Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Nouriel Roubini: Vị thế USD lung lay, kinh tế thế giới khó khăn thêm 2 năm


Giáo sư kinh tế học này là người đã dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính trước gần 2 năm. Ông từng được coi là “điên rồ”, nhưng cuối cùng mọi dự báo đã thành hiện thực.
Ngành ngân hàng thế giới cần thêm 3 nghìn tỷ USD
Trung Quốc và Brazil hợp tác “hạ bệ” đồng USD
Trung Quốc còn phải cố gắng nhiều nếu muốn “hạ bệ” USD
USD và yên được dự báo tiếp tục trượt giá
Kinh tế thế giới sẽ khó khăn thêm 2 năm
Ông Nouriel Roubini nhận xét Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đánh giá thấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, trong khi đó FED đã hành động quyết liệt hơn.
Dù vậy ông cho rằng Mỹ không thể dựa vào sự hồi phục kinh tế để có tiền cho các kế hoạch tài chính của nước này. Kinh tế thế giới sẽ vẫn khó khăn thêm 2 năm nữa. Ông dự đoán kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 1% vào năm 2010 trong khi đó kinh tế Nhật và châu Âu vẫn trì trệ.
Ông dự đoán: “Sự hồi phục sẽ ở mức yếu, nhiều người đang lạc quan quá đà, nền kinh tế các nước phát triển sẽ tăng trưởng hết sức chậm chạp sau khi suy thoái kinh tế qua đi.”
Lo cho vị thế của đồng USD
Chuyên gia kinh tế học Nouriel Roubini, người đã từng dự báo chính xác về khủng hoảng tài chính, cho rằng tầm ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi trên thế giới sẽ ngày một lớn và cuối cùng có thể góp phần chấm dứt sự thống trị của USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Trong hội nghị về triển vọng đầu tư tại New York, ông cho rằng sự đi lên của các nền kinh tế mới nổi đánh dấu thay đổi căn bản và dự báo kinh tế Trung Quốc cuối cùng sẽ có quy mô mở rộng hơn kinh tế Mỹ.
Ông nhận xét Trung Quốc và nhiều nước mới nổi lớn khác như Nga và Brazil hiện nay nằm trong nhóm chủ nợ lớn nhất của Mỹ và khi các nước này mạnh lên, họ sẽ giảm sự quan tâm đến nhu cầu tài chính ngày một lớn từ phía Mỹ để bù cho ngân sách và thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này.
Ông dự báo quá trình thoát khỏi ảnh hưởng của USD không thể diễn ra trong một sớm một chiều, đây là quá trình kéo dài trong nhiều năm: “Việc các đồng tiền dự trữ lớn suy giảm sẽ không diễn ra chỉ trong một sớm một chiều. Đây là một quá trình kéo dài nhiều thập kỷ. Thế kỷ này có thể là thế kỷ của châu Á hay Trung Quốc, nhưng để quá trình trên diễn ra sẽ mất khoảng thời gian lâu dài.”
Ở thời điểm hiện tại, theo ông, Trung Quốc và những nước nắm lượng tài sản lớn bằng USD không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tích trữ loại tài sản này. Nếu không làm như vậy, họ sẽ gặp nhiều áp lực đồng nội tệ tăng giá và xuất khẩu giảm.
Những nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc (BRIC) hiện đang nhóm họp tại Nga đã kêu gọi thành lập hệ thống tiền tệ đa dạng, ổn định.
Dù họ không trực tiếp nói đến USD hay một loại siêu tiền tệ nào, quan chức Trung Quốc và Nga những tháng gần đây đã đặt câu hỏi về khả năng của USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Nhóm nước BRIC tăng dự trữ ngoại hối thêm 60 tỷ USD trong tháng 5/2009 và tích trữ USD với tốc độ nhanh nhất từ trước khi thị trường tín dụng đóng băng vào tháng 9/2008.
Bi quan về kinh tế Đông Âu
Ông Roubini nhận xét một số nền kinh tế các nước mới nổi đang tăng trưởng tốt hơn các nền kinh tế khác, ông viện dẫn đến kinh tế Mehicô, Phần Lan và Colombia có khả năng chống chọi với khủng hoảng tài chính khá tốt.
Kinh tế các nước Đông Âu không được thuận lợi như vậy. Quỹ tiền tệ quốc tế đã buộc phải hỗ trợ rất nhiều cho Hungary, Ukraina, Rumani và Latvia.
