bước vào lĩnh vực hợp tác quân sự ở tầng sâu. Hơn nữa, quan hệ hữu hảo giữa Mỹ - Ấn được thiết lập trên tiền đề Mỹ giúp đỡ Ấn Độ phòng ngừa Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc không bằng Mỹ trong việc lôi kéo Ấn Độ, thiết tưởng cũng là điều tất yếu.
Một ví dụ rõ rệt nữa cho thấy sự chuyển hướng của 2 nước lớn ở Nam Á là quan hệ với Pakistan - một đồng minh chiến lược truyền thống của Mỹ trong khu vực này. Tranh thủ sự "hờn dỗi" của Pakistan trong vụ Mỹ tự ý tiêu diệt Bin Laden trên lãnh thổ nước này làm bộc phát những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa 2 nước, Trung Quốc đã nhanh tay có hàng loạt động thái thắt chặt thêm quan hệ với quốc gia này thông qua các hoạt động hợp tác, viện trợ.
Theo New York Times, Pakistan là quốc gia có quan hệ chặt chẽ về quân sự với Trung Quốc, hiện có một lượng lớn kỹ sư quân sự Trung Quốc làm việc tại các căn cứ quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan. Các quan chức Pakistan thậm chí còn đồng ý việc Hải quân Trung Quốc đặt căn cứ của mình tại bờ biển Pakistan.
d. Khu vực Trung Á
Thuyết địa chính trị của Mackinder coi Trung Á là trái tim của đại lục Á - Âu: “Ai chiếm được trung tâm đại lục Á - Âu sẽ chỉ huy được quần đảo Thế giới, ai chỉ huy được quần đảo Thế giới sẽ thống trị cả thế giới”.
Mỹ tất nhiên không bỏ qua Trung Á, vùng đất vừa giàu tài nguyên vừa có vị trí chiến lược. Từ năm 1995, Mỹ và NATO lần lượt tổ chức tập trận chung với Ấn Độ. Đồng thời, Mỹ cung cấp gói viện trợ quân sự trực tiếp trên 30 triệu USD cho quân đội 3 nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan.
Sau Sự kiện 11/9, Mỹ nhân cơ hội tấn công Afghanistan, áp dụng nhiều biện pháp đã có được cơ hội đóng quân lâu dài tại Trung Á. Các quốc gia như Kyrgyzstan, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan lần lượt kí thoả thuận mở rộng không phận và cung cấp sân bay quân dụng với Mỹ, tạo không gian cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Á.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng coi Trung Á là khu vực quan trọng cần mở rộng ảnh hưởng. Còn hình thức thực hiện mục tiêu này lại là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (ШОС) do Trung Quốc chủ xướng dưới ngọn cờ bảo vệ an ninh quốc gia thông qua hợp tác chống khủng bố.
Từ kết quả cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nước Trung – Mỹ tại khu vực Trung Á, có thể thấy, Trung Quốc buộc lòng phải thừa nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Á. Trên thực tế, vòng vây quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc đã mở rộng.
Một cách tổng quát, dù liên tiếp có những động thái trên nhiều phương diện, Trung Quốc vẫn chưa thu được kết quả khả dĩ làm hài lòng giới phê bình và thoả mãn tham vọng của cầm quyền trong việc mở rộng ảnh hưởng, ứng phó với vòng vây chiến lược của Mỹ.
4. Nền kinh tế Trung Quốc đang đứng bên bờ sụp đổ
Các nhà kinh tế học Trung Quốc cho hay nền kinh tế Trung Quốc đang đi trên một con đường nguy hiểm và sẽ sớm phải trải qua một cuộc khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng nợ của châu Âu.
Kể từ khi chính phủ Trung Quốc tiến hành triển khai một loạt các chính sách "thắt chặt" nhằm kìm hãm thị trường bất động sản, giá cả nhà ở trong cả nước đều đã và đang giảm đáng kể. Trong khi đó, doanh thu từ việc bán đất – nguồn thu chính của các chính quyền địa phương – cũng đã giảm rõ rệt.
