Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2009

Kỷ nguyên dầu giá rẻ sắp chấm dứt


Theo báo cáo tổng quan năng lượng quốc tế (IEO) do Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ công bố mới đây, sản lượng dầu mỏ thế giới sẽ sụt giảm mạnh và tình trạng phụ thuộc vào những loại nhiên liệu không thông thường như cát dầu, đá dầu và nhiên liệu sinh học ngày càng tăng.
Đây là lần đầu tiên EIA đồng ý với các chuyên gia về việc kỷ nguyên dầu giá rẻ sắp tới hồi kết thúc sau một thời gian dài tranh cãi.
Điều này thế hiện trong báo cáo năm 2009 khi cơ quan này hạ mức dự báo sản lượng dầu vào năm 2030 giảm 14,1 triệu thùng xuống còn 93,1 triệu thùng/ngày, đồng thời cảnh báo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của châu Á và Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Trước đó, trong báo cáo năm 2007, tổ chức trên dự báo sản lượng dầu thông thường toàn cầu đạt 107,2 triệu thùng/ngày vào năm 2030, tăng mạnh so với 81,5 triệu thùng/ngày năm 2006.
Các nhà phân tích của EIA cho rằng nguồn cung nhiên liệu toàn cầu sẽ không thể theo kịp tốc độ gia tăng nhu cầu trên thế giới. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ trong năm 2009 hoặc đầu năm 2010 sẽ trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ vượt cung, khiến giá dầu lại leo thang và có nguy cơ gây bất ổn kinh tế toàn cầu.
Để có viễn cảnh lạc quan hơn, cần có sự gia tăng mạnh mẽ của nguồn nhiên liệu phi thông thường như cát dầu Canada, dầu nặng Venezuela, đá dầu, các nhiên liệu lỏng chiết xuất từ than đá (CTL) và nhiên liệu sinh học.
Hiện các loại nhiên liệu này chỉ chiếm 4% nguồn cung nhiên liệu lỏng của thế giới, nhưng có thể đạt kỳ vọng khoảng 13% vào năm 2030. Báo cáo của IEO, sản xuất nhiên liệu lỏng từ các nhiên liệu liệu phi thông thường có thể đạt 13,4 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2030.
Tuy nhiên, để đạt được mức độ này, cần xây dựng các ngành công nghiệp mới với mức đầu tư hàng nghìn tỷ USD. Bênh cạnh đó là những tranh cãi về vấn đề môi trường.
Việc tăng sản xuất nhiên liệu từ cát dầu Canada, dầu nặng Venezuela hay hay đá dầu sẽ thải ra một lượng lớn CO2. Còn việc gia tăng sản xuất nhiên liệu sinh học sẽ làm thay đổi mục đích sử dụng một diện tích rộng lớn đất trồng trọt từ canh tác lương thực cơ bản sang sản xuất nhiên liệu.
Giá dầu tăng sẽ khuyến khích nông dân trồng nhiều ngô và các loại hoa màu khác để chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học, khiến giá lương thực tăng, gây khó khăn cho người nghèo và nhiều khả năng dẫn đến rối loạn xã hội và nạn đói quy mô lớn.
Theo báo cáo, tương quan năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt giữa các cường quốc.
Trung Quốc sẽ thay Mỹ trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ số một thế giới vào năm 2010 đến năm 2014. Như vậy, nước Mỹ sẽ đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của Trung Quốc nhằm đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho nhu cầu quốc gia. Sẽ có một cuộc cạnh tranh chính trị giữa hai nước với nhưng quốc gia có nhiều dầu.
Là nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong chính sách năng lượng quốc tế và giá cả. Vai trò của Mỹ sẽ giảm. Không khó để nhận ra những nhà sản xuất dầu lớn ở Trung Đông và châu Phi sẽ có mối quan hệ chính chị thắt chặt hơn vơi Trung Quốc.
Trung Quốc cũng có thể duy trì cả mối quan hệ với những quốc gia như Sudan và Iran dù có những bất đồng về chính sách ngoại giao với Mỹ.
Tình hình năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng và có khả năng dẫn tới cuộc canh tranh về quền lực, nguy cơ kinh tế, tăng đói nghèo và bạo động, vấn đề mội trường và cung năng lượng giảm mạnh. Dù có nhiều điều không thể đoán trước nhưng có những điều hiển nhiên thấy rõ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.