Kinh tế Latvia có thể suy giảm tới 20% trong năm 2009.
Chính phủ Latvia đã không muốn hạ giá đồng nội tệ bởi số nợ bằng ngoại tệ quá lớn và việc các ngân hàng Thuỵ Điển đang có quá nhiều liên quan đến kinh tế nước này.
Ông cho rằng việc hạ giá đồng nội tệ Latvia lúc này là không thể tránh khỏi bởi nếu không làm như vậy, kinh tế sẽ tiếp tục suy giảm, tình hình nợ sẽ còn khó khăn hơn.
Để ngăn đồng nội tệ trượt giá đến ngoài tầm kiểm soát, ông Roubini tin rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu nên cân nhắc áp dụng việc sử dụng đồng euro tại các nước thuộc khu vực này.
Nouriel Roubini – người đã dự báo sớm về khủng hoảng
Ngày 07/09/2006, tại cuộc tranh luận tổ chức ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế Đại học New York thông báo một cuộc khủng hoảng đang âm ỉ, với nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản. Các chủ nhà không đủ khả năng trả nợ ngân hàng, hàng tỷ đô la cổ phiếu gắn với tín dụng cầm cố sẽ rớt giá và hệ thống tài chính thế giới sẽ tê liệt.
Khi nghe điều này, nhiều người cảm thấy nghi ngờ, thậm chí còn mỉa mai Roubini, người nổi tiếng là hay bi quan. Thực tế là vào thời điểm đó, thất nghiệp và lạm phát ở mức chấp nhận được; nền kinh tế vẫn tăng trưởng dù yếu đi, bất chấp giá dầu tăng vọt và thị trường bất động sản giảm sức mua. Khi đáp trả thuyết trình của Roubini, nhà kinh tế Anirvan Banerji lưu ý rằng những dự báo của ông chẳng dựa trên một mô hình toán học nào cả.
Chẳng bao lâu, thực tế cho thấy Roubini có lý. Ngay từ năm sau đó, các ngân hàng cho vay tín dụng dưới chuẩn (subprimes) bắt đầu phá sản, các quỹ đầu cơ bắt đầu tụt dốc và thị trường cổ phiếu chao đảo. Thất nghiệp gia tăng, đồng đô la mất giá. Những triệu chứng của một cơn khủng hoảng bất động sản được khẳng định.
Và khi khủng hoảng tín dụng trở nên trầm trọng hơn, sự hoảng loạn gây chấn động các thị trường tài chính. Vào cuối mùa hè, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tay cứu giúp các định chế tài chính qua hàng loạt can thiệp không chính thống vào nền kinh tế, bằng cách giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất cơ bản và mua lại hàng chục tỷ đô la chứng khoán gắn với các khoản nợ bất động sản.
Trở lại IMF vào tháng 9/2007, Roubini dự báo một cuộc khủng hoảng khả năng thanh khoản đang lây nhiễm tất cả các lĩnh vực của hệ thống tài chính. Lần này, chẳng ai cười cợt ông cả. “Năm 2006, ông bị xem là thằng điên. Năm 2007, ông trở thành nhà tiên tri”, nhà kinh tế Parkash Loungani của IMF từng mời Roubini tham dự hai hội nghị nhớ lại. Tháng 2-2007, vào lúc mọi người cho rằng những công ty đầu tư đáng kính của Wall Street sẽ chống chọi được khủng hoảng, Roubini dự báo rằng một hoặc nhiều công ty trong số đó sẽ bị phá sản. Sáu tuần sau, ngân hàng Bear Stearns sụp đổ.
Khi nhiều nhà kinh tế hoan hỉ đón chào sự hồi phục kinh tế sau hàng loạt biện pháp quan trọng được Fed đưa ra vào đầu năm, Roubini cho rằng đó là biểu hiện của “thái độ tự mãn điên rồ” được khuyến khích bởi “một nhóm người đưa tin hành động vì lợi ích của riêng mình”. Tất cả những dự đoán của Roubini không xảy ra (và có thể sẽ không bao giờ xảy ra), nhưng vụ phá sản của Ngân hàng AndyMac vào tháng 7-2008 đã khiến dư luận chú ý đến linh cảm của vị giáo sư kinh tế nổi tiếng này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.