Vào cuối tháng 10, một số doanh nghiệp nhà đất Thượng Hải đã bất ngờ giảm từ 20 đến 40% giá nhà ở trong những khu xây dựng mới. Ngay sau đó, việc giảm giá này cũng lan rộng đến Bắc Kinh, Hàng Châu và Ninh Ba ở tỉnh Chiết Giang và Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô. Những người mới mua nhà gần đây, thấy mình không may mắn vì những đầu tư của họ đột ngột bị mất giá, đã tổ chức kháng nghị đòi trả lại tiền.
Chấm dứt những khoản lợi nhuận khổng lồ
Một nhà phân tích làm việc tại Trung tâm nghiên cứu bất động sản Centaline Trung Quốc ở Thượng Hải đã chia sẻ với tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng: "Việc giảm giá ở Thượng Hải mới chỉ là sự khởi đầu, thời gian tồi tệ nhất sẽ là mùa xuân năm tới." Ông còn cho biết thêm rằng đến thập kỷ tới, thời kì của lợi nhuận khổng lồ của bất động sản sẽ không còn nữa.
Trong những sự kiện khác gần đây, nhà kinh tế học Xie Guozhong đã khẳng định rằng "Nếu Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt này, nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ bị phá sản" và "việc giảm 50% giá trị bất động sản trong tương lai sẽ là một quy chuẩn ở Trung Quốc."
Ông Xie cho biết, lượng dư thừa lớn số nhà ở chưa bán được sẽ chỉ có thể được thị trường tiêu thụ khi giá cả giảm xuống đến mức mà những người mua nhà lần đầu tiên có thể chi trả được, điều đó có nghĩa là sẽ giảm giá đáng kể.
Hạ nhiệt thị trường đất đai
Trên khắp Trung Quốc, việc bán đất của chính phủ cũng đã được hạ nhiệt và do đó, thu nhập của chính quyền địa phương từ việc bán đất đã giảm đột ngột. Thành phố Chu Hải ở tỉnh Quảng Đông là một ví dụ.
Theo tờ Southern Metropolis Daily (Nhật báo Đô thị phương Nam), những dữ liệu do Sở tài chính thành phố Chu Hải đưa ra đã cho thấy rằng phí chuyển nhượng đất đai trong 3 quý đầu tiên của năm nay đã giảm một cách đáng kể. Trước đó, ước tính đạt được 8,8 tỷ nhân dân tệ (1,4 tỷ đô la Mỹ), Sở tài chính đã điều chỉnh xuống còn 5 tỷ nhân dân tệ (788,65 triệu đô la Mỹ) tức là giảm 3 tỷ nhân dân tệ (473,2 triệu đô la Mỹ)
Theo một phân tích khác của tờ báo First Financial Daily, doanh thu từ việc bán đất ở thành phố Chu Hải trong 10 tháng đầu năm 2010 đạt 20,39 tỷ nhân dân tệ (3,22 tỷ đô la Mỹ), chiếm 24% GDP của thành phố và tăng 14 lần so với năm trước. Trái lại, doanh thu đất đai trong 10 tháng đầu năm 2011 chỉ vừa bằng một nửa con số đó.
Ngày 1 tháng 11, thành phố này đã bắt đầu triển khai một hạn chế mới trong việc mua bán và giá cả nhà ở. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chính là ngòi kích hoạt cho một làn sóng giảm giá bất động sản mới.
Khủng hoảng tài chính sắp xảy ra
Ông Cheng Xiaonong, nhà kinh tế học làm việc tại trụ sở ở Hoa Kỳ chia sẻ với thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng giá nhà ở giảm 30% trong một thời gian ngắn chính là dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tài chính sắp tấn công Trung Quốc.
Ông Cheng cho biết: "Khi bong bóng nhà đất nổ tung và những nhà phát triển phá sản, các ngân hàng sẽ phải vật lộn với lãi suất mặc định cao và những món nợ xấu, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính trong cả hệ thống ngân hàng."
Ông Cheng cho hay trong vòng 1 năm tới, Trung Quốc sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Ông nói: "Thực ra thì một cuộc khủng hoảng tài chính đã nổ ra ở Trung Quốc rồi".
Ông Chen Zhifei, giáo sư kinh tế của trường Đại học thành phố New York chia sẻ với Đài truyền hình Tân Đường Nhân rằng việc giảm nhanh chóng cả giá nhà ở và đất đai sẽ dẫn đến doanh thu bán đất của chính quyền địa phương giảm đi rõ rệt và các chính quyền địa phương sẽ bù phần thiếu hụt ấy bằng việc đánh thuế.
Ông Cheng nói rằng việc đánh thuế như vậy sẽ dẫn đến các cuộc biểu tình lớn và bất ổn xã hội như chúng ta đã được chứng kiến gần đây ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang ở miền Đông Trung Quốc nơi diễn ra một cuộc biểu tình lớn chống thuế thu hút sự chú ý của toàn thế giới.
Nhà kinh tế học và cũng là một tác giả, He Qinglian đã nói với tờ Thời báo Đại Kỷ Nguyên rằng bong bóng bất động sản Trung Quốc lẽ ra đã nổ tung từ năm 2008. Nhưng khi đó, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra gói kích cầu giá trị 4 nghìn tỷ nhân dân tệ (630,93 tỷ đô la Mỹ) để cứu lấy nền kinh tế và một nửa số tiền đó dành cho thị trường bất động sản và các lĩnh vực liên quan, nhờ đó đã trì hoãn thời gian nổ tung của bong bóng bất động sản này.
Bà He nói: "Việc bong bóng nổ tung vào thời điểm hiện tại, thiệt hại do nó gây ra và tác động tiêu cực của nó đối với nền kinh tế Trung Quốc làm cho chính quyền Trung Quốc gặp khó khăn hơn nhiều khi giải quyết bây giờ."
Bà He cho hay vụ nổ bong bóng này cũng đem đến cho nền kinh tế Trung Quốc một cơ hội để điều chỉnh cơ cấu kinh tế và các chính quyền địa phương nên thắt lưng buộc bụng kể từ khi doanh thu bán đất giảm sút.
Bà nói thêm "tuy nhiên, họ sẽ tăng thuế để tăng thu nhập của họ, và nền kinh tế Trung Quốc do đó sẽ chẳng bao giờ đi đúng đường".
Bà He nói rằng sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc chỉ là một sự thịnh vượng giả tạo với cái giá phải trả là sự hủy hoại môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Là công xưởng của thế giới, Trung Quôc không hề có những sản phẩm mang nhãn hiệu của riêng mình. Thêm vào đó, Trung Quốc lại phụ thuộc nặng nề vào các mặt hàng xuất khẩu phục vụ cho nhu cầu năng lượng và có rất ít tài nguyên thiên nhiên để có thể xuất khẩu ngoại trừ những kim loại đất hiếm. Hơn nữa, với dân số nông dân đông nhất trên thế giới, Trung Quốc lại không thể duy trì tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực.
Về một số ý kiến của các nhà kinh tế cho rằng thị trường bất động sản sụp đổ sẽ dẫn đến nền kinh tế Trung Quốc "hạ cánh bắt buộc", bà He cho biết: "Nền kinh tế Trung Quốc chưa bao giờ cất cánh, do đó sẽ chẳng có chuyện gì gọi là hạ cánh cả. Quả thật vậy, nền kinh tế Trung Quốc giống như một con tàu siêu tốc không thể điều khiển được nữa và nó có thể trật bánh bất cứ lúc nào".

(Theo The Epoch Times)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.